Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và tiếp thân mật nhân dân xóm Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng (9/6/2024)
Tầm quan trọng của việc phát huy vai trò của Nhân dân trong phòng ngừa, ngăn chặn mâu thuẫn, xung đột xã hội
Quần chúng nhân dân là lực lượng đông đảo, là cơ sở xã hội - giai cấp của Nhà nước, là gốc rễ của một dân tộc, là động lực chính để thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của quần chúng nhân dân đối với sự phát triển của xã hội, nhân dân lao động chính là những người làm nên lịch sử. Đây là sự chuyển biến cách mạng trong nhận thức về vai trò vô cùng quan trọng của quần chúng nhân dân trong lịch sử, là một trong những nền tảng lý luận quý báu của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta đã chứng minh từ thời các vua Hùng, Hai Bà Trưng đến Ngô Quyền, Lê Lợi, Quang Trung và đến thời đại Hồ Chí Minh đều dựa vào Nhân dân, lấy dân làm gốc, sử dụng sức mạnh của Nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Gốc có vững, cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.
Kế thừa truyền thống dân tộc, quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò của Nhân dân, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Quan hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân là nguồn gốc sức mạnh truyền thống vô cùng quý báu của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân”, “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến chính phủ trung ương do dân cử ra... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân"(1)… Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã đồng lòng hợp sức làm nên nhiều chiến công vẻ vang trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; đang từng bước xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở đất nước ta. Ngày nay, trong giai đoạn đất nước ta chuyển sang thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có những thuận lợi mới, thời cơ mới, song vẫn còn nhiều trở lực và thách thức; mà một trong những thách thức đó, là khả năng xuất hiện những điểm nóng xã hội từ những mâu thuẫn, xung đột trong nội bộ nhân dân. Những mâu thuẫn, xung đột trong nội tại quốc gia chỉ có thể được giải quyết ổn thỏa khi biết dựa vào sức mạnh của Nhân dân và hợp lòng dân.
Trước đòi hỏi của thực tiễn, việc phát huy cao độ vai trò của Nhân dân trong phòng ngừa, ngăn chặn mâu thuẫn, xung đột xã hội, không để cho tình trạng mâu thuẫn, xung đột xã hội diễn ra phức tạp là vấn đề cấp bách hiện nay. Muốn phòng ngừa, ngăn chặn mâu thuẫn, xung đột xã hội cần phải có sự đồng thuận từ Nhân dân, tức là có sự đồng thuận của các thành viên trong xã hội. Sự “đồng thuận xã hội” thể hiện qua việc nhân dân “bằng lòng, đồng tình đối với những vấn đề quan trọng”(2); “sự đồng tình rõ ràng hoặc ngầm định giữa phần lớn các thành viên của một nhóm, một đảng, một dân tộc, v.v. đối với một hành động, một chính sách hay các giá trị được thừa nhận”(3).
Tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân trong quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước vừa là yêu cầu, vừa là động lực của sự phát triển. Động viên, phát huy vai trò của Nhân dân luôn là một trong những nhân tố góp phần quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Và trong việc phòng ngừa, ngăn chặn mâu thuẫn, xung đột xã hội càng phải phát huy vai trò làm chủ xã hội của Nhân dân, dựa vào Nhân dân, dựa vào sự đóng góp, đoàn kết, tin tưởng của Nhân dân để có sự đồng thuận xã hội.
Một số hạn chế trong việc phát huy vai trò của Nhân dân trong phòng ngừa, ngăn chặn mâu thuẫn, xung đột xã hội
Sự tham gia của người dân trong phòng ngừa, ngăn chặn mâu thuẫn, xung đột xã hội, bên cạnh việc mang lại nhiều kết quả tích cực thì vẫn còn một số hạn chế nhất định sau đây:
Một là, nhận thức về vai trò của Nhân dân trong phòng ngừa, ngăn chặn mâu thuẫn, xung đột xã hội còn hạn chế. Ví dụ, để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa, Nhà nước đã tiến hành thu hồi một lượng lớn diện tích đất nông nghiệp giao cho chủ đầu tư để thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh, điều đó “đã và đang làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp, nhất là việc chăm lo, ổn định đời sống cho người dân sau khi đất bị thu hồi đất”(4).
Hai là, chưa có những chính sách, quy định, thể chế hóa trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc xử lý mâu thuẫn và xung đột xã hội một cách cụ thể. Trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị đối với việc phát huy vai trò của Nhân dân trong phòng ngừa, ngăn chặn mâu thuẫn, xung đột xã hội còn chưa bao quát, cụ thể… Việc đùn đẩy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đã gây sự ức chế dẫn đến mâu thuẫn, bức xúc của người dân.
Ba là, việc thông tin chính sách, pháp luật đến Nhân dân còn chậm, chồng chéo, thiếu minh bạch và nhất quán. Một trong những yếu tố đầu tiên trong phòng ngừa, ngăn chặn mâu thuẫn, xung đột xã hội là cần thiết phải trao đổi thông tin, khuyến khích những người cùng tham gia dự án chia sẻ thông tin, giúp cho các bên tham gia hiểu nhau hơn, xác định được vị thế và lợi ích của nhau. Rõ ràng, ở đâu, khi nào các dự án, các kế hoạch phát triển có giao lưu thông tin, có sự minh bạch và đóng góp của người dân thì mâu thuẫn và xung đột được ngăn chặn.
Giải pháp nhằm phát huy vai trò của Nhân dân trong phòng ngừa, ngăn chặn mâu thuẫn, xung đột xã hội
Một là thống nhất nhận thức về vai trò của Nhân dân trong phòng ngừa, ngăn chặn mâu thuẫn, xung đột xã hội.
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nhân dân là mục tiêu và là động lực quyết định sự thành công. Do đó, cần tạo sự đồng thuận với người dân ngay từ đầu, cần lắng nghe, tin tưởng và tôn trọng lợi ích của người dân trong từng chính sách, từng dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Chẳng hạn trong lĩnh vực đất đai, cần nhận thức rằng dù bị thu hồi đất để phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì người bị thu hồi đất là người có công lao, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Đất nông nghiệp là tài sản quý giá nhất, nguồn lực quyết định để người nông dân tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Người bị thu hồi đất là những người bị mất tư liệu sản xuất đã gắn bó với nhiều thế hệ trong gia đình, do vậy cần ghi nhận họ là những người hy sinh lợi ích chính đáng cho cộng đồng xã hội, có đóng góp trực tiếp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước. Được trân trọng ghi nhận, đánh giá như vậy thì dù có bị thu hồi đất đai, Nhân dân cũng vẫn vui lòng, thâm chí có nhiều nơi Nhân dân còn tự nguyện hiến đất để sử dụng cho các mục đích chung, của cộng đồng.
Thực tiễn cũng cho thấy, một số cấp ủy, chính quyền còn thiếu sâu sát trong việc nắm bắt tình hình nhân dân và giải quyết những vấn đề bức xúc nảy sinh tại cơ sở; chưa huy động, phát huy hiệu quả các nguồn lực trong nhân dân. Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” chậm được cụ thể hóa; quyền làm chủ của nhân dân, nhất là ở một số cơ sở chưa được phát huy đầy đủ; mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân có lúc, có nơi chưa thật sự chặt chẽ. Đây cũng là những hạn chế mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu trong cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc”.
Để khắc phục hạn chế, phát huy mạnh mẽ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới, các cấp ủy đảng, chính quyền cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí của nhân dân; quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư được nêu trong cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc”. Đó là cần phải thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở làm tốt, làm có hiệu quả phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần làm tốt vai trò làm nòng cốt để nhân dân làm chủ; quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng và lợi ích thiết thực của mỗi tầng lớp nhân dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi và vận động, lôi cuốn để nhân dân tham gia mạnh mẽ vào các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động nhằm phát huy mọi nguồn lực trong dân, khả năng sáng tạo và đóng góp tích cực của nhân dân vào sự nghiệp chung của đất nước.
Hai là, hoàn thiện thể chế quản trị xung đột xã hội theo hướng coi trọng ngăn ngừa phát sinh xung đột xã hội để phát huy vai trò của Nhân dân trong phòng ngừa, ngăn chặn mâu thuẫn, xung đột xã hội.
Trọng tâm là hoàn thiện thể chế quản trị xung đột xã hội theo hướng coi trọng ngăn ngừa phát sinh xung đột xã hội để phát huy vai trò của Nhân dân trong phòng ngừa, ngăn chặn mâu thuẫn, xung đột xã hội sẽ góp phần hạn chế được tác hại của các xung đột vô thức trong xung đột. Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng xác định một trong các định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”; “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc,... thực hành dân chủ, xây dựng đồng thuận xã hội”; “Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động,..., tăng cường đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước...”.
Đối với Nhà nước thì việc ban hành và hoàn thiện pháp luật, trước hết là pháp luật về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, như Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025…; về vị trí, vai trò của các thiết chế đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, như Luật Hòa giải, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên... chính là kết quả hoàn thiện thể chế quản trị xung đột xã hội theo hướng coi trọng ngăn ngừa phát sinh xung đột xã hội để phát huy vai trò của Nhân dân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh “Đạo nghĩa là chính sách của Chính phủ đối với dân chúng”.
Trong bối cảnh hiện nay, hoàn thiện thể chế quản trị xung đột xã hội cần chú trọng quan tâm đến ngăn ngừa phân tầng xã hội bất hợp lý và phân hóa giàu nghèo theo tinh thần phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với đảm bảo công bằng xã hội để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Ở địa bàn rộng lớn nhất là nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong suốt những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Những năm qua, cấp ủy chính quyền các cấp đã luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của toàn dân để thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia.
Ba là, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở để Nhân dân chủ động, tích cực tham gia phòng ngừa, ngăn chặn xung đột xã hội.
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiếp nhận, đánh giá, phản hồi và xử lý ý kiến của Nhân dân và dư luận xã hội, không để tích tụ sự căng thẳng xã hội trong các tầng lớp nhân dân đến mức có thể trở thành điểm nóng xã hội như đã từng xảy ra ở tỉnh Thái Bình và khu vực Tây Nguyên. Ở đây, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần được phát huy mạnh mẽ và hiệu quả để hạn chế đến mức thấp nhất những hành động lợi dụng mâu thuẫn trong nhân dân nhằm kích động người dân của các thế lực thù địch, phản động. Việc tổ chức, vận động, hòa giải tuyên truyền, thuyết phục để hóa giải xung đột cần được thực hiện trên cơ sở chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và dựa trên tinh thần tình làng nghĩa xóm, sự đoàn kết của cộng đồng dân cư,… Chính quyền và các cơ quan chức năng cũng cần xây dựng các phương án, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng để chủ động ứng phó có hiệu quả với mâu thuẫn, xung đột xã hội (nếu có). Thực tế cho thấy trong quá trình giải quyết xung đột xã hội ở địa phương, một số cơ quan, tổ chức, cá nhân còn thiếu những kỹ năng mềm về xử lý, giải quyết xung đột xã hội, dẫn đến xử lý không dứt điểm vụ việc, thậm chí làm cho xung đột bị đẩy lên cao do nóng vội, không lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Để phát huy vai trò của Nhân dân trong phòng ngừa, ngăn chặn mâu thuẫn, xung đột xã hội, cần có sự đầu tư nghiên cứu nghiêm túc để thống nhất về quan điểm và chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, xung đột xã hội có thể xảy ra./.
Ghi chú:
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG-ST, H.2000, tr.698.
(2) Trung tâm từ điển học Vietlex, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2007, tr.544.
(3) Từ điển thuật ngữ chính trị Pháp - Việt, Nxb Thế giới, H.2005, tr.143.
(4) Lưu Song Hà, Điều tra điểm tâm lý nông dân bị thu hồi đất làm khu công nghiệp, Nxb Từ điển bách khoa, H.2009, tr.22.
TS Đỗ Thị Hiện
Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh