Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, sáng 22/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.
Quang cảnh phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát các chuyên đề. (Ảnh: Duy Linh)
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Phó trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, sẽ đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan.
Đồng thời, sẽ đánh giá việc quản lý các quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện (quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành) là những quy hoạch có ảnh hưởng lớn đến quản lý đầu tư công, hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Bên cạnh đó, phát hiện, làm rõ những tồn tại, hạn chế do quy định pháp luật, tổ chức thực hiện cũng như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân người đứng đầu trong việc chậm tiến độ lập quy hoạch, lãng phí nguồn lực, chất lượng quy hoạch, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động đầu tư, kinh doanh và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan...
Đoàn sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện theo quy định pháp luật liên quan trên phạm vi cả nước.
Thời gian giám sát từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành (1/1/2019). Riêng các quy định về lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2018.
Cho ý kiến vào nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội coi giám sát là một khâu trung tâm của đổi mới nâng cao hoạt động của Quốc hội. Muốn nâng cao được chất lượng giám sát phải đầu tư công sức, trí tuệ, có tổ chức, cách làm phù hợp, khoa học, hiệu quả, đồng thời phải làm đến nơi đến chốn vì mục tiêu chung.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu: việc giám sát phải đưa ra những kết quả cụ thể, thiết thực; công tác giám sát phải vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm trên tinh thần bảo đảm nguyên tắc "4 mắt": ai làm gì cũng phải có người khác giám sát, phải nghe nhiều tai, nhiều kênh, giám sát độc lập để gạn đục khơi trong được, không nghe một chiều.
Đối với đoàn giám sát, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu chú trọng giám sát việc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch hiện có trong giai đoạn giao thoa pháp luật cũ và mới về quy hoạch, khi Luật Quy hoạch mới ban hành và thực hiện Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 giải thích một số điều của Luật Quy hoạch. Do giai đoạn này, có nhiều trường hợp điều chỉnh quy hoạch không đúng, tuỳ tiện.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, báo cáo giám sát phải chỉ ra những bất cập của khung khổ pháp luật nếu có, để kịp thời sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh. Kết thúc giám sát cần có kiến nghị hình thức xử lý thích đáng với các tổ chức cá nhân sai phạm, chậm trễ, cản trở công tác thi hành pháp luật.
Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý Đoàn giám sát cần đưa ra kế hoạch giám sát hợp lý, phù hợp, tránh chồng chéo với các hội nghị, sự kiện lớn của Trung ương, địa phương, bộ, ngành. Đồng thời, rà soát kỹ, xác định kế hoạch, đề cương báo cáo chi tiết cho các chủ thể, đối tượng giám sát phù hợp chức năng, nhiệm vụ, nhất là khối địa phương.