Quy định xử phạt vi phạm hành chính về lao động, BHXH, đưa người đi làm việc ở nước ngoài

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, ngày 1/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thay thế Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP nhằm khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP.

Ảnh minh họa (Internet)

Tuy nhiên, sau 1 năm áp dụng trên thực tế, đã xuất hiện các yêu cầu, đòi hỏi các quy định xử phạt về lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cần phải được tiếp tục hoàn thiện.

Cụ thể, ngày 20/11/2019, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021; ngày 13/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 69/2020/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022. Sự ra đời của 2 luật này đã đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong quản lý Nhà nước của 2  lĩnh vực là lao động và người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời cũng làm thay đổi căn bản cơ sở pháp lý của Nghị định số 28/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, sau khi Nghị định số 28/2020/NĐ-CP được ban hành, một số Nghị định có liên quan đã được sửa đổi bổ sung, bao gồm: Nghị định số 58/2020/NĐ-CP, Nghị định số 61/2020/NĐ-CP. Do vậy, một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong Nghị định số 28/2020/NĐ-CP không còn phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 và không bảo đảm tính thống nhất với các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 2 luật này cũng như văn bản đã được sửa đổi do sự thay đổi của Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản có liên quan được ban hành sau thời điểm ban hành Nghị định số 28/2020/NĐ-CP. Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm pháp luật trong 2 lĩnh vực lao động và người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng chưa được quy định để xử phạt trong Nghị định số 28/2020/NĐ-CP.

Pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được hoàn thiện thông qua việc Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính vào ngày 13/11/2020 và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022. Những nội dung thay đổi trong Luật này như thời hiệu xử phạt, mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt, giao quyền xử phạt và thời hạn ra quyết định xử phạt... đã  ảnh hưởng đến một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong Nghị định số 28/2020/NĐ-CP, đòi hỏi phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020.

Bên cạnh đó, qua thực tiễn tổ chức thực hiện Nghị định số 28/2020/NĐ-CP đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập trong công tác xử lý vi phạm hành chính, cụ thể như: Một số hành vi vi phạm chưa được quy định trong Nghị định, một số hành vi vi phạm có mức xử phạt chưa phù hợp, chưa tương xứng với hành vi vi phạm; một số hành vi vi phạm chưa có hình thức xử phạt bổ sung hoặc biện pháp khắc phục hậu quả nên tính răn đe, phòng ngừa còn hạn chế, chưa bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị vi phạm.

Xuất phát từ những lý do và yêu cầu trên, theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội việc xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 28/2020/NĐ-CP là hết sức cần thiết.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo gồm 6 chương, 64 điều. Tại dự thảo, Bộ đề xuất bổ sung thêm quy định xử phạt hành vi vi phạm liên quan đến đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người sử dụng lao động (Điều 40).

Cụ thể, dự thảo đề xuất phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi giả mạo hoặc khai man các tài liệu trong hồ sơ đề xuất được áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, dự thảo đề xuất tăng mức xử phạt thay vì mức 5-10 triệu đồng như hiện nay lên mức phạt từ 10-20 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp làm giả, làm sai lệch nội dung nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.

  • Tags: