Phát triển kết cấu hạ tầng nhà ở đồng bộ cho người lao động trong các khu công nghiệp ở Việt Nam

Trong bài viết này, các tác giả đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng nhà ở đồng bộ trong các khu công nghiệp ở nước ta nhằm góp phần bảo đảm ổn định đời sống, an sinh xã hội, thu hút dòng đầu tư chất lượng cao và chuyển dịch các chuỗi cung ứng vào Việt Nam.
Ảnh minh họa - Internet
1. Lý do cần thiết cho việc phát triển kết cấu hạ tầng nhà ở đồng bộ trong các khu công nghiệp
Chính sách giải quyết nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp có thể được khái quát như sau: khuyến khích các dự án công để cải tạo, phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo, thu nhập thấp (hỗ trợ toàn phần tiếp cận nhà ở); cho vay tín dụng đối với người thu nhập thấp để họ tự cải thiện điều kiện nhà ở, hoặc hỗ trợ tín dụng để người có thu nhập thấp mua nhà trả góp (hỗ trợ tiếp cận tín dụng và lãi suất); hỗ trợ về công tác quản lý, quy hoạch nhà ở, như nghiên cứu đưa ra các quy định, bộ chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật xây dựng nhà ở xã hội, khắc phục tình trạng nhà ở phi chính quy và sự hỗn loạn trên thị trường nhà ở gây nên tính dễ tổn thương cho người có thu nhập thấp.
Trong đó, nhà ở xã hội là một loại hình nhà ởđáp ứng các nhu cầu cơ bản do Chính phủ và/ hoặc các tổ chức phi lợi nhuận cung cấp cho khu vực thu nhập thấp, loại hình nhà ở xã hội phổ biến là nhà ở cho thuê; hoặc “nhà ở xã hội là nhà ở và căn hộ thuộc sở hữu của chính quyền địa phương hoặc của các tổ chức khác không thu lợi nhuận và cho người có thu nhập thấp thuê”.
Ở Việt Nam, cùng với quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa, chuyển từ một nước có thu nhập thấp sang nước có thu nhập trung bình và cao, thì việc giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động nói chung và nhà ở cho người lao động trong các khu công nghiệp (KCN) cũng trở nên cấp thiết. Luật Nhà ở năm 2014 xác định: “Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân”[1]. Nghị định số 188/2013/NĐ-CP của Chính phủ định nghĩa: “Nhà ở xã hội là loại nhà ở do Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng, tổ chức phi lợi nhuận bán hoặc cho thuê cho một số đối tượng ưu tiên trong xã hội (…), bao gồm cả người có thu nhập thấp, hộ nghèo ở thành thị, công nhân khu công nghiệp1.
Sự cần thiết phát triển kết cấu hạ tầng nhà ở xã hội đồng bộ tại các KCN ở Việt Nam được khẳng định trên các khía cạnh sau:  
 - Phát triển kết cấu hạ tầng nhà ở xã hội đồng bộ bảo đảm sự phát triển bền vững của địa phương cũng như vùng và quốc gia. Phát triển bền vững đòi hỏi phải bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường được bảo vệ. Vì thế, Chính phủ, các khu vực kinh tế, các tổ chức xã hội... phải cùng bắt tay xử lý hài hòa ba lĩnh vực: kinh tế - xã hội - môi trường. Bởi vì, khi điều kiện sống và nhà ở của người lao động không được giải quyết, họ sẽ buộc phải tìm đến những khu nhà thuê trọ rẻ tiền. Từ đây sẽ tự phát hình thành các “khu ổ chuột” mới bên cạnh các đô thị, các KCN làm ảnh hưởng đến môi trường sống và mỹ quan đô thị chung. Điều này cũng có nguy cơ làm nảy sinh các tệ nạn xã hội, tội phạm và vấn đề vệ sinh môi trường khu vực. Trong khi đó, các doanh nghiệp do thiếu nguồn lao động ổn định có thể gặp khó khăn để duy trì sản xuất, sẽ kéo theo sự giảm sút về doanh thu, lợi nhuận và suy giảm mức đóng góp cho ngân sách địa phương…
Đây là biện pháp đảm bảo cho người lao động yên tâm gắn bó lâu dài với công việc tại doanh nghiệp và phát triển bền vững các KCN. Phát triển kết cấu hạ tầng nhà ở xã hội đồng bộ của KCN là điều kiện để nâng cao động lực làm việc và năng suất lao động, cũng là cơ sở để doanh nghiệp ổn định quan hệ lao động - việc làm. Khi người lao động được bảo đảm về nhà ở cùng với các dịch vụ cơ bản gắn với nhà ở thì họ sẽ yên tâm làm việc và có xu hướng gắn bó với các KCN. Ngược lại, khi tình trạng nhà ở của họ tồi tệ, tạm bợ thì xu hướng chuyển việc, nhảy việc diễn ra nhiều hơn, sự gắn bó của người lao động với doanh nghiệp không cao, họ không mặn mà với quá trình làm việc tại KCN.
Việc giải quyết đồng bộ kết cấu hạ tầng nhà ở xã hội gắn với phát triển hạ tầng đồng bộ các KCN là một trong các yếu tố quan trọng để thu hút các dòng vốn đầu tư, nhất là thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao và kéo theo sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu vào Việt Nam. Khi các KCN phát triển bền vững, có kết cấu hạ tầng xã hội nói chung và hạ tầng nhà ở đồng bộ, sẽ tạo sức hấp dẫn để thu hút và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao - điều kiện không thể thiếu cho thu hút dòng vốn FDI từ các quốc gia phát triển, cùng với đó là các chuỗi cung ứng của các tập đoàn xuyên quốc gia vào nước ta. Việt Nam có môi trường chính trị, xã hội ổn định, lực lượng lao động trẻ với trên 3/4 dân số từ 15 tuổi trở lên. Lao động Việt Nam được đánh giá cao nhờ sự chăm chỉ, có trình độ học vấn, dễ đào tạo và chi phí lao động thấp. Ví dụ, ước tính chi phí lao động sản xuất ở Trung Quốc là 5,51 USD/giờ, con số này ở Việt Nam là 2,73 USD/ giờ1. Vì vậy, trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn xuyên quốc gia đã đến tiếp cận, tìm hiểu về cơ hội đầu tư hay mở rộng các dự án sản xuất tại Việt Nam. Do đó, chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng sạch cho nhà đầu tư để có thể bàn giao ngay khi có yêu cầu, đặc biệt là cần chuẩn bị các KCN có kết cấu hạ tầng đồng bộ, kể cả kết cấu hạ tầng xã hội tốt2.
2. Thực trạng phát triển kết cấu hạ tầng nhà ở trong các khu công nghiệp ở nước ta
   Theo Bộ Xây dựng, đến nay cả nước ta có 214 dự án nhà ở dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha. Trong đó, đã hoàn thành đầu tư 116 dự án (trên 53%), với diện tích đất hơn 250ha (35%) và đang tiếp tục triển khai 98 dự án, với diện tích đất hơn 350ha. Tính đến cuối tháng 9/2021, trên cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng hơn 142.000 căn nhà ở xã hội và tương ứng hơn 7,1 triệu m2 sàn; trong đó khoảng 54.000 căn hộ nhà ở dành cho công nhân KCN và tương ứng 2,7 triệu m2 sàn. Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân KCN chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, theo đó phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị4. Số liệu này cũng khá phù hợp với con số do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố: hiện cả nước có 2,58 triệu m2 nhà ở cho công nhân KCN, đủ bố trí cho khoảng 330.000 người lao động. Có thể thấy, các con số cung cấp nhà ở cho công nhân KCN rất thấp so với nhu cầu to lớn về nhà ở1.
   Tại các KCN trên cả nước, việc đầu tư phát triển các KCN chưa tính đầy đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nằm bên trong, bên ngoài hàng rào; trong đó có việc xây dựng nhà ở cho người lao động ngoại tỉnh làm việc tại KCN. Trong khi đó, tỷ lệ lao động nhập cư hiện nay ở các KCN khoảng 50%; địa phương có tỷ lệ lao động nhập cư cao như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương có lao động ngoại tỉnh chiếm tới 70%. Chính vì vậy, nhu cầu về nhà ở của người lao động là rất lớn. Tại các KCN, chỉ khoảng 30% số lao động có chỗ ở ổn định, số còn lại phải tự thu xếp nhà ở, thuê trọ tự phát với điều kiện sống tạm bợ, hết sức khó khăn2.
   Việc giải quyết nhà ở cho công nhân tại các KCN ở Việt Nam đang bộc lộ các bất cập sau:
- Đô thị hóa và công nghiệp hóa cùng với các dòng người lao động nhập cư vào đô thị và các KCN làm xuất hiện những vấn đề xã hội gay gắt. Đó là tình hình lao động nói chung và lao động nữ công nhân nhập cư tại các KCN nói riêng đang phải đối diện với các thách thức trong vấn đề nhà ở, đời sống và thu nhập thấp. Doanh nghiệp có xu hướng chia cắt tiền lương, trả công cho người lao động ngang bằng với lương tối thiểu và cộng thêm các khoản phụ cấp (như tiền chuyên cần, xăng xe, ăn trưa...). Nhưng một khi doanh nghiệp gặp khó khăn thì sẵn sàng cắt giảm những khoản phụ cấp khiến thu nhập, đời sống người lao động sụt giảm đột ngột và không ổn định, cuộc sống càng bấp bênh hơn. Thu nhập thực tế của đa số người lao động KCN không đủ để trang trải các chi phí sinh hoạt tối thiểu. Do đó, nhiều người lao động, có lao động nữ nhập cư, phải làm thêm, tăng ca để có thể tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống3. Các đối tượng thanh niên, công nhân làm việc tại các KCN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong đời sống cũng như trong công việc. Một bộ phận lớn trong số họ đang sống thấp hơn mặt bằng chung của xã hội. Cùng với đó, là thu nhập thấp và không ổn định, tay nghề chưa được đào tạo thích ứng. Công nhân nói chung và công nhân tại các KCN nói riêng không được bình đẳng so với người dân đô thị trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Vì vậy, khả năng hòa nhập vào cộng đồng dân cư nơi họ làm việc rất hạn chế. Các nghiên cứucho thấy thực trạng báo động về nhà ở, chăm sóc sức khỏe, học tập cho con công nhân trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, phổ thông rất khó khăn1.
   -Nhà ở cho người lao động tại KCN là vấn đề nan giải và đang làm trầm trọng thêm các khó khăn, bức xúc nói chung của người lao động. Trong khi quỹ nhà ở xã hội cho công nhân KCN rất thiếu thì việc tiếp cận được quỹ nhà này cũng gặp phải nhiều rào cản. Tiêu chuẩn thiết kế Quy hoạch mặt bằng tổng thể khu cụm công nghiệp (TCVN 4616: 1988) đã quy định: Khi xây dựng các cụm công nghiệp hoặc KCN phải bảo đảm thuận lợi trong việc tổ chức điều kiện sống, làm việc của công nhân; Khi bố trí cụm công nghiệp trong thành phố hoặc trên khu đất bên ngoài thành phố cần tổ hợp thành cụm công nghiệp - dân cư. Còn theo các quy định của pháp luật hiện hành, phải dành 20% quỹ đất nhà dự án để làm nhà ở xã hội dành cho công nhân làm việc tại các KCN[2], nhưng thực tế, rất hiếm đơn vị thực hiện nó, thay vào quỹ đất 20% bị doanh nghiệp bán cho các chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở thương mại hoặc xây dựng công trình kinh doanh thương mại (cửa hàng, chợ, siêu thị). Bên cạnh đó, tồn tại một nghịch lý là một số KCN, ví dụ như tại KCN Thăng Long (Hà Nội) đã xây dựng và đưa vào sử dụng các khu nhà cho công nhân, song lại chưa thu hút được người vào ở. Một lý do thường gặp đó là trong khu nhà ở công nhân, tuy giá thuê nhà rẻ so với giá thuê nhà trọ, giá điện nước ổn định, nhưng do bố trí mỗi phòng có tới 10-15 người, khu phụ lại quá chật hẹp, bất tiện. Mặt khác, nhiều công nhân chưa tiếp cận được nhà ở xã hội còn bởi tiêu chí tiếp cận nhà ở xã hội rất khắt khe, trong khi mức thu nhập của đa số công nhân rất thấp nên không thể thuê, mua được nhà ở xã hội2.
   -Kết quả có tới 55% người lao động tại các KCN tập trung trong cả nước phải chọn phương thức thuê trọ. Nhiều lao động nữ tại các KCN (như tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, Thái Nguyên…) phải sống trong những khu nhà thuê trọ với hạ tầng quá tải, xuống cấp. Nhà thuê trọ do người dân tự xây có đặc điểm bất tuân theo quy hoạch, chất lượng kém, các tiện ích và điều kiện sống tối giản, không đảm bảo an ninh, an toàn, lại phải chi trả các dịch vụ đắt đỏ (về giá điện, nước… đều là giá cao). Ngoài ra, đang có những rào cản lớn trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ về nhà ở, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, giao thông công cộng, điện nước sinh hoạt… đối với người lao động nhập cư ở KCN hiện nay, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe, đời sống, tinh thần và năng suất lao động1.
   Một số địa bàn xung quanh các KCN đang quá tải về đáp ứng hạ tầng, hệ thống an sinh xã hội, nhất là trường học từ mầm non đến trung học và cơ sở khám, chữa bệnh. Số học sinh các cấp từ mẫu giáo đến trung học đều vượt chuẩn, thậm chí có nơi phải bố trí học 3 ca. Các dịch vụ thiết yếu phục vụ công nhân như chợ, siêu thị, khu vui chơi giải trí… chủ yếu mang tính tự phát, chưa được đầu tư theo quy hoạch, chưa gắn với địa bàn và đáp ứng nhu cầu thực tế của người lao động. Sự thiếu hụt các dịch vụ cho người lao động, các bảo đảm phúc lợi xã hội, nhà ở cho công nhân, dịch vụ đào tạo, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí, trường mẫu giáo cho con em công nhân… dẫn đến tình trạng nhiều KCN chưa thu hút và bảo đảm ổn định người lao động vào làm việc.
- Công tác quản lý nhà nước về nhà ở cho người lao động trong KCN còn nhiều bất cập, đây là một trong những nguyên nhân căn cốt của tình hình hiện nay. Chính quyền các cấp và cơ quan chuyên trách tại nhiều địa phương chưa quán triệt đầy đủ quan điểm, nhận thức, vận dụng các cơ chế chính sách về giải quyết nhà ở cho người lao động tại các KCN. Còn nhữnghạn chế, bất cập rõ ràng trong công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện phát triển kết cấu hạ tầng xã hội đồng bộ KCN, có các công trình nhà ở, trường học, cơ sở y tế, khu vui chơi giải trí…
- Đặc biệt, trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, trên cả nước xuất hiện làn sóng người lao động tìm về quê do lo sợ dịch bệnh quay trở lại, nhiều KCN lâm vào thiếu hụt lao động trầm trọng. Điều này cho thấy người lao động vẫn chưa an cư, gây tác động xấu đến hiệu quả kinh tế - xã hội nói chung. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do chính quyền các địa phương và các KCN chưa thực sự quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội đồng bộ, có nhà ở công nhân, nên không đảm bảo được việc thực hiện 3 tại chỗ (ăn, nghỉ, làm việc) tại KCN. Dẫn đến việc sản xuất kinh doanh ở các KCN gặp khó khăn, làm đứt gẫy chuỗi cung ứng sản xuất, thiếu hụt lực lượng lao động.
3. Một số giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng nhà ở đồng bộ trong các khu công nghiệp
Thứ nhất, ban hành các chính sách ưu đãi, thu hút nhà đầu tư đủ năng lực tham gia đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội nói chung và nhà ở cho công nhân KCN nói riêng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận nguồn tín dụng giá rẻ để triển khai các dự án nhà ở. Có cơ chế hỗ trợ đầu tư trong và ngoài hàng rào KCN, cơ chế giao đất và xác định giá trị quyền sử dụng đất phù hợp để giảm giá nhà ở cho người lao động có thể thuê, mua. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao quỹ đất sạch để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, có thể nghiên cứu lập dự án giải phóng mặt bằng riêng.
Thứ hai, cần nghiên cứu, ban hành bộ tiêu chuẩn nhà ở xã hội cho người lao động trong các KCN, đồng thời thiết kế các mẫu nhà ở tiêu chuẩn, với kết cấu và công năng được tối ưu hóa, tiêu chuẩn hóa, dễ điều chỉnh, dễ thi công, để vận dụng cho các địa phương, các vùng miền, các KCN cụ thể. Nhà ở cho công nhân KCN đảm bảo kết cấu bền chắc, đơn giản, thuận tiện cho cuộc sống sinh hoạt, phù hợp sức khỏe, đời sống và thân thiện môi trường, sử dụng công nghệ và vật liệu xây dựng phổ biến, với chi phí và giá thành hạ, để phù hợp với nhu cầu sống và khả năng chi trả của người lao động thu nhập thấp tại KCN.
Thứ ba, các địa phương xây dựng quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch KCN và quy hoạch nhà ở cho KCN, trong đó có quy hoạch quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân. Quy định các dự án phát triển KCN gắn với nhà ở và cơ sở hạ tầng xã hội đồng bộ, bảo đảm gắn kết giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của KCN, gắn kết giữa hạ tầng bên trong và bên ngoài hàng rào KCN (như kết nối nhà ở, giao thông, thương mại, chợ, giáo dục, nhà trẻ, y tế, thiết chế văn hóa thể thao, điện, nước sạch…) nhằm đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân KCN. Kiên quyết thu hồi các dự án xây dựng nhà ở xã hội chậm triển khai, hoặc triển khai không đúng quy hoạch, rà soát tổng thể các dự án để bổ sung, điều chỉnh quy hoạch nhà ở xã hội cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và các giai đoạn phát triển đất nước.
Thứ tư, khuyến khích thu hút cộng đồng dân cư địa phương, thu hút các tổ chức, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia phát triển nhà ở cho người lao động, xã hội hóa nguồn lực và xã hội hóa đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Hỗ trợ tiếp cận lãi suất vay vốn tín dụng để xây dựng nhà ở, giảm thuế đất và thuế kinh doanh nhà ở cho người lao động KCN. Địa phương có trách nhiệm phối hợp triển khai xây dựng các công trình hạ tầng cần thiết để kết nối với khu nhà ở cho người lao động và các kết cấu hạ tầng xã hội của KCN. Thành lập Quỹ nhà ở xã hội nhằm hỗ trợ cho người lao động làm việc trong các KCN về tiền thuê, mua nhà, cho các dự án phát triển nhà ở xã hội trong KCN. Quỹ này được hình thành trên cơ sở đóng góp từ Chính phủ, ngân sách địa phương, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.
Thứ năm, thuận lợi hóa, đơn giản hóa các quy định và thủ tục hành chính đối với người lao động nhập cư tại KCN và địa phương, như giúp đỡ đăng ký thường trú, các thủ tục thuê, mua nhà; quyền tham gia công đoàn, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp; quyền tự do đi lại, sinh hoạt văn hóa, chăm sóc y tế và bảo vệ sức khỏe; quyền được học tập cho con cái và bản thân người lao động.
Thứ sáu, cơ quan chức năng cần điều tra, nghiên cứu nhu cầu nhà ở của người lao động, đồng thời hoàn thiện thể chế chính sách phát triển phân khúc thị trường nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại KCN. Nắm vững đặc trưng về hình thức sở hữu,yêu cầu về số lượng và chất lượng, phương thức tiếp cận và khả năng chi trả nhà ở của người lao động. Phối hợp tốt giữa các chủ thể liên quan: doanh nghiệp phát triển nhà, doanh nghiệp sử dụng lao động, chính quyền và các KCN; Phối hợp tốt giữa các yếu tố: thực hiện luật pháp, cơ chế chính sách về nhà ở, công tác kiểm tra, giám sát, quản lý nhà nước nhằm đảm bảo ổn định, phát triển phân khúc thị trường nhà ở cho người lao động KCN./.
 

TS. HOÀNG XUÂN NGHĨA*

TS. NGUYỄN QUỐC TUẤN**

*,**Trường Đại học Đại Nam,

TS. NGUYỄN VĂN HƯỞNG

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên.

 


[1] Khoản 1 Điều 3 Luật Nhà ở năm 2014.
1 Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
1 Nguyễn Bích Lâm (2021),Việt Nam cần làm gì để tiếp tục dẫn đầu cuộc đua giành FDI?, Doanhnhansaigon.vn. 
1 Hoàng Văn Hùng (2022), Báo cáo chuyên đề Nghiên cứu đề xuất giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng xã hội đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững các KCN tỉnh Hưng Yên, Đề tài KHCN cấp tỉnh Hưng Yên.
2 Bùi Văn Dũng (2015) Giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động các khu công nghiệp - Nghiên cứu trên địa bàn một số tỉnh Bắc Trung bộ, Luận án Tiến sĩ Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội; Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 09/01/2016 về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất.
3 Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (2018): Dự thảo Chiến lược và Định hướng chiến lược thu hút FDI 2018-2030; Baochinhphu.vn (2020), Continue to implement 73 housing projects for workers, http://baochinhphu.vn /Tra-loi-cong-dan/Tiep-tuc-trien-khai-73-du-an-nha-o-cho-cong-nhan/388222.vgp.
1 Đỗ Ngọc Hà, Nguyễn Tuấn Anh (2020), Dịch vụ xã hội cơ bản cho thanh niên công nhân và những vấn đề đặt ra trong quản lý xã hội tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Việt Nam. Học viện Thanh niên; Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (2014), Chăm sóc con công nhân lao động trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo tại các khu công nghiệp - thực trạng và giải pháp, Đề tài khoa học Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
[2] Điều 6, Nghị định số 100/2015/ NĐ-CP.
2 Liên đoàn Lao động tỉnh Hưng Yên: Số liệu điều tra về nhà trọ và số lao động thuê trọ, năm 2021; Tổng cục Thống kê, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
1 Nguyễn Bích Lâm (2021),Việt Nam cần làm gì để tiếp tục dẫn đầu cuộc đua giành FDI?, doanhnhansaigon.vn; Nguyễn Thường Lạng (2022), Báo cáo chuyên đề Nghiên cứu đề xuất giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng xã hội đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững các KCN tỉnh Hưng Yên, Đề tài KHCN cấp Tỉnh Hưng Yên.
  • Tags: