Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, chính sách, pháp luật về hỗ trợ huy động vốn đối với DNKNST cũng đã bộc lộ những bất cập, hạn chế mà rào cản phố biến nhất chính là khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn…
Ảnh minh họa - Internet
Chính sách, pháp luật hỗ trợ DNKNST huy động vốn và thực tế triển khai
Chủ trương, quan điểm về hỗ trợ phát triển DNKNST đã được nêu trong Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng và tiếp tục được khẳng định rõ hơn trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII: "Xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới".
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng quy định về nguồn vốn và các phương thức huy động vốn cho các DNKNST. Nguồn vốn huy động gồm: vốn tín dụng có hỗ trợ, bảo lãnh của Nhà nước; vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; vốn hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; vốn hỗ trợ từ miễn giảm các nghĩa vụ phải nộp ngân sách.
Ban Điều hành Đề án 844 "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã đề xuất những chính sách ưu đãi, khuyến khích mang tính trọng tâm để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các DNKNST một cách tổng thể, đồng bộ, thống nhất. Đặc biệt là những cơ chế, chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, khơi thông các nguồn lực tài chính sẵn có từ trong nước, nước ngoài, thúc đẩy ĐMST mở, phát triển hệ sinh thái của các ngành, lĩnh vực; cơ chế tài chính đặc thù cho các hoạt động đào tạo, ươm tạo cho KNST.
Thời gian qua, Văn phòng Đề án 844 đã phối hợp cùng Startup Vietnam Foundation, Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP và Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững - MSD United Way Việt Nam đã tiến hành khảo sát "Thực trạng và tình hình phát triển của các startups tại Việt Nam". Khảo sát được triển khai thí điểm cho thấy, trong năm 2023, có gần 200 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tham gia khảo sát đã phần nào cung cấp các thông tin có ý nghĩa về bức tranh hệ sinh thái trong những năm khó khăn vừa qua…
Theo số liệu của Bộ KH&CN, hiện có 20 địa phương đã và đang xây dựng Đề án hình thành Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 60 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch triển khai Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025; 39 tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết của HĐND quy định cơ chế tài chính cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp; Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lọt tốp 200 hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu… Những con số trên cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đang trên đà phát triển.
Những kết quả bước đầu về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo đã góp phần khẳng định những định hướng chiến lược đúng đắn và các biện pháp phù hợp của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, nguồn lực quan trọng nhất hỗ trợ các tổ chức đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo chính là hành lang pháp lý thuận lợi, cơ chế, chính sách ưu đãi, nguồn lực tài chính phù hợp… vẫn đang tiếp tục hoàn thiện.
Khó khăn của DNKNST trong việc tiếp cận nguồn vốn:
Sự thành công của DNKNST được quyết định bởi 5 yếu tố: (1) Khách hàng, thị trường; (2) Hệ thống; (3) Nguồn nhân lực; (4) Tài chính; (5) Chủ DN (người khởi nghiệp). Muốn khởi nghiệp thành công thì DNKN phải có nguồn vốn (tài chính); ngược lại, các nhân tố khác đóng vai trò tác động để DNKN có thể tiếp cận được nguồn vốn.
Một thực tế là các DNKHST có rất nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, cả về mặt khách quan và chủ quan. Về mặt chủ quan, DNKNST hoạt động dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ cũng như mô hình công nghệ mới với khả năng phát triển theo dự đoán chủ quan của người sáng tạo cũng như các chủ thể khác tham gia thị trường. Và, đặc thù này khiến các DNKN và ĐMST gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn để hiện thực hoá các mục tiêu đề ra. Mặt khác, các DNKNST chưa có nhiều kinh nghiệm tham gia thị trường nên có thể gặp nhiều trở ngại trong giới thiệu dự án khởi nghiệp, mô hình đổi mới sáng tạo một cách rộng mở nhất nên không có cơ hội để vươn ra thị trường. Đồng thời khó khăn ở đây không chỉ là công nghệ lạc hậu, trình độ lao động thấp, mà chủ yếu nằm ở yêu cầu về tính khả thi của kế hoạch kinh doanh, thông tin về năng lực tài chính, tài sản được dùng để thế chấp vay vốn. Về mặt khách quan, hiện vẫn còn thiếu những chính sách để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo như quỹ tài trợ vốn, chính sách khuyến khích cá nhân đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích các chương trình đào tạo đổi mới sáng tạo trong trường học. Điều này đặt ra thách thức cho các công ty khởi nghiệp trong việc bảo đảm nguồn vốn, thu hút và giữ chân nhân tài, cũng như tuân thủ các quy định phức tạp. Bên cạnh đó, các chính sách còn dàn trải, chưa tập trung sâu vào từng ngành, nghề, lĩnh vực; còn hạn chế trong việc xây dựng tổ chức ươm tạo, huấn luyện, tư vấn khởi nghiệp; thiếu kết nối giữa các viện, trường đại học với ý tưởng khởi nghiệp. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm khởi nghiệp vẫn còn thiếu. Đáng chú ý, hiện nay các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp hạn chế về vốn, cơ sở vật chất, kỹ năng quản trị, điều hành doanh nghiệp, xúc tiến, quảng bá hay khả năng đáp ứng các thủ tục hành chính cần thiết; hoạt động đào tạo, tập huấn cho nhân lực của các doanh nghiệp khởi nghiệp còn mang tính hình thức. Các hoạt động đào tạo chưa được tổ chức thường xuyên. Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp hiện nay là làm thế nào để tiếp cận đến các nhà đầu tư. Dữ liệu cho thấy hơn 50% startup gặp khó khăn chính ở giai đoạn này. Trình độ của các startups hiện nay cũng là vấn đề cần được quan tâm, khi có tới 28,10% doanh nghiệp chưa đủ năng lực để thuyết phục các nhà đầu tư.
Theo số liệu khảo sát, hiện có 45,14% trong tổng số DNKHST còn ở giai đoạn Pre-seed (tiền hạt giống), thể hiện sự tập trung mạnh mẽ ở giai đoạn chuẩn bị và nghiên cứu ý tưởng. Với 30,56% trong vòng gọi vốn Seed (hạt giống), thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng về số lượng startup chuyển từ giai đoạn chuẩn bị sang giai đoạn thực hiện ý tưởng và sản phẩm. Tuy nhiên, chỉ có 17,36% các doanh nghiệp đang ở giai đoạn Series A. Điều này có thể phản ánh sự khó khăn mà các startup phải vượt qua để tiến xa hơn trong quá trình phát triển và gọi vốn.
Bất cập của DNKNST trong việc tiếp cận nguồn vốn:
Dù có nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, nhưng trên thực tế, đầu tư vào hoạt động khởi nghiệp và ĐMST chưa trở thành kênh thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, vì doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, chưa có nhiều uy tín và kết quả đổi mới sáng tạo chưa được thể hiện cụ thể, hoặc chưa tạo ra một giá trị tốt hơn so với những thứ đang có sẵn nên cần phải có thời gian để kiểm chứng, nên DNKN chưa trở thành lựa chọn của phần lớn nhà đầu tư. Mặt khác, các DNKNST phần lớn quy mô nhỏ, thậm chí rất nhỏ. Do vậy, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính đều hạn chế, thiếu hoặc không có tài sản đảm bảo. Vì vậy, các DNKNST rất khó đáp ứng được các điều kiện để tiếp cận với nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng.
Mặc dù, Nhà nước đã áp dụng cơ chế tài chính, chính sách thuế đặc thù đối với các DNKNST, nhưng cũng chưa giải quyết được tận gốc điểm yếu của các doanh nghiệp này là vốn đầu tư dài hạn. Trong khi DNKNST cần môi trường và vốn để triển khai mô hình kinh doanh cũng như ý tưởng sáng tạo, thì nhà đầu tư lại phần lớn quan tâm đến khả năng sinh lời của đồng vốn.
Giải pháp giúp DNKNST tiếp cận vốn
Để xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ hiệu quả, việc hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó đặc biệt hướng tới làm rõ nội hàm ĐMST, KNST, ban hành các quy định về loại hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ cũng như hoạt động liên quan là ưu tiên cần làm về mặt chính sách.
- Về mặt chính sách, cần xây dựng một khung khổ pháp lý đồng bộ và thống nhất về hỗ trợ DNKNST để thể chế hoá một cách đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động KNST, hỗ trợ thiết thực và có hiệu quả đối với doanh nghiệp KNST với tính chất là một loại hình doanh nghiệp đặc thù, đáp ứng các yêu cầu về tính đồng bộ, thống nhất, đầy đủ, cụ thể các cơ chế và giải pháp tổ chức triển khai thực hiện. Cần đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ, đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giai đoạn đầu hình thành doanh nghiệp KNST, nhất là tài trợ, cấp vốn cho doanh nghiệp KNST.
- Về tiếp cận vốn vay, trước hết cần tạo cơ sở pháp lý để DNKNST tiếp cận nguồn vốn vay trong nước bằng con đường truyền thống là vay vốn của tổ chức tín dụng. Để giải quyết vấn đề trên, Ngân hàng Nhà nước cần quy định rõ điều kiện cấp tín dụng cho nhóm chủ thể mới này. Bên cạnh đó, cần có quy định ưu đãi hoặc cơ chế tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng sử dụng nguồn vốn để cho vay đối với DNKN với tỷ trọng lớn. Đối với các tổ chức tín dụng, nên đa dạng hóa các sản phẩm cho vay, tạo điều kiện cho nhóm chủ thể DN nhỏ và vừa, DNKN có cơ hội tiếp cận vốn.
- Một nguồn vốn quan trọng khác là từ các quỹ hỗ trợ. Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp cùng với các bộ, ngành có liên quan để thực hiện cơ chế bảo lãnh vay vốn cho các DN nhỏ và vừa, hay DNKN; cần nhanh chóng thành lập các quỹ đặc biệt của Nhà nước dành cho các DNKN (Quỹ đầu tư tác động, Quỹ sáng kiến trong giai đoạn đầu, Quỹ đầu tư mạo hiểm theo ngành nghề của Nhà nước... ). Đặc biệt, cần có quy định pháp lý cụ thể về hoạt động của các quỹ đầu tư.
- Tăng cường cơ chế phối hợp hoạt động giữa các bộ, ban, ngành, địa phương từ cấp trung ương đến cấp triển khai cụ thể nhằm thống nhất định hướng, chia sẻ nguồn lực phù hợp đối với hệ sinh thái KNST… Đặc biệt, thúc đẩy hệ sinh thái KNST trong các ngành, lĩnh vực, gắn với vai trò quản lý nhà nước của các Bộ chuyên ngành trong việc thúc đẩy hình thành và phát triển hệ sinh thái với các đặc tính, thành tố khác nhau trong các lĩnh vực khác nhau. Tăng cường phối hợp, khơi thông, thu hút nguồn lực về vốn, tài chính, cơ sở hạ tầng, chuyên gia từ khu vực công, khu vực tư nhân và lực lượng chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài cho KNST.
- Ngoài ra, cần đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối đầu tư, thu hút nguồn lực đầu tư từ các cá nhân, tổ chức, quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước, quốc tế, đặc biệt là các quỹ đầu tư của Việt Nam, các quỹ đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Nhanh chóng nắm bắt và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam để vượt qua giai đoạn khó khăn trong thu hút vốn đầu tư trên toàn thế giới.
ThS Hoàng Văn Chí