1. Các thế lực thù địch viện đủ mọi lý do để đưa các các luận điệu phủ nhận giá trị của Cách mạng tháng Mười Nga 1917. Họ cho rằng: “Sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội tại cái nôi của Cách mạng tháng Mười là tất yếu, chứng tỏ sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm, ảo tưởng”; do đó, “các dân tộc cần nói “không” với con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Và “Việt Nam không nên đi theo con đường của Cách mạng tháng Mười Nga, bởi đó là con đường không có tương lai”, “đi chệch khỏi quy luật phát triển chung của xã hội loài người”, v.v..
Thực ra, họ công kích, phủ nhận giá trị của cuộc cách mạng vĩ đại nhất, sâu sắc nhất, triệt để nhất nhằm qua đó “gián tiếp” phủ nhận, xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Luận điệu này tuy không mới, nhưng thủ đoạn thì tinh vi, xảo quyệt hơn, khó nhận diện hơn. Sở dĩ như vậy là vì, trước những thắng lợi vang dội của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và những thành công ấn tượng trong công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, các thế lực khó có thể phủ nhận trực tiếp những thành quả cách mạng mà đất nước và nhân dân ta đã đạt được. Do đó, buộc chúng không tấn công trực diện mà phải đánh đường vòng, gián tiếp rất nguy hiểm nếu chúng ta thiếu tỉnh táo, dao động, lơ là, mất cảnh giác trước thủ đoạn này.
2. Những giá trị trường tồn và nổi bật của Cách mạng tháng Mười Nga không thể phủ nhận
Một là, Cách mạng tháng Mười Nga đã tạo ra bước đột phá thực tiễn quan trọng, tạo bước nhảy vọt về chất của chủ nghĩa xã hội khoa học: từ lý luận khoa học đã trở thành hiện thực sinh động trên thế giới. Trước khi Cách mạng tháng Mười Nga 1917 nổ ra, trên thế giới chưa có cuộc cách mạng nào làm được điều này. Kể cả những thử nghiệm đầu tiên và bị thất bại của Công xã Pari (1871). Với Cách mạng tháng Mười Nga, lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học đã đi một bước đột phá mới trong sự phát triển của nó: đột phá vào thực tiễn, dấn thân vào hiện thực của cách mạng, bén rễ vào thực tiễn xã hội. Nhờ có bước đột phá vĩ đại này mà chu trình đi từ chủ nghĩa xã hội không tưởng đến chủ nghĩa xã hội khoa học và cuối cùng đến chủ nghĩa xã hội hiện thực được hoàn thành. Bước đột phá này chứng tỏ tiềm năng, sức sống mãnh liệt và sự sáng tạo của lý luận khoa học và cách mạng. Từ đây, chủ nghĩa xã hội được biết đến không chỉ là một học thuyết khoa học, một phong trào, mà còn là một chế độ xã hội cụ thể, thành hiện thực sinh động, có sức mạnh vô cùng to lớn, mở đường cho các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do.
Hai là, giá trị của Cách mạng tháng Mười Nga còn chỗ biến giai cấp công nhân, từ thân phận nô lệ làm thuê cho giai cấp tư sản trong chủ nghĩa tư bản trở thành giai cấp lãnh đạo cách mạng, chủ nhân của xã hội mới. Đúng như lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận xét: “Nước Nga có chuyện lạ đời/Biến người nô lệ thành người tự do”. Đây là điều mà tất các các cuộc cách mạng xã hội trước kia, đã đều không thể thực hiện được. Với Cách mạng tháng Mười Nga, lần đầu tiên một cuộc cách mạng không do giai cấp bóc lột, thống trị lãnh đạo, mà do giai cấp công nhân và nhân dân lao động, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã tiến hành thành công. Đây là giá trị thực tiễn to lớn và không thể phủ nhận của Cách mạng tháng Mười Nga.
Ba là, thành công của Cách mạng tháng Mười Nga 1917, có giá trị và ý nghĩa khai mở vạch thời đại vô cùng sâu sắc. Từ đây thời đại mới trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại đã mở ra, đó là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười đã khai sinh ra chủ nghĩa xã hội hiện thực, với chính thể Cộng hòa xã hội chủ nghĩa và Đảng Cộng sản đã ở vào vị thế đảng cầm quyền. Cho dù lịch sử có biến đổi, thăng trầm như thế nào, thì dấu mốc mở đầu thời đại mới của Cách mạng tháng Mười Nga mãi mãi không thay đổi. Không ai và không bao giờ có thể phủ nhận giá trị mở đầu, mở đường của Cách mạng tháng Mười Nga. Đó là điều chắc chắn.
Bốn là, ngoài giá trị khai mở thời đại mới, giá trị nêu gương của Cách mạng tháng Mười Nga có sức hấp dẫn và lan toả rất lớn. Cách mạng tháng Mười Nga có ảnh hưởng sâu sắc vạch thời đại đến tất cả các cuộc cách mạng trong thời đại ngày nay, đến quá trình phát triển của thế giới hiện đại. Ở góc độ này, những tư tưởng của Cách mạng tháng Mười Nga có giá trị đặt nền móng cho việc hiện thực hoá lý tưởng cách mạng xã hội chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới. Do những ảnh hưởng có tính vạch thời đại, mang tầm nhân loại, được các quốc gia, dân tộc không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo, đã khẳng định sức sống trường tồn, tinh thần bất diệt của Cách mạng tháng Mười Nga.
Chính vì giá trị, sức hấp dẫn và sự lan toả ảnh hưởng có tính chất toàn cầu ấy mà giai cấp tư sản, chủ nghĩa tư bản và các thế lực thù địch với chủ nghĩa xã hội với Cách mạng tháng Mười Nga đã không thể ngồi yên. Chúng luôn tìm mọi cách chống phá, phủ nhận giá trị to lớn và vĩnh hằng của Cách mạng tháng Mười Nga, của chủ nghĩa xã hội.
3. Phê phán thủ đoạn xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thông qua phủ nhận giá trị của Cách mạng tháng Mười Nga
Một là, mối liên hệ mật thiết giữa Cách mạng tháng Mười Nga và cách mạng Việt Nam là tất yếu và không thể phủ nhận. Bởi vì, Cách mạng tháng Mười Nga là cuộc cách mạng điển hình, mở đầu cho thời kỳ cách mạng mới trên thế giới, và các mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, có quan hệ chặt chẽ, khăng khít với cách mạng thế giới. Con đường mà cách mạng Việt Nam đang đi hôm nay là con đường mà Cách mạng tháng Mười Nga đã khai mở, vạch ra.
Thực tiễn chứng minh: “nếu không có Cách mạng tháng Mười vĩ đại thì nhân dân Việt Nam không thể hoàn thành được cuộc Cách mạng tháng Tám của mình...”[1]. Đi theo con đường Cách mạng tháng Mười Nga, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã làm nên Cách mạng tháng Tám 1945, mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước - kỷ nguyên độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội; chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Hiện nay, tiếp tục kế thừa và lan toả những giá trị của Cách mạng tháng Mười Nga, Việt Nam luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững và đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Sự thành công của cách mạng Việt Nam nói chung và sự nghiệp đổi mới nói riêng là sự tiếp nối và lan truyền sâu rộng sức ảnh hưởng, niềm cảm hứng, tinh thần bất diệt và những giá trị trường tồn của Cách mạng tháng Mười Nga. Những thành tựu to lớn, toàn diện mà Việt Nam đạt được sau gần 40 năm đổi mới đã khẳng định rõ tính đúng đắn của việc kiên trì đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, bác bỏ mọi sự xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Hai là, mặc dù cách mạng Việt Nam và Cách mạng tháng Mười Nga có mối liên hệ chặt chẽ, song không thể đồng nhất Cách mạng tháng Mười Nga với cách mạng Việt Nam. Hai cuộc cách mạng này, về bản chất, đều là cách mạnh vô sản, do giai cấp công nhân và nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản tiến hành. Đều nhằm những mục tiêu cụ thể trước mắt và lâu dài của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa như lật đổ chính quyền và ách thống trị của giai cấp tư sản, phong kiến lỗi thời, phản động, thiết lập chính quyền cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, xây dựng xã hội mới xã hội xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước,… Tuy nhiên, hình thức, bước đi và phương pháp cụ thể của mỗi cuộc cách mạng là không hoàn toàn giống nhau. Điều kiện, hoàn cảnh của mỗi nước cũng khác nhau. Cho nên không thể đồng nhất thất bại của cuộc cách mạng này cũng là thất bại của cuộc cách mạng kia, và ngược lại. Những lập luận theo kiểu chứng minh “bắc cầu” trong trường hợp này là không đúng về phương pháp luận và không phù hợp với thực tế cách mạng mỗi nước.
Ba là, để chứng minh tính đúng đắn của chủ nghĩa xã hội khoa - một học thuyết khoa học và cách mạng ở tầm toàn nhân loại thì không thể chỉ bằng thực tiễn của một cuộc cách mạng cụ thể, ở một nước cụ thể, mà phải là kết quả kiểm chứng của nhiều cuộc cách mạng ở nhiều nước trên thế giới và trong nhiều giai đoạn lịch sử cách mạng khác nhau. Mỗi cuộc cách mạng đó, từ góc độ thực tiễn của mình chỉ có thể minh chứng tính đúng đắn của chủ nghĩa xã hội khoa học trên từng phương diện thực tiễn cụ thể, sinh động, gắn với hoàn cảnh của nó. Chân lý phải được kiểm tra bằng thực tiễn, nhưng không phải thực tiễn đơn lẻ, mà là thực tiễn phổ biến, của đông đảo nhân dân và được lặp đi, lặp lại nhiều lần. Mặt khác, không phải chỉ có thành công, mà ngay cả thất bại của hoạt động thực tiễn cũng đều là tiêu của kiểm tra lý luận. Cho nên, thất bại của một cuộc cách mạng cụ thể, không hẳn là thất bại của lý luận, trái lại, nó càng xác thực chính xác hơn tính đúng đắn của lý luận. Vấn đề là phải “phân tích cụ thể một tình hình cụ thể” không thể quy chụp võ đoán, chủ quan, ngộ nhận.
Bốn là, lịch sử các cách mạng thế giới cho thấy, chủ nghĩa tư bản khi mới ra đời cũng phải trải qua những thất bại đau đớn, trước sự phản công quyết liệt của chủ nghĩa phong kiến và các thế lực thù địch cùng với những sai làm chủ quan của giai cấp tư sản. Chẳng hạn, cuộc cách mạng tư sản đầu tiên nổ ra tại Hà Lan bắt đầu từ tháng 8-1566, nhưng mãi đến 1581 các tỉnh miền Bắc Nê-đéc-lan mới thành lập “các tỉnh liên hiệp” (sau là Cộng hoà Hà Lan), nhưng không được thực dân Tây Ban Nha công nhận và cuộc đấu tranh vẫn tiếp diễn. Mãi tới năm 1648, tức là sau 82 năm đấu tranh bền bỉ, cuối cùng chính quyền Tây Ban Nha công nhận nền độc lập của Hà Lan. Cuộc cách mạng kết thúc, Hà Lan được giải phóng. Hay như cuộc cách mạng dân chủ tư sản điển hình là cách mạng tư sản Pháp cũng phải cần tới ba khởi nghĩa (lần một: 6-1791; lần hai: 10-8-1792; lần ba: 31-5-1793) và một lần đảo chính (7- 1794) mới lật đổ được chế độ phong kiến, đưa giai cấp tư sản lên cầm quyền. Mở ra thời đại thắng lợi và củng cố quyền thống trị của giai cấp tư sản trên phạm vi thế giới. Điều đó cho thấy, thực hiện cách mạng là không dễ dàng, có thể thành, bại bất cứ lúc nào nếu giai cấp cách mạng không sáng suốt và mắc những sai lầm nghiêm trọng.
Cuộc cách mạng vô sản đầu tiên là Công xã Pari (Pháp) nổ ra năm 1871, tuy giành thắng lợi song chỉ tồn tại được 72 ngày; Cách mạng tháng Mười Nga giành thắng lợi và duy trì sự tồn tại được 74 năm (1917 – 1991). Đó là sự thật lịch sử. Nhưng dù có thất bại thì các cuộc các mạng vẫn không làm mất đi giá trị mà nó mang đến cho nhân loại, cho tiến trình phát triển của lịch sử loài người. Đi theo mục tiêu lý tưởng của Cách mạng tháng Mười Nga, hiện nay, các nước Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Lào… vẫn vững bước trên con đường chủ nghĩa xã hội, đã và đang gặt hái được những thành công không thể phủ nhận.
Từ những phân tích trên, có thể thấy, mục tiêu cuối cùng mà các thế lực thù địch nhằm tới là làm cho Việt Nam thay đổi chế độ chính trị, từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Những chiêu thức mà các đối tượng sử dụng ngày càng tinh vi, khó nhận diện hơn. Hiện nay, chúng ít phủ nhận một cách trực diện, mà thường đan cài, lồng ghép những luận điệu cũ và mới, những thông tin đúng và tin xấu độc,… nhằm gây tâm lý hoài nghi, hoang mang và làm xói mòn niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta vào chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, từ đó, hướng lái cách mạng Việt Nam đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Chính vì vậy, cán bộ, đảng viên và nhân dân cần hết sức tỉnh táo, có nhận thức chính trị đúng đắn, lập trường tư tưởng vững vàng trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; vững bước theo con đường của Cách mạng tháng Mười sẽ bảo đảm chắc chắn cho cách mạng Việt Nam tiếp tục giành được những thắng lợi to lớn hơn nữa./.
PGS. TS Phan Trọng Hào
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 11, tr. 12.