Phát huy hơn nữa vai trò kiểm soát quyền lực của nhân dân

Bất cứ thiết chế chính trị nào cũng đều hết sức quan tâm đến việc kiểm soát quyền lực. Nhưng thực tế cũng cho thấy ở đâu có quyền lực thì ở đó cần phải có sự kiểm soát để bảo đảm việc thực thi quyền lực được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, không bị lạm dụng.

Kiểm soát quyền lực có thể hiểu ngắn gọn là hệ thống những cơ chế, hoạt động kiểm tra, đánh giá, phát hiện, ngăn chặn, loại bỏ những hành vi vượt quá giới hạn được ủy quyền của các chủ thể nắm quyền lực nhằm bảo đảm cho việc thực thi quyền lực đúng quy định, đúng mục đích, đúng quyền hạn và có hiệu quả.  Ở Việt Nam, ngay từ khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng ta đã sớm đề cập đến vấn đề kiểm tra, kiểm soát, giám sát, nâng cao trách nhiệm của Chính phủ, chính quyền đối với dân nhằm xây dựng một nhà nước dân chủ, ngăn chặn tình trạng cán bộ lạm quyền, lộng quyền gây hại cho dân.

Nhân dân thực hiện kiểm soát quyền lập quy của Chính phủ bằng cách trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức đại diện của mình như Mặt trận Tổ quốc 

Quan điểm của Đảng về kiểm soát quyền lực

Ngay từ Ðại hội XI của Đảng, lần đầu tiên khái niệm kiểm soát quyền lực chính thức được ghi nhận trong quan điểm chỉ đạo quá trình đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam: "quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp". Ðặc biệt, đến Ðại hội XIII, vấn đề kiểm soát quyền lực đã trở thành một nội dung quan trọng được nhấn mạnh. Văn kiện Ðại hội chỉ rõ, một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là phải "Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức", đồng thời coi việc "Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền" là một trong các nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Ðảng trong sạch, vững mạnh, "tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước" là nội dung cần chú trọng để hoàn thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị là xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Một điểm mới quan trọng về quan điểm chỉ đạo của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII đã nêu: “kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Trong đó, nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất trong tổ chức và hoạt động của Đảng là tập trung dân chủ, liên quan đến kiểm soát quyền lực, đảm bảo cho Đảng đưa ra các quyết định về quyền lực một cách đúng đắn; phát huy được trí tuệ của tập thể trong phân cấp, phân quyền; bảo đảm tính kỷ luật tự giác của mỗi tổ chức đảng và đảng viên trong thực thi quyền lực. Trong quá trình đó,  nhân dân là chủ thể kiểm soát quyền lực quan trọng. Việc nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước là sự thể hiện cụ thể của chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được nêu ra từ Đại hội V của Đảng. Đại hội XIII tiếp tục đề ra và nâng cao phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Điểm mới được Đại hội đề cập đến nằm ở “dân giám sát” và “dân thụ hưởng”; trong đó, “dân giám sát” thể hiện việc kiểm soát quyền lực của Nhân dân thông qua hình thức giám sát.

Từ quan điểm đó, các chủ thể của hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước hiện nay bao gồm: Nhân dân và những cơ quan dân cử; nội bộ các đơn vị; các tổ chức chính trị - xã hội; Đảng và các tổ chức cơ sở Đảng; các cơ quan thanh tra nhà nước. Trong đó, Nhân dân là nguồn gốc của quyền lực nhà nước, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong kiểm soát quyền lực.

Kiểm soát quyền lực lãnh đạo của Đảng được chế định bởi Hiến pháp và bằng các phương thức khác nhau.  Cụ thể là:

Đầu tiên, giới hạn quyền lực của Đảng được chế định trong Hiến pháp năm 2013 (Điều 4), bao gồm hai nội dung: Thứ nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Như vậy, Đảng là một chủ thể lãnh đạo, thực thi quyền lực chính trị của giai cấp mà nó đại diện, chứ không phải là một chủ thể thực thi quyền lực nhà nước. Thứ hai, “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Nghĩa là Đảng bình đẳng trước pháp luật như mọi đối tượng điều chỉnh của pháp luật Việt Nam.

Tiếp đến, nhân dân thực hiện quyền giám sát hoạt động của Đảng theo các tiêu chí cụ thể được ghi trong Cương lĩnh và trong Điều 4, Hiến pháp 2013.

Bên cạnh đó, Đảng thực hiện cơ chế “tự kiểm soát” bằng các hình thức sinh hoạt đảng, như tự phê bình và phê bình, kỷ luật đảng, hoạt động kiểm tra - giám sát của các tổ chức đảng từ chi bộ đến Trung ương theo Điều lệ Đảng.

Và cuối cùng là việc kiểm soát quyền lực lãnh đạo của Đảng được thực hiện bởi việc đánh giá hiệu quả lãnh đạo theo vai trò lãnh đạo được chế định bởi Hiến pháp, dựa trên ba tiêu chí cơ bản: 1- Mức độ thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng đề ra; 2- Niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng; 3- Những giá trị tiến bộ mà Đảng mang đến cho nhân dân, cho đất nước, cho dân tộc.

Như vậy, chủ thể quan trọng nhất trong kiểm soát quyền lực lãnh đạo của Đảng là nhân dân. Công cụ kiểm soát mạnh mẽ nhất hiện nay là chế định của Hiến pháp.

Mục đích của việc tăng cường vai trò kiểm soát quyền lực của nhân dân

Mục đích của việc tăng cường kiểm soát quyền lực là nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, bảo đảm dân chủ và thúc đẩy tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam nhanh chóng đi đến thắng lợi, gặt hái được những thành tựu quan trọng để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, mang lại cho người dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc, vì một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".        

Kiểm soát quyền lực là vấn đề mà mọi thiết chế chính trị đều quan tâm cho dù là trong lịch sử hay hiện tại. Ðiểm khác nhau là mục đích của việc kiểm soát quyền lực ở mỗi thiết chế chính trị. Việt Nam lựa chọn xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, về bản chất là chế độ dân chủ thật sự, dân chủ triệt để cho số đông nhân dân lao động, do đó, bảo đảm dân chủ luôn là mục tiêu mà Việt Nam theo đuổi và nỗ lực phấn đấu thực hiện.

Ðể hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mang bản chất dân chủ tốt đẹp đó càng cần thiết phải coi trọng tăng cường kiểm soát quyền lực. Thực tế cho thấy, khi quyền lực bị buông lỏng, không được kiểm soát chặt chẽ rất dễ dẫn tới tha hóa quyền lực, khiến cho quyền lực đó không còn thuộc về nhân dân, không vì lợi ích của nhân dân mà thuộc về những người được trao quyền lực, nắm quyền lực.

Kiểm soát quyền lực là trách nhiệm không chỉ của Ðảng, mà của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Nhân dân là lực lượng quan trọng thực hiện kiểm soát quyền lực, thực hiện kiểm tra, giám sát để quyền lực ấy thật sự thuộc về nhân dân, vì lợi ích của nhân dân. Kiểm soát quyền lực tốt sẽ góp phần bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa dân chủ ưu việt mà chúng ta đang xây dựng.

Các hình thức kiểm soát quyền lực nhà nước

Các hình thức kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta được thực hiện thông qua những nội dung cụ thể sau:

Bầu cử là phương thức kiểm soát quyền lực quan trọng nhất: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức thông qua bầu cử dân chủ, nhận sự ủy quyền có điều kiện và có thời hạn của nhân dân, thực thi quyền lực nhà nước của nhân dân. Đây là hình thức kiểm soát quyền lực nhà nước quan trọng nhất, bởi vì bầu cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước liên quan đến quyền dân chủ của nhân dân và quyền lãnh đạo của Đảng. Người dân phải có quyền, trách nhiệm và điều kiện để lựa chọn những người gắn bó, có trách nhiệm với vận mệnh của nhân dân.

Giới hạn quyền lực nhà nước bằng Hiến pháp: Ở Việt Nam hiện nay, “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ” (Điều 8, Hiến pháp năm 2013). Như vậy, Nhà nước Việt Nam đã tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi các chức năng sản xuất, kinh doanh, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tránh can thiệp sâu vào các quyền riêng tư cá nhân.

Kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước: Một trong những phương thức quan trọng để kiểm soát quyền lực nhà nước là tổ chức bộ máy nhà nước sao cho các cơ quan quyền lực nhà nước, hoặc thực thi quyền lực nhà nước vừa thống nhất phối hợp hành động, vừa kiểm soát lẫn nhau để không một cơ quan nào có thể lạm quyền (thể hiện tại Điều 2, khoản 3, Hiến pháp năm 2013).

Kiểm soát của các cơ quan tư pháp đối với các cơ quan nhà nước:  Ở đây chính là Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp, có quyền xét xử đối với bất kỳ đại biểu Quốc hội, thành viên Chính phủ nào nếu họ phạm luật. Việc hiến định nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm, làm cho khả năng kiểm soát quyền lực nhà nước của tòa án là rõ ràng.

Nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước: Nhân dân kiểm soát Nhà nước trước hết qua hệ thống bầu cử, thông qua hoàn thiện chức năng giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của hội đồng nhân dân các cấp, các công cụ thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của bộ máy nhà nước. Bên cạnh đó, nhân dân còn kểm soát thông qua các tổ chức có tính đại diện xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, Mặt trận Tổ quốc…

Bảo đảm quyền được làm tất cả những gì pháp luật không cấm đối với nhân dân: Nhân dân là chủ thể của mọi quyền lực.  Trong xã hội có nhà nước, nhân dân ủy một phần quyền để tạo thành nhà nước (quyền lực công, ý chí chung, tự do công cộng...), phần còn lại tự do sử dụng. Như vậy, trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, công dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Những điều mà pháp luật cấm là những điều được xã hội thỏa thuận và ghi thành Khế ước (Hiến pháp) và được cụ thể hơn nữa thông qua các đạo luật. Thực tế cho thấy việc mở rộng dân chủ, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là biện pháp phòng ngừa tham nhũng trên thực tế mang lại hiệu quả to lớn. Cơ chế giám sát dân chủ, giám sát trực tiếp của nhân dân là một trong các kênh giám sát đối với cán bộ, công chức bên cạnh các kênh giám sát thông qua thực thi pháp luật, sự kiểm tra của tổ chức Đảng.

Vai trò của báo chí và các phương tiện truyền thông trong kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm phòng, chống tham nhũng:  Báo chí tham gia và tham gia đắc lực chống tham nhũng, làm sáng tỏ, đưa ra công khai, phơi bày trước dư luận xã hội những sự thật để nhân dân phán xét. Chính từ sự phán xét của đông đảo quần chúng nhân dân mà dư luận xã hội có sức mạnh. Sức mạnh đó cũng chính là nguồn tiếp sức cho báo chí nâng cao tính chiến đấu của mình.

Vai trò của Nhân dân trong kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm phòng, chống tham nhũng: Nhân dân là cơ sở chính trị quan trọng của nhà nước, là chủ thể của quyền lực nhà nước, thực hiện việc giám sát các mặt của đời sống xã hội, trong đó có thực hiện quyền lực nhà nước. Nhân dân thực hiện quyền giám sát quyền lực nhà nước thông qua giám sát cán bộ, công chức nhà nước, góp ý xây dựng chính sách pháp luật, giám sát việc thực thi công vụ của cơ quan nhà nước. Nhân dân còn thực hiện kiểm soát quyền lực Nhà nước bằng việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đối với việc thực thi công vụ của cơ quan nhà nước, tổ chức cá nhân được nhà nước trao quyền, với các tổ chức đảng các cấp và mỗi đảng viên trong cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước.

Giải pháp phát huy vai trò kiểm soát quyền lực của Nhân dân

Để phát huy hơn nữa vai trò kiểm soát quyền lực của Nhân dân, theo các chuyên gia, cần làm tốt một số giải pháp sau đây:

Một là, tăng cường và phát huy dân chủ:  Theo quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh, việc nhân dân kiểm tra các cơ quan của Nhà nước là điều rất quan trọng trong việc kiểm soát quyền lực. Trong đó, “cán bộ là gốc của mọi công việc”, nên nhân dân kiểm tra, giám sát cán bộ là việc trọng yếu nhất để ngăn ngừa tham ô, tham nhũng. Đây cũng là hiện thực hóa một trong những chủ trương lớn của Đại hội XIII “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Hai là, tăng cường giám sát từ các cơ quan dân cử đối với các hoạt động thực thi pháp luật. Quốc hội, HĐND, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là các cơ quan dân cử đại diện cho quyền dân chủ gián tiếp của nhân dân. Muốn hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật thực sự đạt hiệu quả phòng, chống tham nhũng cần phải đổi mới các phương thức giám sát. Cần tập trung vào: giám sát thông qua việc xem xét báo cáo; giám sát thông qua kiểm tra việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; giám sát thông qua việc trả lời chất vấn; giám sát trực tiếp tại địa phương… Để tăng tính hiệu quả trong hoạt động giám sát, các cơ quan dân cử cần tính đến việc thành lập các thiết chế độc lập, thường xuyên hoặc lâm thời để thu thập thông tin và tổ chức đánh giá có hiệu quả hoạt động thực thi quyền lực của các cơ quan nhà nước.

Ba là, cụ thể hóa quyền kiểm tra của Nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc.   Tiếp tục nghiên cứu trình để luật hóa quyền giám sát của Mặt trận Tổ quốc đối với việc thực thi pháp luật của các cơ quan công quyền, xác định nội dung, phạm vi, trình tự, thủ tục hoạt động giám sát của Nhân dân đối với cơ quan nhà nước với các quy định rõ ràng, cụ thể để người dân hiểu rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm giám sát của mình, bảo đảm quyền là chủ và làm chủ của Nhân dân. 

Bốn là, kiểm soát quyền lực thông qua việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Thực hiện tốt quyền khiếu nại, tố cáo; giải quyết khiếu nại, tố cáo và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là một kênh quan trọng của kiểm soát quyền lực nhà nước từ phía người dân đối với cán bộ, người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan nhà nước. Thông qua đó, các cơ quan, tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có được những thông tin khách quan để xem xét, đánh giá được năng lực quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ cũng như trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Năm là, tiếp tục triển khai công khai, minh bạch về thông tin. Dân chủ phải đi liền với sự công khai, minh bạch về thông tin. Cần có sự minh bạch về thông tin để Nhân dân trực tiếp kiểm tra, giám sát. Tiếp cận đầy đủ thông tin, phát huy dân chủ trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan quyền lực là điều kiện rất cần thiết để người dân có điều kiện để phát hiện, tố cáo những hành vi tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động của cán bộ, đảng viên. Có thể khẳng định rằng, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tiếp cận thông tin là nền tảng đảm bảo cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tạo khả năng lên tiếng của Nhân dân, cho phép Nhân dân tham gia vào giám sát, kiểm tra, phát hiện các biểu hiện tiêu cực./.  

TS. Phạm Xuân Hòa 

...
  • Tags: