Sự cần thiết chuyển đổi mô hình quản lý nhà nước ở Việt Nam hiện nay sang mô hình quản trị Quốc gia tốt

Một trong những xu hướng phổ biến trong tổ chức và hoạt động của nhà nước đương đại là chuyển dịch từ mô hình quản lý sang quản trị. Tại Việt Nam, quá trình này cũng đã được manh nha trong những năm gần đây, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Tóm tắt: Một trong những xu hướng phổ biến trong tổ chức và hoạt động của nhà nước đương đại là chuyển dịch từ mô hình quản lý sang quản trị. Tại Việt Nam, quá trình này cũng đã được manh nha trong những năm gần đây, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích sự cần thiết của việc chuyển đổi từ quản lý nhà nước sang quản trị quốc gia tại Việt Nam, cũng như những khó khăn và thách thức của quá trình này.
Từ khoá: Quản trị quốc gia, quản trị tốt, quản trị công.
Abstract: The shift from management to a governance model is one of the popular trends in the organization and operation of the contemporary state. This process has also started in Vietnam in recent years, springing from several different reasons. Within scope of this article, the authors provide an analysis of the necessity of the transition from state management to national governance in Vietnam and also give out a number of the difficulties and challenges of this process.
Keywords: National governance; good governance; public governance.
Ảnh minh họa - Internet
 
1. Hạn chế của mô hình quản lý nhà nước truyền thốngvà xu hướng chuyển đổi
Mặc dù có những điều chỉnh, đổi mới, mô hình quản lý nhà nước hiện nay ở Việt Nam vẫn còn ít nhiều chịu ảnh hưởng của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, cũng như mô hình hành chính công truyền thống. Mô hình quản lý công truyền thống có đặc điểm[1]: 1) khép kín với môi trường và cố gắng giảm thiểu sự ảnh hưởng của môi trường; 2) nhấn mạnh sự phân tách giữa chính trị và hành chính; 3) coi trọng lý tính công cụ và hiệu quả; 4) nhấn mạnh chuyên môn hoá và phân công; 5) tập trung quyền lực và nhấn mạnh tầm quan trọng của trình tự và quy tắc bất biến.
Trong thực tiễn hoạt động, quản lý nhà nước truyền thống thể hiện sự tách rời giữa hành chính (chính quyền) với xã hội, hành chính với công dân và tính khép kín của bản thân hệ thống hành chính nhà nước[2]. Những yếu điểm này dẫn tới “hiệu quả thấp, năng lực đáp ứng không cao, không bảo đảm tính chính đáng, thiếu hụt nguồn lực, suy giảm về năng lực quản lý của chính quyền”[3]. Điều này cũng dẫn tới việc không huy động được các nguồn lực tốt nhất cho phát triển kinh tế và tìm kiếm phúc lợi chung, buộc các quốc gia phải tìm kiếm phương thức điều chỉnh xã hội mới. Trong bối cảnh đó, quản trị quốc gia nổi lên như là sự bù đắp, thay thế cho mô hình quản lý công truyền thống. Bởi vì, quản trị đặc trưng bởi tính đa tầng, đa chủ thể, khuyến khích sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội, đề cao tính hiệu quả[4]. Những yếu tố này của phương thức quản trị có thể là chìa khoá để khắc phục những hạn chế của phương thức quản lý nhà nước truyền thống vốn mang tính chỉ đạo đơn phương, mệnh lệnh, có thứ bậc[5].
Giáo sư người Anh Bob Jessop cho rằng[6], việc chuyển đổi từ quản lý sang quản trị hình thành từ những năm 1970, liên quan đến 05 xu hướng chuyển đổi:
Thứ nhất là xu hướng phi trật tự, phi hệ thống hoá nhà nước (de-hierarchization of the state[7]). Trong quá trình này, nhà nước hoặc các nhà quản lý tìm cách duy trì hoặc khôi phục quyền kiểm soát đối với xã hội bằng cách chuyển sang các hình thức quản trị khác đối với lãnh thổ và dân cư, đặc biệt là sử dụng phương thức đối tác công-tư trong hoạch định, thực thi chính sách và dự án.
Thứ hai là xu hướng điều chỉnh lại quyền lực nhà nước. Theo đó, chính quyền sử dụng rộng rãi hơn các mạng lưới và các phương thức quản trị khác như một cách để duy trì hiệu quả trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển phức tạp.
Thứ ba là xu hướng dịch chuyển từ hệ thống quản lý nhà nước chiều dọc truyền thống sang “mạng lưới” thể chế, thể hiện thông qua việc chuyển đổi từ mô thức nhà nước có thứ bậc sang cách thức quản trị theo mạng lưới. Sự thay đổi này gắn liền với sự phối hợp theo chiều dọc và chiều ngang, với nhiều tác nhân và nguồn lực khác nhau. Người ta cũng nhấn mạnh đến sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nguồn lực vốn có của nhà nước và những nguồn lực thuộc về các nhóm xã hội khác.
Thứ tư là xu hướng tách bạch giữa giữa thể chế, chính trị và chính sách. Theo đó, nhà nước mời gọi hoặc cho phép các tổ chức xã hội khác tham gia vào quá trình ra quyết định chính sách.
Thứ năm là xu hướng chuyển dịch năng lực quản lý của chính quyền sang hình thức tự do và đa dạng các phương pháp quản trị, từ trực tiếp, mệnh lệnh sang gián tiếp hơn, đặc biệt là để thu hút nguồn lực của các tổ chức xã hội[8].
Bên cạnh đó, sự dịch chuyển sang quản trị xuất phát một phần từ khủng hoảng về khả năng quản trị (Problem of Governability)[9] vào những năm 1980 tại phương Tây. Theo đó, quản lý truyền thống với hệ thống cấp bậc, tính chất cồng kềnh và mang tính can thiệp của bộ máy hành chính không còn phù hợp với môi trường kinh tế, xã hội và văn hóa đang có những biến đổi nhanh chóng. Môi trường này đặc trưng bởi sự phức tạp ngày càng tăng của các vấn đề, với sự tham gia ngày càng nhiều của các đối tác khu vực công cũng như tư nhân… vào hoạch định chính sách công. Bối cảnh này thúc đẩy các cải cách theo hướng đề cao các phương pháp quản trị như là phương tiện để thúc đẩy dân chủ. Bởi vì, phương pháp quản trị ghi nhận và tính đến tương tác ngày càng gay gắt giữa khu vực công, giới kinh doanh và các tổ chức xã hội, người dân. Nhờ đó, hoạt động của bộ máy nhà nước sẽ tăng hiệu quả, đáp ứng tốt hơn các đòi hỏi của công dân.
Ngoài ra, quản trị là phương thức phù hợp cho việc giải quyết các vấn đề liên quan đến xây dựng chính sách công trong xã hội hậu công nghiệp ngày càng phân hóa, với nhiều nhóm có lợi ích khác biệt nhau[10]. Bởi vì, trong một xã hội ngày càng phức tạp, việc xây dựng, kiểm soát và ra quyết định phải thông qua cơ chế phối hợp để có được sự tham gia của các chủ thể đại diện cho những nhóm lợi ích khác nhau vào quá trình thương lượng, đàm phán thay cho quyết định đơn phương của nhà nước. Như vậy, quản trị tạo điều kiện cho sự tương tác giữa nhà nước và xã hội, thông qua việc đưa ra hình thức phối hợp theo chiều ngang, nhằm làm cho hoạt động công quyền có hiệu quả hơn. Cơ chế này trái ngược với cách thức quản lý truyền thống, vốn đặc trưng bởi sự áp đặt từ trên xuống[11].
2. Những yêu cầu đặt ra đối với việc chuyển đổi mô hình quản trị công
Một trong những yếu tố thúc đẩy sự chuyển dịch mô hình quản trị công ở nhiều quốc gia là quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế đòi hỏi các nhà nước phải điều chỉnh cách thức can thiệp vào đời sống xã hội. Toàn cầu hóa tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển của các chủ thể mới trong quan hệ pháp luật như các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các tập đoàn kinh tế đa quốc gia hùng mạnh, các tổ chức xã hội-nghề nghiệp mang tính quốc tế. Các chủ thể này ngày càng lớn mạnh, sẽ tham gia cùng gánh vác, thậm chí cạnh tranh với nhà nước trong việc thực hiện một số chức năng lâu nay vốn thuộc về nhà nước, buộc nhà nước phải có những điều chỉnh trong cách thức điều hành và quản trị quốc gia. Theo đó, nhà nước phải sử dụng các công cụ mang tính mềm dẻo và thuyết phục thay cho cách hành động có tính chiều dọc, áp đặt trong mô hình truyền thống.
Cùng với đó, sự xuất hiện ngày càng nhiều những vấn đề có tính toàn cầu, tạo ra thách thức to lớn đối với các quốc gia và cộng đồng quốc tế như: ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, tội phạm xuyên biên giới, khủng bố... Đối mặt với những thách thức này, các quốc gia không thể đơn phương giải quyết được mà cần có sự hợp tác, tham gia của nhiều đối tác khác nhau. Bối cảnh mới buộc nhà nước phải có những điều chỉnh mô hình quản trị nhà nước cũng như mối quan hệ giữa nhà nước với xã hội.
Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, sự di chuyển của nguồn vốn, dịch vụ và lao động đã thu nhỏ sự khác biệt giữa các khu vực và giữa các quốc gia trên phạm vi toàn thế giới. Thực tế này đòi hỏi phải có những quy tắc chung, hài hòa với nhau trong phạm vi khu vực và trên toàn thế giới. Sự xích lại gần nhau hơn giữa các quốc gia đòi hỏi các quốc gia phải tự “thay đổi” để có thể giao lưu, hòa nhập tốt hơn với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.
Trên thực tế, từ những năm 1990[12], quản trị tốt được các thể chế tài chính quốc tế đánh giá như một điều kiện tiên quyết cho phát triển tại các quốc gia đang phát triển. Quản trị tốt (quản trị quốc gia tốt) có thể được hiểu là “tập hợp những tiêu chí về quản lý xã hội nhằm hướng đến mục tiêu thúc đẩy, bảo đảm sự phát triển hài hoá, bền vững của một quốc gia”[13]. Quản trị tốt được cấu thành từ các đòi hỏi về: pháp quyền, bảo vệ quyền con người, minh bạch, trách nhiệm giải trình, sự tham gia của công chúng[14]. Ngân hàng Thế giới (WB) là thể chế khởi xướng việc phổ biến nguyên tắc này ra phạm vi toàn cầu. Trong Báo cáo về châu Phi cận Sahara[15], Ngân hàng Thế giới xác định nguyên nhân của việc không thể áp dụng chương trình điều chỉnh cơ cấu xuất phát từ “khủng hoảng về quản trị” tại các nước liên quan. Bộ máy nhà nước cần phải hoạt động hiệu quả hơn, mạnh mẽ và độc lập hơn để đủ năng lực để thực hiện các chương trình tài trợ, nhằm phát triển một nền kinh tế ổn định và cạnh tranh[16]. Sau đó, Ngân hàng Thế giới đề xuất cải cách thể chế tại các nước đang phát triển trong hai báo cáo “Quản trị và phát triển” (Governance and Development) vào năm 1992, và “Quản trị tốt và quan điểm của ngân hàng thế giới” (Good Governance, The World Bank’s Perspective) năm 1994. Từ đó, Ngân hàng thế giới xem “quản trị” như một yêu cầu cơ bản trong xây dựng các đề án tài trợ và cung cấp các khoản vay cho các đối tác phát triển. Sau đó, “quản trị” được nhiều tổ chức quốc tế sử dụng như Quỹ Tiền tệ quốc tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP)… sử dụng như một tiêu chí để cung cấp các tài trợ[17], dù mỗi tổ chức gắn quản trị với một “đòi hỏi”, ví dụ như “quản trị tốt” (good governance) đối với Ngân hàng Thế giới, “quản trị lành mạnh” (sound governance) đối với UNDP, “quản trị dân chủ” (gouvernance démocratique) đối với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hiệp quốc (UNESCO)…. Quản trị tốt dần trở thành nguyên tắc mang tính phổ biến trong quản trị công đương đại[18].
3. Sự cần thiết của quản trị tốt dưới góc độ kinh tế
Dưới góc độ kinh tế học, chất lượng quản trị quốc gia và thể chế ảnh hưởng rõ ràng đến khả năng tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Các nghiên cứu của những người theo trường phái kinh tế học tân thể chế (New institutional economic) đã chỉ ra rằng, thể chế và năng lực của nền hành chính quyết định sự khác biệt trong tăng trưởng ở các nước đang phát triển. Theo đó, quản trị tốt sẽ tạo ra môi trường kinh doanh tốt: Hai quốc gia có cùng nguồn lực tương đương thì quốc gia có môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp sẽ phát triển nhanh hơn quốc gia có môi trường kinh doanh kém thân thiện.
Trong tác phẩm “Vì sao các quốc gia thất bại”[19] (2010), hai nhà kinh tế Daron Acemoglu và James Robinson chỉ ra rằng, một quốc gia thành công về mặt kinh tế hay không phụ thuộc chủ yếu vào thể chế. Theo đó, những quốc gia “thất bại” thường là các quốc gia có thể chế “tước đoạt” (extractive, mang tính khai thác, bóc lột, loại trừ). Còn những quốc gia thành công thường gắn liền với thể chế “dung hợp” (inclusive, mang tính dung nạp, trao quyền, tạo điều kiện tiếp cận, phân bổ phúc lợi cho phần đông dân chúng). Thể chế dung hợp tạo điều kiện và cho phép sự tham gia rộng rãi; hạn chế và kiểm soát các chính trị gia; thượng tôn pháp luật. Có một mức độ tập trung chính trị nhất định để có thể duy trì luật pháp và trật tự. Về mặt kinh tế, quyền sở hữu được bảo đảm, luật pháp và trật tự, dựa vào thị trường, nhà nước hỗ trợ thị trường; gia nhập thị trường tương đối tự do; tôn trọng hợp đồng; tiếp cận với giáo dục và cơ hội cho đại đa số công dân.
Nhiều học giả khác cũng đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa thu nhập bình quân đầu người và chất lượng quản trị công:
Trong một nghiên cứu về tăng trưởng tại một số nước đang phát triển, Lisa Chauvet và Paul Collier[20] chỉ ra rằng, các nước có quản trị kém có mức tăng trưởng GDP trung bình hằng năm thấp hơn 2,3% so với các nước đang phát triển khác. Tương tự, Campos và Nugent[21] kết luận rằng, áp dụng các thành tố của mô hình quản trị góp phần thúc đẩy sự phát triển của quốc gia.
Daniel Kaufmann, Aart Kraay và Pablo Zoido-Lobaton[22] chỉ ra mối liên hệ giữa quản trị tốt và phát triển kinh tế. Theo đó, việc cải thiện các chỉ số quản trị công có tác động mạnh mẽ tới tăng trưởng. Ví dụ, các tác giả này so sánh chỉ số pháp quyền thấp ở Nga với chỉ số trung bình ở Cộng hoà Séc và cho rằng, chỉ số này là một trong những yếu tố quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của Cộng hoà Séc so với Nga; mức độ tham nhũng cao ở Indonesia so với Hàn Quốc đã tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế khác biệt giữa hay quốc gia này.
Azza Ziadi[23] đã sử dụng mô hình dữ liệu của 8 quốc gia để đánh giá mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và một số chỉ số quản trị trong giai đoạn từ 1985 đến 2009. Các chỉ số quản trị được dùng để đánh giá bao gồm các quyền chính trị, sự ổn định chính trị, pháp quyền và tham nhũng. Tác giả này kết luận rằng, tham nhũng có ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và phân bổ nguồn lực một cách tối ưu. Phòng, chống tham nhũng là một trong những thành tố cơ bản của quản trị tốt.
4Khó khăn, thách thức và một số giải pháp thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình quản trị quốc gia tốt ở Việt Nam
Từ khi tiến hành Công cuộc Đổi mới (1986), mô hình quản lý nhà nước ở Việt Nam đã liên tục có những thay đổi sâu rộng, dần theo hướng quản trị. Sự thay đổi này diễn ra ở tất cả các phương diện, gắn với tất cả các nguyên tắc của quản trị quốc gia tốt. Có thể thấy điều đó qua những nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền; bảo đảm sự tham gia của người dân vào quản lý xã hội; bảo đảm tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước; bảo đảm sự bình đẳng của các chủ thể trong xã hội và hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương; bảo đảm tính kịp thời, hiệu lực, hiệu quả và sự đồng thuận xã hội trong việc hoạch định và tổ chức thực thi các chính sách, pháp luật của Nhà nước….
 Quá trình hội nhập quốc tế cũng ảnh hưởng mạnh mẽ tới quá trình chuyển dịch mô hình quản lý và điều chỉnh xã hội của Nhà nước Việt Nam. Với tư cách là một quốc gia nhận viện trợ phát triển và vay vốn của các đối tác nước ngoài, Việt Nam buộc phải ghi nhận và áp dụng các chuẩn mực về quản trị công, quản trị quốc gia hiện đại. Đồng thời, Nhà nước Việt Nam cũng chủ động tham gia, tiếp cận các giá trị và nguyên tắc phổ quát của nhân loại như pháp quyền, dân chủ, quyền con người,… vốn là những thành tố cơ bản của quản trị quốc gia tốt[24].
Cùng với quá trình Đổi mới, hội nhập quốc tế, nhận thức và ý thức của người dân Việt Nam hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Yêu cầu của người dân về dân chủ, pháp quyền, nhân quyền, bình đẳng xã hội, về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước đã tăng lên và ngày càng cao hơn; trong khi đó, cùng với sự phát triển hết sức nhanh chóng của công nghệ thông tin, những cơ hội hay điều kiện cho sự tham gia của người dân vào quản trị quốc gia đã trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn bao giờ hết. Tất cả tạo ra áp lực rất lớn phải chuyển đổi mô hình từ quản lý nhà nước truyền thống sang quản trị theo những nguyên tắc của quản trị quốc gia tốt.
Vì vậy, đối với Việt Nam, quản trị quốc gia tốt phải được là một trong những nội dung độc lập, có tính chất nền tảng, chi phối các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội khác. Quản trị quốc gia tốt đồng thời là một nguyên tắc nền tảng cho tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị[25]. Các nguyên tắc của quản trị quốc gia tốt hiện cũng chính là nhu cầu, đòi hỏi nội tại của đất nước. Việc đề cao các nguyên tắc của quản trị quốc gia tốt cũng giúp Nhà nước củng cố được tính chính danh của mình.
Tuy nhiên, trên thực tế, chất lượng quản trị quốc gia của Việt Nam được cải thiện rất chậm. Ngân hàng Thế giới đánh giá các chỉ tiêu cơ bản của quản trị như: pháp quyền, kiểm soát tham nhũng, chất lượng các quy định của pháp luật, trách nhiệm giải trình không có nhiều tiến bộ trong 10 năm vừa qua[26]. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân, “điểm nghẽn” của Việt Nam trong quá trình tăng trưởng và cất cánh kinh tế.
Để chuyển đổi sang mô hình quản trị quốc gia một cách nhanh chóng và hiệu quả, theo một số tác giả, Việt Nam cần khắc phục một số điểm nghẽn về thể chế như sau[27]:
Về nguyên tắc pháp quyền: cần chuyển từ “quan điểm hẹp” Nhà nước pháp quyền sang pháp quyền, thượng tôn pháp luật (rule of law) như là một tôn chỉ, nền tảng vận hành của toàn xã hội, chứ không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ nhà nước, hay trong mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Bản thân Nhà nước pháp quyền cũng phải được củng cố bằng các cơ chế hữu hiệu, thực chất và hiệu quả, thay vì những quy định pháp lý mang tính hình thức. Trong đó, có 02 yếu tố cơ bản, thậm chí là quan trọng nhất của pháp quyền, là sự độc lập của toà án và chất lượng của pháp luật với tư cách là nền tảng của pháp quyền về mặt nội dung (rule of law substantive).
Về trách nhiệm giải trình: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XI tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII đánh giá: “Trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền chưa được quy định rõ ràng…[28]. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tiếp tục khẳng định: việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế và xác định nhiệm vụ, giải pháp: xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình[29]. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề trách nhiệm giải trình ở Việt Nam chưa được nghiên cứu đầy đủ và toàn diện, nhiều vấn đề chưa được làm rõ, còn có những tranh luận khác nhau, chưa luận giải được thực tiễn phong phú của đời sống xã hội. Những hạn chế trong nghiên cứu lý luận đã dẫn đến nhận thức thiếu đầy đủ về trách nhiệm giải trình, từ đó làm cho hiệu quả trong thực hiện trách nhiệm giải trình của chính quyền các cấp chưa cao.
Về sự tham gia của công chúng vào quản trị nhà nước: Bối cảnh phức tạp của xã hội ngày nay cần sự chung tay của nhiều chủ thể khác nhau, đặc biệt là cần huy động sự tham gia tích cực của các chủ thể phi nhà nước. Để thực hiện được điều này, cần hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của hội theo hướng giảm bớt sự can thiệp từ cơ quan công quyền, tôn trọng và bảo đảm tính tự quản của các tổ chức xã hội.
Về phòng, chống tham nhũng: quản trị tốt không thể tồn tại nếu phòng, chống tham nhũng yếu. Quản trị tốt và phòng, chống tham nhũng như hai mặt của một vấn đề, sẽ không thực hiện được quản trị tốt nếu phòng, chống tham nhũng không hiệu quả, và ngược lại, chỉ có thể phòng, chống tham nhũng hiệu quả nếu thực hiện tốt các thành tố còn lại của quản trị tốt. Dù hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và tiệm cận hơn với các tiêu chuẩn quốc tế, nhưng việc thực thi trên thực tế vẫn còn gặp một số vướng mắc, xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau.
Về hiệu lực và hiệu quả: để đáp ứng tiêu chuẩn này của quản trị quốc gia tốt, cần sử dụng các tiêu chí định lượng của kinh tế học, quản trị học vào trong hoạt động của bộ máy nhà nước, đặc biệt là trong việc cung cấp các dịch vụ công. Việc cung cấp dịch vụ công không chỉ dựa trên tiêu chí “bảo đảm lợi ích chung” mà còn cần phải đáp ứng tiêu chí hiệu quả./.

TS. NGUYỄN VĂN QUÂN

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

NGUYỄN THỊ THANH THẢO

Học viên cao học Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.


[1] Zhang Chenfu (2014), On Open Governance, Journal of Renmin University of China, Beijing, no. 4, p.82, dẫn theo Nguyễn Trọng Bình (2018), Hành chính công và quản trị công: một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tr.18.
[2] Nguyễn Trọng Bình (2018), Hành chính công và quản trị công: một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tr.19.
[3] Xem: Zhang Chenfu (2014).
[4] Vũ Công Giao, Nguyễn Hoàng Anh, Đặng Minh Tuấn, Nguyễn Minh Tuấn (Đồng chủ biên, 2017), Quản trị tốt – Lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, tr.40.
[5] Vũ Công Giao (Chủ biên, 2019), Quản trị tốt và phòng, chống tham nhũng, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, tr.29.
[6] Bob Jessop (2016), The State: Past, Present, Future, Polity Press, p.174.
[7] Christopher Ansell, Jacob Torfing (ed, 2016), Handbook on Theories of Governance, Edward Elgar Publising Limited, p. 77.
[8] Bob Jessop (2015), The State Past, Present, Future, Polity, p.175.
[9] Renate Mayntz, “Governing Failures and the Problem of Governability: Some Comments on a Theoretical Paradigm in J. Kooiman (Ed., 1993), Modern Governance: New Government-Society Interactions, London, Sage, pp.9-20.
[10] Guy Hermet, Ali Kazancigil et Jean-François Prudhomme (2005), La gouvernance. Un concept et ses applications, Karthala, p. 8.
[11] Guy Hermet, Ali Kazancigil et Jean-François Prudhomme (2005).
[12] Jacques Chevallier (2014), L’Étatpost-moderne, LGDJ, Paris, p. 212.
[13] Vũ Công Giao, Nguyễn Hoàng Anh, Đặng Minh Tuấn, Nguyễn Minh Tuấn (Đồng chủ biên, 2017), Sđd, tr.47.
[14] Vũ Công Giao, Nguyễn Hoàng Anh, Đặng Minh Tuấn, Nguyễn Minh Tuấn (Đồng chủ biên, 2017), Sđd, tr.53.
[15] Banque Mondiale (1989), L’Afrique sub-saharienne. De la crise à une croissance durable. Etude de prospective à long terme, Washington.
[16] Jolle Demers, Alex E. Fernandez, Jilberto & Barbara Hogenboom (2004), Good Governance in the Era of Global Neoliberalism: Conflict and depolarization in Latin America, Eastern Europe, Asia and Africa, Routledge, p. 183.
[17] Ali Kazancigil, “La gouvernance : itinéraires d'un concept”, in. Javier Santiso (dir.) La recherche de la démocratie: mélanges offerts à Guy Hermet.
[18] Nguyễn Văn Quân (2017), Nguồn gốc và sự phát triển của quản trị tốt, trong sách Vũ Công Giao, Nguyễn Hoàng Anh, Đặng Minh Tuấn, Nguyễn Minh Tuấn (đồng chủ biên), Quản trị tốt – Lý luận và thực tiễn,Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tr.79.
[19] Daron Acemoglu, James A Robinson (2013), Tại sao các quốc gia thất bại, Nxb. Trẻ.
[20] Lise Chauvet & Paul Collier (2004), Development Effectiveness in Fragile States: Spillovers and Turnarounds, Centre for the study of Africain Economics, Department of Economics, Oxford University, https://inee.org/sites/default/files/resources/doc_1_Development_Effectiveness_in_FS.pdf, accessed 20/3/2022.
[21] Campos N-F. & Nugent J-B (1999); Development Performance and the Institutions of Governance: Evidence from East Asia and Latin America, World Development, vol. 27, no. 3, pp. 439-45
[22] Daniel Kaufmann, Aart Kraay & Pablo Zoido-Lobaton (1999), Aggregating governance Indicators, Policy Research Working Paper, no. 2195, Washington DC, World Bank; Kaufmann D, Kraay A. & Zoido-Lobaton P (1999), Governance Matters, Policy Research Working Paper, No. 2196, Washington DC, World Bank;  Kaufmann D. & Kraay A. (2003), Growth Without Governance, Economia: The Jouenal of the Latin American and Caribbean Economic Association, vol. 3, no. 1, pp. 169-215.
[23] Azza Ziadi (2016), Governance and Economic Growth: Application of the Case of WAEMU countries, Journal of Academic Finance, vol. 7, no. 2, pp. 70-82.
[24] Vũ Công Giao (Chủ biên, 2020), Quản trị tốt và phòng, chống tham nhũng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tr.112.
[25] Vũ Công Giao, Nguyễn Văn Quân (2021), Quản trị quốc gia theo tinh thần Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: Bước tiến mới và yêu cầu mới, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 9, tr.13.
[26] Đánh giá chất lượng quản trị của Việt Nam qua các năm gần đây, https://databank.worldbank.org/source/worldwide-governance-indicators/Type/TABLE/preview/on#.
[27] Vũ Công Giao, Nguyễn Văn Quân (2021).
[28] Ban Chấp hành Trung ương Đảng công sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, tr. 243.
[29] Nghị quyết số 18-NQ/TW, Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
...
  • Tags: