Quán triệt quan điểm, chỉ đạo của Đảng về công tác quan trọng này, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1.010 văn bản, bao gồm 23 luật và 101 nghị quyết của Quốc hội, 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội... nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật.
Văn bản quy phạm pháp luật đã được luật hóa
Nước ta đã ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về khái niệm: Theo khoản 1 Điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện. Theo Điều 2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015: Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Điều đó cũng có nghĩa là: Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình - thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật.
Việc sắp xếp số, ký hiệu của văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo khoản 3 Điều 10 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi đó, tại Điều 8, điểm a khoản 53 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020 quy định cụ thể về ngôn ngữ, kỹ thuật văn bản quy phạm pháp luật: Ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật là tiếng Việt; phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu. Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác…
Với những Luật đã được ban hành, ý nghĩa của sự tồn tại một văn bản quy phạm pháp luật không còn dừng lại ở việc đánh giá văn bản đó theo các tiêu chí nội tại, mà còn được xem xét ở tính hiệu quả, là kết quả của sự tác động của các quy phạm pháp luật đến các quan hệ xã hội được điều chỉnh, đến các đối tượng được áp dụng. Hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật chính là tiêu chí cần thiết để đánh giá ý nghĩa của sự tồn tại hay giá trị của văn bản đó. Tuy nhiên, điều đó phụ thuộc vào quá trình thực thi, với những nội dung cần được thể hiện: Đảm bảo tính hợp pháp, tính thống nhất, tính hợp lý của các văn bản quy phạm pháp luật; đảm bảo được khả năng tiếp cận của quần chúng nhân dân; được các cơ quan thực thi thực hiện một cách nghiêm túc và triệt để việc áp dụng luật; phải nêu rõ mục tiêu và có sự thống nhất giữa các mục tiêu được nêu trong văn bản.
Cần tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả của Văn bản quy phạm pháp luật
Trong thời gian qua, nhờ những cố gắng trong việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như trong tổ chức thực hiện, công tác xử lý các văn bản quy phạm trái pháp luật đã đạt được một số kết quả quan trọng; cụ thể như: Số lượng văn bản trái pháp luật được xử lý tăng lên, việc xử lý cũng quyết liệt và triệt để hơn, nhiều văn bản được xử lý kịp thời, đúng quy định. Việc xử lý văn bản được thực hiện có trách nhiệm, cẩn trọng, khách quan trên cơ sở nghiên cứu, phát hiện chính xác nội dung trái pháp luật…
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong công tác xử lý văn bản trái pháp luật, như: Xử lý văn bản trái pháp luật không đầy đủ, không kịp thời; xử lý văn bản trái pháp luật không đúng hình thức; việc công khai thông tin về xử lý văn bản trái pháp luật chưa sâu rộng; vấn đề khắc phục hậu quả do thực hiện văn bản trái pháp luật gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; việc xử lý trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật chưa kiên quyết, mới chỉ dừng ở mức phê bình, nhắc nhở, kiểm điểm…
Tại hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 6-9-2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu rõ: “Một số văn bản chưa bảo đảm về chất lượng, vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn hoặc có bất cập, gây vướng mắc, cản trở sự phát triển”.
Từ thực tế nêu trên, việc hoàn thiện Văn bản quy phạm pháp luật đã được đặt ra và đang được thực hiện tích cực. Gần đây, ngày 14/8/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Hiện Bộ Tư pháp cũng đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Từ góc độ thực tế, để khắc phục những hạn chế đã được nhận diện, đòi hỏi những nỗ lực cao hơn, quyết tâm lớn hơn và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa các cơ quan, tổ chức. Trong đó, cần nâng cao ý thức trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị có chức năng xây dựng pháp luật và cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác thẩm định văn bản. Mặt khác, cần tăng cường công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện cơ sở pháp lý về xử lý trách nhiệm và xử lý nghiêm, kịp thời tổ chức, cá nhân tham mưu, soạn thảo, thẩm định và ban hành quy phạm pháp luật không bảo đảm chất lượng, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ làm công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật có trình độ, kinh nghiệm, có khả năng phân tích và đánh giá tác động của văn bản. Mặt khác, trong công tác rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, cần chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực do Bộ, Ngành, địa phương quản lý để xem xét sự phù hợp với hệ thống pháp luật và đòi hỏi của thực tiễn; xác định rõ khó khăn, vướng mắc xuất phát từ quy định pháp luật hay từ khâu tổ chức thi hành, từ đó xác định sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản. Tăng cường kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, Ngành, địa phương ban hành có nội dung thuộc các lĩnh vực do bộ, cơ quan mình quản lý, kịp thời phát hiện các nội dung trái pháp luật và kiến nghị biện pháp xử lý. Bên cạnh đó, nghiên cứu, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, thông tư, các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ban hành. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, người dân doanh nghiệp. Tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thẩm định đề nghị xây dựng văn bản, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tập trung nguồn lực để bảo đảm tiến độ, chất lượng và quy trình thẩm định; ý kiến thẩm định phải rõ, cụ thể, phải khẳng định dự án, dự thảo đủ điều kiện hay không đủ điều kiện trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tập trung nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm gắn kết công tác xây dựng pháp luật với thi hành pháp luật, nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật...
Trong quá trình hoàn thiện Văn bản quy phạm pháp luật, cần chú trọng đến việc nâng cao hiệu quả xử lý văn bản trái pháp luật. Cụ thể là: Nâng cao nhận thức về công tác xử lý văn bản trái pháp luật; sắp xếp lại cách thức tổ chức công việc, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường xem xét, xử lý trách nhiệm cơ quan, người đã tham mưu, trình, ký ban hành văn bản trái pháp luật. Nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về xây dựng, ban hành, kiểm tra, xử lý văn bản, hoàn thiện quy trình ban hành văn bản xử lý văn bản trái pháp luật để bảo đảm tính kịp thời…
Để nâng cao hơn chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và văn bản quy phạm pháp luật nói riêng, các cơ quan chức năng cần tập trung rà soát các mặt công tác; có kế hoạch, lộ trình, bước đi cụ thể trong công tác xây dựng văn bản pháp luật. Phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, đảm bảo tiến độ, thời gian, chất lượng các văn bản pháp luật được xây dựng; tăng cường hoạt động kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời phát hiện, xử lý những quy định mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn; gắn kết việc xây dựng pháp luật với tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật, cải cách thủ tục hành chính; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật; ưu tiên, tăng cường nguồn lực tài chính cho công tác xây dựng pháp luật./.
LS. Phạm Văn Hoàn