Rất cần minh bạch thông tin các dự án bất động sản

Tỉnh Hòa Bình vừa có văn bản về thông tin các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh. Dư luận đánh giá đây là động thái tích cực của cơ quan quản lý nhà nước nhằm bảo đảm tính minh bạch của thị trường bất động sản và hạn chế những rủi ro

Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình vừa có văn bản về thông tin các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh. Dư luận đánh giá đây là động thái tích cực của cơ quan quản lý nhà nước nhằm bảo đảm tính minh bạch của thị trường bất động sản và hạn chế những rủi ro đối với các nhà đầu tư.

Ảnh minh họa

Thời gian qua, hoạt động giao dịch bất động sản tại một số địa phương của tỉnh Hòa Bình diễn ra khá sôi động. Với lợi thế nằm ngay sát thủ đô Hà Nội, có quỹ đất rộng nên thị trường bất động sản, nhất là các dự án thuộc loại hình đô thị sinh thái cao cấp, đô thị nghỉ dưỡng… ở Hòa Bình đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, thực tế vẫn có không ít dự án “ảo”, dự án “trên giấy” hoặc những dự án chưa đủ chưa đủ điều kiện được huy động vốn, kinh doanh nhưng vẫn được đưa ra chào mời, chuyển nhượng.

Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giảm thiểu những rủi ro đối với các nhà đầu tư, mới đây Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình đã có văn bản về thông tin các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh. Theo đó, Sở Xây dựng điểm tên 8 dự án bất động sản không có trên địa bàn, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư, chưa đủ cơ sở pháp lý, không đủ điều kiện huy động vốn và kinh doanh bất động sản (dự án "ảo"). Bao gồm: Dự án Green Oasis Hòa Bình - Lương Sơn; Dự án Beverly Hill - Lương Sơn Hòa Bình; Dự án Vịt Cổ Xanh Ecologe Việt Pháp; Dự án Sun Legend Villa - Đà Bắc Ecolodge; Dự án Mountain Villa - Lương Sơn; Dự án Kai Village Resort tại cầu Mè, xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình; Dự án Ohara Villas &Resort, xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình; Dự án The Moon Village tại xã Yên Quang, thành phố Hòa Bình.

Bên cạnh đó là 25 dự án đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đầu tư, ký hợp đồng thực hiện dự án, cấp giấy phép xây dựng nhưng chưa đủ điều kiện được huy động vốn, chuyển nhượng và kinh doanh bất động sản. Điển hình là một số dự án thuộc địa bàn thành phố Hòa Bình (Khu dân cư nông thôn và tái định cư tại Đồng Trám, xóm Miều, xã Trung Minh; Khu dân cư số 3, số 4; Khu dân cư tại tổ 7, phường Đồng Tiến; Khu dân cư tại phường Thái Bình; Khu dân cư Phương Lâm; Khu đô thị mới Hòa Bình - Geleximco tại phường Thịnh Lang và phường Tân Hòa; Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đảo Ngọc tại xã Dân Hạ…) và các dự án tại huyện Lương Sơn (Khu nhà ở Suối Sếu, xã Nhuận Trạch; Khu dân cư tại Tiểu khu 1, Khu nhà ở tại xóm Mỏ và Khu nhà ở nghỉ dưỡng, dịch vụ tổng hợp ở Tiểu khu 1, Tiểu khu 2, thị trấn Lương Sơn; Làng sinh thái Việt Xanh và Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Đông Trường Sơn tại xã Tân Vinh).

Để tránh những rủi ro trong giao dịch và đảm bảo minh bạch và đảm bảo phát triển lành mạnh ổn định của thị trường bất động sản, không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, tránh tình trạng các tổ chức, cá nhân huy động vốn, bán sản phẩm bất động sản trái quy định pháp luật trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình khuyến cáo người dân không tham gia giao dịch đối với các bất động sản chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Sở Xây dựng Hòa Bình cũng khuyến nghị, trường hợp các tổ chức, cá nhân có bằng chứng về việc ký hợp đồng đặt cọc giữ chỗ mua bán sản phẩm dự án giữa khách hàng và chủ đầu tư khi không đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật, đề nghị cung cấp về Sở Xây dựng hoặc các cơ quan có liên quan (Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố nơi có dự án rao bán) để xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Thời gian qua ở không ít địa phương đã diễn ra tình trạng mua bán, chuyển nhượng tại các dự án bất động sản “ảo”, chưa đủ điều kiện kinh doanh. Nắm bắt “cơn sốt” đất đai cùng với nhu cầu nhà ở ngày tăng cao, nhiều năm qua, hàng loạt doanh nghiệp đã tung đủ chiêu rao bán dự án bất động sản “ảo” để “bẫy” khách hàng. Thậm chí, nhiều đơn vị môi giới đất đai còn lách luật huy động vốn trái phép bằng các hình thức “ký hợp đồng vay vốn” hay “đặt cọc giữ chỗ,” rồi chiếm dụng vốn, khiến khách hàng lâm cảnh dở khóc, dở cười… Đã có hàng ngàn người mất tiền oan vì lỡ đầu tư vào dự án “ảo”. Điển hình có thể kể đến trường hợp Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Alibaba lợi dụng 43 dự án “ảo” để lừa đảo, huy động vốn của 6.700 khách hàng với tổng số tiền hơn 2.500 tỷ đồng. Tình trạng này không chỉ đưa đến nguy cơ rủi ro lớn đối với các nhà đầu tư, khiến khách hàng đối mặt nguy cơ mất trắng tiền tỷ, mà còn là nguyên nhân gây mất ổn định thị trường bất động sản; làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, phá vỡ quy hoạch chung.

Do vậy, dư luận đánh giá cao những thông tin khuyến cáo nói trên của Sở Xây dựng Hòa Bình. Thực tế, trước tỉnh Hòa Bình, cuối năm 2021, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang cũng đã công khai danh sách 40 dự án nhà ở, khu dân cư, khu đô thị chưa đủ điều kiện được phép bán, chuyển nhượng. Nhiều chuyên gia cho rằng, động thái trên đã cho thấy sự chủ động, tích cực của các địa phương trong thực hiện minh bạch thông tin, ngăn chặn đầu cơ và thổi giá nhà đất. Anh Nguyễn Mạnh Hà, một nhà đầu tư ở quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ: “Thị trường bất động sản ở Hòa Bình có lợi thế và sức hút riêng. Tôi đã nhận được rất nhiều lời mời từ các chủ đầu tư dự án, đơn vị môi giới… Thông tin về những dự án do Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình đưa ra mới đây sẽ là cơ sở quan trọng để tôi cân nhắc, trước khi đưa ra quyết định đầu tư”.

Thiết nghĩ, việc tăng cường công tác quản lý, công khai, minh bạch thông tin về các dự án bất động sản ở các địa phương là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, cần đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý, ngăn chặn và kịp thời xử lý các vi phạm. Đồng thời, mỗi nhà đầu tư nên cẩn trọng, tìm hiểu kỹ các thông tin, nhất là các yếu tố pháp lý của những dự án bất động sản để việc đầu tư thực sự mang lại lợi nhuận như mong muốn và tránh được những vướng mắc pháp lý không đáng có.

  • Tags: