Quy định quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030

Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) vừa ban hành Thông tư 03/2021/TT-BKHCN quy định quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 26/7/2021.

Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) vừa ban hành Thông tư 03/2021/TT-BKHCN quy định quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 26/7/2021.

Theo đó, nguyên tắc quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ thực hiện theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Ảnh minh họa (Internet)

Việc quản lý Chương trình phải bảo đảm công khai, minh bạch. Các nhiệm vụ thuộc Chương trình được triển khai theo đúng mục tiêu, nội dung và không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền khác.

Thông tin về nhiệm vụ KHCN thuộc Chương trình (bao gồm: Tên, mục tiêu, sản phẩm dự kiến, tổ chức chủ trì, chủ nhiệm, thời gian thực hiện; tóm tắt kết quả thực hiện) được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhiệm vụ hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác theo quy định của pháp luật.

Việc truyền thông về kết quả thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình thực hiện theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Báo chí.

Tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ thực hiện việc đăng ký và lưu giữ kết quả thực hiện theo các quy định của pháp luật về việc thu thập, đăng ký, lưu giữ, công bố thông tin về nhiệm vụ KHCN.

Bộ KH&CN thống nhất quản lý Chương trình và trực tiếp quản lý các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia thuộc Chương trình; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan  thuộc Chính phủ quản lý các nhiệm vụ KHCN cấp bộ và phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức thực hiện Chương trình; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý các nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh và phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức thực hiện Chương trình.

Hằng năm, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ KH&CN, các bộ, ngành, địa phương hoặc tổ chức, cá nhân đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia thuộc Chương trình; đề xuất đặt hàng được gửi trực tiếp, trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Cục Sở hữu trí tuệ.

Ngày tiếp nhận đề xuất đặt hàng nhiệm vụ là ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu lên phong bì hồ sơ (trường hợp gửi qua bưu điện) hoặc ngày đóng dấu “đến” của Cục Sở hữu trí tuệ (trường hợp nộp trực tiếp); ngày tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trên môi trường điện tử.

Trong 7 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc tiếp nhận đề xuất đặt hàng nhiệm vụ theo quy định, Cục Sở hữu trí tuệ tổng hợp, rà soát các đề xuất đặt hàng và trình Bộ trưởng Bộ KH&CN xem xét, tổ chức hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ thuộc Chương trình.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày được phê duyệt, Cục Sở hữu trí tuệ công bố danh mục nhiệm vụ KHCN đặt hàng cấp quốc gia trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ và Cục Sở hữu trí tuệ.

  • Tags: