Bộ Công an vừa ban hành dự thảo Thông tư quy định về công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trong Công an nhân dân. Hiện, Bộ đang lấy ý kiến góp ý rộng rãi của nhân dân đối với dự thảo này.
Dự thảo nêu rõ, người đứng đầu hoặc cấp phó được ủy quyền của đơn vị Công an nhân dân ban hành, phát hành tài liệu hoặc tạo ra vật chứa bí mật Nhà nước có trách nhiệm xác định bí mật Nhà nước và độ mật của bí mật Nhà nước.
Ảnh minh họa (Internet)
Việc xác định bí mật Nhà nước và độ mật của bí mật Nhà nước phải căn cứ vào danh mục bí mật Nhà nước thuộc các lĩnh vực do Thủ tướng Chính phủ ban hành và quy định của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước.
Dự thảo nêu rõ, tài liệu, vật chứa bí mật Nhà nước được lưu giữ theo hồ sơ chuyên đề, đối tượng, lĩnh vực, có bảng thống kê chi tiết kèm theo, phải được bảo vệ bằng biện pháp thích hợp, bảo đảm an toàn do người đứng đầu đơn vị Công an nhân dân quy định.
Hằng năm, các đơn vị Công an nhân dân phải thống kê tài liệu, vật chứa bí mật Nhà nước đã tiếp nhận, phát hành theo trình tự thời gian và từng độ mật.
Nơi lưu giữ, bảo quản tài liệu, vật chứa bí mật Nhà nước phải được xây dựng kiên cố; cửa ra, vào phải có khóa bảo vệ; trang bị phương tiện phòng, chống cháy, nổ, đột nhập, lấy cắp bí mật Nhà nước và có phương án bảo vệ.
Ngoài quy định rõ người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật Nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật, Mật, dự thảo cũng quy định cụ thể về thủ tục sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật Nhà nước.
Bản chụp tài liệu, vật chứa bí mật Nhà nước phải có văn bản ghi nhận việc chụp tài liệu, vật chứa bí mật Nhà nước, trong đó phải thể hiện tên, loại tài liệu, vật chứa bí mật Nhà nước, độ mật, thời gian, số lượng, nơi nhận, người thực hiện chụp tài liệu, vật chứa bí mật Nhà nước, thẩm quyền cho phép chụp và con dấu của đơn vị Công an nhân dân (nếu có).
Việc sao, chụp phải ghi nhận vào “Sổ quản lý sao, chụp bí mật Nhà nước” để quản lý và theo dõi.