Phát huy động lực dân chủ trong Cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh vừa là một nhà tư tưởng, đồng thời là một nhà thực hành dân chủ trong thực tiễn. Người xem dân chủ là một trong những nhân tố quan trọng, là động lực góp phần thúc đẩy sự phát triển của cách mạng.

Tóm tắt: Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, đổi xã hội cũ thành xã hội mới, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người muốn đi tới thành công ngoài xác định mục tiêu đúng đắn, có chính đảng chân chính lãnh đạo, được sự ủng hộ của nhân dân, thì cần có phương pháp khoa học, cách mạng, phù hợp và đặc biệt Đảng lãnh đạo phải huy động và phát huy được các loại động lực, trong đó có động lực dân chủ. Đó chính là phát huy dân chủ, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân để phát triển sức dân, giải phóng mọi tiềm năng to lớn của nhân dân để thúc đẩy cách mạng đi tới thắng lợi.

Từ khoá: Phát huy; động lực dân chủ; tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đặt vấn đề

Hồ Chí Minh vừa là một nhà tư tưởng, đồng thời là một nhà thực hành dân chủ trong thực tiễn. Người xem dân chủ là một trong những nhân tố quan trọng, là động lực góp phần thúc đẩy sự phát triển của cách mạng.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, về vị trí vai trò, ý nghĩa của “dân chủ” chính là dân chủ đã đem lại quyền làm chủ vận mệnh của mình cho nhân dân, tạo ra những điều kiện, những tiền đề để toàn xã hội cũng như mỗi cá nhân trong xã hội phát triển và hoàn thiện. Con người nhờ có dân chủ và thông qua dân chủ mới có hoạt động tích cực, chủ động, sáng tạo đối với quá trình phát triển: “có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên” [5; T12, tr.376]. Trong xã hội, nếu thiếu dân chủ hoặc mất dân chủ tất yếu sẽ dẫn đến mất ổn định về chính trị, mất lòng tin giữa dân với Đảng, cản trở sản xuất và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, đất nước phát triển thiếu bền vững.

1.Trong tư tưởng Hồ Chí Minh: Dân chủ là dân là chủ và dân làm chủ. Dân chủ là coi trọng, tôn trọng con người, con người có giá trị cao nhất

Hồ Chí Minh đưa ra quan niệm về dân chủ hết sức ngắn gọn, cô đọng phản ánh bản chất nội dung chính trị về dân chủ theo quan niệm của chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời nhấn mạnh tới sự khác biệt và hơn hẳn của nền dân chủ mới đối với nền dân chủ cũ: dân chủ là dân là chủ và dân làm chủ trong đó mọi quyền hành và lực lượng đều thuộc về nhân dân. Trong các bài viết của mình, Người đã nêu rõ: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ” [5; T9, tr.258]; “Dân chủ là như thế nào?”, “là dân làm chủ”; “Nước ta là nước dân chủ [5; T6, tr.232].

Trong xã hội dân chủ thì dân có quyền làm chủ đồng thời dân cũng có nghĩa vụ của người chủ, tham gia trực tiếp và gián tiếp vào công việc lãnh đạo, quản lý, đồng thời phải kiểm tra, giám sát mọi hoạt động, việc làm, hành vi của những người đại diện do mình ủy quyền. Phát huy dân chủ, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân để phát triển sức dân, giải phóng mọi tiềm năng to lớn của nhân dân trong xã hội mà người dân làm chủ. Đây là điều kiện cơ bản nhất, quyết định nhất để hình thành phát triển nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Phát huy thật sự dân chủ, đảm bảo thật sự quyền làm chủ của nhân dân là điểm hội tụ của các quan điểm, nguyên tắc, phương hướng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Phát huy dân chủ và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân là hai vấn đề thống nhất với nhau trong quá trình hình thành và phát triển nhà nước. Dân chủ được thực hiện thông qua hoạt động của Nhà nước. Quyền lực Nhà nước trong xã hội do nhân dân ủy quyền mà có, phải thực hiện quyền lực này sao cho phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng, lợi ích của nhân dân. Nhà nước chỉ tồn tại và phát triển theo đúng nghĩa khi nó phục vụ nhân dân, bảo vệ nhân dân, tạo mọi điều kiện cho người chủ phát huy khả năng một cách sáng tạo.

Dân chủ trong tư tưởng Hồ Chí Minh mang tính nhân văn và tính pháp lý, hai yếu tố này gắn liền mật thiết với nhau. Về tính nhân văn, trong tư tưởng của Người, coi trọng dân chủ thực chất là coi trọng, tôn trọng con người, đặt con người vào vị thế chủ nhân của xã hội, coi con người là giá trị cao nhất. Con người có quyền sống, quyền tự do là những quyền tự nhiên, thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Mỗi con người và mỗi dân tộc nếu còn bị áp bức bóc lột, còn bị đọa đầy đau khổ, còn lâm vào tủi nhục lầm than, nô lệ thì không thể có dân chủ, tự do mà cần phải được giải phóng. Hồ Chí Minh đã vạch ra con đường giải phóng dân tộc mà Đảng ta đã quán triệt và thực hiện là: thông qua cách mạng vô sản để tranh độc lập, tự do cho Tổ quốc và quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ chủ nghĩa tư bản để mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đây là triết lý hành động, triết lý phát triển xã hội của Hồ Chí Minh - chính là động lực của cách mạng để đưa nhân dân thoát khỏi nô lệ, đói nghèo, lạc hậu tiến tới văn minh, phú cường, trở thành một dân tộc thông thái, mỗi một người dân đều trở thành người chủ, có quyền làm chủ, thực sự sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc. Hồ Chí Minh cho rằng, trong xã hội địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Mọi việc từ nhỏ đến lớn như làm ra cái ăn, cái mặc hàng ngày, cho đến việc to tát như cải biến tự nhiên, sáng tạo xã hội, xây dựng thể chế, phát triển sản xuất, kinh tế, văn hóa đều do lao động của dân làm ra, Đảng và Nhà nước phải biết dựa vào dân, tổ chức và lãnh đạo dân chúng thực hiện để làm lợi cho dân mới đạt được thắng lợi. Do đó, trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân.

2. Dân chủ phải được phát huy trong đời sống thực tiễn của cách mạng và phải thực thi pháp luật dân chủ bảo vệ quyền tự do dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, cơ sở pháp lý của dân chủ là sự bảo đảm thực hiện dân chủ trong thực tế phổ biến của đời sống xã hội cho đại đa số nhân dân: “Hiến pháp bảo đảm được quyền tự do dân chủ cho các tầng lớp nhân dân, trên cơ sở công nông liên minh và do giai cấp công nhân lãnh đạo. Nó phải thật sự bảo đảm nam nữ bình quyền và dân tộc bình đẳng” [5; T10, tr.510]. Pháp luật chính là công cụ để nhà nước định ra chế độ dân chủ, thiết lập các quy tắc, chuẩn mực của dân chủ, xác định rõ đặc điểm pháp lý của các mối quan hệ dân chủ, trước hết là vai trò của pháp luật trong việc xác định mối quan hệ pháp lý giữa nhân dân và nhà nước. Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân “tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng”, “ra lệnh cho oai”. Nhà nước ta là nhà nước do nhân dân lập nên, vì vậy pháp luật phải mang bản chất dân chủ đồng thời pháp luật cũng là công cụ đảm bảo thực hiện và bảo vệ dân chủ. Đây là nét ưu việt đồng thời cũng là điểm khác biệt so với tất cả các chế độ xã hội khác trong lịch sử dân tộc như Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ” [5; T4, tr.7]. Chính phủ với bộ máy chính quyền từ xã đến trung ương đều do dân cử và nhiệm vụ của mình là phục vụ nhân dân. Với tư cách là cơ quan hành pháp, chính phủ làm chức năng điều hành, quản lý nhà nước trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nên một chính phủ tốt, xứng đáng với sự ủy thác, tin cậy của nhân dân phải là một chính phủ biết phụng sự nhân dân, hành động vì lợi ích của nhân dân, do dân tổ chức nên, do dân đôn đốc, kiểm soát, phê bình, đồng thời biết dựa vào sự giúp đỡ của dân để xây dựng tổ chức lực lượng và sửa chữa khuyết điểm. Chính vì vậy, pháp luật phải đích thực là pháp luật dân chủ, bênh vực, bảo vệ quyền tự do dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động. Thể chế chính trị phải thực sự vững mạnh và có hiệu lực để có khả năng giải quyết, điều tiết đúng đắn hợp lý các mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ, lợi ích và trách nhiệm. Người yêu cầu, mọi cơ quan, mọi tổ chức nhà nước, mọi công dân phải có tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ, bổn phận trước đời sống của nhân dân. Vì vậy, ngăn ngừa và chống lại mọi nguy cơ, hành vi tha hóa, hư hỏng trong bộ máy quyền lực là vấn đề được Người cảnh báo ngay từ rất sớm. Người chỉ rõ, muốn chống tham ô, lãng phí, quan liêu thì phải dân chủ. Nguồn gốc sâu xa của căn bệnh ấy là do chủ nghĩa cá nhân - thứ giặc nội xâm gây ra, dẫn tới hiện tượng vụ lợi, xa dân, khinh nhờn dân, không hiểu dân, không thương dân. Đây chính là nguy hại lớn cho đất nước, đe dọa sự sống còn của chế độ. Người đòi hỏi pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất lương, diệt trừ cái ác để bảo vệ cái thiện, nuôi dưỡng cái thiện, giữ nghiêm kỷ cương phép nước, bảo vệ an ninh và an sinh cho nhân dân.

Trong chế độ mới, nhân dân còn thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua các tổ chức xã hội. Vì thế, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc tạo lập cơ sở pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của các tổ chức, đoàn thể quần chúng, xem đó là hình thức tốt nhất để đảm bảo thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Sau Cách mạng tháng Tám, Người đã trực tiếp ký nhiều văn bản như Luật về quyền tự do hội họp, quyền lập hội,… Bên cạnh đó, để đảm bảo dân chủ phải đi đôi với thiết lập chuyên chính bởi “Muốn dân chủ thực sự phải chuyên chính thực sự” [5; T11, tr.247]. Song, Hồ Chí Minh cũng lưu ý, chuyên chính chỉ là phương tiện, dân chủ mới là mục tiêu và động lực, có chuyên chính cũng chỉ nhằm củng cố, phát triển dân chủ: Dân chủ là cái quý báu nhất của nhân dân, chuyên chính là cái khóa, cái cửa để đề phòng kẻ phá hoại, nếu hòm không khóa, nhà không có cửa thì sẽ mất cắp hết. Cho nên có cửa phải có khóa, có nhà phải có cửa. Thế thì dân chủ cũng cần phải có chuyên chính để giữ gìn lấy dân chủ.

Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng môi trường về chính trị, kinh tế, xã hội để tạo ra những cơ sở cho thực hành dân chủ và phát triển dân chủ ở Việt Nam. Để tạo cơ sở cho xây dựng và phát triển nền dân chủ, Người chủ trương xây dựng một nhà nước pháp quyền, quản lý xã hội bằng pháp luật. Các quyền lợi và nghĩa vụ của công dân được cụ thể hóa bằng hệ thống pháp luật. Trong việc thực hành dân chủ, sự lãnh đạo của Đảng đóng một vai trò quan trọng quyết định sự thành công trong thực hành dân chủ. Với vai trò lãnh đạo nền dân chủ, Đảng phải là tấm gương về thực hành dân chủ trong chính tổ chức và sinh hoạt của mình. Muốn vậy, Đảng phải có đường lối đúng, chính sách đúng, trong sạch vững mạnh, thường xuyên gắn bó với nhân dân. Hồ Chí Minh còn chủ trương phát huy cao độ vai trò của các tổ chức đoàn thể: Mặt trận, các tổ chức của các hội ngành nghề, tổ chức kinh tế - xã hội khác để bảo vệ và thực hành quyền làm chủ của nhân dân. Ở đây, nhân dân có thể thông qua các tổ chức chính trị - xã hội của mình để biết, để bàn, để kiểm tra, để hưởng quyền dân chủ, trực tiếp hoặc gián tiếp, nhằm thực hiện đầy đủ vai trò quyền là chủ và làm chủ của mình.

Xây dựng môi trường kinh tế - xã hội là một điều kiện hàng đầu để thực hành phát triển dân chủ trên thực tế: Chúng ta phải ra sức thực hiện những cải cách xã hội, để nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện dân chủ thực sự. Dân chủ trên lĩnh vực kinh tế là thực hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động đối với quá trình sản xuất: quyền làm chủ của nhân dân lao động đối với tư liệu sản xuất, quản lý kinh tế, phân phối sản phẩm lao động nhằm phát huy mọi năng lực của nhân dân cho xây dựng và phát triển kinh tế. Dân chủ trong kinh tế chính là phát triển lực lượng sản xuất, là động lực tăng trưởng và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Đời sống của nhân dân là thước đo của dân chủ và phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao đời sống nhân dân là xây dựng môi trường cho thực hành và phát triển dân chủ. Để xây dựng môi trường thực hành dân chủ, cần phải thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình sản xuất. Phát huy tiềm lực của mọi thành phần kinh tế, thực hiện dân chủ trong quản lý và thực hiện phân phối theo lao động tạo ra động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Thay đổi cơ cấu kinh tế ngành, nghề, vùng, miền nhằm tạo cơ hội giải quyết việc làm, thực hiện quyền lao động và nâng cao mức sống mọi mặt của nhân dân từ đó thực hiện bình đẳng, công bằng về lao động và phân phối sản phẩm lao động giữa các khu vực dân cư. Đây là điều kiện thực hiện bình đẳng trong kinh tế, là giải pháp thu ngắn khoảng cách thu nhập giữa các khu vực, ngành nghề, tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Hồ Chí Minh chỉ ra một trong những phương pháp lãnh đạo sản xuất kinh tế đạt hiệu quả là “dùng phương pháp dân chủ mà đẩy mạnh phong trào thi đua”. Dân chủ trong sản xuất kinh doanh, quản lý kinh tế không chỉ là vấn đề xây dựng và phát triển sản xuất trên cơ sở thực hành dân chủ, mà còn là quá trình chống lại và loại trừ nạn tham ô, lãng phí, quan liêu. Quan liêu - “quan chủ” là tiến dần tới chuyên quyền độc đoán trong tư duy và hành động, đối lập với dân chủ, kìm hãm sáng tạo và phát triển, làm mất lòng tin của nhân dân. Do đó, chống tham ô, lãng phí, quan liêu là dân chủ và muốn chống tham ô, lãng phí, quan liêu thì phải thực hiện dân chủ.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện dân chủ trong xây dựng và phát triển văn hóa là phải hướng vào quần chúng nhân dân lao động - chủ thể của nền văn hóa và là người hưởng thụ các giá trị văn hóa. Do vậy, Đảng và Nhà nước phải “Không ngừng nâng cao thị hiếu thẩm mỹ và trình độ thưởng thức nghệ thuật của công chúng, đặc biệt quan tâm tầng lớp thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Tạo điều kiện để nhân dân tham gia tích cực phê bình, được hưởng thụ ngày càng nhiều tác phẩm văn nghệ có giá trị trong nước và ngoài nước” [2; tr.62]. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, dân chủ trong xây dựng và phát triển văn hóa là tạo ra quyền bình đẳng văn hóa giữa các dân tộc. Bởi Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, trong đó, mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hóa riêng. Đó là những giá trị văn hóa sẽ bổ sung cho nhau, làm phong phú nền văn hóa Việt Nam và củng cố sự thống nhất dân tộc là cơ sở để giữ vững sự bình đẳng và phát huy tính đa dạng của các dân tộc.

3. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thời kỳ hiện nay

Đẩy mạnh mở rộng dân chủ để dân chủ trở thành động lực của sự tiến bộ, phát triển. Vận dụng tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh vào quá trình thực hiện dân chủ ở nước ta trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước đã nhận diện rõ: Dân chủ được bắt đầu từ dân sinh, được đảm bảo bởi dân trí và được khẳng định bởi dân quyền. Đối với một quốc gia và đối với mỗi chế độ, đặc biệt là đối với Việt Nam hiện nay, muốn đạt được dân chủ, phải chăm lo kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao học vấn, trau dồi đạo đức, thi hành nghĩa vụ, bổn phận, đề cao pháp luật, pháp quyền.

Đất nước đã được độc lập, tự do và đang trên đà xây dựng phát triển, song trong thời kỳ đổi mới, thực hành dân chủ trong nhân dân còn có những khó khăn, hạn chế. Bởi do, đất nước đã trải qua hàng ngàn năm phong kiến với đặc trưng là chế độ chuyên quyền, độc đoán; hơn nữa chưa trải qua nền dân chủ tư sản, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, còn thiếu hụt trong việc làm giá đỡ cho quá trình thực thi dân chủ; cộng với chế độ tập trung quan liêu, bao cấp kéo dài; bên cạnh đó, những thói quen, tập quán lạc hậu phản dân chủ còn rơi rớt đã trở thành lực cản kìm hãm những nỗ lực thực thi đổi mới, dân chủ tiến bộ.

Trong quá trình đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tìm kiếm, tạo dựng, nắm bắt và phát huy động lực dân chủ trong thực tiễn. Đại hội VI (1986), mở đầu đổi mới đề ra phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và đúc kết bài học kinh nghiệm “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ quyền làm chủ của nhân dân lao động”. Đồng thời, yêu cầu thực hiện một cách nền nếp khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; Nghị quyết Trung ương Tám về công tác quần chúng (8b) chỉ rõ sự nghiệp và động lực cách mạng là của quần chúng nhân dân, công tác quần chúng là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, các đoàn thể xã hội.

Đại hội VII (1991) nêu yêu cầu, phải tổ chức và vận động các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng pháp luật, chính sách đóng góp ý kiến với cơ quan nhà nước các cấp xây dựng quy chế, quy ước phù hợp với luật pháp và chủ trương, chính sách của nhà nước, tham gia phổ biến pháp luật trong nhân dân và tổ chức các phong trào quần chúng thực hiện pháp luật và chính sách của Nhà nước. Đại hội VIII (1996) xác định nhiệm vụ xây dựng cơ chế thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thực hiện tốt cơ chế làm chủ của nhân dân thông qua các cơ quan dân cử, làm chủ trực tiếp bằng hình thức tự quản, bảo đảm dân chủ trong quá trình ra quyết định và thực hiện các quyết định. Đại hội IX (2001), khẳng định: Thực hiện tốt quy chế dân chủ, mở rộng dân chủ trực tiếp ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý xã hội, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng, khắc phục mọi biểu hiện dân chủ hình thức, xây dựng Luật Trưng cầu ý dân. Đại hội X (2006), nêu rõ: Mọi đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân. Đại hội XI (2011), XII (2016), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” [3; tr.238]. Đại hội XIII (2021), Đảng ta chú trọng: “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; củng cố nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội” [4; tr.38]. Trong thời gian tới, nước ta cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân, mọi đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân; cán bộ công chức phải hoàn thành tốt chức trách được giao, tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân. Nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội của nhân dân, có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp: Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (năm 2022), tiếp tục cụ thể hoá phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, đồng thời nghiêm trị những hành vi vi phạm pháp luật, kỷ cương, lợi dụng dân chủ làm mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, chống quan liêu, dân chủ hình thức. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” [3; tr.70].

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về củng cố phát triển dân chủ đi đôi với chuyên chính, trong thời kỳ đổi mới, thông qua các văn kiện Đảng ta đã chỉ rõ: “Thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và cũng là bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta… Nhà nước phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, cửa quyền, chống tham ô, lãng phí, đặc quyền, đặc lợi. Bảo vệ quyền con người, các quyền cơ bản của công dân đã ghi trong Hiến pháp như quyền sở hữu, quyền sử dụng tư liệu sản xuất… Thiết lập trật tự, kỷ cương xã hội, chống các biểu hiện dân chủ cực đoan. Thực hiện chuyên chính đối với những phần tử có hành vi phản bội Tổ quốc, phá hoại an ninh quốc gia, xâm phạm lợi ích nhân dân” [1; tr.56-58].

Vận dụng tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh vào quá trình thực hiện dân chủ ở nước ta cần phải quán triệt tư tưởng của Người, trước hết phải giáo dục ý thức dân chủ trong nhân dân. Mục đích của “thực hành dân chủ để làm cho dân ai cũng được hưởng quyền dân chủ tự do” [5; T5, tr.39]. Trong chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do, mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do thảo luận để cùng tìm ra chân lý, khi chân lý đã tìm ra rồi thì quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Hiểu biết về dân chủ và thực hành dân chủ phải trở thành yêu cầu nội tại của nhân dân, nhất cả cán bộ lãnh đạo, quản lý phải làm gương trong việc thực hiện dân chủ hóa ở nước ta.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao ý thức dân chủ, bản lĩnh làm chủ cho nhân dân gắn với việc nâng cao trình độ văn hóa để cho nhân dân biết rõ quyền lợi, bổn phận, biết sử dụng quyền trong việc biết hưởng, biết dùng quyền dân chủ và tiến tới người dân có bản lĩnh dám “mở miệng”, dám làm, tích cực chủ động tham gia vào các công việc quản lý nhà nước và xã hội, thực hiện quyền dân chủ trực tiếp và gián tiếp một cách đúng đắn: “Đã có quyền hạn làm chủ thì phải làm trọn nghĩa vụ của người chủ” [5; T13, tr.52], Người khẳng định: “Nhân dân lao động là những người chủ tập thể của tất cả của cải vật chất và văn hóa, đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ” [5; T13, tr.66]. Người luôn chú trọng tới việc giáo dục tính tích cực, ý thức chủ động cho nhân dân trong khi thực hành quyền làm chủ của mình nhân dân ta phải dùng sáng kiến và nghị lực của mình để tự giải quyết các khó khăn của mình, không nên ỷ lại hoàn toàn vào Chính phủ. Trong thực hành dân chủ, với tư cách là chủ và làm chủ, hành động phải được biểu hiện đúng đắn trong hoạt động này. Dân có quyền phê bình Chính phủ nếu Chính phủ sai, có khuyết điểm, có quyền đuổi Chính phủ nếu Chính phủ làm hại dân. Song nhân dân phê bình, góp ý, giúp đỡ chính phủ phải trên tinh thần xây dựng, có văn hóa do đó càng phải giáo dục văn hóa dân chủ cho nhân dân. Thông qua công tác giáo dục tuyên truyền văn hóa dân chủ để củng cố, xây dựng dân chủ mới, đồng thời mặt khác sẽ góp phần hạn chế những hoạt động phá hoại dân chủ do sự thiếu hiểu biết hoặc lợi dụng dân chủ trong một bộ phận nhân dân. Chính nó, sẽ tạo ra khả năng tự bảo vệ của nhân dân trên cơ sở nắm vững luật pháp Nhà nước. Vì vậy, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong đời sống cách mạng càng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật giúp nhân dân là chủ và làm chủ trong thực hành dân chủ. Bởi vì, có luật pháp “chưa phải đã là mọi việc đều xong, mà còn phải tuyên truyền giáo dục lâu dài mới thực hiện được tốt”. Trong quá trình thực hiện dân chủ ở nước ta, nhất là thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về tuyên truyền, giáo dục văn hóa dân chủ cần đi đôi đẩy mạnh việc xây dựng môi trường dân chủ. Vì xây dựng môi trường cho thực hành dân chủ và phát triển dân chủ là vấn đề quan trọng bởi nó sẽ tạo ra các điều kiện đầy đủ, cơ chế về pháp luật và tổ chức để nhân dân thực hiện và phát huy quyền là chủ và làm chủ. Tại Đại hội XI, Đảng ta chủ trương: “Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển” [3; tr.100], nhận thức và đánh giá đúng về dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn” [5; T15, tr.325]; Hiện nay, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục nhấn mạnh “Phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương” [4; T1, tr.28]. Phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân và các điều kiện để mọi người được phát triển toàn diện. Nâng cao năng lực và tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp để phát huy mạnh mẽ mọi khả năng sáng tạo và bảo đảm đồng thuận cao trong xã hội, tạo động lực phát triển đất nước. Phát huy lợi thế dân số và con người Việt Nam, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài, chăm lo lợi ích chính đáng và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của mọi người dân, thực hiện công bằng xã hội.

TS. Nguyễn Thị Phương Nam

Học viện Chính trị khu vực I

Tài liệu tham khảo

  1. ĐCSVN (1994), Văn kiện Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ khóa VII, Nxb CTQG, HN.
  2. ĐCSVN (1996), Văn kiện Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5 khóa VIII, Nxb CTQG, HN.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, HN.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG ST, HN, T1-2.
  5. Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Nxb CTQG, HN, T1-15.
  6. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật số 10/2022/QH15, ngày 10/11/2022.
...
  • Tags: