Pháp luật về hòa giải thương mại ở Việt Nam

Hòa giải thương mại (HGTM) là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp (GQTC) theo quy định tại Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ.

Trong nền kinh tế thị trường, tranh chấp thương mại (TCTM) là một hiện tượng tất yếu khách quan và cũng xảy ra khá nhiều, do tính chất thường xuyên cũng như những hậu quả gây ra cho các chủ thể tham gia tranh chấp và cho cả nền kinh tế. Hiện có 04 phương thức giải quyết TCTM, bao gồm: thương lượng, hòa giải, tòa án và trọng tài thương mại. Trong đó, HGTM là phương thức GQTC phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

Khái quát về HGTM

Trong HGTM có 5 vấn đề quan trọng được thể hiện:

Một là, Thỏa thuận hòa giải: TTHG có thể được hiểu là một thỏa thuận giữa các bên trong tranh chấp đề cập đến khả năng GQTC thông qua phương thức hòa giải. Đây được xem là cơ sở của quá trình GQTC bằng hòa giải và có thể được lập bất kỳ lúc nào không phụ thuộc vào tranh chấp. Thời gian lập TTHG hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các bên. Tuy nhiên, để tránh trường hợp một bên không giữ thiện chí hòa giải, nên thiết lập điều khoản phạt đối với bên không đồng ý tham gia hòa giải như đã cam kết. Và, Nghị định 22 yêu cầu hình thức của TTHG bắt buộc phải là văn bản và có thể tồn tại dưới dạng một điều khoản trong hợp đồng thương mại hoặc dưới dạng một thỏa thuận riêng.

Hai là, Tính bảo mật của hòa giải thương mại: Vấn đề này chính là một yếu tố quan trọng khiến cho HGTM trở thành phương thức GQTC được nhiều cá nhân, doanh nghiệp quan tâm. Vì theo quy định, các thông tin có được trong quá trình hòa giải đều được bảo mật kể cả khi hòa giải không thành và các bên phải tham gia vào một quy trình tố tụng khác để GQTC… Có thể nói, điều khoản về tính bảo mật trong HGTM là rất quan trọng bởi quá trình hòa giải sẽ diễn ra cởi mở hơn khi thông tin được bảo đảm giữ bí mật bằng các thiết chế luật định. Nhờ đó, các bên có thể thoải mái hơn trong việc cung cấp thông tin và dễ dàng đạt được các kết quả hòa giải thành hơn.

Ba là, Tiêu chuẩn hòa giải viên:  Khoản 1 Điều 7 Nghị định 22 quy định hòa giải viên phải đáp ứng được ba điều kiện cơ bản. Một là, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự; có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, độc lập, vô tư, khách quan. Hai là, có trình độ đại học trở lên và đã qua thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 02 năm trở lên. Ba là, có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, tập quán kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực liên quan. Pháp luật Việt Nam hiện hành có những quy định cụ thể hơn đối với hòa giải viên so với quy định của Luật Mẫu. Điều này là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam hiện tại, khi khung pháp lý dành cho HGTM chỉ mới được hình thành.

Bốn là, Tổ chức hòa giải: Hiện nay, tổ chức HGTM được chia thành hai hình thức: Một là, trung tâm HGTM; hai là, trung tâm trọng tài được thành lập và hoạt động theo pháp luật về trọng tài thương mại thực hiện hoạt động HGTM; cả hai hình thức đều được pháp luật quy định.

Năm là, Công nhận và cho thi hành thỏa thuận hòa giải thành: Hiện nay, vấn đề công nhận và cho thi hành TTHG thành không được dự liệu tại BLTTDS. Việc công nhận kết quả hòa giải thành giúp cho TTHG thành có thể được thực thi bởi cơ quan thi hành án như một bản án.

Pháp luật Việt Nam về HGTM

Đối với pháp luật Việt Nam, Nghị định số 22/2017/NĐ- CP là văn bản pháp lý đầu tiên của Việt Nam điều chỉnh các vấn đề pháp lý liên quan đến HGTM. Nghị định quy định phạm vi giải quyết tranh chấp bằng HGTM bao gồm: tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; tranh chấp giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại. Phạm vi thẩm quyền của hòa giải thương mại không chỉ bao gồm các tranh chấp thương mại, mà còn mở rộng ra các tranh chấp khác khi pháp luật chuyên ngành có quy định về việc sử dụng phương thức hòa giải thương mại.

Nghị Định 22/2017/NĐ-CP về HGTM quy định chi tiết về nguyên tắc hòa giải, trình tự thủ tục hòa giải, tiêu chuẩn hòa giải viên, thành lập và hoạt động của tổ chức hòa giải thương mại. Nghị định này đã quy định một cách toàn diện cho phương thức hòa giải. Tuy nhiên vẫn cần phải điều chỉnh và bổ sung để phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội hiện nay và trong tương lai.

Sự ra đời của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP gắn liền với quá trình phát triển kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam, khi các chính sách của Đảng và Nhà nước đều khuyến khích việc GQTC ngoài tòa án, tránh tình trạng quá tải cho hệ thống tòa án. Trong bối cảnh đó, HGTM đã trở thành phương thức GQTC độc lập, hiệu quả, tiết kiệm, được công nhận và bảo hộ bởi một khung pháp lý khá đầy đủ của Nghị định 22.

Với Nghị định 22, HGTM đã chính thức được thể chế hóa tại Việt Nam. Nghị định gồm 6 Chương, 44 Điều, quy định khá toàn diện về HGTM. Về cơ bản, Nghị định 22 đáp ứng các nhu cầu cần thiết về khung pháp lý mà phương thức GQTC này đặt ra, bao gồm các quy định về nguyên tắc hòa giải, trình tự, thủ tục hòa giải, tiêu chuẩn hòa giải viên, tổ chức HGTM,...Tuy vậy, Nghị định 22 vẫn chưa bao quát vấn đề thi hành thỏa thuận hòa giải (TTHG) thành. Khi các bên đã tham gia vào quá trình hòa giải và đạt được TTHG thành thì việc thỏa thuận này có được thực hiện hay không còn tùy thuộc vào sự tự nguyện của bên phải thi hành.

Những nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng HGTM được quy định trong Nghị định 22/2017/NĐ-CP bao gồm:

1.Các bên tranh chấp tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.

2.Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.

3.Nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba.

Theo pháp luật Việt Nam thì trình tự thủ tục HGTM quy định hòa giải viên thương mại sẽ do các bên thỏa thuận từ danh sách hòa giải viên của tổ chức hòa giải thương mại hoặc từ danh sách hòa giải viên thương mại vụ việc do Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố. Nguyên tắc thỏa thuận này giúp các bên có thể kiểm soát và tin tưởng vào quá trình hòa giải.

Một trong những đặc điểm quan trọng giúp HGTM trở thành phương thức giải quyết tranh chấp được nhiều doanh nghiệp quan tâm đó là tính bảo mật. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, đây cũng là một trong những nguyên tắc quan trọng của hòa giải. Khoản 2 Điều 4 Nghị định quy đinh “Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác”./.

Một số đề xuất

Theo các chuyên gia, mặc dù đã có sự nỗ lực trong việc thể chế hóa các quy định pháp luật về HGTM tại Việt Nam, nhưng để phù hợp với tình hình kinh tế xã hội hiện tại cũng như để sử dụng hiểu quả phương thức giải quyết tranh chấp này thì pháp luật Việt Nam cần bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện hệ thống pháp luật về hòa giải thương mại dựa trên mô hình Luật Mẫu Uncitral. Cụ thể:

1.Bổ sung thêm nguyên tắc tự quyết trong giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, nhằm phản ánh rõ sự khác biệt giữa hòa giải thương mại với trọng tài thương mại.
2. Làm rõ quy định về trách nhiệm bảo mật thông tin của hòa giải viên trong nguyên tắc hòa giải và học hỏi quy định của Luật mẫu về hoà giải thương mại, bổ sung thêm một trường hợp ngoại lệ thứ ba mà các bên được tiết lộ thông tin, đó là cung cấp thông tin nhằm bảo đảm cho kết quả hòa giải được thực hiện; điều này sẽ giúp kết quả hòa giải được thực thi nhanh chóng và đạt hiệu quả hơn.
3. Xây dựng các quy định về công nhận và cho thi hành thỏa thuận hòa giải thành mang tính quốc tế, để có thêm biện pháp hữu hiệu đòi hỏi các bên phải có trách nhiệm với quá trình hòa giải và với thỏa thuận hòa giải thành của mình.
4. Cần hoàn thiện quy định về hòa giải viên thương mại, cụ thể là quy định về tiêu chuẩn của hòa giải viên thương mại, năng lực của hòa giải viên cũng như quyền và nghĩa vụ của rõ ràng hơn.
5, Mở rộng các đối tượng được phép thành lập trung tâm hòa giải thương mại như Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nghiên cứu các mô hình, trung tâm hòa giải lớn để hoàn thiện tổ chức hòa giải thương mại tại Việt Nam.
6. Pháp luật về HGTM cần phải bổ sung những quy định rõ ràng về hiệu lực của thỏa thuận hòa giải hoặc bổ sung thêm điều khoản về những trường hợp thỏa thuận hòa giải vô hiệu./.

LS. Hoàng Văn Năng

...
  • Tags: