Phân tích hành vi cán bộ từ lý thuyết "vòng xoắn của sự im lặng" và khuyến nghị chính sách

Qua phân tích hiện tượng một số cán bộ rời bỏ cơ quan nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công thấp và thiếu thuốc, trang thiết bị y tế ở Việt Nam, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh thời gian gần đây, bài viết phân tích vấn đề “rời bỏ”, “thận trọng” và “không dám hành động” của một số cán bộ và tác động tiêu cực của nó đến kinh tế, chính trị, xã hội địa phương.

Luận giải từ lý thuyết “vòng xoắn của sự im lặng” cho thấy nguyên nhân của những hiện tượng đó là tâm lý e dè, sợ sai và sợ bị cô lập của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Từ đó, bài viết khuyến nghị các giải pháp xây dựng chính sách bảo vệ cán bộ, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung.

Ảnh minh họa - quochoi.vn

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”(1). Đây là những yêu cầu thiết thực đối với cán bộ của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Tuy nhiên, thời gian gần đây, xuất hiện hiện tượng trì trệ, né tránh trách nhiệm, e dè, sợ sai, thiếu quyết liệt trong thực thi nhiệm vụ của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý. Điều đó đã và đang “gióng lên hồi chuông cảnh báo” về hiệu lực, hiệu quả thực thi quyền lực và chính sách cán bộ trong tình hình mới.

1. Hành vi “rời bỏ”, “thận trọng” và “không dám hành động” ở cán bộ, công chức, viên chức nhìn từ lý thuyết “Vòng xoắn của sự im lặng”

Năm 1946, nhà xã hội học người Đức Elisabeth Noelle Neumann (1916- 2010) giới thiệu lý thuyết “vòng xoắn của sự im lặng” (Sprial of silence). Lý thuyết này giải thích con người thay đổi quan điểm hoặc rơi vào sự im lặng vì để trở nên hài hòa với ý kiến số đông và tránh trở nên bị cô lập. Neumann giải thích hiện tượng này dựa vào 3 giả định: (1) Con người có khả năng tự thống kê, cho phép biết quan điểm nào đang giữ vị trí ưu trội; (2) Con người luôn sợ bị cô lập và biết những hành vi nào dẫn tới bị cô lập; (3) Trên cả nỗi sợ sai, con người có xu hướng không dám bộc lộ quan điểm của mình vì sợ bị cô lập(2).

Vận dụng lý thuyết “vòng xoắn của sự im lặng” của Neumann có thể giải thích được nhiều hiện tượng trong đời sống xã hội nói chung, trong đời sống chính trị - xã hội nói riêng. Dưới đây là một vài hiện tượng điển hình:

Thứ nhất, hiện tượng rời bỏ khu vực nhà nước của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, từ ngày 01-01-2020 đến 30-6-2022, số cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, chiếm 1,94% tổng số biên chế được giao; đặc biệt trong ngành giáo dục và đào tạo, có 16.427 người; y tế là 12.198 người(3). Tại Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, có gần 6.200 cán bộ, viên chức nghỉ việc (mức cao nhất trong 7 năm gần đây), trong đó có 676 cán bộ, công chức ở cấp tỉnh; 5.500 viên chức ở khối đơn vị sự nghiệp, hơn 2.430 người thuộc khối giáo dục, 2.145 người trong lĩnh vực y tế(4).

Thứ hai, giải ngân vốn đầu tư công thấp. Năm 2021, tỷ lệ giải ngân đầu tư công ở Việt Nam là 78,08%, năm 2022 là 80,63% (539.276,51 tỷ đồng) so với kế hoạch(5). Từ năm 2020, xuất hiện hiện tượng trả lại vốn đầu tư công, năm 2020 trên 14 nghìn tỷ đồng, năm 2021 trên 20 nghìn tỷ đồng(6). Từ đầu năm đến tháng 8-2022, có tới 17 bộ, địa phương xin trả lại 6.872 tỷ đồng vốn đầu tư công(7). Cũng trong năm này, một số bộ, ngành trung ương và địa phương xin giảm, điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công(8). Riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2022 được giao 544 nghìn tỷ đồng, nhưng đến 31-01-2023 mới giải ngân được 71,3% (26.636 tỷ đồng)(9); có 11 đơn vị giải ngân vốn đầu tư công là 0%(10).

Thứ ba, hiện tượng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế trên diện rộng. Trong cuộc họp khẩn về tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế giữa Bộ Y tế với sở y tế các địa phương tháng 6-2022, Bộ Y tế cho biết có 28/34 sở y tế các tỉnh thành, 12/21 các bệnh viện tuyến trung ương có tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư, y tế(11), trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh(12).

Ba hiện tượng trên xuất hiện từ năm 2020 trở lại đây đang cảnh báo một tình trạng ngầm trong hệ thống các cơ quan nhà nước, đó là sự im lặng, với các biểu hiện căn bản của nó:

(1) “Rời bỏ” - là biểu hiện cao nhất, dễ nhận thấy nhất của sự im lặng. Khi lựa chọn sự rời bỏ, biểu thị một quá trình đấu tranh âm thầm nhưng cao độ trước đó của các chủ thể, sự đấu tranh ấy cuối cùng lựa chọn “im lặng” - sự từ bỏ, không quan tâm. Hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức và đặc biệt là nhân lực có năng lực, trình độ cao rời bỏ khỏi khu vực nhà nước (vốn được coi là khu vực hấp dẫn vì đại diện cho nguồn lực lớn nhất của xã hội) cho thấy có hiện tượng chảy máu chất xám trong khu vực này, là sự phản ánh về bất ổn trong chính sách cán bộ nói riêng, môi trường làm việc ở khu vực nhà nước nói chung;

(2) “Sự thận trọng” - biểu hiện né tránh rủi ro trong im lặng. Các hành vi liên quan đến nguồn lực công, như các quyết định đầu tư công, đều trở nên được cân nhắc kỹ càng. Đằng sau của sự cân nhắc ấy chính là sự tính toán về mức độ rủi ro của quá trình thực thi chính sách. Sự cân nhắc ấy làm giảm bớt các rủi ro cho các chủ thể quyết định (theo nhận thức của họ), nhưng cũng làm chậm lại các tiến trình xã hội khác;

(3) “Không dám hành động” - sự tự vệ trong im lặng. Biểu hiện này diễn ra một cách âm thầm, nhưng đem lại hiệu ứng tương đối lớn trong đời sống xã hội. Không dám hành động, cảnh báo của sự sợ hãi từ bên trong của chủ thể hành động. Hiện tượng thiếu thuốc và vật tư y tế trong thời gian gần đây ở Việt Nam cho thấy tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, không dám làm, không dám mua sắm ở một số địa phương và đơn vị(13). Sự dè dặt trong hành vi ấy báo hiệu vấn đề về sự lo sợ, dẫn đến tình trạng chờ đợi, đùn đẩy trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức. Tình trạng “không dám hành động” phản ánh một áp lực vô hình đang tồn tại trong môi trường làm việc và đặt nặng lên sự lựa chọn hành vi của cán bộ, công chức, viên chức trong khu vực nhà nước hiện nay.

Sự nỗ lực, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt của người lãnh đạo, quản lý là động lực cho sự đột phá, sáng tạo, phát triển. Tuy nhiên, những hiện tượng về sự im lặng biểu hiện trong hành vi “rời bỏ”, “thận trọng” và “không dám hành động” của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ở Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng là một trong số những nguyên nhân làm suy giảm sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương và cả nước.

Ở khía cạnh kinh tế, các báo cáo ghi nhận sự tăng trưởng chậm trong kinh tế của Việt Nam và đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh thời gian gần đây. Quý I năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh có mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, xếp hạng 56/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, đạt 0,7% so với cùng kỳ năm 2022(14).

Có nhiều nguyên nhân lý giải cho sự tăng trưởng kinh tế chậm ở Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có một nguyên nhân không thể không nhắc đến, đó là “sự trì trệ của hệ thống hành chính là một nguyên nhân quan trọng”(15), “có tình trạng lo ngại về thực hiện công vụ của một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức”(16). Sự “trì trệ” và “lo ngại” đó chính là biểu hiện của sự “thận trọng”, “không dám hành động” của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

Trên phương diện chính trị, sự “rời bỏ”, “thận trọng” và “không dám hành động” của cán bộ, công chức, viên chức đẩy hệ thống vào tình thế khó khăn cục bộ. Trên thực tế, Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với bài toán thiếu hụt nhân lực trong các lĩnh vực cơ bản như y tế, giáo dục, đặc biệt là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao do hiện tượng “chảy máu chất xám” vì cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm rời bỏ khu vực nhà nước(17). Thêm vào đó, sự thiếu ổn định nhân sự trong tổ chức cũng là vấn đề Thành phố đang phải giải quyết. Hiện tượng công việc nhiều, nhưng hệ thống hành chính nhà nước có biểu hiện trì trệ, có thể kéo theo bầu không khí lao động thiếu động lực trong hệ thống, gia tăng áp lực xã hội và suy giảm niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước.

Trên lĩnh vực xã hội, sự im lặng của cán bộ, công chức, viên chức tạo dư luận tiêu cực về bản lĩnh, trách nhiệm của cán bộ, công chức và môi trường làm việc trong khu vực nhà nước. Sự im lặng trong công việc biểu hiện ở sự ỷ lại, chờ đợi cấp trên, hành vi đối phó, đùn đẩy trách nhiệm... dẫn đến kết quả thực hiện nhiệm vụ không cao, nguồn lực bị lãng phí, người dân không được phục vụ tốt (đặc biệt liên quan đến những dịch vụ công cơ bản như y tế, giáo dục; xuất hiện hiện tượng người bệnh không được điều trị do thiếu thuốc hoặc vật tư y tế, trường học thiếu giáo viên, v.v.) gây tâm lý bất an, lo lắng trong nhân dân.

2. Nguyên nhân của hành vi “rời bỏ”, “thận trọng” và “không dám hành động” của cán bộ, công chức, viên chức

Bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, áp lực phát triển là những vấn đề hữu hình đang đặt dân tộc Việt Nam đứng trước thời cơ, vận hội cùng với những khó khăn, thách thức lớn lao. Để có thể dẫn dắt đất nước thực hiện được mục tiêu “đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”(18) và “phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(19), đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

Tuy nhiên, công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Việt Nam những năm qua đã cho thấy sự suy thoái lý tưởng, lập trường chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược. Trong 10 năm (2012-2022), đã có 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (4 ủy viên/ nguyên ủy viên Bộ Chính trị; 36 ủy viên/nguyên ủy viên Trung ương, hơn 50 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang) bị xử lý kỷ luật(20).

Công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng thu được nhiều kết quả. Nhiệm kỳ 2010-2015, có 1.056 tổ chức đảng, 2.207 đảng viên bị kiểm tra vì có dấu hiệu vi phạm kỷ luật đảng, con số này là 1.688 tổ chức (tăng 16%) và 2.750 đảng viên (tăng 12.5%) trong nhiệm kỳ 2015-2020. Nhiệm kỳ 2015- 2020, đã xem xét, thi hành kỷ luật đảng với 40 tổ chức đảng (tăng 36 tổ chức đảng so với nhiệm kỳ 2010-2015); 2.081 đảng viên, trong đó có 5 đồng chí thành ủy viên và 69 đảng viên diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý(21).

Hiện tượng “rời bỏ”, “thận trọng” và “không dám hành động” chính là một chiều kích phản ánh tác động của quá trình đấu tranh với cái sai trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng và Nhà nước trong những năm vừa qua.

Tâm lý bất an, sợ sai, sợ áp lực của cán bộ khu vực nhà nước có cả nỗi sợ hữu hình và nỗi sợ vô hình. Nỗi sợ hữu hình tạo thành động cơ trực tiếp của sự “rời bỏ”, “thận trọng” hay “không dám hành động” là các áp lực đối với cán bộ, công chức, viên chức, bao gồm: (1) áp lực thực thi công vụ trong điều kiện phải tuân thủ quá nhiều chính sách, pháp luật, quy định; trong khi còn nhiều quy định, quy tắc, chính sách, pháp luật chưa cụ thể, còn chồng chéo, mâu thuẫn nhau; (2) áp lực công việc và đòi hỏi từ phía xã hội ngày càng cao. Tình trạng quá tải công việc ở các cơ sở y tế, giáo dục hay cấp chính quyền cơ sở ngày càng trở nên phổ biến; nhu cầu ngày càng cao của người dân với chất lượng dịch vụ công cũng tạo áp lực lớn lên hệ thống; (3) áp lực từ đời sống cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức. Thu nhập thấp và còn tình trạng cào bằng chưa tạo động lực cho cán bộ làm việc. Mặc dù đã có những điều chỉnh, nhưng chính sách tiền lương, phụ cấp cho người lao động khu vực nhà nước còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu cuộc sống của họ(22). Bên cạnh áp lực hữu hình, sự gia tăng đáng kể số tổ chức đảng, đảng viên bị xử lý kỷ luật trên cả nước, đặc biệt ở Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm gần đây đã tạo áp lực vô hình đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Bối cảnh được cho là “sờ đâu cũng thấy có chuyện”, “sờ đâu cũng thấy có sai phạm”(23), v.v. tạo ra sự ám ảnh vô hình về sự rủi ro trong công việc của cán bộ, công chức, viên chức.

Theo lý thuyết “vòng xoắn của sự im lặng”, vượt lên trên cả nỗi sợ sai, đó là sợ “bị cô lập”. Sợ bị cô lập thể hiện khả năng tự đánh giá ý kiến của mình có xu hướng đơn độc trong đám đông hoặc trước một lực lượng áp đảo, con người sẽ không dám bày tỏ ý kiến đó, dẫn đến sự im lặng. Sự im lặng biểu hiện qua hành vi “rời bỏ”, “thận trọng”, “không dám hành động” bộc lộ xu hướng bị cô lập của cán bộ, công chức, viên chức. Sự cô lập đó thể hiện trong các khía cạnh sau:

(1) Đột phá, sáng tạo, dám đổi mới là hành động xu hướng đi ngược lại sự đồng thuận của đa số. Trước áp lực của phát triển, đòi hỏi con người phải đổi mới, sáng tạo, đột phá. Theo quy luật của sự sáng tạo, mọi sự sáng tạo đều phản ánh sự vượt trước, trong khi các thể chế quy định lại giải quyết những tồn tại đang có và được sự đồng thuận thông qua của số đông. Nếu cán bộ, công chức, viên chức dám năng động, sáng tạo, vượt trước, có thể vi phạm các quy định đang tồn tại, tức là đi ngược lại quan điểm của đa số. 

(2) Nhìn từ chiều cạnh hệ thống, các quy tắc, quy định khi đứng độc lập có thể đúng, nhưng khi phối hợp nhiều quy định, thể chế, quy tắc với nhau để giải quyết nhiều hiện tượng xã hội trong một hệ thống, các thể chế đó có thể chồng chéo nhau, mâu thuẫn, loại trừ nhau. Hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam hiện tại là một minh chứng cụ thể. Trong tình huống đó, người cán bộ, công chức, viên chức thực thi chính sách, pháp luật muốn giải quyết tốt vấn đề thực tế, có thể vi phạm chính sách, pháp luật đang được thi hành và đã được số đông đồng thuận, họ rơi vào sự cô lập.

(3) Công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiện nay đã đạt được nhiều thành tựu. Một mặt, làm tăng niềm tin của người dân đối với sự quyết tâm làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước, mặt khác, tạo ra tâm lý phòng ngừa, thiếu tin tưởng với hệ thống đang vận hành, hiện tượng “nhìn đâu cũng thấy sai phạm” là một minh chứng. Tâm lý này khiến người dân trở nên xét nét, cảnh giác đối với cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ, khiến họ rơi vào thế bị cô lập trong sự giám sát chặt chẽ của người dân.

(4) Hiện tại, chưa có thể chế nào đủ mạnh để bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sáng tạo. Đó là sự đơn độc của cán bộ, công chức, viên chức trước áp lực của sự phát triển và bối cảnh của công cuộc làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước.

3. Khuyến nghị chính sách góp phần bảo vệ cán bộ khỏi “vòng xoắn của sự im lặng”

Áp lực phát triển đòi hỏi sự sáng tạo, đổi mới, đột phá. Nhưng để sáng tạo, đổi mới, đột phá, cán bộ, công chức, viên chức phải vượt qua được “Vòng xoắn của sự im lặng” hay họ phải được bảo vệ khỏi nỗi sợ và sự cô lập. Vai trò của thể chế, chính sách bảo vệ cán bộ trong bối cảnh hiện nay là hết sức quan trọng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, để cách mạng thành công, “phải trọng nhân tài, trọng cán bộ”(24), “phải giữ gìn cán bộ”(25), “muốn cho cán bộ làm được việc, phải khiến cho họ yên tâm làm việc, vui thú làm việc, muốn như thế... phải khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”(26), “khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc”(27), “người lãnh đạo phải tôn trọng lòng tự tin, tự trọng của các đồng chí mình”(28) và “Đảng phải yêu thương cán bộ... Thương yêu là giúp họ học tập, tiến bộ thêm. Là giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn sinh hoạt... Hễ thấy khuyết điểm thì giúp cho họ sửa chữa ngay, để vun trồng cái thói có gan phụ trách, cả gan làm việc của họ. Đồng thời phải nêu rõ những ưu điểm, những thành công của họ”(29).

Công tác cán bộ luôn được Đảng coi là công việc then chốt, bảo vệ cán bộ được quan tâm đặc biệt. Kết luận 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung thể hiện rõ quan điểm của Đảng về bảo vệ cán bộ. Luật Công chức năm 2008 cũng ghi rõ: “cán bộ, công chức được pháp luật bảo vệ khi thi hành công vụ”. Tuy nhiên, việc cụ thể hóa chủ trương về bảo vệ cán bộ của Đảng vẫn còn nhiều hạn chế, chủ trương bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung chưa được thể chế hóa trong luật pháp, chính sách của Nhà nước hoặc đưa vào thành nội dung thường xuyên trong công tác cán bộ.

Việc tuyên truyền, cổ vũ, nâng cao nhận thức cho cán bộ về bản chất của công cuộc phòng, chống tham nhũng chính là bảo vệ cán bộ; cải cách chính sách thu nhập, xây dựng môi trường làm việc công bằng, linh hoạt, sáng tạo... là rất cần thiết. Bên cạnh đó, để khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung thì chính sách bảo vệ cán bộ là hết sức cần thiết. Để cán bộ vượt qua được rào cản của “vòng xoắn của sự im lặng”, chính sách bảo vệ cán bộ cần thực hiện đồng bộ những giải pháp sau:

Một là, rà soát và chuẩn hóa toàn bộ hệ thống chính sách trong các ngành, các lĩnh vực, tránh chồng chéo, trùng lặp. Đây là rào cản trong quá trình thực thi chính sách của cán bộ, công chức, viên chức. Giải quyết điểm nghẽn chính sách này giúp cán bộ, công chức, viên chức có điểm tựa an toàn về thể chế trong quá trình thực thi công vụ.

Hai là, lồng ghép chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo trong công tác cán bộ. Tất cả các quá trình của công tác cán bộ: tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm... đều phải lồng ghép nội dung khuyến khích cán bộ có năng lực, năng động, sáng tạo, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung.

Ba là, xây dựng hệ thống chính sách bảo vệ cán bộ, trong đó chú trọng khuyến khích cán bộ dấn thân, sáng tạo xử lý các tình huống thực tiễn mà chính sách hiện hành bị vượt qua. Bên cạnh việc khen thưởng xứng đáng với kết quả của sự năng động, sáng tạo, là những chính sách bảo vệ, trợ giúp nếu sự năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ gặp khó khăn, thách thức, chưa đạt hiệu quả hoặc thất bại.

Bốn là, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng chủ trương, chính sách bảo vệ cán bộ để lũng đoạn quyền lực, đi ngược lại với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lợi ích của nhân dân.

Bảo vệ cán bộ là một công việc quan trọng, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, để công việc này đạt được mục tiêu bảo vệ đúng cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung, loại trừ được những cán bộ lợi dụng chính sách để lũng đoạn quyền lực, cần phải hết sức cẩn trọng. Việc thí điểm thực hiện chính sách và rút kinh nghiệm trong thực tiễn là cần thiết. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có bối cảnh phù hợp và cần đột phá trong vấn đề này. Việc thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách, cơ chế bảo vệ cán bộ ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là một trong những vấn đề rất cần được đặc biệt quan tâm và ưu tiên thực hiện.

ThS Nguyễn Yến Nhi - ThS Nguyễn Thành Trung

Học viện Chính trị Khu vực IV

 

(1), (18), (9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.187, 217, 218.

(2) Elisabeth Noelle Neumann: The Spiral of Silence: Public opinion our social skin, The University of Chicago Press Chicago and London, 1984.

(3) Thanh Tuấn: Công chức, viên chức nghỉ việc: Cần phải nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, bất cập, https://moha.gov.vn, ngày 23-12-2022.

(4) Thu Hằng: Gần 6.200 cán bộ, viên chức Thành phố Hồ Chí Minh nghỉ việc trong 2 năm qua, https://vnexpress.net, ngày 12-8-2022.

(5) Báo điện tử ĐCSVN: Các bộ, ngành, địa phương không được trả lại kế hoạch vốn đầu tư công, https://dangcongsan.vn, ngày 30-3-2023.

(6), (8) Báo Đấu thầu: Hiện tượng nhiều bộ, ngành, địa phương trả lại kế hoạch vốn đầu tư công: Không thể cứ khó tiêu là xin trả, https://baodauthau.vn, ngày 13-12-2022.

(7) L.Thanh: 17 bộ, địa phương xin trả lại hơn 6.800 tỷ vốn đầu tư công, https://tuoitre.vn, ngày 01-10-2022. 

(9) Ngọc An: Thành phố Hồ Chí Minh xem xét trách nhiệm người đứng đầu giải ngân vốn đầu tư công chậm, https://tuoitre.vn, ngày 01-10-2022.

(10) Vũ Phong: Năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh có 11 đơn vị giải ngân vốn đầu tư công đạt 0%, https://tphcm.chinhphu.vn, ngày 17-02-2023.

(11) Dương Liễu: 40 bệnh viện, sở y tế trên cả nước báo cáo thiếu thuốc, https://tuoitre.vn, 29-06-2022. 

(12) Vũ Phong: Vì sao Thành phố Hồ Chí Minh thiếu thuốc, trang thiết bị y tế?, https://tphcm.chinhphu.vn, ngày 02-3-2023.

(3) Kiên Trung: Khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, tất cả vì sức khoẻ, tính mạng của người dân, https://hcmcpv.org.vn, ngày 23-6-2022.

(14) Tổng cục Thống kê: Tăng trưởng kinh tế quý I năm 2023 của 5 thành phố trực thuộc Trung ương, https://www.gso.gov.vn, ngày 30-3-2023

(15), (16) Nhã Mi: Lý giải việc Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng kinh tế quý 1/2023 chỉ 0,7%, https://cafef.vn, ngày 16-04-2023.

(17) Minh Tuấn: Thành phố Hồ Chí Minh: Giải bài toán thiếu hụt nhân lực y tế, https://laodongthudo.vn, ngày 07-10-2022.

(20) Xem Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.26-27.

(2) Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa X: “Bảng phụ chú Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025”, tr.238.

(22) Vũ Linh: Thấy gì từ “làn sóng” công chức, viên chức nghỉ việc?, https://dangcongsan.vn, 11-11-2022.

(23) Xem: Lam Anh: Sờ vào đâu cũng có chuyện?, https://daibieunhandan.vn, ngày 23-5-2018, và Ngô Nguyên, Nghiêm Ý: “Sờ” đâu cũng thấy sai phạm, http://hanoimoi.com.vn, ngày 06-12-2014.

(24), (25), (26), (27), (28), (29) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.313, 314, 319, 320, 322, 322-323.

  • Tags: