Quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế - tài chính lớn của cả nước. Tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến sự gia tăng về quy mô dân số, làm cho nhu cầu về xây dựng nhà ở của người dân cũng tăng cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng xây dựng công trình không có giấy phép hoặc sai nội dung giấy phép vẫn còn diễn ra khá phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng.

Vì vậy, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng là một yêu cầu cấp bách hiện nay. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích thực trạng công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, chỉ ra những bất cập về vấn đề này và đề xuất các giải pháp hoàn thiện.

Ảnh minh họa - Internet
1. Thực trạng quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, là đô thị hạt nhân của vùng, có vai trò hỗ trợ, liên kết với các đô thị khác trong vùng để cùng phát triển. Thành phố có tổng diện tích 2.095 km². Về mặt hành chính, thành phố Hồ Chí Minhchia làm 22 quận huyện và thành phố, trong đó có 01 thành phố, 16 quận và 05 huyện. Trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh diễn ra nhanh chóng, tốc độ gia tăng dân số cơ học rất lớn dẫn đến nhu cầu về nhà ở tăng cao; hàng loạt khu công nghiệp, bệnh viện, khu xử lý chất thải và hàng trăm dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở đã được triển khai đầu tư xây dựng; các công trình xây dựng tăng mạnh cả về số lượng và quy mô, đa dạng về nguồn vốn.
Trước sức ép lớn về nhu cầu xây dựng nêu trên, trong những năm qua, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh diễn ra phổ biến và phức tạp; nhất là ở các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa cao. Mỗi năm, hàng ngàn công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch đã được phát hiện và xử lý. Cụ thể, trong năm 2017 có 2.856 công trình vi phạm, bình quân 7,8 vụ sai phạm/ngày; năm 2018 có 2.419 công trình vi phạm, bình quân 6,6 vụ sai phạm/ngày; trong 6 tháng đầu năm 2019 có 1.550 công trình vi phạm, bình quân 8,5 vụ/ngày. Mức độ sai phạm 6 tháng đầu năm 2019 tăng hơn 28% so với năm 2018[1].
Tính đến tháng 7/2020 (thống kê từ 15/12/2019 đến 25/7/2020), tổng số công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh là 463 công trình. Trong đó, số công trình xây dựng sai phép là 189/ 463 trường hợp (chiếm tỷ lệ 40,8% tổng số vi phạm); số công trình xây dựng không phép là 274/463 trường hợp (chiếm tỷ lệ 59,2% tổng số vi phạm). Bình quân số vụ vi phạm là 2,1 vụ/ngày. Nếu so sánh với 6 tháng đầu năm 2019 là 8,5 vụ/ngày thì số vụ vi phạm trong 7 tháng đầu năm 2020 giảm 6,4 vụ/ngày, tỷ lệ giảm là 75,3%. Trong tổng số 24 quận, huyện trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh có 10 quận, huyện không đạt chỉ tiêu giảm 65% tỷ lệ vi phạm xây dựng không phép, sai phép so với 6 tháng đầu năm 2019. Cụ thể, “Quận 1 có 13 vụ (giảm 56,6%); Quận 3 có 8 vụ (giảm 30,6%); Quận 5 có 7 vụ (giảm 49,4%); Quận 10 có 19 vụ (giảm 58,8%); Quận 11 có 4 vụ (giảm 42,2%); Quận Tân Bình có 7 vụ (giảm 62,8%); Quận Tân Phú có 7 vụ (giảm 62,8%); Huyện Cần Giờ có 8 vụ (giảm 30,6%); Huyện Nhà Bè có 31 vụ (giảm 18,5%); Huyện Bình Chánh có 39 vụ (giảm 59,2%)”[2].
Nhận thấy những bất cập trên, ngày 25/7/2019, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 3333/KH-UBND vào ngày 12/8/2019 để triển khai các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. Nội dung của Kế hoạch đã nêu ra 07 nhóm giải pháp cơ bản để đấu tranh, ngăn chặn các vi phạm hành chính liên quan đến xây dựng không phép, sai phép gồm: (i) giải pháp về quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất; (ii) giải pháp về tổ chức bộ máy; (iii) giải pháp về công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng; (iv) giải pháp về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; (v) giải pháp về quản lý hoạt động hành nghề của các tổ chức tham gia hoạt động xây dựng; (vi) giải pháp về kiểm tra, giám sát về công nghệ; (vii)giải pháp về nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Qua hơn 01 năm triển khai các văn bản nêu trên, số lượng vi phạm hành chính về trật tự xây dựng liên quan đến hành vi xây dựng công trình sai phép, không phép đã có sự giảm thiểu đáng kể ở tất cả các quận, huyện. Trong 08 tháng đầu năm 2020 có 504 công trình vi phạm trật tự xây dựng, bình quân mỗi ngày có 1,9 vụ, giảm hơn 77% so với cùng kỳ năm trước (8,5 vụ mỗi ngày). Trong đó, số trường hợp xây dựng không phép là 293 vụ, còn lại là số vụ xây dựng sai phép. Những địa phương có số vụ vi phạm giảm mạnh như: Quận 2 (từ 111 vụ 6 tháng năm 2019 sang 8 tháng đầu năm 2020) chỉ còn 27 vụ, Quận 9 (244 vụ còn 81 vụ), Quận 12 (175 còn 45 vụ), Quận Bình Tân (164 vụ còn 28 vụ), Quận Thủ Đức (262 vụ còn 61 vụ). Một số quận ít xảy ra vi phạm trong 8 tháng đầu năm 2020, như: Quận 4 (6 vụ), Quận 5 (7 vụ), Quận 6 (5 vụ), Quận Tân Phú (7 vụ), Quận Phú Nhuận (3 vụ)[3].
Năm 2021, thành phố Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động. Nhằm bảo đảm trật tự xây dựng cũng như không để cho thành phố Thủ Đức trở thành “điểm nóng” về xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, lãnh đạo Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh đã giao Sở Xây dựng thành lập Đội Thanh tra địa bàn thành phố Thủ Đức trực thuộc Thanh tra Sở Xây dựng để thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Thủ Đức (trên cơ sở sáp nhập Đội Thanh tra địa bàn quận 2, 9 và Thủ Đức).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định:
Thứ nhất, việc ngăn chặn ngay từ đầu các công trình xây dựng sai phép, không phép còn lúng túng, chưa kịp thời.
Hiện nay, công tác tuần tra, kiểm soát địa bàn nhằm kịp thời phát hiện công trình vi phạm trật tự xây dựng đã được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ. Tuy nhiên, trên thực tiễn, nhiều trường hợp khi phát hiện công trình vi phạm, mặc dù đã lập biên bản đình chỉ, yêu cầu ngưng thi công nhưng chủ đầu tư vẫn lén lút thi công khi lực lượng chức năng không có mặt tại công trình vi phạm. Tình trạng này xảy ra, bên cạnh nguyên nhân cán bộ, công chức ngại va chạm với người dân, chưa quyết liệt, thì nguyên nhân chủ yếu là các giải pháp ngăn chặn không phát huy được hiệu quả và hành lang pháp lý chưa bảo đảm.
Thứ hai, quy định của pháp luật về đăng ký kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất thiếu rõ ràng, khó áp dụng trên thực tế, gây khó khăn cho người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng phù hợp với mục đích xây dựng công trình của mình.
Hiện nay, quy định về đăng ký kế hoạch sử dụng đất, nhất là đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân phục vụ cho xây dựng nhà ở vẫn còn nhiều vướng mắc. Cụ thể, Luật Đất đai năm 2013 chỉ quy định chung là chuyển mục đích sử dụng đất phải bảo đảm nhu cầu sử dụng đất nhưng không quy định rõ ràng cách thức thẩm định nhu cầu sử dụng của chủ sử dụng đất làm cho các quận, huyện không có cơ sở để thực hiện. Thậm chí có nơi còn lợi dụng quy định này để không thụ lý hồ sơ của người dân.
Ngoài ra, việc áp dụng quy hoạch để giải quyết chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở và giữa các loại đất trong nhóm đất nông nghiệp còn nhiều vướng mắc do sự không thống nhất của các nền quy hoạch. Luật Đất đai năm 2013 quy định chuyển mục đích sử dụng đất khi có kế hoạch sử dụng đất hàng năm và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất[4]. Trong khi thực tiễn thẩm tra, xem xét, giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất có áp dụng quy hoạch đô thị gồm quy hoạch chung, quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000… Khi quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất có những vị trí không tương khớp với nhau về chức năng quy hoạch, việc giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân sẽ bị ách tắt.
Thứ ba, công tác phối hợp giữa các đơn vị, trong đó có Thanh tra Sở Xây dựng và quản lý trật tự đô thị tạiTp. Hồ Chí Minh còn chưa nhịp nhàng, hiệu quả.Song song đó là do sự quản lý không chặt chẽ từ chính quyền địa phương, chưa làm hết trách nhiệm, hoặc trình độ chuyên môn còn hạn chế[5].
Thứ tư, việc xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng còn nhiều khó khăn, vướng mắc do chồng chéo, mẫu thuẫn về pháp luật.
Điều 16 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định về chế tài xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công công trình không có giấy phép và tổ chức thi công công trình sai nội dung giấy phép xây dựng chưa hợp lý. Cụ thể, vi phạm hành chính có tính chất, mức độ nguy hiểm cao thì chế tài phạt lại nhẹ, còn vi phạm có tính chất, mức độ thấp hơn thì chế tài phạt lại nặng.
Ngoại trừ trường hợp được miễn giấy phép xây dựng, Luật Xây dựng năm 2014 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định việc tổ chức thi công xây dựng công trình phải có giấy phép xây dựng. Khi được cấp giấy phép xây dựng thì việc tổ chức thi công công trình phải phù hợp với nội dung của giấy phép xây dựng. Nếu cá nhân, tổ chức có hành vi “tổ chức thi công xây dựng công trình cơi nớisai nội dung giấy phép xây dựng” thì mức phạt như sau: i. phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ; ii. phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa; iii. phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng[6]. Vi phạm này đồng thời bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm. Trong khi đó, hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng chỉ bị xử phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa; từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng[7]. Vi phạm này cũng chỉ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
Có thể thấy rằng, hai hành vi “tổ chức thi công xây dựng công trình cơi nớisai nội dung giấy phép xây dựng” và tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng là rất khác biệt. Hành vi “tổ chức thi công xây dựng công trình cơi nớisai nội dung giấy phép xây dựng” cótính chất và mức độ nguy hiểm hơn hành vitổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng”; bởi lẽ, “tổ chức thi công xây dựng công trình cơi nớisai nội dung giấy phép xây dựng” vẫn phải có giấy phép xây dựng, còn tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng” thì hoàn toàn không có giấy phép xây dựng.
Về ý thức chấp hành pháp luật, chủ thể thực hiện hành vi “tổ chức thi công xây dựng công trình cơi nớisai nội dung giấy phép xây dựng” vẫn thể hiện ý thức tôn trọng pháp luật hơn (tuy tổ chức thi công sai nhưng vẫn có giấy phép xây dựng) so với chủ thể thực hiện hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng (hoàn toàn không có giấy phép xây dựng).
Theo tác giả, quy định của khoản 7 và khoản 10 Điều 16 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP là chưa hợp lý, không tuân thủ nguyên tắc: “việc quy định hình thức xử phạt, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước của hành vi vi phạm” được quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 118/2021/NĐ-CPngày 23/12/2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính[8].
Ngoài ra, Nghị định số 16/2022/NĐ-CP chưa xác định rõ ranh giới giữa xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hình sự đối với hành vi tổ chức thi công công trình sai nội dung giấy phép xây dựng đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn tái phạm.
Theo quy định của Nghị định số 16/2022/NĐ-CP, hành vi tổ chức thi công công trình sai nội dung giấy phép xây dựng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Đối với vi phạm này thì phải căn cứ vào nội dung giấy phép xây dựng, địa điểm xây dựng để xem xét mức độ sai phạm thế nào mà có mức tiền phạt cao thấp khác nhau. Đối với hành vi tổ chức thi công công trình sai nội dung giấy phép xây dựng đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn tái phạmnhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ; từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa; từ 475.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng. Trong khi đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng có quy định về Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở tại Điều 343. Cụ thể, người nào xây dựng nhà trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Xét về mặt khách quan, xây dựng nhà ở trái phép chính là hành vi tổ chức thi công nhà ở mà không có giấy phép hoặc sai nội dung giấy phép xây dựng. Như vậy, quy định tại Điều 16 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP là chưa có sự thống nhất với Điều 343 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo khoản 5 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì Tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử phạt”. Như vậy, muốn xem là tái phạm trong xử phạt vi phạm hành chính thì phải thỏa mãn hai điều kiện: i. cá nhân, tổ chức đã bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính; ii. lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử phạt. Theo đó, thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính là đã quá 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc quá 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính[9]. Thêm vào đó là cá nhân, tổ chức phải thực hiện lại chính hành vi vi phạm đã bị xử phạt trước đó.
Về mặt lý luận, khách thể vi phạm hành chính rất rộng, còn rộng hơn khách thể của vi phạm hình sự. Trong rất nhiều trường hợp, khách thể vi phạm hành chính và vi phạm hình sự là đồng nhất. Theo thống kê, trong Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 có khoảng 123 tội phạm có sự chuyển hóa giữa vi phạm hành chính, vi phạm kỷ luật và tội phạm[10]. Tương tự, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 có 92 điều quy định với 101 cấu thành cụ thể có sự chuyển hóa giữa vi phạm hành chính, vi phạm kỷ luật và tội phạm[11]. Chính vì vậy, đối với một số hành vi vi phạm có sự chuyển hóa từ vi phạm hành chính thành tội phạm thì việc thực hiện lại chính hành vi vi phạm khi chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính sẽ không xem là tái phạm. Trong trường hợp này, chủ thể tiếp tục thực hiện lại hành vi vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn tái phạm thì sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 343 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Do đó, sẽ không thể xảy ra trường hợp hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn tái phạm thì lại bị xử phạt vi phạm hành chính. Rõ ràng, Điều 343 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 không cho phép xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp tái phạm. Điều luật này cũng không đưa ra bất cứ ngoại lệ nào để xử phạt vi phạm hành chính. Thế nhưng, khoản 13 Điều 16 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP lại “cho phép” xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp tái phạm nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, đối với trường hợp một chủ thể tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại tái phạm thì sẽ có hai hướng giái quyết: một là, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở theo quy định tại Điều 343 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017; hai là, bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 13 Điều 16 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP (nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự).
Quy định trên không những tạo ra sự mâu thuẫn giữa Nghị định số 16/2022/NĐ-CP với Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 còn còn mở đường cho hiện tượng tùy tiện trong áp dụng pháp luật. Hiện nay, pháp luật không có quy định rõ trường hợp nào chủ thể tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại tái phạm mà “không bị truy cứu trách nhiệm hình sự” để người có thẩm quyền tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 16/2022/NĐ-CP.
2. Giải pháp hoàn thiện
Một là, tổ chức bộ máy thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng hiện nay chưa phù hợp, chưa phát huy hiệu quả trên thực tế. Do đó, tác giả kiến nghị xem xét, sửa đổi quy định của pháp luật về thanh tra chuyên ngành và chuyển lực lượng thanh tra địa bàn về quận, huyện quản lý.
Hai là, sửa đổi quy định về đăng ký Kế hoạch sử dụng đất, nhất là đăng ký kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Đồng thời, pháp luật đất đai cần bổ sung điều khoản quy định cho phép các địa phương phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 2 kỳ/ năm, để giải quyết kịp thời, hợp pháp nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất của người dân, doanh nghiệp. Đề xuất pháp luật cần bổ sung và hướng dẫn cụ thể quy trình, tiêu chí thẩm định nhu cầu sử dụng đất của tổ chức, cá nhân. Đồng thời, cần có hướng dẫn cụ thể về triển khai Luật Quy hoạch đã có hiệu lực pháp luật, trong đó có quy định về tiêu chí, lộ trình, cách thức tích hợp đồng bộ các nền quy hoạch, nhất là các nền quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo nhau, nhằm bảo đảm việc áp các văn bản pháp quy về mặt kỹ thuật này đồng bộ, giải quyết kịp thời, đúng quy định đối với nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng công trình phục vụ cho nhu cầu ở, sản xuất kinh doanh... của người dân và doanh nghiệp.
Ba làđội ngũ nhân sự có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng. Do đó, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, các cơ quan quản lý về trật tự xây dựng cần bổ sung đội ngũ nhân sự để quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra hoạt động xây dựng để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Tăng cường thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự xây dựng; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng và phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng.
Bốn là, hoàn thiện các quy định của pháp luật về các biện pháp xử lý vi phạm đối với các vi phạm hành chính về trật tự xây dựng.
Chính phủ cần sửa đổi khoản 7 và khoản 10 Điều 16 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP theo hướng quy định chế tài phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng nặng hơn so với hành vi “tổ chức thi công xây dựng công trình cơi nớisai nội dung giấy phép xây dựng”. Có như vậy thì hình thức và mức xử phạt mới tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm. Điều này góp phần đấu tranh phòng, chống các vi phạm về tổ chức thi công công trình không có giấy phép, sai nội dung giấy phép xây dựng trên thực tế.
Trong bối cảnh Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và Nghị định số 16/2022/NĐ-CP đã có hiệu lực pháp luật thì các cơ quan nhà nước cần giải thích cụ thể thế nào là mà tái phạm nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhằm phân định rõ ràng giữa xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hình sự. Minh định giữa xử phạt hành chính và xử lý hình sự đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm hành chính liên quan đến hành vi này mà còn hạn chế tình trạng nhập nhằng “hành chính hóa các vi phạm hình sự” hoặc “hình sự hóa các vi phạm hành chính”./. 

Nguyễn Chí Hiếu

Trường Đại học Trà Vinh


[1] Báo cáo số 8823/BC-SXD-TT ngày 05/8/2020 của Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 25/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy.
[2] Báo cáo số 8823/BC-SXD-TT ngày 05/8/2020 của Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 25/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy.
[3] Báo cáo số 174/BC-SXD-TT ngày 24/3/2021 của Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 25/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy.
[4] Điều 52 Luật Đất đai năm 2013.
[5] Báo cáo số 14027/BC-SXD-VP của Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh ngày 31/10/2019 về tình hình thực hiện nhiệm vụ tháng 10/2019 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 11/2019, tr.16.
[6] Khoản 10 Điều 16 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP.
[7] Khoản 7 Điều 16 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP.
[8] Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 118/2021/NĐ-CPngày 23/12/2021 quy định: “Hình thức xử phạt, mức xử phạt được quy định đối với từng hành vi vi phạm hành chính và phải căn cứ vào các yếu tố sau đây:
a) Tính chất, mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước của hành vi vi phạm; đối với hành vi vi phạm không nghiêm trọng, có tính chất đơn giản, thì phải quy định hình thức xử phạt cảnh cáo;
b) Mức thu nhập, mức sống trung bình của người dân trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;
c) Mức độ giáo dục, răn đe và tính hợp lý, tính khả thi của việc áp dụng hình thức, mức phạt”.
[9] Khoản 1 Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020.
[10] Nguyễn Cửu Việt, Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, 2013, tr. 506.
  • Tags: