Sử dụng Infographic trong dạy học môn tự nhiên và xã hội lớp 3 (Bộ sách kết nối tri thức với cuộc sống)

Sử dụng Infographic không những góp phần nâng cao hiệu quả dạy học mà còn gắn việc học tập với thực tiễn, đảm bảo rèn luyện, phát triển các năng lực cho học sinh. Những trang Infographic ngắn gọn về nội dung, hình ảnh và màu sắc thu hút sự chú ý của học sinh và hỗ trợ học sinh tốt hơn trong quá trình học tập môn Tự nhiên và xã hội.

Tóm tắt                                                   

Sử dụng Infographic không những góp phần nâng cao hiệu quả dạy học mà còn gắn việc học tập với thực tiễn, đảm bảo rèn luyện, phát triển các năng lực cho học sinh. Những trang Infographic ngắn gọn về nội dung, hình ảnh và màu sắc thu hút sự chú ý của học sinh và hỗ trợ học sinh tốt hơn trong quá trình học tập môn Tự nhiên và xã hội. Trong phạm vi bài viết này, trên cơ sở đưa ra tầm quan trọng cũng như thực trạng của việc sử dụng Infographic trong dạy học môn Tự nhiên và Xã hội lớp 3, chúng tôi đề xuất quy trình thiết kế và sử dụng  Infographic trong dạy học môn Tự nhiên và Xã hội lớp 3 (Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống).

Từ khóa: Infographic, tự nhiên xã hội lớp 3, Kết nối tri thức với cuộc sống

Mở đầu

Infographic được hiểu là hình ảnh đồ họa thể hiện thông tin, dữ liệu hoặc kiến thức phức tạp một cách nhanh chóng và dễ dàng. Chúng giúp cải thiện khả năng nhận thức bằng cách sử dụng đồ họa để tăng cường khả năng hệ thống thị giác [1]. Sử dụng Infographic không những góp phần nâng cao hiệu quả dạy học mà còn gắn việc học tập với thực tiễn, đảm bảo rèn luyện, phát triển các năng lực cho học sinh. Những trang Infographic ngắn gọn về nội dung, hình ảnh và màu sắc thu hút sự chú ý của học sinh và hỗ trợ học sinh tốt hơn trong quá trình học tập môn Tự nhiên và xã hội. Đồng thời, đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi làm thế nào để góp phần thay đổi các học, giúp HS hứng thú hơn với môn học, hình thành được những năng lực cần thiết cho HS và nâng cao hiệu quả học tập, ứng dụng của bộ môn trong thời hiện đại. Tất nhiên, Infographic không phải là chìa khóa vạn năng. Việc sử dụng nó sao cho có hiệu quả còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như sự nỗ lực, sáng tạo của GV và HS và những điều kiện cơ sở vật chất cần thiết.

Trong phạm vi bài viết này, trên cơ sở đưa ra tầm quan trọng cũng như thực trạng của việc sử dụng Infographic trong dạy học môn Tự nhiên và Xã hội lớp 3, chúng tôi đề xuất quy trình thiết kế và sử dụng  Infographic trong dạy học môn Tự nhiên và Xã hội lớp 3 (Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống).

Nội dung

1. Tầm quan trọng của việc sử dụng Infographic trong dạy học môn Tự nhiên và Xã hội lớp 3

Để nói về khái niệm của Infographic, tác giả Tác giả Daniel Adam trong bài viết What Are Infographics and Why Are They Important? trên blog InstantShift đã khẳng định: “Đồ họa thông tin là bản trình bày trực quan của thông tin sử dụng các yếu tố của thiết kế để hiển thị nội dung. Đồ họa thông tin biểu đạt được những thông điệp phức tạp đến người xem giúp tăng sự hiểu rõ của họ” [1] . Tương tự cách định nghĩa như vậy, Nguyễn Mạnh Hưởng trong bài viết của mình cũng có khái niệm: “Infograpghic là dạng thức thể hiện các thông tin, dữ liệu bằng hình ảnh trực quan, sinh động. Mục tiêu của Infographic là chuyển khối dữ liệu khổng lồ, phức tạp trở nên rõ rành, sống động và hấp dẫn bằng cách chọn lọc và diễn giải chúng thành các biểu đồ, hình ảnh...theo chủ đề riêng biệt”[4].  Như vậy, Infographic có thể hiểu là thiết kế đồ họa thông tin, cụ thể chính là dạng thức thể hiện các thông tin, dữ liệu hoặc kiến thức phức tạp bằng những hình ảnh trực quan, sinh động.

Nhật Anh trong bài viết giới thiệu về Infographic - bức tranh thay ngàn lời nói (2014) trên tạp chí STINFO do Trung tâm thông tin Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành phố Hồ Chí Minh - Sở KH&CN thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2014 đã khẳng định: Khi con người càng tiêu tốn nhiều thời gian vào biển thông tin tràn ngập trên mạng thì vai trò của Infographic càng trở nên quan trọng. Infographic trở thành tâm điểm chú ý như một cách để truyền những ý tưởng và thông tin phức tạp”[2]. Sử dụng infographic trong dạy học môn Tự nhiên và Xã hội với tư cách là một công cụ hỗ trợ có tính trực quan được coi là một phương pháp dạy học mới có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với học sinh (HS) mà cả giáo viên (GV). 

 Đối với HS:

Sử dụng infographic góp phần giúp HS hình thành, phát triển năng lực chung (tự chủ và tự học; giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo) cũng như  năng lực đặc thù của bộ môn Tự nhiên và Xã hội (nhận thức khoa học, tìm hiểu môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học).

Infographic trong dạy học Tự nhiên và Xã hội giúp HS ghi nhớ khoa học, có hệ thống nội dung bài học. Việc được tìm hiểu, nắm bắt, tổng hợp thông tin được cung cấp qua infographic giúp HS tự chủ hơn với việc học tập.

“Phương pháp dạy học là tổng hợp các cách thức hoạt động phối hợp, tương tác giữa giáo viên với học sinh, nhằm giúp học sinh chiếm lĩnh hệ thống kiến thức khoa học, hình thành hệ thống kĩ năng, kĩ xảo, thực hành sáng tạo và thái độ chuẩn mực theo mục tiêu của quá trình dạy học” [7]. Sử dụng infographic với tư cách là một công cụ hỗ trợ có tính trực quan trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin được xem là một phương pháp dạy học mới nhằm tăng hứng thú học tập, khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn của HS để thực hành sáng tạo, từ đó hình thành các năng lực cho người học.

Dựa trên mục tiêu chương trình môn Tự nhiên và Xã hội, GV khuyến khích, hướng dẫn HS bước đầu tự thiết kế, báo cáo kết quả học tập của mình. Quá trình tìm tòi, thu thập các thông tin, hệ thống hóa kiến thức để tạo ra infographic đòi hỏi HS tiếp cận với các nguồn thông tin đa dạng, đáng tin cậy. Qua đó, HS có cái nhìn toàn diện đặc điểm môn học và nội dung học tập Tự nhiên và Xã hội lớp 3, HS hình thành thế giới quan khoa học, niềm ham thích tìm tòi, ý thức trách nhiệm đối với bản thân, cộng đồng.

Đối với GV:

Đối với GV chủ nhiệm trực tiếp giảng dạy môn Tự nhiên và Xã hội lớp 3, việc sử dụng infographic sẽ giúp GV có thêm công cụ hệ thống kiến thức, hướng dẫn HS so sánh, đánh giá, liên hệ và vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Sử dụng infographic cung cấp cho GV những thông tin cơ bản về trình độ của từng HS, tạo điều kiện cho GV nắm được khả năng tiếp thu kiến thức, năng lực vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, óc sáng tạo linh hoạt, đột phá trong tìm tòi, tự nghiên cứu thông tin, tạo ra sản phẩm của mỗi HS để có sự quan tâm, định hướng đối với những HS chưa đạt yêu cầu của mỗi bài học và phát hiện, bồi dưỡng HS có năng khiếu.

Sử dụng infographic giúp GV nắm được được mức độ hiệu quả của những phương pháp, hình thức tổ chức dạy học mà mình đang sử dụng, từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp với từng đối tượng HS, nâng cao hiệu quả dạy – học, tiến tới thay đổi tích cực kết quả giáo dục.

Như vậy, sử dụng Infographic trong dạy học Tự nhiên và Xã hội lớp 3 tạo hứng thú, tăng cường sự tương tác của HS vào quá trình học tập, rèn cho HS kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng thu thập thông tin, kĩ năng xử lý thông tin, vận dụng, đánh giá và tự đánh giá, hướng dẫn xây dựng kế hoạch hoạt động tự học. Thông qua hình thức này, HS đã biết sử dụng ngôn ngữ đồ họa để diễn tả, giải thích nội dung bài học, cung cấp cho GV công cụ hệ thống kiến thức, định hướng và đánh giá trình độ của HS.

2. Thực trạng của việc sử dụng Infographic trong dạy học môn Tự nhiên và Xã hội lớp 3

Hiện nay, công nghệ phát triển tạo điều kiện cho GV có thể có thể tham khảo các tài liệu trên internet, sách báo có liên quan, tự học để nâng cao khả năng giảng dạy và góp phần làm cho bài giảng thêm phong phú, sinh động hơn. Với chương trình 2018, GV được hướng dẫn cách xây dựng thiết kế bài học theo hướng mới có phân chia từng hoạt động cụ thể, rõ ràng, có chỉ dẫn các phương pháp theo từng chủ đề. Các trường tiểu học đã có công tác bồi dưỡng GV nâng cao trình độ tin học, đặc biệt là các kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ GV. Nhà trường thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng sử dụng máy tính và các phần mềm Tin học theo hình thức trao đổi giúp đỡ lẫn nhau, tập trung chủ yếu vào những kỹ năng mà GV cần sử dụng trong quá trình thiết kế Infographic; tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, hội thảo chuyên đề và định hướng cho GV luôn có ý thức sưu tầm tài liệu hướng dẫn thiết kế và sử dụng Infographic hiệu quả; động viên GV tích cực học hỏi, thường xuyên trao đổi với đồng nghiệp.

Trong các trường tiểu học, Infographic đã được đưa vào sử dụng, tuy nhiên mức độ không thường xuyên. Việc ứng dụng infographic vào dạy học môn Tự nhiên và xã hội còn nhiều khó khăn, cần đầu tư nhiều thời gian, công sức để tạo ra các infographic phù hợp với nội dung các bài dạy. Bên cạnh đó, một số GV chưa thành thạo trong việc sử dụng các phần mềm thiết kế infographic. Cụ thể, một số GV có sử dụng Infographic nhưng giờ giảng cũng chỉ là dạy theo hướng truyền thụ một chiều, áp đặt kiến thức theo hình thức đọc chép, ít tính gợi mở cho học sinh. Đa số GV đều lúng túng không biết nên thiết kế cái gì, ứng dụng như thế nào và bắt đầu từ đâu. Thực tế cho thấy, các GV chỉ mới tiếp cận sử dụng Infographic, tự nghiên cứu học tập sử dụng chứ chưa được đào tạo khi còn học ở trường sư phạm. Một số GV trẻ đã sử dụng Infographic trong dạy học môn Tự nhiên và Xã hội nhưng do thiếu kinh nghiệm giảng dạy nên chưa tạo được sự đổi mới phương pháp dạy học. Để thiết kế các sản phẩm Infographic giúp tiết dạy thực sự hiệu quả thì GV phải vất vả gấp nhiều lần so với cách dạy truyền thống. Ngoài kiến thức căn bản về tin học, sử dụng thành thạo phần mềm Canva, Easelly… GV cần phải có niềm đam mê thật sự với công việc thiết kế đòi hỏi sự sáng tạo, sự nhạy bén, tính thẩm mỹ để săn tìm tư liệu từ nhiều nguồn. Hơn nữa trong quá trình thiết kế, để có được một thiết kế Infographic tốt, từng cá nhân GV còn gặp không ít khó khăn trong việc tự đi tìm hình ảnh minh hoạ, bố cục, màu sắc, tư liệu dẫn chứng phù hợp với bài giảng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân mà một số GV thường đưa ra để tránh né việc thực hiện sử dụng Infographic trong dạy học.    

Có thể thấy, sử dụng infographic trong dạy học sẽ là một cách thức mới đầy tiềm năng khi không chỉ đem đến tính mới lạ mà còn góp phần to lớn trong việc nâng cao hiệu quả bộ môn và gắn việc học tập với thực tiễn, đảm bảo rèn luyện, phát triển các năng lực cho học sinh. Tuy nhiên, việc ứng dụng infographic trong dạy học môn Tự nhiên và xã hội hiện nay vẫn còn là một vấn đề mới, chưa được triển khai áp dụng rộng rãi để phát huy hết hiệu quả của nó.

3. Quy trình thiết kế và sử dụng Infographic trong dạy học Tự nhiên và Xã hội lớp 3 (Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống)

3.1 Quy trình thiết kế Infographic trong dạy học Tự nhiên và Xã hội lớp 3

Để có thể lên được ý tưởng bố cục hợp lý, tạo thuận lợi cho việc thiết kế một bản infographic như mong muốn, chúng tôi đưa ra quy trình thiết kế một Infographic hoàn chỉnh gồm 6 bước:

Bước 1: Xác định mục đích thiết kế

Đầu tiên, GV cần xác định rõ ràng nội dung và chủ đề mình muốn truyền tải. Đặt ra mục đích của bản thiết kế, hình dung các yếu tố như phong cách thiết kế, màu sắc, nội dung…sẽ sử dụng. GV tìm ở một số bài học cụ thể hoặc chủ đề gần gũi và mang lại nhiều kiến thức cho học sinh.

  Ví dụ:

Xác định chủ đề: Cộng đồng địa phương tập trung vào Bài 9: Hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Định hướng tông màu chủ đạo là xanh, vàng, phù hợp với nông nghiệp

Phong cách đơn giản, nhiều hình minh họa, đáng yêu, gần gũi

Bước 2: Lên ý tưởng thực hiện

Lên ý tưởng sẽ giúp chọn lọc những số liệu, hình ảnh và từ ngữ, màu nền phù hợp để dùng cho Infographic. Có thể phác thảo sơ qua bố cục trình bày, nếu muốn xây dựng Infographic theo dạng website hoặc video thì nên có một kịch bản chi tiết.

Suy nghĩ ý tưởng muốn làm, bố cục gồm 5 phần gồm 1 bìa ghi tiêu đề, 3 nội dung chính và 1 phần kết luận chốt. Vẽ ra giấy về bố cục, dài ngắn từng phần sao cho hợp lý.

Ví dụ: Nội dung ngắn gọn, tóm tắt lại kiến thức toàn bài: Bài 9: Hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Hoạt động sản xuất (SX) nông nghiệp ( Trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, trồng, chăm sóc hoa, cây cảnh, thủy sản, trồng rừng, thu hoạch ngô, khoai, sắn ).

Lợi ích của hoạt động SX nông nghiệp ( Trồng thanh long, dưa hấu để cung cấp các hoa quả đầy đủ chất dinh dưỡng cho con người, trồng lúa gạo để cung cấp lương thực, nuôi bò để lấy sữa và lấy thịt, trồng mía để cung cấp đường và thực phẩm, nuôi trâu để cung cấp sức kéo và thịt… )

Nông nghiệp đóng vai trò to lớn đối với con người và xã hội. Nông nghiệp cung cấp cho con người những sản phẩm thiết yếu như lương thực, thực phẩm và là nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến,...

Những việc nên làm để tiêu dùng tiết kiệm, bảo vệ môi trường: Phân loại rác, Tiết kiệm nước, Hạn chế sử dụng túi nilon, Giảm lãng phí thực phẩm, Giảm lượng điện tiêu thụ, Tái sử dụng quần áo cũ

Kết luận: Sử dụng hợp lí các sản phẩm từ hoạt động sản xuất nông nghiệp giúp chúng ta tiết kiệm tiền, bảo vệ môi trường sống

Bước 3: Thu thập thông tin, hình ảnh, số liệu

Trong quá trình thu thập thông tin, bản thân người thiết kế cần tư duy về việc chuyển càng nhiều nội dung càng tốt sang dạng hình ảnh. [3]

Tham khảo và tìm kiếm những hình ảnh đồ họa liên quan đến nội dung bài như: bông lúa, chăn nuôi, bò, nông dân, đồng ruộng, đồi chè, thủy sản… Những nội dung như ở phần 1, 2 chuyển thành hình ảnh minh họa, cố gắng ít chữ

Xây dựng bố cục rõ ràng, rành mạch. Các bước và thống nhất các ý tưởng thiết kế. Tham khảo các mẫu thiết kế tiêu đề cho Infographic sao cho phù hợp với chủ đề sản xuất nông nghiệp.  Ví dụ xây dựng ý tưởng:

Phần hoạt động sản xuất nông nghiệp phải thể hiện rõ được những nội dung được liệt kê trong bài như các hoạt động sản xuất, lợi ích của việc sản xuất và cả biện pháp để vừa sản xuất vừa bảo vệ môi trường.

Xây dựng bố cục rõ ràng, rành mạch. Các bước và thống nhất các ý tưởng thiết kế. Tham khảo các mẫu thiết kế tiêu đề cho Infographic sao cho phù hợp với chủ đề sản xuất nông nghiệp.  Ví dụ xây dựng ý tưởng:

Phần hoạt động sản xuất nông nghiệp phải thể hiện rõ được những nội dung được liệt kê trong bài như các hoạt động sản xuất, lợi ích của việc sản xuất và cả biện pháp để vừa sản xuất vừa bảo vệ môi trường.

Bố cục có màu sắc phù hợp với học sinh Tiểu học (Ví dụ các màu vàng, xanh da trời, xanh nước biển, cam,...),...

Bước 5 - Tiến hành thiết kế    

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các bước trên, sử dụng những dữ liệu đã chọn lọc được để tiến hành vẽ infographic.  Tiến hành thiết kế theo bố cục từng phần. Từ bìa (tiêu đề), các hoạt động sản xuất nông nghiệp, lợi ích của sản xuất nông nghiệp và những việc nên làm, cuối cùng là kết luận theo những ý tưởng đã nêu ở bước số 4.

Bước 6 - Chỉnh sửa và hoàn thiện

Kiểm tra lại tổng thể nội dung sau khi đã hoàn thành xong bản vẽ. Sau khi thiết kế xong, kiểm tra lại các lỗi chính tả, từ ngữ, hình ảnh trong infographic sao cho phù hợp với lứa tuổi tuổi học. Trình bày bố cục cân xứng và đúng yêu cầu, đảm bảo đủ nội dung kiến thức và màu sắc sinh động, bắt mắt.

3.2 Quy trình sử dụng Infographic trong dạy học môn Tự nhiên và Xã hội lớp 3

Trong lớp học, GV sử dụng Infographic trong các bài dạy Tự nhiên và Xã hội. Sản phẩm được GV làm trước tại nhà sau đó trình bày cho học sinh tại lớp.

Bước 1: Trình chiếu/ cung cấp Infographic cho học sinh.

Việc quan trọng nhất trong quá trình dạy học đó chính là người GV cần thu hút được lượng lớn học sinh tham gia vào quá trình học tập, tạo cho học sinh động cơ học tập, đồng thời khuyến khích học sinh tự học, tự nhận thức được tầm quan trọng của việc học. “Hứng thú học tập chính là thái độ lựa chọn đặc biệt của chủ thể đối với đối tượng của hoạt động học tập, vì sự cuốn hút về tình cảm và ý nghĩa thiết thực của nó trong đời sống cá nhân” [6].

Có rất nhiều cách để gây được sự chú ý, sự hứng thú trong giờ học cho học sinh và việc sử dụng Infographic là một trong những cách chúng tôi cho là hữu hiệu để khởi động giờ học. Nó không chỉ đáp ứng được yêu cầu bài học mà còn xác định được mục tiêu kiến thức cơ bản mà bài đề ra. Mở đầu buổi học bằng cách giới thiệu một Infographic sẽ giúp kết nối được từ những kiến thức đã học đến với những kiến thức mới sẽ được học, tạo điều kiện và cơ hội cho học sinh chiếm lĩnh được kiến thức một cách tốt nhất.

Cụ thể, GV chia Infographic thành các lát cắt ngang hoặc dọc (tùy theo nội dung bài và cách sắp xếp bố cục). Mở đầu tiết học, GV tổ chức khởi động cho học sinh và nêu vấn đề bài học mới. Trong các phần kiến thức của bài, GV chiếu từng lát cắt kiến thức dưới dạng hình ảnh trên Infographic và nội dung chữ được ẩn đi. Ví dụ, trong bài 7 “Giữ an toàn và vệ sinh trường học”, GV trình chiếu như hình bên.

Bước 2: Tìm hiểu thông tin chi tiết

Khác với ngày trước, GV là người nói, học sinh chỉ lắng nghe và ghi chép thì đến nay, giáo dục đã có những bước tiến mới yêu cầu GV phải cho học sinh chủ động chiếm lĩnh kiến thức mới trong các giờ học môn Tự nhiên và Xã hội. Tuy nhiên đối với học sinh Tiểu học, nhất là với lớp nhỏ như lớp 3, thì việc tự tìm hiểu và tiếp thu kiến thức mới là vấn đề không hề dễ dàng.

Vậy nên, GV khi sử dụng Infographic, đầu tiên, giúp học sinh có cái nhìn tổng thể về kiến thức bài học, từ đó sẽ phân tích những khía cạnh sâu hơn của kiến thức ấy. Thứ hai, giúp học sinh móc nối những kiến thức có trong các bài trước hoặc những kiến thức trong bài với nhau. Và vì ưu thế của Infographic là những hình ảnh với màu sắc sinh động, bắt mắt, giúp cho các em học sinh hứng thú và tập trung hơn đối với bài học của mình.

GV đặt câu hỏi hoặc giao nhiệm vụ gợi mở để học sinh tìm hiểu nội dung phần kiến thức đang bị ẩn trên Infographic.

Ở bài 7: “Giữ an toàn và vệ sinh trường học”, phần tìm hiểu những việc nên và không nên làm để giữ an toàn và vệ sinh trong trường học, GV có thể đưa ra các câu hỏi: Em làm gì để giữ an toàn khi ở trường học? Biện pháp nào để đảm bảo an toàn vệ sinh trường lớp?....

GV cho học sinh thảo luận nhóm và trình bày trước lớp, GV nhận xét và chốt lại kiến thức cần hình thành cho học sinh. GV  hướng dẫn học sinh ghi nhớ các nội dung

trên Infographic. Khi đưa sản phẩm ra trước lớp, GV cần lưu ý cho học sinh nhìn lướt một lướt sau đó GV nhắc lại, kể một cách tường mình, ngắn gọn, xúc tích các nội dung học sinh cần ghi nhớ, khắc sâu, mở rộng một số nội dung ngoài sách, liên hệ thực tế trên sản phẩm.

Bước 3: Củng cố kiến thức

Có nhiều cách tiếp cận khác nhau trong giờ học, đối với các em học sinh lớp 3, cần một hoạt động phù hợp. Infographic chính là một công cụ có khả năng tổng hợp kiến thức nhanh gọn nhất nhằm tăng tính hứng thú trong học tập của học sinh, tăng khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, từ đó hình thành các năng lực cho người học cũng như khuyến khích sự sáng tạo của GV trong quá trình dạy học [7].

Sau khi học xong, GV sử dụng Infographic hoàn chỉnh trình chiếu lên Tổng kết kiến thức để ôn tập cuối buổi hoặc kiểm tra bài cũ trong buổi tiếp theo.

Trong một số bài ôn tập chủ đề, GV có thể cho học sinh tự thiết kế Infographic để tổng kết lại các bài học và thuyết minh về sản phẩm. GV cũng có thể đưa ra sản phẩm có thể tổ chức cho học sinh thuyết minh lại về infographic bài học đó. Phương tiện này có thể tích hợp vào các hoạt động thi đua học tập khác. Ví dụ, lớp nào học sinh có khả năng tin học tốt hoặc có năng khiếu hội họa, giáo có thể tổ chức cuộc thi “Who is Infographic designer?” - Ai là nhà thiết kế Infographic? (Trong phạm vi lớp, trường). Đây cũng là dịp để học sinh phát huy, bộc lộ được khả năng của bản thân. Đồng thời, các hoạt động này giúp cho GV có thể đánh giá được năng lực của học sinh cũng như định hướng phẩm chất cho mỗi em.Các sản phẩm Infographic đã trình bày sẽ được treo ở góc học tập Tự nhiên và xã hội giúp học sinh ghi nhớ kiến thức lâu hơn

Bước 4: Thu thập tác động của sản phẩm đối với học sinh

Để kiểm chứng xem các bản trình bày có thực sự hiệu quả hay không, GV cần có những tiêu chí để đánh giá như:  Học sinh nắm được bao nhiêu phần trăm kiến thức sau 1 ngày/ 1 tuần/ 1 tháng/ 2 tháng?, Thái độ của học sinh trong giờ học Tự nhiên và xã hội, Sự hứng thú của học sinh đối với sản phẩm Infographic…

Có nhiều cách để đánh giá các tiêu chí trên: quan sát, kiểm tra miệng, kiểm tra trắc nghiệm, chơi trò chơi, vẽ sơ đồ thể hiện kiến thức,... Tùy vào năng lực của học sinh từng nơi,  GV lựa chọn 1 hoặc nhiều hình thức để thu thập được những tác động chân thực nhất của Infographic đối với  mỗi em học sinh.

Bước 6: Đánh giá tính hiệu quả của Infographic và rút kinh nghiệm

Sau khi thu thập được các tác động của Infographic lên học sinh, GV phân chia tác động xấu và tác động tốt. Tác động tốt tiếp tục phát huy, cần tìm hiểu tác động xấu bắt nguồn từ đâu để đưa ra những giải pháp khắc phục.

Kết luận 

Như vậy, có thể khẳng định infographic là phương tiện học tập hỗ trợ đắc lực trong các hoạt động dạy học các môn học nói chung và môn Tự nhiên và Xã hội nói riêng. Sử dụng infographic là một trong những biện pháp quan trọng góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng dạy học Tự nhiên và Xã hội ở trường Tiểu học. Dựa trên yếu tố đặc điểm môn học, infographic nên được sử dụng kết hợp với các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực như phương pháp quan sát, phương pháp hỏi - đáp, phương pháp thảo luận nhóm, phương pháp dự án, trò chơi học tập,... cũng có thể là một cách thức dạy học mới phù hợp với việc gắn kiến thức vào vào thực tiễn, nâng cao năng lực thực hành cho HS. Infographic có thể được sử dụng linh hoạt ở tất cả các bước, các hoạt động của quá trình dạy học, góp phần phát triển các năng lực chung, năng lực đặc thù cho học sinh. Để thiết kế và sử dụng hiệu quả infographic trong dạy học Tự nhiên và Xã hội lớp 3, đòi hỏi kinh nghiệm, sự nghiên cứu, chuẩn bị kĩ lượng, óc sáng tạo của cả GV và HS trong quá trình dạy học kèm theo điều kiện cơ sở vật chất cần thiết.

Giảng viên hướng dẫn: ThS Lê Thúy Mai

Sinh viên thực hiện: Trịnh Thùy Trang, Nguyễn Phương Thảo,

Dương Diệu Linh, Nguyễn Minh Hiền, Cấn Thị Thảo Vân     

Lớp: GDTH D2021 POHE - Trường ĐH Thủ đô Hà Nội

Tài liệu tham khảo

[1] Adams. (25/3/2011). What Are Infographics and Why Are They Important?

[2] Nhật Anh. (2014). Infographic – bức tranh thay ngàn lời nói. Tạp chí STINFO do Trung tâm thông tin KH&CN thành phố Hồ Chí Minh – Sở KH&CN thành phố Hồ Chí Minh xuất bản.

[3] Vũ Minh Hiền/ Vũ Quỳnh Mai. Thiết kế và sử dụng Infographic trong dạy học đọc hiểu văn bản thông tin ở trường THCS. Khóa luận tốt nghiệp.

[4] Nguyễn Mạnh Hưởng. (2022). Sử dụng Infographic nâng cao hiệu quả dạy học bài “Trung Quốc thời phong kiến” cho học sinh lớp 10 ở trường trung học phổ thông chuyên Bắc Giang. Tạp chí thiết bị Giáo dục - Số 257 kỳ 2 - 1/2022.

[5] Ngô Thị Mơ. (2019). Sử dụng infographic trong dạy học Lịch sử Việt Nam (thế kỉ X-XV) ở Trường Trung học Phổ thông chuyên Hưng Yên. Luận văn thạc sĩ Sư phạm Lịch sử. Hà Nội.

[6] Huỳnh Phẩm Dũng Phát. (2017). Infographic-Phương tiện mới trong dạy học địa lí. Tạp chí khoa học. Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.

[7] Phạm Viết Vượng (2017). Giáo dục học. Giáo trình dành cho các trường Đại học và Cao đẳng sư phạm. NXB Đại học sư phạm.

...
  • Tags: