Sớm trả lại giá trị thực cho lao động “chất xám”

Toàn bộ lao động xã hội đang làm việc được chia làm hai khối lớn là lao động khu vực thị trường (sản xuất, kinh doanh, dịch vụ) và lao động khu vực hành chính sự nghiệp công - khu vực nhà nước. Chính sách tiền lương của hai khu vực có nhiều điểm chung nhưng cũng có nhiều điểm riêng. Điểm riêng là do tính chất công việc, vị trí lao động, điều kiện làm việc quyết định. Trong chính sách tiền lương hiện hành thì mức lương tối thiểu có vai trò rất quan trọng.

Cả hai khu vực đã có một hành trình dài về mức lương tối thiểu. Khu vực lao động thị trường thì hành trình đó vẫn tiến triển bình thường và xu hướng chung là ngày càng tốt hơn; còn khu vực hành chính, sự nghiệp công thì đã có “lối rẽ” khác thường.

Ảnh minh họa - Internet
1. Về mức lương tối thiểu
Theo Nghị định số 05/CP ngày 26/01/1994[1] của Chính phủ thì từ ngày 01/01/1995 tất cả người lao động đang làm việc ở cả hai khu vực đều được áp dụng một mức lương tối thiểu chung là 120.000 đồng/tháng. Sau đó, mức lương tối thiểu chung được điều chỉnh 6 lần nữa bằng 6 Nghị định khác nhau (từ 144.000 đồng vào năm 1997 lên 180.000 đồng năm 2000, 210.000 đồng năm 2001, 290.000 đồng năm 2003, 350.000 đồng năm 2005 và 450.000 đồng năm 2006). Lao động hai khu vực có chung mức lương tối thiểu cho đến hết ngày 31/12/2007.
Từ năm 2008 có sự phân biệt: Đối với lao động khu vực thị trường thì được chia ra 3 vùng; mức lương tối thiểu được quy định cho từng vùng và theo từng loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam). Khu vực lao động hành chính sự nghiệp công có sự phân biệt là được áp dụng mức lương tối thiểu thấp nhất trong các mức lương tối thiểu sau:
+ Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam: Vùng I, mức lương tối thiểu là 1.000.000 đồng/tháng; vùng II là 900.000 đồng/tháng và vùng III là 800.000 đồng/tháng (Nghị định số 168/2007/NĐ-CP ngày 16/11/2007).
+ Doanh nghiệp trong nước, tương ứng các vùng nêu trên là 620.000 đồng/tháng, 580.000 đồng/tháng và 540.000 đồng/tháng (Nghị định số 167/2007/NĐ-CP ngày 16/11/2007).
+ Còn mức lương tối thiểu chung (thực chất là mức lương tối thiểu của khu vực hành chính, sự nghiệp công) là 540.000 đông/tháng (Nghị định số 166/2007/NĐ-CP ngày 16/11/2007). Đây là lối rẽ đi riêng dành cho lao động khu vực hành chính, sự nghiệp công.
Khi hai khu vực lao động còn chung một mức lương tối thiểu đã không lý giải rõ ràng được mâu thuẫn, vì sao lao động khu vực hành chính, sự nghiệp công tuyệt đại bộ phận là lao động trí óc - chất xám, được đào tạo dài hạn (từ cao đẳng, đại học trở lên) đang nắm giữ những công việc, những vị trí công tác then chốt trong hệ thống chính trị (Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên) mà cũng chỉ được áp dụng mức lương tối thiểu như khu vực lao động thị trường (lao động được đào tạo ngắn hạn và lao động phổ thông khi ấy chiếm đến 80%). Đó là chưa tính đến nhu cầu tiêu dùng cho công việc của lao động trí óc cũng khác xa với nhu cầu của lao động chân tay. Đến khi quy định mức lương tối thiểu chung (thực ra là riêng cho khu vực hành chính, sự nghiệp công) chỉ bằng mức lương tối thiểu thấp nhất trong các mức lương tối thiểu (540.000 đồng) của lao động thị trường (áp dụng cho các doanh nghiệp trong nước) thì mâu thuẫn trên càng nổi cộm lên, càng không thể lý giải được sự khác biệt đó. Lao động trí tuệ, chất xám mà mức lương tối thiểu chỉ tương đương với lao động khu vực thị trường trong nước được đào tạo ngắn ngày hoặc lao động phổ thông làm việc chủ yếu ở nông thôn, miền núi.
Từ năm 2009 đến nay, lao động khu vực thị trường được thống nhất mức lương tối thiểu theo 4 vùng cho tất cả các loại doanh nghiệp (không phân biệt doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam). Qua 21 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu, từ Nghị định số 110/2008/NĐ-CP ngày 10/10/2008 đến Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022, mức lương tối thiểu vùng I từ 800.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng; tương tự như vậy, vùng II từ 740.000 đồng lên 4.160.000 đồng, vùng III từ 690.000 đồng lên 3.640.000 đồng, vùng IV từ 650.000 đông lên 3.250.000 đồng/tháng. Cũng trong thời gian đó, lao động khu vực hành chính, sự nghiệp công chỉ được điều chỉnh 6 lần. Từ Nghị định số 33/2009/NĐ-CP ngày 06/4/2009 đến Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018, mức lương tối thiểu từ 650.000 đồng/tháng lên mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng.
Trong cùng thời gian, mức lương tối thiểu của lao động khu vực thị trường đã tăng 5 lần ở vùng IV; 5,27 lần ở vùng III; 5,62 lần ở vùng II và 5,85 lần ở vùng I. Còn mức lương tối thiểu của lao động khu vực hành chính, sự nghiệp công (nay được thay bằng mức lương cơ sở) chỉ tăng 2,29 lần, chưa nói đến tình trạng điều chỉnh không kịp thời và mức điều chỉnh thấp. Song vấn đề trầm trọng hơn là, giá trị sức lao động của lao động trí tuệ - chất xám, lao động lãnh đạo, quản lý, lao động hoạch định luật pháp, chính sách, lao động hoạt động khoa học, công nghệ... biểu thị qua mức lương tối thiểu ngày càng bị xem nhẹ, bị đánh giá thấp, tới mức khó có thể chấp nhận. Năm 2008, mức lương tối thiểu của các lao động chất xám chỉ bằng mức lương tối thiểu vùng III của lao động thị trường (cùng là 540.000 đồng). Hiện nay (2022), mức lương cơ sở của khu vực hành chính, sự nghiệp công (chất xám) chỉ còn bằng 45,84% mức lương tối thiểu của lao động thị trường vùng IV (nông thôn, miền núi), bằng 40,93% của vùng III, bằng 35,81% của vùng II và bằng 31,83% của vùng I.
Chủ trương chung của Nhà nước là tạo mọi điều kiện vật chất và tinh thần cho lao động trí tuệ - chất xám, lao động khoa học, công nghệ... phát huy sáng tạo, phục vụ đất nước, nhưng tiền lương là chính sách cốt lõi mà như vậy thì phát huy như thế nào? Từ lâu rồi và ngay bây giờ trong khu vực hành chính, sự nghiệp công, 4 chức năng tích cực, cơ bản của chính sách tiền lương đã bị mai một. Đó là chức năng Thước đo giá trị (phép đo bị đảo lộn), chức năng Tái sản xuất sức lao động (không thể tái được), chức năng Kích thích nâng cao hiệu quả công tác (không có động lực nên không kích thích được; người giỏi thì bỏ đi, người yếu kém thì bám lại) và chức năng Tích lũy, để dành (chi tiêu thiết thực chưa đủ thì lấy gì tích lũy, để dành).
2. Về mức lương cơ sở của khu vực hành chính, sự nghiệp công
Từ khi mức lương tối thiểu ra đời đến khi bị thay tên gọi, chưa thấy có một tổng kết đầy đủ, nghiêm túc nào đánh giá mặt được, mặt thiếu sót hay khiếm khuyết của việc quy định và thực hiện mức lương tối thiểu ở khu vực hành chính, sự nghiệp công; cũng chưa thấy có một công trình khoa học hay một đề án nghiên cứu nào đề xuất một mức lương khác khả dĩ hơn thay cho mức lương tối thiểu. Đến Nghị định số 66/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 (Nghị định số 66) đã “xuất hiện” quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Trước đó, Nghị định số 31/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 (Nghị định số 31) quy định mức lương tối thiểu chung, thực hiện từ 01/5/2012 là 1.050.000 đồng/tháng (Điều 1) và áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, các lực lượng vũ trang (Điều 2), tức là hai Nghị định cùng một đối tượng áp dụng nhưng tên mức lương thì khác nhau. Nghị định số 66 ra đời sau Nghị định số 31 một năm, không đưa ra lý do thay đổi tên mức lương tối thiểu bằng mức lương cơ sở, cũng không đưa ra nội hàm mức lương cơ sở là gì, mà chỉ quy định tại khoản 2 Điều 3: “Từ ngày 01 tháng 7 năm 2013 mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng/tháng”. Ngay cả Thông tư số 07/2013/BNV ngày 31/7/2013 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp, thì Điều 2- Giải thích từ ngữ cũng không giải thích thế nào là mức lương cơ sở. Bởi vậy, hiện có nhiều ý kiến về vấn đề này, trong đó có ba loại ý kiến đáng quan tâm.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, thực chất mức lương cơ sở vẫn như mức lương tối thiểu của khu vực hành chính, sự nghiệp công trước đây. Đối tượng áp dụng và cách tính không có gì khác. Trước đây, mức lương cụ thể của một người (chưa kể phụ cấp nếu có) bằng mức lương tối thiểu chung nhân với (x) hệ số lương của người đó; nay thay bằng mức lương cơ sở nhân với (x) hệ số lương của người đó. Điều khác lạ là mức lương cơ sở đặt trong mối tương quan với mức lương tối thiểu của khu vực lao động thị trường thì ngày càng tụt lùi xa. Có lẽ để tránh sự so sánh mối tương quan không hợp lý đó nên các nhà hoạch định chính sách tiền lương khu vực hành chính, sự nghiệp công phải đặt ra một cái tên mới; nhưng mức lương tối thiểu hay mức lương cơ sở đều là những vấn đề kinh tế, xã hội chi phối đời sống đến từng con người thì tránh né nội hàm của nó làm sao được?
Loại ý kiến thứ hai cho rằng có sự liên quan đến cách tính mức chuẩn trong chính sách người có công với cách mạng? Mức chuẩn này đã được xác lập từ lâu. Gần đây nhất, Điều 3 Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 quy định mức chuẩn mới để tính trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng. Mức chuẩn được hình thành từ nhiều căn cứ thực tiễn và kết quả nghiên cứu khoa học (từ đối tượng hưởng chính sách, từ điều kiện kinh tế, xã hội...) nhằm mục đích cơ bản nhất là để bảo đảm tính công bằng giữa các đối tượng hưởng chính sách. Ví dụ, hai thương binh cùng bị vết thương thực thể như nhau, tỷ lệ thương tật như nhau, nhưng một người là Đại tá, một người là Trung sĩ; xưa kia lấy tỷ lệ thương tật nhân với mức lương của mỗi người để thành mức hưởng trợ cấp, như thế thì Đại tá được hưởng tiền triệu, còn Trung sĩ hưởng tiền nghìn. Đó là điều vô lý... Nhưng nay, lấy tỷ lệ thương tật nhân với mức chuẩn thì số tiền được trợ cấp của hai thương binh sẽ như nhau, bảo đảm sự công bằng về trợ cấp thương tật.
Cũng như loại ý kiến trên, loại ý kiến học cách tính mức chuẩn này rất nhanh chóng bị loại trừ vì lao động khu vực hành chính sự nghiệp công không tồn tại yếu tố thiếu công bằng như thế nên không thể có lý do gì để quy định mức chuẩn được.
Loại ý kiến thứ ba, giống như loại ý kiến thứ nhất, nhưng lý do phải đặt tên khác thay thế là vì tiền lương của lao động khu vực hành chính sự nghiệp công do ngân sách nhà nước chi, nay ngân sách thiếu hụt, biên chế lại quá to (khoảng 2,8 triệu người), nếu cùng chung mức lương tối thiểu của lao động khu vực thị trường (chưa yêu cầu phải cao hơn) thì tổng quỹ lương cũng sẽ tăng lên gấp hai, ba lần quỹ lương hiện hành rồi, trong khi ngân sách nhà nước hiện tại đang còn eo hẹp; từ đó, “trừu tượng hóa” bằng cái tên mức lương cơ sở (mà chưa rõ nội hàm).
Như vậy, cần làm rõ cơ sở khoa học và ý nghĩa thực tiễn của mức lương cơ sở, đồng thời phải đánh giá đúng giá trị của lao động “chất xám”, lao động quản lý, lãnh đạo, lao động hoạch định chính sách, pháp luật, lao động khoa học, công nghệ... của khu vực hành chính sự nghiệp công. Để góp phần đánh giá đúng giá trị của lao động “chất xám”, cần chú ý một số điểm sau:
- Trước hết, phải thấy rõ những đặc điểm cơ bản của lao động khu vực này, phần lớn là chuyên viên, là người hoạch định chính sách, pháp luật, nhiều người có chức danh quản lý, lãnh đạo, là loại lao động thao tác các công việc có độ phức tạp cao. Như đã biết, “...trong cùng một thời gian, lao động phức tạp đem lại hiệu quả nhiều hơn lao động giản đơn. Do đó tùy theo mức độ của lao động phức tạp cao hay thấp mà quy thành một bội số của lao động giản đơn”[2]. Lao động khu vực hành chính, sự nghiệp là lao động trí óc, “Lao động trí óc và lao động chân tay vẫn còn có những khác biệt quan trọng về mặt kinh tế - xã hội, về điều kiện lao động, về mức sống, về trình độ văn hóa và trình độ phát triển trí tuệ cá nhân”[3]. Rất nhiều các nhà quản lý, lãnh đạo các cấp, các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, pháp luật, các biên tập viên, phóng viên báo chí, các chuyên gia, nhà giáo, nhà văn... không chỉ làm việc trong giờ hành chính mà họ còn tác nghiệp ngoài giờ bất kỳ ở đâu, bất kể lúc nào công việc dồn đến hoặc bất chợt lóe lên những suy nghĩ mới trong công việc của họ. Địa điểm (trụ sở, cơ quan) nơi làm việc của lao động khu vực hành chính, sự nghiệp công tuyệt đại bộ phận là ở các thị trấn, thị xã, thành phố, tức là phần lớn các cán bộ, công chức, viên chức có nơi làm việc ở vùng I, vùng II... Từ những đặc điểm trên, không có lý do gì lại để mức lương tối thiểu của họ (hay là mức lương cơ sở hiện nay) thấp quá so với lao động khu vực thị trường.
- Dù có “thay tên đổi họ” từ mức lương tối thiểu chung thành mức lương cơ sở thì thực chất vẫn chỉ là một, vì như trên đã trình bày, đối tượng áp dụng và cách tính để hưởng không có gì khác, và nó đã tồn tại từ năm 1995 đến nay. Cũng cần phải nói thêm rằng, để xác định được mức lương tối thiểu trong lần cải cách chính sách tiền lương năm 1994, Ban chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương Nhà nước đã chỉ đạo 4 cơ quan trung ương và một Trường Đại học nghiên cứu lý luận và khảo sát thực tế suốt từ Bắc chí Nam theo vùng, miền, theo các thành phần kinh tế từ năm 1988 đến năm 1993 mới có kết quả mức lương tối thiểu. Sau đó, Quốc hội khóa IX mới quyết nghị và đến 01/01/1995 mới chính thức áp dụng. Nay thay đổi tên, vô hình trung đã hạ thấp giá trị của lao động khu vực hành chính, sự nghiệp công. Bởi vậy, yêu cầu cấp bách là hãy khôi phục mức lương tối thiểu (hay theo cách gọi của Nghị định số 66 là mức lương cơ sở), trước mắt ngang mức lương tối thiểu của lao động khu vực thị trường, còn về lâu dài thì phải là bội số của mức lương đó.
Cải cách chính sách tiền lương khu vực hành chính, sự nghiệp công
Việc đổi mới hay cải cách phải trên tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018, đó là: Phải coi chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người hưởng lương và gia đình họ. Trả lương đúng, chính là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực. Cải cách chính sách tiền lương phải gắn với cải cách hành chính, đổi mới, tinh giản, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy. Tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác làm cơ sở để tăng lương... Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định lại một lần nữa, “Cải cách chính sách tiền lương theo hướng gắn với sự thay đổi của giá cả sức lao động trên thị trường, tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng năng suất lao động, bảo đảm nguyên tắc phân phối theo lao động, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả. Chú trọng nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, cố gắng bảo đảm nhu cầu cơ bản, thiết yếu của nhân dân, đi lại, giáo dục, y tế, việc làm...”[4]. Theo đó, cần tiến hành một số công việc cấp bách, thiết thực sau:
2.1Vấn đề bao quát nhất, cơ bản nhất là phải bảo đảm được các chức năng của tiền lương
Chức năng đầu tiên, tiền lương phải là thước đo giá trị của sức lao động và phản ảnh giá trị sức lao động. Đây là chức năng quan trọng bậc nhất của tiền lương. Thực hiện chức năng này đòi hỏi việc xác định tiền lương phải dựa trên cơ sở xác định đúng giá trị sức lao động. Đây là một trong những khó khăn, phức tạp nhất nhưng không thể không làm. Khi giá trị sức lao động thay đổi thì tiền lương cũng phải thay đổi theo. Trên thực tế, giá trị sức lao động có xu hướng tăng lên nên tiền lương cũng phải theo xu hướng đó mà tăng lên.
Chức năng tái sản xuất sức lao động: Đó chính là khôi phục lại sức lao động đã tiêu hao. Khi mà nguồn sống chủ yếu của người lao động và gia đình họ là tiền lương thì tiền lương ít nhất phải đủ để người lao động bù đắp lại hao phí lao động đã bị tiêu hao trong quá trình làm việc. Nếu không thực hiện được chức năng này thì sức lao động, khả năng làm việc của người lao động sẽ ngày càng suy giảm, cạn kiệt và sẽ tác động tiêu cực đến quá trình làm việc.
Chức năng kích thích lao động: Tiền lương không chỉ để tái sản xuất sức lao động mà còn phải có tác động kích thích người lao động làm việc có hiệu quả. Người quản lý, lãnh đạo phải biết sử dụng tiền lương như một đòn bẩy kinh tế thúc đẩy công việc phát triển. Việc trả lương phải phân biệt được người làm việc có hiệu quả cao với người làm việc kết quả trung bình hoặc yếu kém.
Chức năng tích lũy, để dành: Tích lũy là vấn đề cần thiết khách quan đối với người lao động phòng khi bất trắc có thể xảy ra. Thực tế hiện nay, tiền lương của phần đông cán bộ, công chức không đủ chi, do đó không có điều kiện tích lũy; đây cũng là nguyên nhân có những người không muốn tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và nhiều hệ lụy khác.
Có bảo đảm được các chức năng của tiền lương như trên thì cải cách chính sách tiền lương mới thực sự có ý nghĩa.
2.2. Cải cách chính sách tiền lương phải bảo đảm trả lại giá trị đích thực cho lao động chất xám
Nội hàm của mức lương tối thiểu thì đã được minh định khá rõ ràng và đã được luật hóa[5], đang phát huy hiệu quả tích cực. Còn mức lương cơ sở hiện nay chưa rõ nội hàm như thế nào, nhưng thực tế đã gây ra hậu quả tiêu cực khá rõ. Một trong những hậu quả, đó là cán bộ, công chức bỏ việc, chuyển việc mà nguyên nhân đầu tiên là do tiền lương không đủ sống[6]. Giá trị sức lao động của cán bộ, công chức, viên chức - những người được đào tạo bài bản, có hệ thống cả chuyên môn, nghiệp vụ và cả chính trị, hành chính, trong đó nhiều người chí thú với công việc nhưng mức lương cơ sở thấp thua xa so với mức lương tối thiểu của lao động thị trường (nơi chỉ có hơn 25% số lao động có bằng cấp, chứng chỉ nghề được đào tạo từ 3 tháng trở lên). Theo khảo sát, đánh giá của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam trong các chương trình phát thanh “Lao động và Công đoàn” trên VOV1, thì ngay từ tháng 4-2018 (khi chưa có đại dịch Covid-19) mức lương tối thiểu của lao động thị trường cũng mới chỉ bảo đảm được 80% mức sống tối thiểu của người lao động. Điều này cũng có nghĩa là mức sống tối thiểu của cán bộ, công chức (cùng tiêu dùng trên một thị trường hàng hóa với lao động thị trường) còn thấp nhiều... Cải cách chính sách tiền lương lần này cũng phải góp phần xử lý có hiệu quả tồn tại này, trả lại giá trị đích thực cho lao động chất xám - cán bộ, công chức khu vực hành chính, sự nghiệp công.
3. Phải bảo đảm sự công bằng của mọi lao động trên cùng một vùng địa lý
Trong một vùng địa lý thì có yếu tố khí hậu, thời tiết, môi trường, có yếu tố chỉ số giá sinh hoạt, có yếu tố cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, đi lại...; trong đó chỉ số giá sinh hoạt (CPI) là quan trọng nhất. Trong khi lao động thị trường (ở các doanh nghiệp) thì trong tiền lương của họ được tính các yếu tố này (chỉ số giá sinh hoạt, điều kiện môi trường sống) và hàng năm được điều chỉnh tăng lên; còn cán bộ, công chức thì chưa được tính đến. Sự bất hợp lý này không phải cán bộ, công chức giỏi chịu đựng kham khổ, vất vả hơn lao động thị trường, mà là thiếu sót của chính sách tiền lương, là khiếm khuyết của quá trình xây dựng chính sách, tổ chức thực thi, vận hành chính sách giữa hai khu vực chưa có sự liên thông, cân đối. Phải khẳng định rằng, mọi lao động sống, làm việc trên cùng một vùng địa lý thì đều bị tác động như nhau bởi các yếu tố tự nhiên, xã hội, môi trường, chỉ số giá cả sinh hoạt, điều kiện sống. Do đó, mọi lao động (lao động thị trường, lao động là cán bộ, công chức) đang làm việc, sinh sống trên cùng một vùng địa lý đều phải được tính các yếu tố đó trong tiền lương.
4. Cần trở lại mức lương cụ thể thay vì hệ số lương
Đây là vấn đề cơ bản nhất của cải cách chính sách tiền lương lần này. Để giải quyết vấn đề này, cần thực hiện một số việc như sau:
- Thiết kế cơ cấu tiền lương hợp lý, trong hai phần thì lương cơ bản phải chiếm trên 70%, còn các khoản phụ cấp chỉ chiếm dưới 30% (lương cơ bản phản ảnh trình độ, năng lực, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức nên phải là phần chủ yếu, căn bản);
- Xây dựng và ban hành hệ thống thang, bảng lương mới theo vị trí việc làm, theo chức danh, chức vụ lãnh đạo, bao gồm: Bảng lương chức vụ áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (cả chức vụ bầu cử và cả chức vụ bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã;
- Xây dựng bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung cho những người không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có các bậc lương khác nhau. Lực lượng vũ trang có các bảng lương riêng cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, công an;
- Sắp xếp lại các khoản phụ cấp hiện hành theo hướng, những khoản phụ cấp thuộc chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên thì nghiên cứu đưa vào mức lương “cứng”; những việc riêng biệt thì để phụ cấp “phần mềm”. Rút gọn (tối giản) các khoản phụ cấp.
Đổi mới hay cải cách chính sách tiền lương phải bảo đảm “nguyên tắc” thu nhập từ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức phải bằng hoặc cao hơn so với hiện tại (chủ yếu phải cao hơn).
Việc cải cách chính tiền lương khu vực hành chính, sự nghiệp công, trong đó có nội dung quan trọng thay đổi từ mức lương xác định bằng hệ số như hiện nay sang mức lương cụ thể (xác định bằng tiền đồng), cùng với sự chỉ đạo quyết liệt trong tổ chức thực hiện, quản lý chính sách tiền lương, hy vọng sẽ dần dần trả lại được giá trị đích thực cho lao động chất xám./.

TS. BÙI NGỌC THANH

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội


[1] Nghị định này quy định tạm thời việc thực hiện mức lương mới đối với người đương nhiệm trong các cơ quan của Nhà nước, Đảng, đoàn thể, lực lượng vũ trang và trong các doanh nghiệp; điều chỉnh mức lương hưu, mức trợ cấp đối với các đối tượng chính sách xã hội. 
[2] Từ điển Bách khoa Việt Nam (2002), Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, tập 2, tr. 644.
[3] Từ điển Bách khoa Việt Nam (2002), tlđd.
[4] Đảng Cộng Sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tập I, tr. 149.
[5] Điều 56 Bộ luật Lao động năm 1994 và các Bộ luật Lao động sau này đều đã quy định mức lương tối thiểu. Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2020 quy định: “Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội”.
[6] Chiều ngày 27/10/2022, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã nhận định, “số công chức thôi việc, nghỉ việc đồng loạt trong thời gian hơn hai năm qua là điều chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc và cũng là một vấn đề đáng quan ngại”, và giải pháp thứ nhất là “thực hiện cải cách chính sách tiền lương”.
...
  • Tags: