Quyền tiếp cận pháp luật của người dân – Quy định nhiều nhưng thiếu cụ thể

Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 11/8/2022, chủ yếu căn cứ vào Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Luật Tiếp cận thông tin.

Mục tiêu là nhằm triển khai kịp thời, hiệu quả, toàn diện các giải pháp tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tuân theo pháp luật, sử dụng pháp luật của người dân.

Quy định khá đầy đủ…

Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 (Điều 7) khẳng định: “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật”. Điều này được coi như nền tảng về quyền tiếp cận pháp luật của người dân. Mọi người có quyền tìm kiếm, tiếp cận pháp luật để hiểu biết pháp luật, sử dụng pháp luật để thực thi các quyền, lợi ích và nghĩa vụ hợp pháp của mình.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (Điều 69) và sau đó là Hiến pháp năm 2013 (Điều 25) có thêm quy định: Công dân có quyền tiếp cận thông tin. Theo nghĩa hẹp quyền tiếp cận thông tin là quyền của mỗi cá nhân được xem xét hoặc sao chụp các tài liệu được các cơ quan nhà nước nắm giữ. Theo nghĩa rộng, quyền tiếp cận thông tin là quyền tự do thể hiện ý kiến và thông tin qua việc tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá thông tin. Tinh thần của quyền tiếp cận thông tin là việc công khai đối với công chúng các hoạt động, các thông tin do các cơ quan nhà nước nắm giữ.   

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Theo đó, công dân có quyền được thông tin về pháp luật và có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật; Nhà nước bảo đảm, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật.

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 cũng nêu rõ: Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 quy định nguyên tắc, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Nguyên tắc của bộ luật này là bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy, quyền tiếp cận pháp luật của người dân được tôn trọng.

Tiếp theo, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 đã cụ thể hóa quyền tiếp cận thông tin được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Điều 5 của bộ luật này ghi rõ: Công dân được tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước, trừ thông tin không được tiếp cận (bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh, thông tin cá nhân).

Công dân được tiếp cận thông tin bằng các cách thức: tự do tiếp cận thông tin được cơ quan nhà nước công khai hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin.

Về phía mình, Nhà nước có nghĩa vụ đáp ứng các điều kiện, môi trường thuận lợi tối đa để công dân thực hiện quyền tiếp cận pháp luật nhưng nhà nước có quyền quy định, giám sát, xử lý đối với việc thực hiện quyền đó của công dân.

Mới đây nhất, Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” năm 2022 đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách, thể chế bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hình thành thói quen tìm hiểu, sử dụng và tuân theo pháp luật của người dân; nâng cao năng lực, trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội…

…Nhưng cần cụ thể hơn

Tiến sỹ Vũ Anh Tuấn (Học viện Chính trị Khu vực III) cho rằng quyền tiếp cận pháp luật của công dân đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật hiện hành nhưng cần cụ thể, trực tiếp hơn.

Trên thực tế, ngoài các quy định có liên quan của Hiến pháp năm 2013 và của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, quyền tiếp cận pháp luật của công dân còn được quy định trong một số ít nghị định, thông tư nhằm cụ thể hóa Luật Tiếp cận thông tin. Chẳng hạn, Nghị định số 13/2018-NĐ-CP ngày 23/1/2018 của Chính phủ “Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật tiếp cận thông tin”; Thông tư 46/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính “Quy định chi tiết chi phí thực tế để in, sao, chụp và gửi thông tin quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật tiếp cận thông tin”, Thông tư 64/2018/TT-BQP “Quy định thực hiện cung cấp thông tin trong Bộ Quốc phòng”…

Vẫn còn nhiều cách hiểu không giống nhau về các quy định nói trên và dẫn đến việc thực hiện cũng khác nhau về cùng một điều luật. Ngay cả với Điều 11 của Luật Tiếp cận thông tin quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong tiếp cận thông tin cũng cần được quy định cụ thể hơn để thuận lợi cho việc áp dụng trong thực tế. Ngoài ra, các quy định của Luật nói trên về quy trình, trách nhiệm pháp lý của cơ quan có nghĩa vụ cung cấp thông tin, các chế tài xử lý vi phạm cũng cần được quy định chi tiết và hợp lý hơn. Nếu không như vậy, có thể nảy sinh những hiện tượng chủ quan, tùy tiện trong suy luận và áp dụng điều luật trái nguyên tắc pháp chế, vi phạm quyền bình đẳng của công dân trong tiếp cận pháp luật.

Theo Tiến sỹ Vũ Anh Tuấn, khung pháp luật về quyền tiếp cận pháp luật của công dân chỉ mới được quy định gián tiếp, chưa thật cụ thể nên không thật thuận lợi cho việc phổ biến, giáo dục và thực hiện pháp luật về quyền tiếp cận pháp luật của công dân hiện nay. Hạn chế, bất cập này cần được nhận thức thấu đáo và có định hướng khắc phục kịp thời bằng các giải pháp hợp lý trong hoạt động lập pháp, lập quy của nhà nước.

Về quyền tiếp cận thông tin trong hoạt động lập pháp, Thạc sỹ Lê Thị Hồng Hạnh, Trường Đại học Luật Hà Nội, đánh giá: Nhìn chung, quy định của pháp luật về quyền tiếp cận thông tin trong hoạt động lập pháp của nước ta có những ưu điểm: Chủ thể chịu trách nhiệm công khai thông tin đã được xác định rõ trong từng giai đoạn, dưới các hình thức cụ thể như đăng tải trên trang thông tin điện tử của các cơ quan, trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc niêm yết tại trụ sở cơ quan nhà nước; chủ thể tiếp cận thông tin trong hoạt động lập pháp không xác định, không giới hạn; phương thức cung cấp thông tin cũng được quy định rõ về sự công khai, minh bạch.

Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, quy định của pháp luật về quyền tiếp cận thông tin trong hoạt động lập pháp còn một số bất cập:

Phương thức công khai thông tin chủ yếu là do các cơ quan nhà nước sử dụng là phương thức chủ động, ít khi do các cá nhân chủ động yêu cầu. Không nhiều người hiểu là khi họ chủ động yêu cầu cơ quan soạn thảo dự án luật cung cấp những thông tin liên quan thì có được chấp nhận hay không và nếu được thì sẽ thực hiện theo quy trình nào. Bởi vậy, cần sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 theo hướng bổ sung quy định về quyền của công dân trong việc yêu cầu cơ quan cơ quan soạn thảo dự án luật, cơ quan có thẩm quyền liên quan cung cấp những thông tin liên quan.

Tiếp đó, việc cung cấp thông tin về việc thẩm định, thẩm tra đối với đề nghị xây dựng luật và dự thảo luật chưa được đề cập cụ thể trong các quy định hiện hành.  Do đó, cần sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 theo hướng bổ sung quy định về công khai nội dung của báo cáo thẩm định, báo cáo thẩm tra đối với đề nghị xây dựng luật và dự thảo luật.

Theo quy định hiện hành, ở giai đoạn soạn thảo dự án luật, đơn vị chủ trì, cơ quan có thẩm quyền sẽ đăng tải toàn văn dự thảo lên trang thông tin chính thức để công  dân có thể tiếp cận được thông tin. Tuy nhiên, một dự thảo toàn văn dài có tính khoa học pháp lý cao không phải là đối tượng mà mọi người dân nào cũng có thể tiếp cận và hiểu được nội dung của thông tin này. Cần sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 theo hướng bổ sung quy định về công bố bản tóm tắt nội dung chính sách chính của dự án luật bên cạnh việc đăng tải toàn văn dự thảo luật.

Theo ông Lê Nguyên Thảo (Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp), những bất cập nói trên và nhiều nguyên nhân khác đã dẫn đến thực tế là một bộ phận người dân, nhất là các nhóm đặc thù, yếu thế còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin trong đó có thông tin pháp luật cũng như việc sử dụng pháp luật để thực hiện quyền, tự bảo vệ quyền của mình. Nhận thức của người dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của pháp luật đối với đời sống và việc hiểu biết, sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích còn hạn chế.

Đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhận thức chưa đầy đủ về quyền tiếp cận thông tin, vẫn còn tâm lý e ngại khi cần yêu cầu cung cấp thông tin. Tỷ lệ người dân nhận thức về một số quyền cơ bản và một số nội dung pháp luật còn thấp, chỉ hiểu được một phần nội dung.

Ông Lê Nguyên Thảo cho rằng việc thực thi Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” là giải pháp quan trọng để góp phần bổ sung, bổ trợ cho các chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật đang được các bộ, ngành thực hiện, góp phần hướng đến mục tiêu cao nhất trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân./.

Thông tấn xã Việt Nam

...
  • Tags: