Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành dự thảo Thông tư quy định phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ. Theo đó, mục tiêu của Thông tư nhằm hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện kê khai thông tin trong Hệ thống thông tin phân loại doanh nghiệp, cơ quan kiểm lâm và cơ quan có liên quan trong việc xác minh, kiểm tra và thực hiện phân loại doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 1/9/2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Theo dự thảo, tiêu chí phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ quy định tại Điều 12 Nghị định số 102/2020/NĐ-CP và Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 102/2020/NĐ-CP.
Ảnh minh họa (Internet)
Cụ thể, theo Điều 12 Nghị định số 102/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp nhóm I là những doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sau: Tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật trong việc thành lập và hoạt động ít nhất 1 năm kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp; tuân thủ quy định pháp luật về bảo đảm gỗ hợp pháp theo quy định của Nghị định 102/2020/NĐ-CP và quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản; tuân thủ chế độ báo cáo theo quy định tại Khoản 4 Điều 27 Nghị định 102/2020/NĐ-CP và lưu giữ hồ sơ gốc theo quy định của pháp luật; không vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý theo quy định tại Khoản 4 Điều 13 Nghị định 102/2020/NĐ-CP.
Doanh nghiệp nhóm II là doanh nghiệp chưa đáp ứng được một trong các tiêu chí trên.
Nghị định 102/2020/NĐ-CP quy định lô hàng gỗ xuất khẩu của chủ gỗ không phải là doanh nghiệp nhóm I phải xác nhận nguồn gốc gỗ trước khi xuất khẩu.
Theo dự thảo, doanh nghiệp mua gỗ của doanh nghiệp nhóm II để thực hiện xuất khẩu, không qua chế biến thì không đạt tiêu chí doanh nghiệp nhóm I.
Cơ quan tiếp nhận đăng ký và phân loại doanh nghiệp là cơ quan kiểm lâm cấp tỉnh hoặc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn ở địa phương không có cơ quan kiểm lâm cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính hoặc nơi có cơ sở chế biến gỗ của doanh nghiệp. Địa chỉ tiếp nhận hồ sơ đăng ký phân loại doanh nghiệp là cơ quan tiếp nhận nơi doanh nghiệp có trụ sở chính hoặc nơi có cơ sở chế biến gỗ. Trường hợp doanh nghiệp có nhiều trụ sở, nhiều cơ sở chế biến gỗ ở nhiều địa phương khác nhau thì doanh nghiệp lựa chọn cơ quan tiếp nhận tại một địa phương để đăng ký.
Việc đăng ký được thực hiện như sau: Trường hợp đăng ký trực tiếp, doanh nghiệp truy cập vào Hệ thống thông tin phân loại tại trang thông tin điện tử www//http:kiemlam.org.vn hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia, chọn địa chỉ đăng ký và kê khai các thông tin đăng ký gồm: Tên, mã số thuế, địa chỉ của doanh nghiệp theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp đã đăng ký trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp: www//http:dangkykinhdoanh.gov.vn. Hệ thống thông tin phân loại tự động thực hiện cấp tài khoản, doanh nghiệp tạo mật khẩu cho tài khoản của mình.
Trường hợp doanh nghiệp không ứng dụng được Hệ thống thông tin phân loại hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia thì gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính Bảng kê khai phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu theo Mẫu số 08 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 102/2020/NĐ-CP và tài liệu chứng minh. Cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm nhập thông tin đăng ký vào Hệ thống thông tin phân loại doanh nghiệp và thông báo cho doanh nghiệp theo mẫu.
Cũng theo dự thảo, đối với doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí phân loại, cơ quan tiếp nhận thực hiện phân loại doanh nghiệp vào danh sách doanh nghiệp nhóm I trên Hệ thống thông tin phân loại.
Đối với doanh nghiệp không đáp ứng tiêu chí phân loại, cơ quan tiếp nhận thông báo cho doanh nghiệp đăng ký theo mẫu.
Đối với doanh nghiệp phải xác minh thông tin, sau khi có kết quả xác minh, cơ quan tiếp nhận thông báo kết quả cho doanh nghiệp theo mẫu.
Trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày doanh nghiệp được phân loại là doanh nghiệp nhóm I, Cục Kiểm lâm công bố trên trang thông tin điện tử www//http.kiemlam.org.vn và trên Cổng dịch vụ công quốc gia.