Quyết liệt chống tham nhũng, kiên quyết xử lý cán bộ tham nhũng, nhưng vì sao vẫn xảy ra nhiều vụ án tham nhũng lớn?

Có thể nói, qua gần 40 năm đổi mới, đặc biệt là trong 10 năm gần đây, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, tạo bước tiến mới cả về nhận thức, lý luận, cả về công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Nghiêm minh, quyết liệt hơn và “không có vùng cấm” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Việc chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm trong các vụ án về tham nhũng đã thể hiện rõ quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến "chống giặc nội xâm".

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII với nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của công tác phòng, chống tham nhũng là: “Triển khai đồng bộ, có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt, nghiêm minh, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ, hiệu quả về kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp. Nâng cao vai trò, phát huy tính tích cực, chủ động và phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân, doanh nghiệp, báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, làm tốt chức năng hỗ trợ, thúc đẩy phát triển. Không hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự”.

Theo tinh thần đó, ngày 06/4/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, căn cứ báo cáo kết quả 05 năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Bộ Chính trị đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục đẩy mạnh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Bộ Chính trị yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận số 10-KL/TW, gắn bó chặt chẽ phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực.

Nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản nhằm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ qua trọng này. Ngày 11/10/2023, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 (kèm theo Nghị quyết số 168/NQ-CP), trong đó, xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, được tiến hành mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; lấy phòng ngừa là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách, đột phá; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa, phát hiện, xử lý và sử dụng đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiểm soát quyền lực nhà nước, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, củng cố niềm tin của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; tích cực, chủ động hợp tác quốc tế và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm tốt về phòng, chống tham nhũng…

Khách quan mà nói, trong những năm qua, nhất là từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được thực hiện một cách quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; kết quả của công tác này là rất lớn; được nhân dân đồng tình và ghi nhận.

Nhưng vẫn có một câu hỏi được đặt ra: Vì sao chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt như vậy, nhiều cán bộ bao gồm cả cán bộ cấp cao bị xử lý như vậy… mà nhiều vụ án tham nhũng lớn vẫn xảy ra?

Thực tiễn cho thấy, nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực đã xảy ra từ trước, thậm chí từ nhiều năm trước, nhưng khi đó chưa có điều kiện phát hiện, nay mới bị phát hiện và đưa ra xử lý nghiêm minh theo các quy định mới của pháp luật. Minh chứng là nhiều cán bộ, đảng viên mới bị xử về tội tham nhũng, tiêu cực dù đã nghỉ hưu từ nhiều năm nay… Cũng có nghĩa là việc phát hiện tham nhũng, tiêu cực nhiều hơn là do chúng ta đã làm quyết liệt và nghiêm minh, nghiêm túc hơn, “không có vùng cấm”; đồng thời số lượng cán bộ tham nhũng lớn cũng cho thấy tham nhũng đã lây lan vào mọi lĩnh vực, ở tất cả các cấp, các ngành, từ thấp đến cao…

Một số hạn chế và tăng cường giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Bên cạnh những mặt tích cực và kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta còn có những tồn tại và hạn chế nhất định, như:  Việc phát hiện tham nhũng chủ yếu qua dư luận xã hội, đơn thư tố cáo, báo chí phản ánh…; việc các cơ quan, tổ chức, đơn vị tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng còn hạn chế. Tương tự như vậy, hoạt động thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, xã hội, nhưng số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện chuyển sang cơ quan điều tra còn ít. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát hiện nay còn thấp; Theo đánh giá, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay mới đạt hơn 30% so với tổng giá trị tài sản, tiền bạc bị thất thoát do tham nhũng…

Việc khắc phục những hạn chế nêu trên đòi hỏi quyết tâm nhiều hơn, sự quyết liệt lớn hơn của cả hệ thống. Trong đó, đội ngũ cán bộ trong bộ máy phòng, choosnh tham nhũng, tiêu cực là nhân tố quan trọng hàng đầu. Bên cạnh việc tuyển chọn, đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất thì phải có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ và hiệu quả hơn, nhằm tránh tình trạng lạm quyền, lộng quyền, sai phạm. Nếu không kiểm soát được quyền lực thì người có quyền sẽ dễ tha hóa.

Bên cạnh đó, rất cần hoàn thiện cơ chế hướng tới làm cho hệ thống chống tham nhũng tự vận hành hiệu quả theo quy định của pháp luật. Thu hồi tài sản tham nhũng hiện cũng là một khâu yếu mà để khắc phục cần phải kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.

Nâng cao thu nhập (lương) của cán bộ, công chức để đảm bảo được cuộc sống, cũng là một việc quan trọng. Tất nhiên không phải cứ nghèo là sa vào tham nhũng tiêu cực, nhưng một khi thu nhập càng thấp thì nguy cơ bị cám dỗ càng lơn hơn. Có thu nhập tốt, mức lương đảm bảo cuộc sống thì mới xây dựng được văn hóa công chức một cách thực chất. Bên cạnh đó, cần nỗ lực hơn nữa trong việc tạo được sự tham gia tích cực của công chúng, của báo chí - truyền thông và các tổ chức xã hội trong đấu tranh phòng, chống tha nhũng, tiêu cực.

Để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đạt kết quả tốt hơn, có tác dụng thiết thực hơn trong việc răn đe, triệt tiêu hành vi tham nhũng, rất cần thực hiện và nâng tầm một số giải pháp cụ thể:

1. Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành dễ phát sinh tình trạng tham nhũng, tiêu cực, như: Pháp luật về quản lý tài sản công, pháp luật về đấu thầu, pháp luật về đất đai… theo hướng minh bạch, công khai, chặt chẽ và đồng bộ. Ngay cả pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự, pháp luật về thi hành án dân sự… cũng cần nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện; đưa công nghệ số vào việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; xử lý, thu hồi tài sản tăng thêm không giải trình được nguồn gốc; tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan giám sát, thanh tra, kiểm toán…

2. Tăng cường cơ chế giám sát của nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể quần chúng, theo tinh thần  công khai, dân chủ để người dân tham gia vào giám sát hoạt động của người có chức vụ, quyền hạn.  Tăng cường các biện pháp giám sát, phát hiện các nguồn thu nhập và những biến động về tài sản của người có nhiệm vụ, quyền hạn nhằm phòng ngừa, phát hiện tham nhũng.

3. Thực hiện cải cách chế độ tiền lương một cách thực chất, đảm bảo đời sống của cán bộ, công chức. Một mặt xác định rõ việc trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức đúng với chức năng nhiệm vụ và yêu cầu công việc là thực hiện đầu tư cho phát triển, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; mặt khác tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức cần được đặt trong mối tương quan với mặt bằng tiền lương khu vực thị trường, điều này sẽ giúp nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức, tạo động lực, thúc đẩy tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

4. Tăng cường và đổi mới hoạt động tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật và trách nhiệm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho cán bộ, công chức, viên chức và đông đảo quần chúng nhân dân./.

  Ths. Nguyễn Minh Cường

...
  • Tags: