Sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi để nâng cao vị thế của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam
PLQLTrước sự tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu cũng như tình hình chính trị - kinh tế thế giới có nhiều biến động, thực tế ghi nhận nhiều quốc gia như Canada, Hàn Quốc, Malaysia,... đã có động thái sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm tiền gửi. Luật Bảo hiểm tiền gửi là cơ sở pháp lý quan trọng thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về bảo hiểm tiền gửi.
Trải qua 10 năm triển khai, Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc cần được giải quyết nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Việc tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm đảm bảo một hệ thống pháp luật đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các định chế tài chính hoạt động hiệu quả là một yêu cầu khách quan. Trong phạm vi bài viết này, các tác giả trình bày, phân tích thực trạng pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và đưa ra các kiến nghị, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao vị thế và vai trò của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) năm 2012 là văn bản pháp lý cao nhất về BHTG xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức BHTG, cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của tổ chức tham gia BHTG, đối tượng được BHTG, tiền gửi được bảo hiểm, thời điểm chi trả bảo hiểm,... Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động BHTG, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), đảm bảo sự phát triển an toàn và lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Hiện nay, BHTG Việt Nam đang bảo vệ cho hơn 89 triệu lượt người gửi tiền với số tiền gửi được bảo hiểm là gần 7 triệu tỷ đồng, tại 1.283 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô. Tính đến hết quý II năm 2022, kết quả thu phí và đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi góp phần nâng tổng tài sản của BHTG Việt Nam đạt hơn 88 nghìn tỷ đồng, trong đó, Quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt trên 82 nghìn tỷ đồng, tạo tiềm lực vững chắc cho BHTG Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng[1].
Thời gian qua, BHTG Việt Nam chủ động khắc phục những hạn chế do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chuẩn bị sẵn sàng mọi nguồn lực để triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra tại chỗ và công tác giám sát từ xa một cách thường xuyên, liên tục. Theo đó, kịp thời đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động công tác kiểm tra, thực hiện kiểm tra định kỳ đối với 153/280 tổ chức tham gia BHTG, đạt 54,6% so với kế hoạch; hoàn thành kiểm tra đối với 21/53 QTDND theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước năm 2022. Đồng thời, tăng cường thực hiện giám sát liên tục, thường xuyên đối với 100% các tổ chức tham gia BHTG trên địa bàn quản lý; kết nối, cung cấp, trao đổi thông tin với hoạt động kiểm tra, kịp thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước các vấn đề phát sinh khả năng gây rủi ro, mất an toàn hệ thống TCTD[2]. Luật BHTG đi vào cuộc sống đã nâng cao hiệu quả của chính sách BHTG, đưa chủ trương bảo vệ người gửi tiền và bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, Luật BHTG hiện hành vẫn còn một số bất cập sau:
Thứ nhất, về đồng tiền được bảo hiểm khi tham gia BHTG. Nhận tiền gửi là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận. Theo đó, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của tổ chức, cá nhân bằng các loại tiền, không phân biệt nội tệ hay ngoại tệ.
Theo quy định của Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013, một bộ phận cá nhân không nhỏ theo quy định được sử dụng ngoại hối. Theo đó, công dân Việt Nam cũng được sử dụng ngoại tệ tiền mặt để gửi tiết kiệm tại các TCTD được phép hoạt động ngoại hối. Như vậy, việc nhận tiền gửi bằng ngoại tệ được quy định rất rõ trong Luật Các TCTD năm 2010 và các văn bản pháp luật về ngoại hối. Điều này thể hiện việc nhận tiền gửi bằng ngoại tệ rất phổ biến và phát triển. Không những thế, nền kinh tế nước ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nên trong xã hội tồn tại một nguồn ngoại tệ lớn, đặc thù là ngoại tệ khó tiêu dùng. Vì vậy, nhiều người dân đem gửi tại các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, đồng tiền được bảo hiểm chỉ là đồng Việt Nam của cá nhân tại các tổ chức tham gia BHTG. Do đó, chỉ BHTG đối với đồng Việt Nam như theo quy định của Luật BHTG năm 2012 là chưa phù hợp, điều này đồng nghĩa với việc một bộ phận không nhỏ người gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG chưa được bảo vệ lợi ích khi tổ chức tham gia BHTG bị đổ vỡ. Như vậy, quy định đồng tiền được bảo hiểm chỉ là đồng Việt Nam của cá nhân tại các tổ chức tham gia BHTG đã không bảo vệ được những người gửi tiền bằng ngoại tệ tại các tổ chức tham gia BHTG, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền bằng ngoại tệ tại các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam. Mặt khác, gây ra sự mất công bằng trong bảo hiểm đối với tiền gửi và chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ hai, về hành vi gian lận nhằm “trục lợi” BHTG. Trong quá trình tham gia kiểm soát đặc biệt tại tổ chức tham gia BHTG (đặc biệt là ở một số QTDND), BHTG Việt Nam gặp một số trường hợp gian lận, giả mạo hồ sơ, tài liệu, giấy tờ để được chi trả tiền bảo hiểm; chia, tách một khoản tiền gửi trên hạn mức thành nhiều khoản tiền gửi của nhiều người để được nhận tiền bảo hiểm nhiều hơn,… Việc kiểm soát và ngăn chặn hành vi gian lận nhằm “trục lợi” tiền BHTG của BHTG Việt Nam trong trường hợp chia, tách, chuyển quyền sở hữu sổ tiết kiệm gặp khó khăn do chưa có quy định của pháp luật về vấn đề này. Ngoài ra, Luật BHTG năm 2012 chưa có quy định về việc tổ chức BHTG Việt Nam có quyền từ chối trả tiền bảo hiểm; trong khi đó trên thực tế xảy ra trường hợp gian lận hồ sơ, tài liệu về BHTG, cung cấp không chính xác thông tin về BHTG nhằm kiếm lợi bất hợp pháp.
Thứ ba, thiếu sự thống nhất về tiền gửi được bảo hiểm, tiền gửi không được bảo hiểm. Điều 18 Luật BHTG năm 2012 quy định: “Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam… và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các TCTD, trừ các loại tiền gửi quy định tại Điều 19 của Luật này”. Theo khoản 13 Điều 4 Luật Các TCTD, hoạt động nhận tiền gửi được giải thích như sau: “Nhận tiền gửi là hoạt động nhận tiền gửi của tổ chức, cá nhân … và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận”. Cũng theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHTG năm 2012 (Nghị định số 68/2013/NĐ-CP, Thông tư số 24/2014/TT-NHNN) cũng không quy định rõ về “các hình thức tiền gửi khác”. Do vậy, còn có các quan điểm khác nhau trong việc xác định tiền gửi được bảo hiểm.
Thứ tư, về phí BHTG khi tham gia BHTG. Chính sách về phí BHTG là chính sách lớn trong hoạt động BHTG. Việc nghiên cứu để đưa ra mức phí áp dụng cho từng tổ chức tham gia BHTG có ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống TCTD, hệ thống tài chính ngân hàng. Chính sách về phí đưa ra phù hợp và thuyết phục sẽ đảm bảo công bằng với các tổ chức tham gia BHTG, khuyến khích các tổ chức tham gia BHTG nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thiểu rủi ro, góp phần làm lành mạnh hệ thống ngân hàng và bảo vệ, phục vụ tốt hơn cho người gửi tiền[3]. Luật BHTG năm 2012 không quy định rõ ràng, cụ thể về một mức phí hay khung phí mà thẩm quyền này thuộc về Thủ tướng Chính phủ theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Căn cứ vào khung phí BHTG, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức phí BHTG cụ thể đối với tổ chức tham gia BHTG trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức này; tổ chức nào hoạt động tốt sẽ được hưởng mức phí thấp, tổ chức nào hoạt động kém sẽ phải áp dụng mức phí cao. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định bổ sung, quy định mới nào hướng dẫn chi tiết về khung phí BHTG. Phí BHTG vẫn áp dụng mức phí là 0,15%/năm tính trên số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG.
Việc áp dụng mức phí đồng hạng trong thời gian dài dẫn đến tình trạng không công bằng trong nộp phí bảo hiểm giữa các tổ chức tham gia BHTG. Mô hình thu phí đồng nhất chưa thể khuyến khích các TCTD cạnh tranh nhau để tăng mức độ an toàn của mình trên thị trường. Điều mà đáng ra phải được thực hiện một cách sôi nổi trên thị trường tài chính ngân hàng[4]. Bởi tất cả các tổ chức khi tham gia BHTG không phân biệt loại hình sở hữu, quy mô hoạt động, hiệu quả hoạt động đều áp dụng chung một mức phí; gây ra sự ỷ lại của các tổ chức tham gia BHTG, dù hoạt động thế nào đi nữa thì vẫn chịu mức phí như nhau nên các tổ chức này sẽ trở nên thụ động trong việc đề ra những chính sách đảm bảo an toàn hệ thống để bảo vệ người gửi tiền; như một sự bao cấp cho những tổ chức tham gia BHTG yếu kém, không tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các tổ chức tham gia BHTG trong hệ thống, làm gia tăng nguy cơ phát sinh rủi ro. Cơ chế phí đồng hạng chưa thúc đẩy các tổ chức tham gia BHTG nâng cao chất lượng hoạt động để được áp dụng mức phí thấp hơn khi áp dụng loại phí theo mức độ rủi ro.
Thứ năm, BHTG vẫn hoạt động dựa trên cơ sở pháp lý chưa tương xứng và duy trì một hạn mức chi trả bảo hiểm quá thấp dành cho người gửi tiền. Tại Việt Nam, từ tháng 6/2017, hạn mức BHTG đã được nâng từ mức 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng. Hạn mức BHTG cho người gửi tiền là công cụ quan trọng nhất trong việc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản. Hạn mức BHTG càng cao càng giúp nâng cao niền tin của người gửi tiền đối với ngân hàng và hạn chế hiện tượng đột biến rút tiền gửi. Mức BHTG thấp có thể tiềm ẩn nguy cơ người gửi tiền cá nhân rút tiền hàng loạt tại nhiều TCTD[5]. Khi các điều kiện kinh tế vĩ mô như GDP bình quân đầu người, lạm phát, tỷ giá, lãi suất, tổng số tiền bảo hiểm hiểm đã có nhiều biến động, hạn mức chi trả trên đã không còn tạo nên sự yên tâm cho người gửi tiền như nhiệm vụ hiển nhiên của nó. Hạn mức chi trả BHTG tại Việt Nam hiện nay không còn phù hợp và cần gấp rút điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Theo thông lệ thế giới, mức chi trả tối đa BHTG gấp 3-5 lần GDP/người ở nước đó. Kể từ năm 2008, để “giữ chân” và bảo vệ quyền lợi người gửi tiền gắn với cuộc khủng hoảng tài chính-ngân hàng năm 2008, hạn mức chi trả BHTG tại Hoa Kỳ được nâng từ 100.000 USD lên 250.000 USD và tại các nước thuộc liên minh châu Âu (EU) nâng từ khoảng 35.000 EUR lên 50.000 EUR; Hy Lạp nâng từ mức 20.000 EUR lên 100.000 EUR trong vòng 3 năm. Đài Loan tăng gấp 2 lần, lên 3 triệu đô la Đài Loan. Từ tháng 10/2012, Nga nâng mức chi trả BHTG từ 22.500 USD lên khoảng 32.000 USD. Ngay ở châu Á, mức BHTG của nhiều nước cũng khá cao, như: Thái Lan hơn 709.220 USD, Indonesia 153.257 USD, Malaysia 59.666 USD, Singapore 35.971 USD, Philippines 10.346 USD,… Đặc biệt, Đức và Nhật thực hiện bảo đảm toàn bộ tiền gửi của người dân tại các ngân hàng[6].
Mức thu phí BHTG ở Việt Nam hiện nay được áp dụng đồng hạng 0,15% trên tổng số dư tiền là không hợp lý. Theo các quy định của pháp luật về BHTG thì mức phí BHTG không phân biệt về quy mô, hình thức sở hữu cũng như mức độ rủi ro của TCTD tham gia bảo hiểm. Chính điều đó đã gây ra sự không công bằng trong hệ thống ngân hàng. Trái với xu hướng trên thế giới, phí BHTG được áp dụng theo phân loại ngân hàng, ngân hàng nào hoạt động yếu kém, quy mô nhỏ và nguy cơ rủi ro lớn thì mức phí bảo hiểm sẽ cao hơn[7].
Thứ sáu, pháp luật về BHTG hiện hành chưa quy định các biện pháp chế tài mà BHTG Việt Nam có thể áp dụng đối với ngân hàng thương mại (NHTM) vi phạm các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng. Trong quá trình thực hiện các chức năng của mình, nếu phát hiện NHTM vi phạm các quy định về an toàn đối với hoạt động ngân hàng, BHTG Việt Nam có thể yêu cầu NHTM thực hiện các biện pháp chấn chỉnh kịp thời, báo cáo bằng văn bản lên Ngân hàng Nhà nước. Điều đó dẫn tới hoạt động kiểm tra, giám sát của BHTG Việt Nam đạt hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, ở hệ thống BHTG hiệu quả, tổ chức BHTG được phép áp dụng các biện pháp xử lý thích đáng đối với tổ chức tham gia BHTG vi phạm các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng. Chẳng hạn, căn cứ vào tiêu chuẩn xếp hạng mức tín nhiệm của các NHTM, tổ chức BHTG thực hiện đánh giá, xếp loại các NHTM. Mức tín nhiệm của một NHTM bị giảm sút có tính chất quyết định đối với việc duy trì quan hệ tín dụng của tổ chức đó với người gửi tiền. Để tránh việc người gửi tiền rút tiền gửi, NHTM bắt buộc phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về an toàn ngân hàng cũng như các quy định của pháp luật về hoạt động BHTG.
Thứ bảy, Luật BHTG chưa có quy định về thủ tục sửa đổi, bổ sung, cấp lại Giấy chứng nhận tham gia BHTG. Khi tổ chức tham gia BHTG có sự thay đổi thông tin về Chứng nhận tham gia BHTG hoặc khi tổ chức BHTG thay đổi mẫu Chứng nhận tham gia BHTG. Trên thực tế đã phát sinh các trường hợp này, do đó cần có quy định, hướng dẫn cụ thể tại Luật. Ngoài ra, việc quy định phải niêm yết bản sao Chứng nhận tham gia BHTG tại tất cả các điểm giao dịch có tiền gửi chưa hợp lý, gây lãng phí trong trường hợp TCTD chỉ có một điểm giao dịch cũng là trụ sở chính (QTDND, chi nhánh ngân hàng nước ngoài). Luật BHTG chưa có quy định về việc sửa đổi, bổ sung Chứng nhận tham gia BHTG, thủ tục cấp lại Chứng nhận tham gia BHTG khi tổ chức tham gia BHTG có sự thay đổi thông tin về Chứng nhận tham gia BHTG hoặc khi tổ chức BHTG thay đổi mẫu Chứng nhận tham gia BHTG.
2. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định về bảo hiểm tiền gửi
Với những bất cập, hạn chế đã được phân tích ở phần trên, các tác giả kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật về BHTG như sau:
Thứ nhất,vềđồng tiền được BHTG. Điều 18 Luật BHTG năm 2012 quy định: “Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các TCTD, trừ các loại tiền gửi quy định tại Điều 19 của Luật này”. Quy định này cần bổ sung như sau: “1. Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam, ngoại tệ của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các TCTD, trừ các loại tiền gửi quy định tại Điều 19 của Luật này.2.Chính phủ quy định cụ thể ngoại tệ được BHTG theo quy định tại khoản 1 Điều này trong từng thời kỳ”.
Như vậy, ngoài việc chỉ quy định loại tiền được bảo hiểm là đồng Việt Nam thì cần quy định thêm ngoại tệ cũng là tiền được bảo hiểm bởi vì trong các TCTD nói chung và NHTM nói riêng ở Việt Nam hiện nay đang tồn tại một lượng lớn tiền gửi bằng ngoại tệ. Do đó, trong từng thời kỳ, Chính phủ cần quy định về các loại ngoại tệ được bảo hiểm, một mặt để phù hợp với quy định về pháp luật ngoại hối, bảo vệ được đồng nội tệ, tránh tình trạng ngoại tệ hóa tiền tệ trong nước, mặt khác phù hợp với chính sách bảo vệ người gửi tiền.
Thứ hai, về hành vi gian lận nhằm “trục lợi” BHTG. Từ nguyên nhânLuật BHTG hiện nay chưa có quy định về việc tổ chức BHTG Việt Nam có quyền từ chối trả tiền bảo hiểm; trong khi đó trên thực tế xảy ra trường hợp gian lận hồ sơ, tài liệu về BHTG, cung cấp không chính xác thông tin về BHTG nhằm kiếm lợi bất hợp pháp. Trong trường hợp này, BHTG Việt Nam có quyền được từ chối trả tiền BHTG khi phát hiện có gian lận. Theo các tác giả, cần bổ sung quy định cấm hành vi trục lợi BHTG như cố ý chia, tách, chuyển quyền sở hữu sổ tiết kiệm để được hưởng nhiều tiền bảo hiểm hơn. Bên cạnh đó, để phù hợp với thực tiễn giải quyết khiếu nại về BHTG, đề xuất sửa đổi quy định thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu tại Luật BHTG theo hướng tăng thêm thời gian (lên 30 ngày).
Thứ ba, về tiền gửi được bảo hiểm, tiền gửi không được bảo hiểm. Hiện nay, còn nhiều quan điểm khác nhau trong việc xác định tiền gửi được bảo hiểm trong các văn bản. Do đó, cần căn cứ tính chất của thẻ ghi nợ và thẻ trả trước nêu trên để quy định phí bảo hiểm của các loại thẻ này phù hợp với quy định tại Luật BHTG hiện hành và các văn bản pháp lý liên quan. Cần có quy định cụ thể về các loại tiền gửi được bảo hiểm, tiền gửi không được bảo hiểm tại văn bản quy phạm pháp luật để triển khai, áp dụng thống nhất. Về tiền gửi không được bảo hiểm là tiền gửi tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức tài chính vi mô: Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 68/2013/NĐ-CP quy định: “Tổ chức tài chính vi mô phải tham gia BHTG đối với tiền gửi của cá nhân bao gồm cả tiền gửi tự nguyện của khách hàng tài chính vi mô, trừ tiền gửi tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tài chính vi mô”. Như vậy, tiền gửi tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức tài chính vi mô là tiền gửi không được bảo hiểm. Luật BHTG năm 2012 chưa quy định hình thức tiền gửi này là tiền gửi không được bảo hiểm, do đó, cần đưa nội dung này vào quy định trong Luật BHTG để tránh cùng quy định về tiền gửi không được bảo hiểm nhưng khi thực hiện phải tham chiếu quy định ở nhiều văn bản khác nhau.
Theo các tác giả, nên sửa đổi, bổ sung Điều 18 Luật BHTG như sau: “Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của pháp luật, trừ các loại tiền gửi không được bảo hiểm theo quy định của Luật này”. Đồng thời bổ sung nội dung về tiền gửi không được bảo hiểm tại Điều 19 Luật BHTG năm 2012: “Tiền gửi tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức tài chính vi mô”, là loại tiền gửi không được bảo hiểm”.
Thứ tư, về phí BHTG. BHTG Việt Nam vẫn áp dụng mức phí đồng hạng là 0,15%/năm tính trên số dư tiền gửi được bảo hiểm bình quân tại tổ chức tham gia BHTG. Để khuyến khích hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG cũng như tạo được sự công bằng cho các chủ thể, đồng thời đảm bảo được nguồn thu quan trọng cho tổ chức BHTG Việt Nam để có nguồn vốn hoạt động, để thực hiện việc chi trả BHTG kịp thời, giảm bớt áp lực cho ngân sách nhà nước. Các tác giả kiến nghị cách tính phí BHTG như sau:
(1) cần xếp loại đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam không áp dụng cho QTDND, tổ chức tài chính vi mô, ngân hàng chính sách, ngân hàng phát triển vì đó là những TCTD đặc thù;
(2)đối với QTDND được xếp hạng theo Thông tư số 42/2016/TT-NHNN;
(3) đối với tổ chức tài chính vi mô chưa có cách xếp loại nên sẽ áp dụng mức phí đồng hạng là 1,0%/năm tính trên số dư tiền gửi được bảo hiểm bình quân tại tổ chức tham gia BHTG.
Thứ năm, cần tăng khung hạn mức chi trả tiền bảo hiểm. Nâng hạn mức BHTG chính là yêu cầu thực tế và đây cũng sẽ là một bước tiến mới đáng ghi nhận về bảo đảm quyền lợi người gửi tiền tại Việt Nam[8]. Hạn mức BHTG cần có giới hạn để hạn chế rủi ro đạo đức đối với cả người gửi tiền và TCTD. Tuy nhiên, với hạn mức hiện nay (75 triệu đồng) là còn thấp so với thông lệ quốc tế. Theo nghiên cứu gần đây của IMF đối với 189 quốc gia thì hạn mức BHTG của Việt Nam tương đối thấp. Ngay trong khu vực ASEAN, sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, các quốc gia khu vực cũng đã áp dụng hạn mức BHTG rất cao. Đã đến lúc cần cân nhắc nâng hạn mức này lên ở một chừng mực nhất định phù hợp với tình hình thực tế[9].
Theo đó, Nhà nước cần có cơ chế đánh giá định kỳ 2 năm 1 lần hoặc ít nhất là 5 năm 1 lần kể từ ngày được điều chỉnh theo luật định đối với hạn mức BHTG và lưu ý là việc xem xét để điều chỉnh hạn mức phù hợp cần được căn cứ vào một số yếu tố về phát triển kinh tế xã hội, GDP bình quân đầu người và trong đó phải kể đến tình hình lạm phát. Tuy nhiên, yếu tố được coi là quan trọng hơn cả khi xác định hạn mức phù hợp chính là tỷ lệ tài khoản tiền gửi được bảo hiểm/tổng số tài khoản tiền gửi và mục tiêu đặt ra là phải đảm bảo phần lớn tài khoản tiền gửi của người gửi tiền nhỏ lẻ được bảo vệ. Qua đó bảo vệ lợi ích của người gửi tiền và góp phần xây dựng một hệ thống ngân hàng ổn định, lành mạnh thông qua việc đảm bảo phần lớn người gửi tiền được bảo hiểm đầy đủ và không có động lực rút khỏi tổ chức nhận tiền gửi, trong khi vẫn duy trì một tỷ lệ giá trị các khoản tiền gửi chưa được bảo hiểm. Cũng chính vì lý do này, số ít những người gửi tiền quy mô lớn sẽ có động lực quản lý các hoạt động mang tính rủi ro của tổ chức nhận tiền gửi, tức là hạn chế được rủi ro đạo đức.
Thứ sáu, về quy định các biện pháp chế tài mà BHTG Việt Nam có thể áp dụng đối với NHTM vi phạm các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng. Để đảm bảo an toàn và sự phát triển bình thường của hệ thống tài chính - tín dụng, Luật BHTG hiện hành cần bổ sung các biện pháp chế tài theo hướng nghiêm khắc đối với các NHTM và TCTD vi phạm nghĩa vụ tham gia BHTG như vi phạm quy định về thực hiện cấp, cấp đổi, niêm yết giấy chứng nhận tham gia BHTG. Các biện pháp chế tài cũng như mức phạt tiền phải đảm bảo mang tính răn đe đối với các NHTM và TCTD vi phạm. Từ đó góp phần đảm bảo thực thi pháp luật về BHTG, bảo vệ được quyền lợi của người gửi tiền cũng như tránh tổn thất quỹ BHTG do rủi ro nhầm lẫn đối tượng tham gia BHTG.
Thứ bảy,về Chứng nhận tham gia BHTG. Luật BHTG cần có sửa đổi, bổ sung quy định về niêm yết chứng nhận tham gia BHTG theo hướng tổ chức tham gia BHTG chỉ có một điểm giao dịch đồng thời là trụ sở chính được niêm yết Chứng nhận tham gia BHTG thay cho bản sao, đồng thời bổ sung quy định khái niệm điểm giao dịch để đảm bảo rõ ràng. Bên cạnh đó, bổ sung quy định về sửa đổi, bổ sung, cấp lại Chứng nhận tham gia BHTG khi tổ chức tham gia BHTG có sự thay đổi thông tin về Chứng nhận tham gia BHTG hoặc khi tổ chức BHTG thay đổi mẫu Chứng nhận tham gia BHTG. Sửa đổi quy định về thời hạn cấp, cấp lại Chứng nhận tham gia BHTG để đảm bảo thời gian BHTG xử lý hồ sơ theo quy định. Đồng thời, bổ sung quy định về thủ tục cấp bản sao Chứng nhận tham gia BHTG của BHTG Việt Nam.
3. Kết luận
Luật BHTG năm 2012 chưa được sửa đổi, bổ sung, thiếu sự đồng bộ với hệ thống cơ chế chính sách cũng như phù hợp với thực tế đã trở thành một điểm nghẽn trên cả một bức tranh tươi sáng. Việc này càng kéo dài sẽ càng làm chậm tiến độ BHTG Việt Nam tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD. Bên cạnh đó, khuôn khổ cơ chế chính sách không đồng nhất cũng sẽ gây hạn chế tới hiệu quả hoạt động của tổ chức BHTG.
Việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động BHTG; sửa đổi, bổ sung Luật BHTG là một yêu cầu khách quan nhằm phát triển thị trường tài chính lành mạnh trên cơ sở bảo vệ lợi ích của người gửi tiền, tạo môi trường pháp lý cho thị trường tài chính nói chung, thị trường tiền tệ nói riêng phát triển an toàn, bền vững. Để việc sửa đổi, bổ sung Luật BHTG bảo đảm tính ổn định, thống nhất và có hiệu lực thực thi thì cần bám sát, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về BHTG và về vấn đề cơ cấu lại TCTD yếu kém. Tạo dựng hành lang pháp lý thông thoáng, rõ ràng cho hoạt động BHTG, phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao vị thế và vai trò giúp BHTG Việt Nam./.