Quán triệt quan điểm của Hồ Chí Minh về thái độ với sai lầm, khuyết điểm

Trên cơ sở phân tích quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những thái độ thường gặp đối với sai lầm, khuyết điểm trong Đảng; phân tích và khẳng định thái độ đúng đắn, cách mạng nhất của người cán bộ, đảng viên với sai lầm, khuyết điểm, từ đó bài viết rút ra những bài học trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ điều quan trọng và có ý nghĩa quyết định đối với sự tiến bộ của mỗi con người và sự lớn mạnh của mỗi tổ chức chính là thái độ và hành động đúng đắn với những sai lầm, khuyết điểm - Ảnh tư liệu TTXVN

Không có bất cứ lý do gì để biện minh cho những sai lầm, khuyết điểm và không có gì tốt hơn là tránh các sai lầm, khuyết điểm. Tuy nhiên, phải khách quan thừa nhận rằng, sai lầm, khuyết điểm là điều khó có thể tránh khỏi trong quá trình hoạt động của con người nói riêng, của tổ chức nói chung. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm”(1); “có hoạt động thì khó mà hoàn toàn tránh khỏi sai lầm”(2). Người nhắc lại lời của V.I.Lênin: “Chỉ có hai hạng người không mắc khuyết điểm là đứa bé còn ở trong bụng mẹ và người chết đã bỏ vào quan tài. Còn hoạt động thì khó tránh khỏi khuyết điểm”(3). Đối với một đảng chính trị, nhất là đảng lãnh đạo và cầm quyền, gánh vác những trọng trách lớn mà dân tộc và nhân dân giao phó, lại là Đảng cầm quyền duy nhất, lâu dài và liên tục như Đảng Cộng sản Việt Nam thì việc “nói không với sai lầm khuyết điểm” là điều không tưởng. Điều quan trọng và có ý nghĩa quyết định đối với sự tiến bộ của mỗi con người và sự lớn mạnh của mỗi tổ chức chính là thái độ và hành động đúng đắn với những sai lầm, khuyết điểm.

1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về thái độ đúng đắn với những sai lầm, khuyết điểm trong Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ ra những kiểu thái độ cơ bản đối với những sai lầm, khuyết điểm trong Đảng. Thái độ của bọn phản động là lợi dụng những sai lầm, khuyết điểm của Đảng, tô vẽ thêm để công kích, phá hoại, hạ thấp uy tín của Đảng. Thái độ của những cán bộ, đảng viên đầu cơ là lợi dụng những sai lầm, khuyết điểm của Đảng để đạt mục đích tự tư, tự lợi. Hồ Chí Minh cho rằng: “Bọn phản động và bọn đầu cơ là địch nhân lọt vào trong Đảng để phá hoại”(4). Loại thái độ thứ ba là thái độ của những cán bộ ươn hèn, yếu ớt, thờ ơ trước sai lầm, khuyết điểm của mình và của đồng chí, “mặc kệ, sao xong chuyện thì thôi”. Thái độ này phổ biến là của cấp dưới đối với cấp trên và thường dẫn đến hậu quả “không nói trước mặt, hục hặc sau lưng”, “gây nên sự uất ức và không đoàn kết trong Đảng”, tạo cơ hội cho các thế lực phản động và đầu cơ lợi dụng. Tiếp theo là thái độ của những người máy móc, chủ quan, thường “nghiêm trọng hóa” sai lầm, khuyết điểm của người khác, đòi phải đuổi những người mắc sai lầm, khuyết điểm ra khỏi tổ chức và nếu không làm được như vậy thì sinh ra chán nản, thất vọng. Với thái độ này, Hồ Chí Minh cho rằng, sẽ khiến cho “Đảng chỉ còn một nhóm cỏn con, vì số đông sẽ bị khai trừ hết. Mà chính những người có thái độ đó cũng bị khai trừ, vì họ đã phạm cái khuyết điểm hẹp hòi”(5).

Vậy, thái độ đúng đắn với sai lầm, khuyết điểm trong Đảng là như thế nào? Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, trước sai lầm, khuyết điểm cần: Phân tích rõ ràng cái đúng, cái sai; không chịu ảnh hưởng của những tư tưởng sai lầm, những phần tử không tốt; ra sức học tập và nâng cao những kiểu mẫu tốt; không để mặc kệ mà phải ra sức tranh đấu sửa chữa những khuyết điểm, không để nó phát triển ra, không để nó có hại cho Đảng; không làm máy móc mà khéo dùng cách phê bình và tự phê bình để giúp đồng chí khác sửa đổi những sai lầm và khuyết điểm, giúp họ tiến bộ; đoàn kết Đảng bằng sự tranh đấu nội bộ; nâng cao kỷ luật và uy tín của Đảng(6). Người đi đến kết luận: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(7). Đây chính là quan điểm mang tính khoa học, cách mạng và nhân văn của Hồ Chí Minh.

Quan điểm đó được thể hiện cụ thể như sau:

Thứ nhất, công khai thừa nhận khuyết điểm. Trước những sai lầm, khuyết điểm của cá nhân và tổ chức, nếu chối bỏ, lấp liếm, che giấu hoặc tìm cách đổ lỗi cho người khác, thì không những không tiến bộ được, mà còn càng làm cho khuyết điểm gia tăng, tự mình làm giảm sút uy tín của cá nhân và làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức. Hồ Chí Minh khẳng định: “Một khi đã phạm khuyết điểm, thì dù mình muốn bưng bít, người ta cũng biết. Phải nhớ câu tục ngữ: “Sừng có vạch, vách có tai”. Một đoàn thể hoặc chính quyền mà che giấu khuyết điểm của cán bộ mình, là một đoàn thể hoặc chính quyền yếu ớt, thoái bộ”(8). Do đó, Đảng và cán bộ, đảng viên phải có dũng khí, bản lĩnh, dám thừa nhận một cách công khai những sai, khuyết điểm của mình trong tổ chức và trước nhân dân: “Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ”(9).

Hồ Chí Minh thẳng thắn chỉ ra những cán bộ có nhận thức không đúng rằng, nếu công khai những khuyết điểm của mình thì sẽ có hại, vì kẻ địch sẽ lợi dụng để phản tuyên truyền; làm giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền; làm mất thể diện của cán bộ đã phạm khuyết điểm; cho rằng chỉ cần phê bình qua loa trong nội bộ là đủ. Quan điểm đó “không khác gì ốm mà sợ thuốc”, bệnh không khỏi được cũng như khuyết điểm không sửa chữa được mà còn nặng thêm.

Thứ hai, tìm ra nguyên nhân và hoàn cảnh sinh ra sai lầm, khuyết điểm. Muốn sửa chữa được sai lầm, khuyết điểm thì phải tìm ra được căn nguyên và những điều kiện khách quan, chủ quan sinh ra sai lầm, khuyết điểm. Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm rất khoa học và nhân văn: “hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng. Vì vậy, cần phải phân tách rõ ràng cái cớ sai lầm, phải xét kỹ lưỡng việc nặng hay nhẹ, phải dùng xử phạt cho đúng”(10).

Người đã từng phân tích và chỉ ra các loại bệnh, vừa là biểu hiện của sai lầm, khuyết điểm, vừa là nguyên nhân dẫn đến sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên như: bệnh tham lam (luôn đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, dùng của công làm việc tư, sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi); bệnh lười biếng (tự cho mình cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết, lười học hỏi, lười suy nghĩ. Việc dễ thì tranh làm, việc khó thì đùn cho người khác); bệnh kiêu ngạo (tự cao, tự đại, ham địa vị; ưa người ta tâng bốc mình, ưa sai khiến người khác, khoe khoang, vênh váo, việc gì cũng muốn làm thầy người khác); bệnh hiếu danh (tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại, chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ chứ không ham công tác thiết thực); bệnh thiếu kỷ luật (tùy tiện, phê bình thì cốt công kích những đồng chí mình không ưa; cất nhắc thì cốt làm ơn với người mình quen thuộc); bệnh hẹp hòi (luôn sợ người khác hơn mình, không biết liên hệ, hợp tác với người ngoài Đảng); óc địa phương (chỉ biết đến lợi ích của cơ quan mình, của địa phương mình); bệnh lãnh tụ (cho mình là tài giỏi, xứng đáng làm lãnh tụ), bệnh “hữu danh vô thực” (làm việc không thiết thực, làm ít suýt ra nhiều, làm báo cáo rất kêu nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch); bệnh kéo bè, kéo cánh (ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay và ngược lại); bệnh cận thị (không nghĩ xa, thấy rộng, những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc tỉ mỉ, chỉ trông thấy sự lợi hại nhỏ nhen mà không thấy sự lợi hại to lớn) và nhiều các bệnh khác như bệnh tị nạnh, bệnh xu nịnh, a dua; v.v..

Thứ ba, kiên quyết sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Đây là vấn đề được Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm trong cả tư tưởng và chỉ đạo thực tiễn. Ngay khi giáo dục những thanh niên yêu nước trong Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên về “tư cách của người cách mạng”, Người đã yêu cầu phải “cả quyết sửa lỗi mình”. Sau này, Người tiếp tục khẳng định: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa”(11); “chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm”(12); “hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa”(13); “chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa”(14). Người sử dụng những cụm từ “cả quyết”, “ra sức”, “cố gắng”, “kiên quyết”, “quyết tâm”... để yêu cầu về hành động ở mức độ cao nhất của người cán bộ, đảng viên trong sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Thậm chí, Người còn cho rằng, chúng ta phải “thi đua sửa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm”.

Lịch sử đã chứng minh, khi nào Đảng thực hiện thái độ cách mạng, khách quan, khoa học trước những sai lầm, khuyết điểm như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, khi đó Đảng củng cố được uy tín và niềm tin, ngày càng lớn mạnh hơn, giành được những thắng lợi to lớn hơn.

Trong cải cách ruộng đất, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không né tránh, bao biện, chối bỏ những sai lầm, khuyết điểm mà nhìn thẳng vào sự thật, chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm và nguyên nhân, đồng thời đề ra các giải pháp thiết thực, cụ thể để khắc phục. Cuộc vận động sửa sai trong cải cách ruộng đất được tiến hành triệt để và toàn diện, rộng rãi và nghiêm túc, dẫn đến uy tín của Đảng được củng cố, lòng tin của nhân dân đối với Đảng được khẳng định, sức mạnh của Đảng được tăng lên.

Bài học về thái độ với những sai lầm, khuyết điểm trong Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được phát huy khi Đảng nhận thức và có hành động đúng đắn trước những sai lầm, khuyết điểm trong việc duy trì cơ chế quản lý kinh tế đất nước cuối những năm 70 đầu những năm 80 thế kỷ XX và kịp thời có những giải pháp hiệu quả để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đưa đất nước ra khỏi thời kỳ khủng hoảng kinh tế - xã hội, bước sang một giai đoạn phát triển mới bằng đường lối đổi mới bắt đầu từ Đại hội VI của Đảng.

2. Bài học trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay

Xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt trong công cuộc đổi mới, trong suốt những nhiệm kỳ vừa qua, công tác xây dựng Đảng đã được đẩy mạnh và đạt được thành tựu quan trọng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ này đã đạt được kết quả toàn diện, trong đó nổi bật là: Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và tinh giản biên chế của hệ thống chính trị; đổi mới công tác cán bộ và ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, xử lý nghiêm những tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Kết quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng các nhiệm kỳ qua và nhiệm kỳ Đại hội XII đã góp phần rất quan trọng để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay; Đảng ta đoàn kết, thống nhất và trong sạch, vững mạnh hơn; niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố, tăng cường hơn, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới”(15). Kết quả đó có được nhờ vào nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó đặc biệt có sự nhận thức đúng đắn và quyết tâm chính trị của toàn Đảng đối với việc sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm.

Tuy nhiên, bên cạnh những nhận thức và thái độ đúng đắn, trong thời gian vừa qua vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên có những thái độ chưa đúng đắn trước những sai lầm, khuyết điểm của chính mình, của đồng chí, đồng nghiệp và tổ chức.

Trước hết và nguy hiểm nhất là, trước những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch lợi dụng những sai lầm, khuyết điểm của Đảng và “sức nóng” của công tác xây dựng Đảng, một số cán bộ do nhận thức mơ hồ, thiếu bản lĩnh chính trị, ham mê tiền tài, danh vọng đã bị lợi dụng, kích động dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Một số nơi có hiện tượng cán bộ, đảng viên lợi dụng những sai lầm, khuyết điểm của tổ chức và đồng chí, đồng nghiệp, lợi dụng tự phê bình và phê bình để tìm cách hạ thấp uy tín, bôi nhọ danh dự của người khác, tìm kiếm cơ hội để tư lợi. Một hiện tượng khác là cán bộ, đảng viên có thái độ đoàn kết “một chiều”, trước những sai lầm, khuyết điểm thường nể nang, xuê xoa, “dĩ hòa vĩ quý”, “mũ ni che tai”, sợ “đấu tranh thì tránh đâu” (thái độ này khá phổ biến là của cấp dưới trước sai lầm, khuyết điểm của cấp trên). Đặc biệt, có thái độ thờ ơ, lảng tránh, không dám đấu tranh, sợ sai lầm, khuyết điểm mà không dám làm việc, hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho cấp trên, cho người khác... Tất cả những thái độ không đúng đắn đó ở mức độ nặng nhẹ khác nhau đều ảnh hưởng đến sức mạnh và uy tín của Đảng.

Thấm nhuần những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần thực hiện tốt những giải pháp cụ thể sau:

Một là, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với các thế lực phản động, thù địch. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “chúng ta phải ra sức đề phòng. Mỗi khi trong Đảng có khuyết điểm thì chúng ta phải tìm cách chớ để cho ai lợi dụng. Đó là phận sự của mỗi đảng viên chân chính”(16). Xây dựng và chỉnh đốn là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của bất cứ tổ chức nào nếu muốn vững mạnh và có sức đề kháng tốt. Điều đó càng không là ngoại lệ đối với đảng chính trị cầm quyền duy nhất và nhiều năm như Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ lý luận và thực tiễn đều chứng minh, xây dựng, chỉnh đốn để Đảng thật sự là đạo đức, là văn minh, đủ sức và xứng đáng với vai trò lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của đất nước, dân tộc là vấn đề có tính nguyên tắc, quy luật và mang tính chiến lược. Tuy nhiên, với tâm địa đen tối, cái nhìn hằn học, các thế lực thù địch lợi dụng những sai lầm, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước thời gian qua để cho rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng thành công”, “tham nhũng là căn bệnh kinh niên của chế độ độc đảng cầm quyền, thuộc bản chất thể chế không thể thay đổi được”, “đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”, “tình trạng này tất yếu sẽ khiến Đảng đổ vỡ và tan rã”... Những luận điệu xuyên tạc theo kiểu nói lấy được, vô căn cứ đó đã, đang và sẽ phải kiên quyết tiếp tục lên án, phê phán, phản bác, đấu tranh bằng những lập luận sắc bén, có căn cứ thuyết phục và minh chứng thực tiễn.

Hai là, “thuyết phục, cảm hóa và dạy bảo cán bộ”. Cần thấm nhuần “cách đối với cán bộ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: phải “đúng” và “khéo” mới phát huy hết được vai trò quyết định của cán bộ đối với muôn việc của Đảng. Bởi lẽ, trừ những thành phần cố ý phá hoại thì không ai cố ý phạm sai lầm, có thể sai lầm vì thiếu hiểu biết. Do đó, đối với cán bộ bị sai lầm, không nên công kích mà phải “dùng thái độ thân thiết, giúp họ tìm ra cái cớ vì sao mà sai lầm? Sai lầm như thế, sẽ có hại đến công việc thế nào? Làm thế nào mà sửa chữa?”(17).

Tổ chức đảng phải dùng cách “thuyết phục” giúp cán bộ, đảng viên mắc sai lầm, khuyết điểm sửa chữa, “không phải một sai lầm to lớn, mà đã vội cho họ là “cơ hội chủ nghĩa”, đã “cảnh cáo”, đã “tạm khai trừ”. Những cách quá đáng như thế đều không đúng”(18).

Mỗi cán bộ, đảng viên phải dũng cảm, kiên quyết bảo vệ chân lý, bảo vệ cái đúng, cái tích cực; dũng cảm đấu tranh với những cái sai, khuyết điểm, cái tiêu cực; thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm của cá nhân và tổ chức mình, cầu thị, tích cực sửa chữa hạn chế, khuyết điểm. Phải xây dựng, rèn luyện bản lĩnh vững vàng, có niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, phấn đấu vì cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Tuy nhiên, để bảo đảm giữ nghiêm kỷ luật đảng, cần nghiêm túc thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: đối với những cán bộ phạm sai lầm do “hám danh trục lợi”, “cố ý phá hoại”, lại “ngoan cố, không chịu ăn năn”, “phê bình, giáo dục mấy cũng cứ ỳ ra, không chịu sửa đổi” phải nghiêm khắc, phải đưa họ ra khỏi Đảng, “phải có kỷ luật thích đáng”, để tránh “con sâu làm rầu nồi canh”. Bởi, nếu không xử phạt nghiêm minh sẽ mở đường cho những phần tử cố ý phá hoại lợi dụng.

Ba là, “thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình”. Cần tiếp tục phát huy vai trò của tự phê bình và phê bình - “vũ khí sắc bén”, “thang thuốc hay nhất” giúp cho người cán bộ, đảng viên tự nhìn nhận, đánh giá lại mình, đồng thời nắm được sự nhìn nhận, đánh giá của đồng chí, đồng nghiệp về hành động của mình, từ đó điều chỉnh nhận thức và hành vi của cá nhân theo các quy định chung.

Thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, khuyết điểm nhất định hết dần, ưu điểm nhất định thêm lên. Việc tự phê bình và phê bình phải được tiến hành rõ ràng, thiết thực, thẳng thắn, chân thành, có tính xây dựng, phải “đúng và khéo”, được tiến hành một cách toàn diện, “phải từ trên xuống và từ dưới lên. Cấp trên phê bình, chưa đủ. Đồng chí, đồng sự phê bình, chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa, thì sự phê bình mới hoàn toàn”(19).

Bốn là, khuyến khích cán bộ “sáu dám”. Đó là những cán bộ không vì sợ sai lầm, khuyết điểm mà nhụt chí; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng yêu cầu, lãnh đạo phải biết động viên, khuyến khích “khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”, tức là làm cho cấp dưới, cán bộ, đảng viên không sợ nói ra sự thật và cấp trên không sợ nghe sự thật, tạo ra những điều kiện thuận lợi để cấp dưới, đảng viên phát huy sáng kiến, tham gia vào việc lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch, đồng thời tạo ra bầu không khí và tâm lý tích cực trong sinh hoạt đảng.

Đổi mới là một cuộc cách mạng tạo ra những cái mới tốt đẹp, tích cực và phù hợp mà không có những cán bộ, đảng viên có khát vọng, có tầm nhìn, có bản lĩnh mà chỉ có những cán bộ sợ sai lầm, khuyết điểm, không dám và không chịu dấn thân thì công cuộc đổi mới không thể thành công. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhìn nhận một cách đúng đắn về công tác xây dựng Đảng, không vì “sức nóng” của công tác chỉnh đốn Đảng mà sợ sệt, hoang mang, e dè, cầm chừng; cần mạnh dạn phát huy bản lĩnh người đảng viên trên cương vị mà Đảng, Nhà nước phân công.

Đồng thời, Đảng, Nhà nước cần kịp thời có chủ trương, chính sách, cơ chế, hành lang pháp lý khuyến khích, bảo vệ để tạo điều kiện cho phẩm chất “sáu dám” của cán bộ, đảng viên phát triển, khơi nguồn tư duy và hành động đổi mới sáng tạo, phát huy nguồn lực con người cho sự nghiệp đổi mới.

Thái độ và hành động đúng đắn của người cán bộ, đảng viên trước khuyết điểm, sai lầm của mình và của Đảng chính là biểu hiện của lòng trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân, của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó cũng là tiêu chuẩn, thước đó quan trọng của người cán bộ trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

1), (4), (5), (6), (7), (10), (12), (13), (16), (17), (18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.323, 305, 305, 304-305, 301, 324, 323, 273, 305, 323, 316.

(2), (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Sđd, tr.608, 608.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Sđd, tr.335.

(8), (9), (19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Sđd, tr.52, 53, 53.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.66.

(15) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.220-221.

TS TRẦN THỊ HỢI

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

...
  • Tags: