Pháp luật của Peru về bảo hộ tri thức truyền thống – kinh nghiệm cho Việt Nam

Peru là quốc gia sớm xây dựng và áp dụng thành công hệ thống quy định liên quan đến bảo hộ tri thức truyền thống. Trong bài viết này, tác giả tập trung trình bày các quy định của pháp luật Peru liên quan đến bảo hộ tri thức truyền thống và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về bảo hộ tri thức truyền thống.
1. Pháp luật Peru về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tri thức truyền thống
1.1.Khái niệm tri thức truyền thống và chủ thể được bảo hộ
Năm 2002, Peru đã ban hành Luật số 27811 về cơ chế bảo hộ tri thức tập thể của người bản địa liên quan đến đa dạng sinh học[1] và trở thành văn bản pháp luật quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng cơ chế bảo hộ riêng biệt (sui generis) bảo hộ tri thức truyền thống[2].
Đối tượng được bảo hộ bởi Luật số 27811 là tri thức tập thể (collective knowledge) của người bản địa liên quan đến đa dạng sinh học. Tại thời điểm Luật số 27811 được ban hành, khái niệm tri thức truyền thống (traditional knowledge) chưa được định nghĩa một cách rõ ràng trong cộng đồng quốc tế. Để bảo hộ đối tượng này một cách hữu hiệu, Peru đã ghi nhận khái niệm tri thức tập thể (collective knowledge) là “tri thức được phát triển, tích lũy và chuyển giao qua nhiều thế hệ bởi các cộng đồng và người bản địa liên quan đến thuộc tính, cách sử dụng và đặc điểm của nguồn tài nguyên đa dạng sinh học”[3].
Với đối tượng được bảo hộ này, chủ thể được bảo hộ quyền theo pháp luật Peru là thế hệ hiện tại của tập thể, cộng đồng người bản địa. Cộng đồng bản địa sẽ thực hiện quyền của mình đối với tri thức truyền thống thông qua tổ chức đại diện và việc lựa chọn tổ chức đại diện sẽ thực hiện trên cơ sở tôn trọng và hài hoà với thông lệ của chính cộng đồng đó. Cũng cần lưu ý rằng, thế hệ hiện tại của người bản địa không phải là chủ sở hữu mà chỉ được coi là người nắm giữ và quản lý tri thức[4] và không được quyền chuyển nhượng, mà chỉ được sử dụng tri thức truyền thống theo cơ chế mà pháp luật cho phép.
1.2. Công cụ bảo hộ tri thức truyền thống
Luật số 27811 sử dụng hai công cụ chính để bảo vệ tri thức truyền thống, bao gồm: (i) hệ thống đăng ký tri thức truyền thống; và (ii) li-xăng (thông qua hợp đồng).
1.2.1. Hệ thống đăng ký tri thức tập thể
Hệ thống đăng ký tri thức tập thể được vận hành theo cơ chế khai báo. Điều này xuất phát từ việc quyền của cộng đồng người bản địa đối với tri thức truyền thống của họ là quyền được thừa hưởng từ tổ tiên, chứ không phải do bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào xác lập thông qua thủ tục hành chính. Theo Điều 15 Luật số 27811, có ba phương pháp đăng ký tri thức truyền thống tại Peru, bao gồm:
- Đăng ký công khai tại Cơ quan đăng ký quốc gia: Thông tin liên quan đến tri thức truyền thống sẽ được Cơ quan quốc gia về cạnh tranh và sở hữu trí tuệ (INDECOPI) cập nhật, hệ thống hoá trong cơ sở dữ liệu, cùng với những tri thức đã trở thành tài sản cộng đồng (public domain). Phương pháp này chủ yếu hướng tới bảo hộ những tri thức đã trở thành tài sản cộng đồng (public domain) hoặc đã được công khai thông tin.
- Đăng ký qua cơ chế bảo mật thông tin: Các thông tin liên quan đến tri thức truyền thống sẽ được bảo vệ bởi INDECOPI và thông tin này không được cung cấp cho bất kỳ bên thứ ba nào. Phương pháp này hướng tới những tri thức truyền thống chưa được biết đến rộng rãi và cộng đồng người bản địa muốn bảo mật thông tin về nhóm tri thức này.
- Đăng ký tại địa phương: Việc đăng ký được thực hiện tại địa phương phù hợp với tập quán và phong tục của cộng đồng người bản địa; và INDECOPI sẽ hỗ trợ kỹ thuật trong việc tổ chức đăng ký theo yêu cầu của người dân. Theo quy định này, cơ chế đăng ký, giới hạn quyền tiếp cận của các thành viên trong cộng đồng hoặc cho phép bên thứ ba tiếp cận thông tin… hoàn toàn dựa trên phong tục hoặc quy định riêng của cộng đồng. Phương thức này hướng tới tri thức truyền thống có tính bí mật cao và chỉ những thành viên cộng đồng mới có thể tiếp cận được những kiến ​​thức đó.
1.2.2. Li-xăng tri thức truyền thống
Luật số 27811 thiết lập các điều kiện liên quan đến việc cho phép tiếp cận tri thức truyền thống thông qua hai phương thức cấp phép là (i) sự chấp thuận trước của người bản địa và (ii) chia sẻ lợi ích.
Thứ nhất, điều kiện về chấp thuận của người bản địa: Điều 6 Luật số 27811 yêu cầu tất cả các chủ thể phải được chấp thuận của cộng đồng người bản địa nếu muốn tiếp cận tri thức tập thể của họ với nhu cầu nghiên cứu khoa học, thương mại hoặc ứng dụng công nghệ. Đơn yêu cầu chấp thuận được gửi cho tổ chức đại diện của người bản địa và phải làm rõ được mục đích và nguy cơ ảnh hưởng đến tri thức mà họ muốn tiếp cận.
Sau khi được cho phép tiếp cận, Điều 7 Luật số 27811 bổ sung quy định việc tiếp cận tri thức truyền thống vì mục đích thương mại hoặc ứng dụng công nghiệp phải thực hiện thông qua hợp đồng li-xăng. Hợp đồng li-xăng tri thức truyền thống phải được lập thành văn bản, bao gồm các nội dung tối thiểu theo luật định[5] và phải được đăng ký tại INDECOPI. Để bảo vệ bản thân tri thức truyền thống và cộng đồng người bản địa, pháp luật Peru đã lồng ghép các điều kiện bảo vệ liên quan đến hợp đồng li-xăng, ví dụ như việc người bản địa phải được cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến mục đích, nguy cơ liên quan đến tài khoản được sử dụng; thông báo định kỳ cho cộng đồng người bản địa liên quan đến việc sử dụng tài khoản… Đặc biệt, INCECOPI có quyền từ chối đăng ký hợp đồng li-xăng nếu có căn cứ về việc hợp đồng này có thể gây hại đến môi trường và khu vực sinh sống của người bản địa[6], mặc dù nội dung này không liên quan trực tiếp đến bản thân tri thức truyền thống.
Thứ hai, cơ chế chia sẻ lợi ích: Điều 7 Luật số 27811 xác định nguyên tắc chung, theo đó việc tiếp cận tri thức truyền thống vì mục đích thương mại hoặc ứng dụng công nghiệp phải đảm bảo (i) thực hiện thông qua hợp đồng li-xăng; và (ii) mức chia sẻ lợi ích công bằng cho việc tiếp cận tri thức nêu trên. Về mức chia sẻ lợi ích, phù hợp với mục tiêu đảm bảo lợi ích của người bản địa từ việc sử dụng tri thức truyền thống, pháp luật Peru quy định mức tối thiếu đối với hai loại phí bản quyền khi đàm phán li-xăng tri thức truyền thống, bao gồm:
- Phí ban đầu (initial direct payment) để được tiếp cận tri thức truyền thống bằng ít nhất 5% doanh thu thuần, trước thuế, của hàng hóa được phát triển trực tiếp hoặc gián tiếp từ tài khoản. Khoản phí này trả cho cộng đồng người bản địa (Điều 27 Luật số 27811).
-  Mức phí không ít hơn hơn 10% giá trị, trước thuế, của doanh thu ròng thu được từ việc bán hàng hoá mà được tiếp thị là có liên quan đến tri thức truyền thống của người bản địa. Khoản tiền này được nộp cho Quỹ Phát triển cộng đồng người bản địa (Điều 8 Luật số 27811)[7].
Ngoại lệ đối với đối tượng được điều chỉnh bởi Luật số 27811 là tri ​​thức tập thể là tài sản cộng đồng. Điều 13 Luật số 27811 định nghĩa: Tài sản cộng đồng (Public domain) là kiến ​​thức mà những người không phải là người bản địa có thể tiếp cận được bằng các phương tiện thông tin đại chúng và đặc điểm của tài nguyên sinh học đã được biết đến rộng rãi ở thế giới bên ngoài. Thực tế, đây là đối tượng mang tính tranh cãi bởi một lượng lớn tri thức truyền thống đã trở thành tài sản cộng đồng; mặc dù người bản địa có thể có đồng ý với việc sử dụng nó nhưng họ có thể không đồng ý với việc phổ biến nó; và những tri thức được biết đến rộng rãi hoàn toàn có thể được sử dụng với nhiều mục đích mà không cần sự đồng ý của người bản địa. Trong bối cảnh này, Luật số 27811 quy định một tiền lệ rất quan trọng: nếu tri thức tập thể đã trở thành tài sản cộng đồng trong vòng hai mươi năm thì một tỷ lệ phần trăm giá trị của tổng doanh thu từ việc tiếp thị hàng hóa được phát triển trên cơ sở kiến ​​thức đó sẽ được dành cho Quỹ phát triển cộng đồng người bản địa. Người dân bản địa sẽ không có quyền phản đối việc sử dụng tài khoản cụ thể của bên thứ ba, nhưng họ có quyền được nhận mức chia sẻ lợi ích thông qua Quỹ.
1.3.Giải quyết hành vi xâm phạm tri thức tập thể
Luật số 27811 chủ yếu hướng tới việc ghi nhận quyền liên quan đến tri thức truyền thống và ngăn cản các hành vi sử dụng tri thức truyền thống chưa được cấp phép. Điều 42 Luật này quy định: người bản địa được bảo vệ để chống lại các hành vi tiết lộ, thu nhận hoặc sử dụng tri thức tập thể mà không có sự đồng ý của họ và theo cách không phù hợp, với điều kiện tri thức tập thể đó không phải là tài sản cộng đồng. Với cách ghi nhận này, tri thức truyền thống được bảo vệ theo cơ chế giống với các bí mật thương mại. Nếu việc sử dụng trái phép hoặc tiết lộ tri thức truyền thống xảy ra (hoặc trong trường hợp có nguy cơ xảy ra), cộng đồng người bản địa có quyền khiếu nại hành vi này thông qua INDECOPI. Trong những trường hợp này, INDECOPI có thể tự mình giải quyết hoặc thông qua cơ quan tư pháp để tuyên bố quyền sở hữu cũng như yêu cầu bồi thường.
Đối với các hành vi được tuyên là xâm phạm tri thức truyền thống, Điều 62 Luật số 27811 đặt ra nhiều biện pháp xử lý, bao gồm (i) biện pháp hành chính với mức phạt tiền tối đa là 150 đơn vị thuế; (ii) biện pháp tạm thời như tịch thu hàng hoá, kiểm soát việc thông quan và nhập khẩu hàng hoá,….; (iii) biện pháp hình sự.
Năm 2008, Peru tiếp tục ban hành Luật bổ sung Luật Sở hữu Công nghiệp số 29316[8] quy định bất kỳ trường hợp nộp đơn xin cấp bằng sáng chế và không xuất trình được hợp đồng li-xăng hoặc sự đồng ý cho việc tiếp cận, sử dụng tri thức truyền thống sẽ phải chịu một hoặc nhiều biện pháp, bao gồm: a) Phạt tiền; b) Bắt buộc bồi thường; c) Bắt buộc chia sẻ lợi ích, và d) Bắt buộc bổ sung Hợp đồng li-xăng sử dụng đối tượng.
1.4.Hợp tác quốc tế trong bảo hộ tri thức truyền thống
Kể từ khi ban hành Luật số 27811, Peru đã có công cụ bảo hộ hữu hiệu tri thức truyền thống nhưng quốc gia này vẫn gặp khó khăn trong việc chống lại các hành vi xâm phạm bên ngoài lãnh thổ của mình. Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ Peru hướng tới thiết lập một cơ chế toàn cầu hoặc hợp tác giữa các quốc gia thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để giải quyết vấn đề này. Nỗ lực của Peru được thể hiện qua một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu biểu như:
- FTA với Hoa Kỳ (ký kết năm 2006): Mặc dù nội dung hiệp định này không đề cập đến vấn đề tri thức truyền thống nhưng trong Thoả thuận sơ bộ liên quan đến đa dạng sinh học và tri thức truyền thống[9] đi kèm hiệp định này ghi nhận việc hai bên nỗ lực chia sẻ dữ liệu công khai liên quan đến tri thức truyền thống. Mặc dù đây không phải cam kết mang tính bắt buộc, nhưng nó cung cấp thông tin về tri thức truyền thống cho Văn phòng sáng chế Hoa Kỳ (USPTO) trong quá trình xem xét thông tin; đồng thời tạo cơ sở cho INDECOPI đưa ra yêu cầu huỷ bỏ bằng sáng chế được cấp cho các truờng hợp có sự xâm phạm tri thức truyền thống của nước này.
- FTA với EU (ký kết năm 2012): EU có quan điểm cởi mở hơn Hoa Kỳ đối với vấn đề tri thức truyền thống. Điều 7 Phần VII FTA này đã ghi nhận tầm quan trọng của việc giải trình nguồn gốc của tri thức được sử dụng trong đăng ký bảo hộ sáng chế. Mặc dù đây không phải cam kết tạo nghĩa vụ bắt buộc cho các bên, nhưng đây là cột mốc quan trọng ghi nhận FTA - một công cụ thương mại quốc tế - đã cam kết nỗ lực bảo hộ hiệu quả tri thức truyền thống[10].
- FTA với EFTA (ký kết năm 2010): So với Hoa Kỳ và EU, các quốc gia trong EFTA thể hiện quan điểm chủ động trong diễn đàn WTO cũng như việc xây dựng pháp luật quốc gia liên quan đến bảo hộ tri thức truyền thống[11]. Điều 5, Điều 6 Phần VI FTA này đã ghi nhận điều kiện đối với đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, đó là cung cấp nguồn gốc của tri thức truyền thống được sử dụng và pháp luật quốc gia có thể yêu cầu cung cấp bằng chứng về sự chấp thuận trước cho việc sử dụng các tri thức này.
Có thể thấy, với vai trò là quốc gia đang phát triển, Peru không thể tạo sức ép lên các nền kinh tế lớn liên quan đến thiết lập cơ chế bảo hộ riêng biệt (sui generis) về bảo hộ tri thức truyền thống. Tuy nhiên, nếu xét đến vị thế của Peru với các nền kinh tế đối tác, một kết quả đáng ghi nhận đó là nội dung của các FTA không tạo ra trở ngại pháp lý nào đối với hệ thống pháp luật nội địa của Peru liên quan đến bảo hộ tri thức truyền thống.
2. Kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc hoàn thiện pháp luật về bảo hộ tri thức truyền thống
Tại Việt Nam hiện nay, hệ thống quy phạm liên quan đến bảo hộ tri thức truyền thống còn ở mức sơ khai; hoạt động bảo hộ tri thức truyền thống nói chung chỉ được thực hiện thông qua các công cụ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hiện đại, ví dụ như bảo hộ quyền tác giả, cấp văn bằng độc quyền sáng chế, bảo hộ nhãn hiệu,… và chưa phù hợp với tính chất đặc thù của nhóm đối tượng tri thức truyền thống. Chính vì vậy, cần thiết phải có sự nghiên cứu, xây dựng hệ thống pháp luật hoàn thiện hơn để bảo hộ nhóm đối tượng này.
Thứ nhất, hoàn thiện khái niệm “tri thức truyền thống”. Có thể thấy, vấn đề quan trọng đầu tiên khi xây dựng hệ thống bảo hộ đó là xác định chính xác đối tượng mà hệ thống này bảo hộ. Mặc dù thuật ngữ tri thức truyền thống cũng đã nhiều lần được nhắc đến trong pháp luật quốc gia và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, nhưng các văn bản này hoặc chưa đưa ra khái niệm cụ thể (ví dụ như Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/07/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); …) hoặc chỉ đưa ra khái niệm về một phần nhỏ của nhóm tri thức truyền thống, cụ thể là nhóm tri thức truyền thống về nguồn gen (ví dụ như khái niệm “tri thức truyền thống về nguồn gen” được đề cập tại Luật Đa dạng sinh học năm 2008; Biên bản ghi nhớ năm 2018 giữa Việt Nam và Malaysia liên quan đến đa dạng sinh học và tri thức truyền thống liên quan đến nguồn gen). Do đó, cần thiết phải xây dựng khái niệm hoàn thiện, mang tính luật định đối với “tri thức truyền thống”. Đối chiếu với pháp luật Peru, khái niệm được ghi nhận trong Luật số 27811 thể hiện xu hướng của quốc gia này là ưu tiên bảo hộ nhóm tri thức truyền thống về nguồn gen - giống như Việt Nam. Tuy nhiên, với khái niệm này, tại Peru đã đặt ra câu hỏi về việc liệu Luật số 27811 chỉ bảo vệ tri thức liên quan đến nguồn tài nguyên đa dạng sinh học về mặt kỹ thuật hay bảo hộ cả các biểu hiện văn hoá và dân gian liên quan đến nguồn tài nguyên này. Xét về mặt câu từ, khái niệm mà pháp luật Peru đưa ra không hạn chế bảo hộ các biểu hiện văn hoá và dân gian liên quan; đồng thời, tri thức truyền thống tồn tại dưới dạng tổng thể cả về vật chất và tinh thần, chính vì vậy, việc tách biệt từng loại tri thức truyền thống để xây dựng cơ chế bảo hộ riêng đối với từng loại là không khả thi và không phù hợp. Vì vậy, khái niệm tri thức truyền thống trong pháp luật Peru được đánh giá là bao hàm cả biểu hiện văn hoá và dân gian liên quan đến nguồn tài nguyên sinh vật. Chính vì vậy, từ khái niệm đã được định nghĩa về “tri thức truyền thống về nguồn gen”, Việt Nam cần phải cân nhắc xem xét mở rộng thuật ngữ này để bao hàm được các mặt biểu hiện khác của tri thức truyền thống.
Thứ hai, xác định chủ thể được bảo hộ quyền đối với tri thức truyền thống. Xuất phát từ bản chất tri thức truyền thống là “được truyền từ đời này sang đời khác, đảm bảo và duy trì đặc điểm, ứng dụng và quyền của nhóm người bản địa”[12]. Điều này khác với tình trạng chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ đối với các đối tượng quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp… thường là một hoặc một nhóm người nhất định. Vì vậy, cần thiết phải có sự ghi nhận chủ thể được bảo hộ mang tính đặc thù của nhóm tri thức truyền thống. Tham khảo pháp luật của Peru, quốc gia này đã xây dựng cơ chế để i) xác định nhóm người bản địa được bảo hộ quyền đối với tri thức truyền thống; ii) cơ chế kết hợp giữa quản lý nhà nước và phong tục của nhóm người bản địa liên quan đến quản lý và quyết định các vấn đề của tri thức truyền thống do nhóm người này được thừa hưởng và nắm giữ. Mô hình này khá phù hợp với chính sách quản lý dân cư của Việt Nam hiện nay khi hệ thống quản lý nhà nước được xây dựng khá hoàn chỉnh từ cấp trung ương đến địa phương nhưng luôn trên cơ sở phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của các dân tộc, phát huy thế mạnh của địa phương, …
Thứ ba, xây dựng cơ chế bảo hộ riêng biệt (sui generis) cho các đối tượng của tri thức truyền thống. Điều này xuất phát từ đặc trưng của hoạt động bảo hộ tri thức truyền thống là không chỉ mang tính chất bảo hộ một hoặc một nhóm chủ thể đơn nhất của quyền sở hữu trí tuệ, mà còn là hoạt động bảo tồn và duy trì nhóm tri thức này. Với đặc trưng này, các công cụ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hiện đại được xây dựng với mục tiêu bảo hộ sự “độc quyền”[13] của chủ sở hữu đối tượng sở hữu trí tuệ (được thiết lập trên cơ sở hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ) được đánh giá là không đủ để thực hiện bảo hộ hữu hiệu tri thức truyền thống. Tham khảo hệ thống công cụ bảo hộ của Peru - quốc gia xây dựng và áp dụng thành công hệ thống bảo hộ riêng biệt (sui generis) thông qua cơ chế đăng ký tri thức truyền thống và li-xăng tri thức truyền thống - là cơ sở để bảo hộ và duy trì, bảo tồn tri thức truyền thống./.
ThS Nguyễn Minh Châu
Giảng viên Khoa Pháp luật quốc tế, Đại học Luật Hà Nội

 


[1] Law No. 27811 Introducing the Protection Regime for the Collective Knowledge of Indigenous Peoples derived from Biological Resources.
[2] Brendan Tobin (2004), “Case Study 12: Towards legal protection of traditional knowledge: Lessons from Peru”, Traditional - Marine Resource Management and Knowledge Information Bulletin, Secretariat of the Pacific Community, vol 17, p.30.
[3] Điều 2.(a) Luật số 27811. Tham khảo: Law No. 27811 Introducing the Protection Regime for the Collective Knowledge of Indigenous Peoples derived from Biological Resources, https://wipolex.wipo.int/en/legislation/details/3420.
[4] Điều 9 Luật số 27811 quy định trách nhiệm bảo vệ tri thức truyền thống của thế hệ hiện tại người bản địa, theo đó thế hệ hiện tại phải bảo tồn, phát triển và quản lý tri thức chung vì lợi ích của các thế hệ tương lai cũng như vì lợi ích của chính họ.
[5] Nội dung tối thiểu của Hợp đồng li-xăng tri thức truyền thống được quy định tại Điều 27 Luật số 27811.
[6] Điều 31 Luật số 27811.
[7] Quỹ Phát triển cộng đồng người bản địa theo Luật số 27811 được xây dựng nhằm cải thiện điều kiện sống của các cộng đồng bản địa và được duy trì bằng một số nguồn, bao gồm: (1) lợi ích tích lũy được từ việc tiếp thị các sản phẩm được phát triển bằng cách sử dụng tri thức tập thể; (2) Ngân sách nhà nước; (3) hợp tác kỹ thuật quốc tế và tài trợ; và (4) các biện pháp trừng phạt tài chính.
[8] Peruvian Industrial Property Law (Legislative Decree No. 1075, complementary to Decision 486), https://wipolex.wipo.int/en/text/506564.
[9] The United States-Peru Free Trade Agreement - Understanding regarding Biodiversity and Traditional knowledge, https://ustr.gov/sites/default/files/uploads/agreements/fta/peru/asset_upload_file719_9535.pdf.
[10] Diego Francoise Ortega Sanabria (2019), Trend on the protection of traditional knowledge associated with genetic resources within intellectual property chapters of Free Trade Agreements: the Peruvian experience, Journal of Intellectual Property Law & Practice, vol. 14, no. 9, p. 374.
[11] Diego Francoise Ortega Sanabria, p.737.
[12] UNESCO (1999), Protection of traditional knowledge and expression of indigenous culture in Pacific Island, Final Declaration, Noumea, p. 1.
[13] Lê Nết (2006), Tài liệu bài giảng Quyền sở hữu trí tuệ, Nxb. Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, tr. 28.
...
  • Tags: