Pháp luật về huy động vốn đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và một số kiến nghị
PLQLTrong những năm vừa qua, chính sách, pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó hỗ trợ huy động vốn là vấn đề trung tâm, đã được ban hành. Quá trình thực thi chính sách, pháp luật đã đem lại những kết quả ban đầu, góp phần quan trọng để Việt Nam trở thành một trong 3 trung tâm về khởi nghiệp sáng tạo ở Đông Nam Á. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tăng nhanh, có những doanh nghiệp đã trở thành "kỳ lân".
Tuy vậy, thực tiễn cho thấy chính sách, pháp luật về hỗ trợ huy động vốn sớm bộc lộ những bất cập, hạn chế trước sự phát triển nhanh chóng của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và cộng đồng các nhà đầu tư, đặt ra những yêu cầu cao hơn về môi trường pháp lý thông thoáng trong đầu tư và huy động vốn. Trong bài viết này, tác giả phân tích thực trạng, đánh giá nhu cầu và đưa ra một số kiến nghị tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ huy động vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Ảnh minh họa - Internet
1. Chính sách, pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo huy động vốn
Khởi nghiệp sáng tạo (KNST) nổi lên như một hiện tượng kinh tế toàn cầu trong những thập niên gần đây. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động hết sức sâu sắc và tạo tiền đề cho doanh nghiệp KNST có tiềm năng và dư địa phát triển. Doanh nghiệp KNST trở thành nhân tố tích cực trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế. "Các nhà nghiên cứu đánh giá đây là nhân tố tiềm năng nhất để phát triển nền kinh tế của quốc gia, đưa khởi nghiệp sáng tạo trở thành lĩnh vực quan tâm hàng đầu"[1]. Các quốc gia đều hoạch định chính sách ưu đãi đặc thù hỗ trợ, thúc đẩy sự ra đời và phát triển loại hình doanh nghiệp này. Trong đó, chính sách hỗ trợ huy động vốn được xem là trụ cột, có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp KNST.
Ở nước ta, chủ trương, quan điểm về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KNST đã nêu trong Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng và tiếp tục được khẳng định rõ hơn trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII: "Xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới"[2]. Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 844/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844). Đây là văn bản đầu tiên trực tiếp quy định cơ chế, chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp KNST. Năm 2017, Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tạo bước ngoặt về khung khổ pháp lý cao nhất quy định về nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ DNNVV, trong đó có những quy định riêng về hỗ trợ doanh nghiệp KNST huy động vốn.
Cụ thể hóa Luật Hỗ trợ DNNVV, nhiều văn bản đã ban hành như Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018; Nghị định số 38/2018/NĐ-CP và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018; Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019; Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 quy định về Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ phát triển DNNVV, đầu tư cho doanh nghiệp KNST, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật DNNVV… Ngoài ra, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn đều có các quy định về hỗ trợ huy động vốn cho doanh nghiệp KNST. Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ đã quy định bổ sung doanh nghiệp KNST là đối tượng nhận hỗ trợ của ngân sách, bổ sung hoạt động tài trợ, cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh vay vốn cho các doanh nghiệp KNST…
Luật Hỗ trợ DNNVV đã quy định về nguồn vốn và các phương thức huy động vốn cho các doanh nghiệp KNST ở nước ta. Nguồn vốn huy động gồm: vốn tín dụng có hỗ trợ, bảo lãnh của Nhà nước; vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; vốn hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; vốn hỗ trợ từ miễn giảm các nghĩa vụ phải nộp ngân sách. Hình thức hỗ trợ doanh nghiệp KNST huy động vốn được quy định cơ bản như sau:
- Quy định về bảo lãnh tín dụng: Các doanh nghiệp KNST được bảo lãnh tín dụng như đối với DNNVV thuộc các lĩnh vực ưu tiên. Hiện nay, chưa có quy định riêng về bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp KNST. Bảo lãnh tín dụng được thực hiện dựa trên tài sản bảo đảm hoặc phương án sản xuất, kinh doanh khả thi hoặc xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp (Điều 9 Luật DNNVV). Nghị định số 34/2018/NĐ-CP quy định DNNVV được bảo lãnh tín dụng khi đáp ứng các điều kiện cơ bản: Có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay; có phương án về vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh tại thời điểm được xem xét cấp bảo lãnh; không có các khoản nợ thuế từ một năm trở lên và nợ xấu tại các tổ chức tín dụng; có biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn. Tổng mức bảo lãnh tín dụng trên vốn điều lệ thực có của quỹ không vượt quá 15% đối với một doanh nghiệp và không vượt quá 20% đối với một doanh nghiệp và người có liên quan.
- Quy định về hỗ trợ lãi suất: Điều 17 Luật Hỗ trợ DNNVV và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định doanh nghiệp KNST được hỗ trợ lãi suất vay vốn trung hạn và dài hạn tại các tổ chức tín dụng để thực hiện phương án, dự án sản xuất kinh doanh. Trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định chính sách cấp bù lãi suất. Việc cấp bù lãi suất được thực hiện thông qua các tổ chức tín dụng, theo phương thức hỗ trợ sau đầu tư. Mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất đối với một phương án, dự án sản xuất kinh doanh trong cùng một giai đoạn. Mức hỗ trợ là 2%/năm. Cho đến nay, chưa có bản hướng dẫn riêng triển khai thực hiện quy định này. Do vậy, doanh nghiệp KNST chỉ có thể được hỗ trợ lãi suất nếu đáp ứng các điều kiện chung như các đối tượng khác quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP và Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ hỗ trợ 2%/năm lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay tại ngân hàng thương mại trong hai năm 2022-2023.
- Quy định về vay vốn: Nghị định số 39/2019/NĐ-CP quy định doanh nghiệp KNST là một trong hai đối tượng được vay vốn từ Quỹ phát triển DNNVV nếu đáp ứng các điều kiện cơ bản: có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi khai thác các loại tài sản trí tuệ hoặc công nghệ mới hoặc mô hình kinh doanh mới; bảo đảm nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án, phương án và phải bảo đảm đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh; đáp ứng các quy định về bảo đảm tiền vay. Hoạt động vay vốn từ Quỹ phát triển DNNVV được thực hiện thông qua hình thức vay trực tiếp từ quỹ hoặc gián tiếp thông qua ngân hàng thương mại được lựa chọn. Mức lãi suất cho vay bằng 80% mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại. Mức vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất kinh doanh tối đa không được quá 80% tổng mức đầu tư. Tổng mức cho vay đối với một doanh nghiệp không được vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của Quỹ. Thời hạn cho vay tối đa không quá bảy năm.
- Quy định về đầu tư từ ngân sách nhà nước: Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định ngân sách nhà nước của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đầu tư cho doanh nghiệp KNST được thực hiện bởi tổ chức tài chính nhà nước ở địa phương có chức năng đầu tư tài chính và thông qua việc lựa chọn Quỹ đầu tư KNST cùng thực hiện. Trên cơ sở đề xuất của Quỹ đầu tư KNST, tổ chức tài chính xem xét, quyết định đầu tư. Mức đầu tư không quá 30% tổng số vốn mà doanh nghiệp huy động được từ các quỹ đầu tư KNST. Thời hạn đầu tư tối đa là 5 năm, trong thời hạn này, tiến hành chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp cho nhà đầu tư tư nhân.
- Quy định về tổ chức, hoạt động của Quỹ đầu tư KNST: Đây là phương thức hỗ trợ gián tiếp thông qua việc tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi để doanh nghiệp KNST huy động vốn. Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư KNST có những điểm tương đồng với tính chất của quỹ đầu tư mạo hiểm. Quỹ đầu tư KNST không có tư cách pháp nhân, do tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập và được điều hành bởi Công ty quản lý quỹ. Quỹ không được góp vốn vào quỹ đầu tư KNST khác. Tài sản góp vốn có thể bằng Đồng Việt Nam, vàng, giá trị quyền sử dụng đất và các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Nhà đầu tư không được sử dụng vốn vay để góp vốn thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Mức đầu tư của mỗi Quỹ đầu tư KNST không quá 50% vốn Điều lệ của doanh nghiệp KNST.
Ngoài các nội dung cơ bản trên, pháp luật hiện hành còn quy định doanh nghiệp KNST huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân riêng lẻ; được bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ vốn từ các quỹ tài chính của nhà nước ngoài ngân sách như Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia khi đáp ứng các điều kiện theo điều lệ của quỹ trong hoạt động nghiên cứu phát triển; được tài trợ vốn từ Quỹ phát triển DNNVV (Nghị định 39/2019/NĐ-CP); được hưởng lãi suất ưu đãi theo chương trình khác của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước…
2. Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo huy động vốn
Đề án 844 của Thủ tướng Chính phủ, Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành bước đầu định hình khung khổ pháp lý cơ bản cho hệ sinh thái KNST, nhất là các cơ chế hỗ trợ huy động vốn phù hợp với đặc thù của loại hình doanh nghiệp KNST. Quá trình tổ chức thực hiện đã đạt được những kết quả nhất định.
Điểm sáng nổi bật là sự hình thành các quỹ đầu tư nội địa và từng bước đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng đối với các công ty khởi nghiệp. Trong số 208 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tại thị trường Việt Nam, có 40 quỹ đầu tư nội địa[3]. Năm 2021, các doanh nghiệp KNST của Việt Nam đã huy động được mức kỷ lục 1,4 tỷ USD trên 165 giao dịch, tăng 1,6 lần so với mức 894 triệu USD và 126 giao dịch vào năm 2019[4]. Các quỹ tài chính nhà nước được tái cấu trúc, tổ chức và hoạt động theo quy định mới, tạo động lực thúc đẩy KNST. Vào thời điểm cao nhất năm 2019, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh DNNVV được tổ chức lại tại 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương[5]. Quỹ phát triển DNNVV đã triển khai cho vay gián tiếp với mức lãi suất ưu đãi là 2,16% đối với các khoản vay ngắn hạn và 4,0% đối với khoản vay trung và dài hạn; triển khai ký hợp đồng khung cho vay gián tiếp với các ngân hàng thương mại…
Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017 và các văn bản hướng dẫn được ban hành với những sửa đổi, bổ sung trên tinh thần đổi mới, kỳ vọng tạo môi trường cởi mở và thông thoáng, nhất là về đầu tư, huy động vốn, để hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy doanh nghiệp KNST hình thành và phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy kết quả thực hiện đạt được còn rất hạn chế, quá trình triển khai găp nhiều khó khăn, thể hiện rõ ở một số điểm sau:
- Thứ nhất, về bảo lãnh tín dụng: Số lượng quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV ở các địa phương giảm dần qua từng năm. Năm 2021 trên cả nước chỉ còn 25 quỹ, giảm 3 quỹ so với năm 2019. Số vốn được cấp không đủ so với quy định. Tính đến 31/12/2021, mới chỉ có 10 quỹ có vốn điều lệ tối thiểu đạt 100 tỷ đồng, số còn lại có vốn điều lệ chỉ từ 4 - 80 tỷ đồng, riêng Quỹ bảo lãnh tín dụng Đồng Nai có vốn điều lệ thấp nhất là 4 tỷ đồng[6]. Hầu hết các Quỹ bảo lãnh tín dụng không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, ngay cả Quỹ bảo lãnh tín dụng của Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên nhân là do quy trình, thủ tục bảo lãnh cho vay rất phức tạp, yêu cầu cao và không phù hợp với đặc điểm của doanh nghiệp KNST là không có tài sản bảo đảm, nguồn vốn tự có rất ít nên khó đáp ứng tỷ lệ tối thiểu theo quy định, không có lịch sử tài chính để đánh giá mức độ tin cậy, phương án bảo đảm tiền vay không chắc chắn, tính rủi ro cao... Bên cạnh đó, các địa phương không thực sự quan tâm đến việc thành lập và đầu tư cho các quỹ bảo lãnh tín dụng. Nhiều địa phương chưa ban hành danh mục lĩnh vực ưu tiên.
- Thứ hai, về hoạt động cho vay từ Quỹ phát triển DNNVV: Tính đến thời điểm này, Quỹ mới chấp thuận ủy thác cho vay và cho vay gián tiếp 425 tỷ đồng, giải ngân được 270 tỷ đồng, thu hồi 120 tỷ đồng tiền gốc và số tiền lãi là 21 tỷ đồng[7]. Số liệu cho thấy số vốn được giải ngân trên thực tế chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với nhu cầu thực tế về vốn của doanh nghiệp KNST. Vốn của Quỹ phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, chưa có cơ chế để thu hút, huy động được từ các nguồn khác. Tổng nguồn vốn của Quỹ chỉ đạt khoảng 1.100 tỷ đồng, chưa đạt mức vốn tối thiểu là 2.000 tỷ đồng theo quy định. Trong đó, vốn thực cấp từ ngân sách là khoảng 837 tỷ đồng, vốn bổ sung từ kết quả hoạt động khoảng 270 tỷ đồng. Hoạt động cho vay mới chỉ được thực hiện qua hình thức gián tiếp, chưa có cơ chế cho vay trực tiếp hoặc hỗ trợ vốn. Nguyên tắc hoạt động bảo toàn vốn, quy trình thủ tục thẩm định cho vay phức tạp, chi phí thẩm định cao, điều kiện vay vốn hết sức khó khăn không phù hợp với doanh nghiệp KNST; tiêu chí xác định đối tượng doanh nghiệp KNST chưa rõ ràng, chưa được định lượng, phần nhiều là định tính…
- Thứ ba, về tổ chức và hoạt động của quỹ đầu tư KNST: Tính đến năm 2022, Việt Nam có 20 quỹ đầu tư KNST tư nhân được thành lập theo Nghị định số 38/2019/NĐ-CP. Tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư KNST đang gặp những khó khăn do những rào cản về pháp lý như quy định Quỹ đầu tư KNST không có tư cách pháp nhân; có số lượng tối đa 30 thành viên là các nhà đầu tư cá nhân; chỉ được huy động vốn bằng đồng Việt Nam và các tài sản được định giá bằng đồng Việt Nam, không được góp vốn bằng ngoại tệ; phải đăng ký danh mục đầu tư; chính sách ưu đãi về thuế cho nhà đầu tư, hạch toán kế toán chưa được quy định cụ thể; nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện các thủ tục hành chính phức tạp và mất nhiều thời gian để đầu tư gián tiếp vào Quỹ; hoạt động của quỹ còn bó hẹp, nhất là chưa quy định Quỹ được cho DNKNST vay tiền…
- Thứ tư, về hoạt động đầu tư cho doanh nghiệp KNST từ nguồn vốn ngân sách: Trên thực tế chưa có địa phương nào sử dụng ngân sách để đầu tư cho doanh nghiệp KNST do những rào cản về mặt pháp lý. Trước hết là nguyên tắc sử dụng bảo toàn vốn và trách nhiệm của người có thẩm quyền khi ra quyết định đầu tư. Quy định về thủ tục đầu tư phức tạp, nhất là cơ chế thẩm định về doanh nghiệp KNST, quy trình lựa chọn, hợp tác với Quỹ đầu tư KNST; quy định về thời hạn thoái vốn trong 5 năm chưa phù hợp với đặc điểm vòng đời của các dự án KNST, rất khó thực hiện thoái vốn và gây ra những khó khăn nhất định cho Quỹ hợp tác đầu tư…
- Thứ năm, việc hỗ trợ lãi suất cho vay theo quy định tại Điều 17 Luật Hỗ trợ DNNVV, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP chưa được triển khai trên thực tế do chưa có văn bản hướng dẫn thi hành. Doanh nghiệp KNST chỉ có thể được hưởng ưu đãi về hỗ trợ lãi suất 2% áp dụng trong giai đoạn 2022-2023 như đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ.
Ngoài những hạn chế, vướng mắc nêu trên, hiện nay pháp luật chưa có quy định về quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần (angel investor). Hầu hết các tổ chức, cá nhân đầu tư mạo hiểm phải lựa chọn hình thức công ty nên chưa được hưởng các ưu đãi về thuế trong hoạt động đầu tư mạo hiểm. Các quy định về thủ tục hành chính trong đầu tư, kế toán và quản lý ngoại hối chưa thực sự thuận lợi để thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đầu tư cho doanh nghiệp KNST trong nước. Một số doanh nghiệp KNST lựa chọn phương án thành lập ở các quốc gia khác (chủ yếu là Singapore, HongKong) để rút ngắn thời gian thành lập, được hưởng chế độ ưu đãi về thuế và tiếp nhận nguồn vốn đầu tư theo yêu cầu của các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành chưa có quy định về cho vay ngang hàng và gọi vốn cộng đồng để doanh nghiệp KNST huy động được nguồn vốn rộng rãi…
3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Trong những năm qua, đặc biệt từ khi Luật Hỗ trợ DNNVV được Quốc hội thông qua đã tạo khung khổ pháp lý cơ bản để thúc đẩy hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp KNST phát triển, trong đó có các quy định về hỗ trợ doanh nghiệp KNST huy động vốn. Tuy vậy, từ nội dung quy định đến thực tiễn áp dụng cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa tạo được môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp KNST tiếp cận được các vốn tín dụng, đầu tư. Thực tế này bắt nguồn từ nguyên nhân thực trạng hệ thống pháp luật và thực tiễn tổ chức thực hiện. Để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, cần quan tâm đến một số giải pháp sau:
- Một là, đổi mới nhận thức về vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ, khuyến khích thúc đẩy doanh nghiệp KNST phát triển. Nhà nước không chỉ có chức năng định hình khung khổ pháp lý để hình thành môi trường đầu tư, mà quan trọng là giữ vai trò tiên phong dẫn dắt hoạt động đầu tư mạo hiểm để thúc đẩy quá trình hình thành, phát triển của cộng đồng doanh nghiệp KNST. Do vậy, cần đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ, đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giai đoạn đầu hình thành doanh nghiệp KNST, nhất là tài trợ, cấp vốn cho doanh nghiệp KNST. Phát huy vai trò chủ động, tích cực của Chính phủ là kinh nghiệm rút ra thực tiễn phát triển các hệ sinh thái khởi nghiệp thành công tiêu biểu trong khu vực và thế giới.
- Hai là, về tổng thể, cần xây dựng một khung khổ pháp lý đồng bộ và thống nhất về hỗ trợ doanh nghiệp KNST để thể chế hoá một cách đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động KNST, hỗ trợ thiết thực và có hiệu quả đối với doanh nghiệp KNST với tính chất là một loại hình doanh nghiệp đặc thù, đáp ứng các yêu cầu về tính đồng bộ, thống nhất, đầy đủ, cụ thể các cơ chế và giải pháp tổ chức triển khai thực hiện. Khung khổ pháp lý về hỗ trợ doanh nghiệp KNST cần được định hình theo hướng ban hành Luật về KNSN có phạm vi và đối tượng điều chỉnh rộng và bao quát hơn, không chỉ đối với doanh nghiệp KNST; hoặc sửa đổi Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017 trong đó có một Chương riêng về hỗ trợ doanh nghiệp KNST.
- Ba là, để hình thành một khung khổ pháp lý đồng bộ và thống nhất như đã nêu ở trên, Quốc hội xem xét sửa đổi một số Luật (như Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự, Luật Giao dịch bảo đảm…), theo hướng bổ sung quy định cho phép thay thế tài sản bảo đảm bằng lịch sử tín dụng, xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp đối với một số doanh nghiệp bảo đảm chặt chẽ, khả thi; các quy định về ghi nhận tài sản vô hình là tài sản bảo đảm tiền vay như phần mềm, bằng sáng chế, bản quyền; các quy định cho phép loại trừ yêu cầu bảo toàn vốn trong hoạt động đầu tư cho KNST hoặc quy định tỷ lệ chấp nhận rủi ro trong hoạt động đầu tư này[8]…
- Bốn là, trong điều kiện chưa thể ban hành mới hoặc sửa đổi Luật Hỗ trợ DNNVV, Chính phủ, các bộ, ngành cần ban hành các văn bản hướng dẫn để kịp thời triển khai các chính sách, quy định đã có hiệu lực, khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện nay như:
Về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư KNST, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38/2018/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng quy định Quỹ đầu tư KNST có tư cách pháp nhân để quỹ có đầy đủ tư cách tham gia trực tiếp các giao dịch đầu tư, thay vì phải thành lập hoặc thuê công ty quản lý quỹ; tăng số lượng thành viên để tạo cơ hội huy động vốn mở rộng hoạt động của quỹ khi có nhu cầu đầu tư; quyền được huy động vốn từ các quỹ, huy động ngoại tệ và cho vay vốn; gỡ bỏ quy định về đăng ký lĩnh vực đầu tư cho doanh nghiệp KNST để mở rộng quyền tự do kinh doanh của các nhà đầu tư, giảm bớt thủ tục hành chính…
Về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển DNNVV, tiến hành sửa đổi Nghị định số 39/2019/NĐ-CP để quy định rõ về “mô hình công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”, từ đó điều chỉnh cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Quỹ cho phù hợp; đơn giản hóa hồ sơ, trình tự, thủ tục cho vay gián tiếp, nhất là đối với doanh nghiệp KNST như không yêu cầu tài sản bảo đảm, quy định NHTM cho vay giáp tiếp là bên chịu rủi ro cho vay…) để giúp doanh nghiệp KNST thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng; bổ sung các quy định cụ thể, phù hợp để triển khai cho vay trực tiếp, tài trợ vốn đối với doanh nghiệp KNST…
Về tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2018/NĐ-CP theo hướng có quy định riêng về bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp KNST. Theo đó, cần giảm bớt các quy định về điều kiện được bảo lãnh phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp KNST; đơn giản hóa quy trình thẩm định để cấp bảo lãnh tín dụng, khắc phục tình trạng chồng chéo trong quy trình thẩm định của Quỹ và của Ngân hàng thương mại, giảm chi phí vốn vay… Đồng thời, thống nhất triển khai đồng bộ tổ chức các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV ở tất cả các địa phương.
Về đầu tư, hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp KNST, cần sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn cụ thể về quy trình lựa chọn, hợp tác giữa tổ chức tài chính ở địa phương với Quỹ đầu tư KNST trong đầu tư cho doanh nghiệp KNST; quy định kéo dài thời gian thoái vốn dài hơn so với hiện hành để bảo đảm tính ổn định của doanh nghiệp KNST trong trường hợp cụ thể; có các quy định về miễn trừ trách nhiệm đối với người có thẩm quyền quyết định đầu tư vốn từ ngân sách nhà nước vào doanh nghiệp KNST nhằm phát huy được vai trò của các tổ chức tài chính trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm… Ngân hàng nhà nước nên nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể về hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp KNST và có các chương trình hỗ trợ tín dụng phù hợp với đối tượng này.
Về các thủ tục hành chính, thuế và đầu tư, cần quy định theo hướng đơn giản hóa các thủ tục thành lập doanh nghiệp, thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm, đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam, hướng dẫn ưu đãi về thuế trong đầu tư mạo hiểm, quy định về rút vốn, thoái vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển đổi khoản vay thành cổ phần hoặc phần vốn góp… để thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước.
- Năm là, ban hành các quy định về thử nghiệm cơ chế mới về huy động vốn cho KNST như vay vốn cộng đồng, cho vay ngang hàng để đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư, tạo cơ hội tiếp cận tài chính của doanh nghiệp KNST…
Doanh nghiệp KNST là loại hình doanh nghiệp đặc thù, ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hỗ trợ KNST là chính sách mang tầm quốc gia, trong đó, hỗ trợ huy động vốn giữ vị trí trung tâm, có ý nghĩa quyết định thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp KNST hình thành và phát triển. Để hỗ trợ một cách hiệu quả cho doanh nghiệp KNST theo chủ trương, chính sách mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, cần có các giải pháp đồng bộ từ nhận thức, xây dựng khung khổ pháp lý đến tổ chức thực hiện, trong đó có các giải pháp trước mắt và cả những giải pháp có tính căn cơ, lâu dài./.
TS. PHAN VĂN NGỌC
Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội
* Bài viết này có sử dụng kết quả nghiên cứu của Đề tài cấp bộ "Hoàn thiện pháp luật đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo", Mã số ĐTCB.2021-14 do TS. Phan Văn Ngọc làm Chủ nhiệm.
[1] Lê Thị Ninh Thuận (2023), Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, Tạp chí điện tử Lý luận chính trị, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/tu-lieu-tap-chi-in/item/4812-thuc-day-he-sinh-thai-khoi-nghiep-sang-tao-theo-tinh-than-dai-hoi-xiii-cua-dang.html, truy cập ngày 09/7/2023.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.132.
[3] Vũ Thị Nhài (2022), Một số chính sách tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, Tạp chí Công thương số 9 năm 2022.
[4] Nguyễn Hòa (2022), Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022: Đông Nam Á tiếp tục “hút” vốn khởi nghiệp, https://congthuong.vn/dien-dan-quy-dau-tu-khoi-nghiep-sang-tao-viet-nam-2022-dong-nam-a-tiep-tuc-hut-von-khoi-nghiep-231431.html, truy cập ngày 10/7/2023.
[5] Dương Hiểu Phong (2022), Thực trạng pháp luật về hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp của thanh niên thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng, Tạp chí Luật học số 11(270), tr. 65-79.
[6] Chí Tín (2022), Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại trong hoạt động thực tế, https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quy-bao-lanh-tin-dung-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-van-con-nhieu-kho-khan-tro-ngai-trong-hoat-dong-thuc-te-112680.html.
[7] Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), Dự thảo Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định số 39/2019/ NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (Dự thảo ngày 19/6/2023).
[8] Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), Dự thảo Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định số 39/2019/ NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (Dự thảo ngày 19/6/2023).