Mới đây, xảy ra vụ việc bé gái rơi từ tầng 13 chung cư, rất may mắn bé gái đã được anh Nguyễn Ngọc Mạnh dũng cảm cứu đỡ thoát nạn. Qua vụ việc này, cho thấy vấn đề không đảm bảo an toàn ban công của chung cư, và sự cần thiết khi lắp đặt lưới an toàn bảo vệ, tránh các tai nạn bất thường…
Theo người dân-bạn đọc L. Thịnh có những thắc mắc: - Khi xây dựng nhà chung cư, pháp luật có bắt buộc điều kiện đảm bảo an toàn với ban công hay không?
- Chủ đầu tư xây dựng không đúng quy định có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại khi tai nạn xảy ra, như trẻ em rơi từ ban công xuống đất hay không?
Anh Nguyễn Ngọc Mạnh đã dũng cảm nhanh trí cứu đỡ cháu bé rơi từ tầng 13 chung cư thoát nạn may mắn.
Để giải đáp những câu hỏi này, Luật sư Phạm Thanh Hữu - Đoàn luật sư TP. HCM tư vấn như sau:
Thứ nhất, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà chung cư mã số QCVN 04:2019/BXD ban hành kèm theo Thông tư 21/2019/TT-BXD, ban công là không gian có lan can bảo vệ, nhô ra khỏi mặt tường bao của nhà chung cư.
Tại Quy chuẩn này, yêu cầu ban công nhà chung cư phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Rào, lan can ban công và lô gia, bao gồm cả chiều cao từ sàn đến mặt dưới lỗ cửa/bậu cửa sổ trong nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp không được nhỏ hơn 1,4 m.
- Ban công từ tầng 3 trở lên phải làm từ vật liệu không cháy.
- Các mảng lắp kính của ban công phải làm từ vật liệu không cháy hoặc cháy yếu.
Thứ hai, theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam mã số QCXDVN 05:2008/BXD ban hành kèm theo Quyết định 09/2008/QĐ-BXD, lan can cầu thang phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Vế thang, chiếu tới, chiếu nghỉ phải có lan can bảo vệ ở các cạnh hở.
- Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi lui tới, lan can cần đảm bảo các khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 0,1m; không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua lan can.
- Chiều cao tối thiểu của lan can tại nhà ở, cơ quan, trường học, công sở và các công trình công cộng là 1,4 m đối với lô gia và sân thượng ở các vị trí cao từ 9 tầng trở lên; vế thang, đường dốc là 0,9m; và 1,1m với các vị trí khác.
- Chiều cao tối thiểu của lan can tại nơi tập trung đông người là 0,8 m đối với 0,53 m trước ghế ngồi cố định; vế thang, đường dốc là 0,9m; và 1,1m với các vị trí khác.
Tòa chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng nơi xảy ra sự việc anh Mạnh cứu cháu bé rơi từ tầng 13 thoát nạn.
Trường hợp ban công nhà chung cư xây dựng không đảm bảo các điều kiện nêu trên gây ra thiệt hại trong thực tế thì cư dân có thể yêu cầu chủ đầu tư bồi thường thiệt hại theo Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể:
Theo quy định tại Điều 275 Bộ luật Dân sự 2015, một trong những căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự là “gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật” và tương ứng với căn cứ này là các quy định tại Chương XX, Phần thứ ba Bộ luật này về “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Trong trường hợp này, trách nhiệm được hiểu là bổn phận, nghĩa vụ của bên gây thiệt hại phải bồi thường cho bên bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường và từ nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại tạo ra quan hệ nghĩa vụ tương ứng. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại là cơ sở pháp lý mà dựa vào đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và tránh rủi ro, tranh chấp sau này, người dân mua nhà chung cư cần kiểm tra kỹ chất lượng chung cư và cả ban công.
Tòa nhà cao tầng cần thiết lắp đặt lưới bảo vệ an toàn để bảo vệ trẻ nhỏ. (Ảnh minh họa)
Quy chuẩn bảo đảm an toàn trong công trình tòa nhà chung cư
Từ năm 2008, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà ở và công trình công cộng – an toàn sinh mạng và sức khỏe, QCVN 05:2008/BXD ban hành theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BXD ngày 6/6/2008. QCVN 05:2008/BXD quy định các yêu cầu kỹ thuật (tối thiểu hoặc tối đa) phải đạt đối với nhà ở và công trình công cộng nhằm đảm bảo an toàn sinh mạng và sức khoẻ cho người sử dụng, trong đó có quy định về bảo vệ khỏi ngã, xô và va đập tại nhà chung cư.
Quy chuẩn 05:2008/BXD quy định, các công trình nhà chung cư phải có lan can hoặc vật chắn đủ khả năng ngăn người đi lại không bị ngã tại các sàn nền có cao độ chênh nhau từ 2 bậc thang (hoặc 380mm nếu không có bậc thang) trở lên và ở các vị trí: cầu thang bộ, bậc thang, đường dốc, sàn, ban công, lô-gia (phần hành lang hướng ra ngoài nhưng được xây âm vào bên trong mặt bằng nhà), hành lang và mái có người đi lại; Giếng trời, khu vực tầng hầm hoặc các khu vực ngầm tương tự nối với công trình có người đi lại.
Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi lui tới, lan can cần đảm bảo 2 yêu cầu là khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100mm và không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua lan can (không bố trí các thanh ngang để trẻ tựa chân trèo qua).
QCVN 05:2008/BXD cũng quy định lan can của lô-gia và sân thượng ở các vị trí cao từ 9 tầng trở lên phải đạt chiều cao tối thiểu 1,4m; lan can về thang, đường dốc tối thiểu 0,9m và các vị trí khác tối thiểu 1,1m.
Nếu cửa thông gió và cửa lấy ánh sáng có bộ phận nhô ra quá 100mm vào không gian đi lại của người sử dụng trong và xung quanh công trình, kể cả hướng vào trong nhà hay ra ngoài cũng phải đáp ứng 2 yêu cầu. Một là bộ phận cố định nhô ra không thấp hơn 2m kể từ mặt nền hoặc sàn. Hai là phần cửa mở ra phải có các rào cản hoặc lan can cao ít nhất 0,9m để đề phòng người đi lại bước vào. Nếu không có lan can hay rào cản thì phải có dấu hiệu rất rõ ràng, khác biệt hẳn so với các khu vực khác trên mặt nền hoặc sàn để lưu ý người sử dụng tránh xa khu vực đó.