Quốc hội khóa XV: Quyết sách kịp thời, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Quốc hội khóa XV đã kịp thời quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và mong mỏi của cử tri, nhân dân và doanh nghiệp; góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo TS. Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, từ năm 2020, thế giới đang thay đổi rất nhanh, căn bản, toàn diện và sâu sắc, đồng thời cũng rất phức tạp, khó lường, khó dự báo trên nhiều lĩnh vực về kinh tế, tài chính, chính trị, xã hội, an ninh khu vực và toàn cầu.

Trong nước, kinh tế, xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, đặc biệt là dưới tác động của tình hình thế giới, hậu quả của đại dịch COVID-19 và thiên tai, bão lũ… Nền kinh tế vừa phải tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh, vừa phải xử lý các yếu kém tồn đọng, tích tụ từ nhiều năm trước để lại và chủ động ứng phó, thích ứng với các thách thức mới đặt ra trong tình hình mới.

Dưới sự lãnh đạo quyết đoán, kịp thời của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để đưa đất nước vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay; từng bước giải quyết những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời từng bước chủ động kiến tạo các yếu tố nền tảng quan trọng cho phát triển đất nước trong trung và dài hạn.

Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã đồng hành, phối hợp chặt chẽ, từ sớm, từ xa với Chính phủ, bám sát tình hình thế giới và trong nước, nắm bắt hơi thở cuộc sống, kiến nghị của nhân dân, cử tri và doanh nghiệp, tăng cường phản biện, giám sát để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, quyết nghị nhiều vấn đề thể chế, chính sách phát sinh, đáp ứng đòi hỏi cấp bách của thực tiễn đặt ra.

Nhiều quyết sách quan trọng, kịp thời

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn dẫn chứng, từ đầu năm 2024 đến nay, Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KTXH năm 2024, năm 2025 với nhiều nhiệm vụ, giải pháp có tính mới, đột phá, trọng tâm, trọng điểm, làm căn cứ để Chính phủ tập trung chỉ đạo, điều hành.

Đồng thời, quyết nghị 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đột phá trong hoàn thiện thể chế, pháp luật, khắc phục điểm nghẽn; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; xem xét tận dụng dư địa về nợ công, nợ chính phủ, bội chi để huy động thêm nguồn lực cho phát triển, đặc biệt thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Kết luận số 77-KL/TW, ngày 02/5/2024 của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án…

TS. Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết giám sát tối cao để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xác định nhiều giải pháp, chính sách đột phá, đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển bền vững thị trường bất động sản, nhà ở xã hội… kịp thời giải quyết những vấn đề “nóng” đặt ra trong phát triển KT-XH.

Cùng với hoàn thiện đồng bộ các Luật về Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Đấu thầu, Đầu tư công, sửa đổi các quy định ở tầm luật về NSNN, quy hoạch, quản lý tài sản công, chứng khoán… đã giúp nền kinh tế khẳng định sự phục hồi rõ nét, đạt tốc độ tăng trưởng cao (khoảng 7%) và hoàn thành 14/15 chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2024.

Ngoài ra, Quốc hội khóa XV cũng đã quyết nghị, cho phép TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nghệ An, Cần Thơ, Thanh Hóa… áp dụng thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách, đầu tư, đất đai…; phê duyệt Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế... qua đó, làm căn cứ, định hướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế…; phát triển các cực tăng trưởng, hành lang kinh tế, vành đai kinh tế, đẩy mạnh liên kết vùng, mở ra không gian và động lực phát triển mới cho cả nước, vùng và địa phương.

Xem xét ban hành nghị quyết thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh

Nhấn mạnh năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 05 năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá để thực hiện đạt kết quả cao nhất kế hoạch đề ra, tạo tiền đề đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho rằng, cần tiếp tục thể chế hoá kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng; các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội giữ vai trò kiến tạo, hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng cường kiểm tra, giám sát và trách nhiệm giải trình; không để đùn đẩy trách nhiệm, kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho”. Đồng thời, chủ động, phối hợp xem xét ban hành nghị quyết thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh, chưa có quy định hoặc đã có nhưng không còn phù hợp, đã được cấp có thẩm quyền cho ý kiến.

Ngoài ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cũng kiến nghị, tăng cường hoạt động giám sát, chất vấn, bảo đảm ưu tiên bố trí nguồn lực của ngân sách nhà nước cả Trung ương và địa phương thực hiện các công trình kết nối các tỉnh, kết nối vùng, kết nối quốc gia, quốc tế, nhất là kết nối các trung tâm kinh tế và các địa phương là cực tăng trưởng; các địa phương chủ động tự cân đối nguồn lực của địa phương để đầu tư các dự án kết nối vùng thuộc phạm vi tỉnh với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, kịp thời quyết nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, làm mới và thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát tối cao, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, kịp thời nắm bắt, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri, vấn đề cử tri quan tâm với các bộ, ngành và địa phương để tháo gỡ, xử lý.

Lê Anh

Cổng TTĐT Quốc hội

...
  • Tags: