Sửa đổi Luật Giao dịch điện tử là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu cuộc sống

Sáng 24.12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội) tổ chức Hội thảo góp ý dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn đồng chủ trì hội thảo.

 

Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng cho rằng, Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội thông qua năm 2005 đã mở ra khung pháp lý quan trọng cho việc xác lập các hình thức giao dịch, trao đổi, thông tin trên môi trường mạng. Qua đó, giúp kiến tạo các khuôn khổ, nền tảng cơ bản của việc tạo dựng hình thức giao dịch mới, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.

Đồng thời, Luật tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên nên tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng ngày nay.

Chủ tịch Phan Xuân Dũng khẳng định, trước yêu cầu cấp thiết kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Đại hội XIII, Hiến pháp 2013; để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế, với một thế giới rất năng động, biến đổi nhanh chóng cùng với sự tiến bộ vượt bậc của KHCN, trong việc đẩy mạnh chuyển đối số quốc gia, Luật Giao dịch điện tử cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Đặc biệt, thích ứng với hoạt động của xã hội và từng người dân, doanh nghiệp trong môi trường sống, lao động và sinh hoạt mới. Vì thế, việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử là rất cần thiết.

Trước yêu cầu đó, Quốc hội khóa XV đã đưa vào Chương trình xây dựng Luật năm 2022-2023, trong đó có việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử.

Tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khoá XV vừa qua, Quốc hội đã cho ý kiến bước đầu về dự thảo Luật. Đã có rất nhiều ý kiến được các Đại biểu Quốc hội nêu ra, đóng góp xây dựng dự thảo Luật tại hội trường và tại các tổ.

Sau Kỳ họp Quốc hội vừa qua, việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử cần nghiên cứu, tiếp thu một cách thấu đáo để Luật đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, không bị lạc hậu trước làn sóng mạnh mẽ của tiến bộ khoa học và công nghệ đang diễn ra trên toàn thế giới. - Chủ tịch Phan Xuân Dũng nói.

tm-img-alt

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Việt Nam Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc hội thảo

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn, tại Kỳ họp thứ Tư, đã có 77 lượt đại biểu Quốc hội góp ý tại tổ và 15 lượt đại biểu Quốc hội góp ý tại Hội trường đối với dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Về cơ bản, các ý kiến này sau khi rà soát đều đã được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý tương đối đầy đủ để hoàn thiện dự thảo Luật.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 3 nội dung lớn còn nhiều ý kiến khác nhau. Trước hết là về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, đề nghị cân nhắc có một số nội dung không thể áp dụng ngay, ví dụ như về vấn đề thừa kế, đất đai, kết hôn… Bên cạnh đó, quy định về dịch vụ tin cậy, định danh và xác thực điện tử còn mâu thuẫn với một số văn bản luật và Nghị định liên quan. Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ nội hàm của các nhóm nội dung này.

tm-img-alt

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn phát biểu tại hội thảo

Chia sẻ tại hội thảo, Chủ tịch Hội Vô tuyến-điện tử Việt Nam Trần Đức Lai cho biết, Luật Giao dịch điện tử được ban hành năm 2005, sau 17 năm triển khai thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập cả về tính quy phạm pháp luật cũng như việc triển khai đưa Luật vào cuộc sống, do vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật này là rất cần thiết.

Pháp luật về Giao dịch điện tử của nhiều nước trên thế giới cũng từng bước hoàn thiện, đặc biệt dưới góc độ quốc tế, Liên hợp quốc đã ban hành Luật mẫu về Giao dịch điện tử năm 2017.

Thời gian qua, nhiều chủ trương chính sách mới của Đảng, hệ thống pháp luật mới của Nhà nước đã được ban hành như: Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết 52 NQ-TW về cuộc cách mạng 4.0; Các Luật An toàn thông tin, An ninh mạng, Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia: xây dựng Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số…

Lĩnh vực khoa học công nghệ về điện tử-viễn thông-CNTT đã có sự phát triển vượt bậc. Tác động mạnh mẽ tới các hoạt động về giao dịch, kinh doanh, quản lý trên môi trường điện tử, đặc biệt chữ ký số chống giả mạo cao hơn chữ ký tay. Đồng thời, nhận dạng khuôn mặt bằng máy có độ chính xác cao hơn mắt thường, các cơ sở dữ liệu số đã trở thành cốt lõi.

Ông Lai cho biết: "Các nền tảng số trở nên phổ biến hơn. Hiện nay, các nền tảng số phục vụ kinh doanh, giao dịch điện tử đã được phát triển khá mạnh mẽ và được sử dụng rộng rãi song chưa có luật nào quy định tính pháp lý một cách đầy đủ và đồng bộ".

Đồng thời, theo ông Lai, một số nội dung trong Luật Giao dịch điện tử 2005 của nước ta chưa phù hợp với thực tế hiện nay cả về phạm vi điều chỉnh (trong Luật 2005, phạm vi điều chỉnh đã đưa ra các loại trừ khá lớn như: Chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng nhà, văn bản thừa kế, khai sinh, khai tử...).

tm-img-alt

Chủ tịch Hội Vô tuyến-điện tử Việt Nam Trần Đức Lai phát biểu

Đưa ra những góp ý cụ thể, ông Trần Đức Lai cho rằng, về tên gọi, nên xem xét tên gọi là “Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)” hoặc “Luật Giao dịch điện tử 2023” để sau này khi tra cứu tránh nhầm lẫn với Luật 2005, hoặc trong quá trình giao thời Luật 2005 vẫn áp dụng.

Về đối tượng áp dụng, cần làm rõ hơn vấn đề: Có quy định đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài không? Tổ chức, cá nhân từ bên ngoài thực hiện giao dịch điển tử với trong nước có phải theo luật này không?

Từ đó, ông Lai nêu quan điểm: "Theo tôi, nên áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan tới hoạt động giao dịch điện tử tại Việt Nam".

Ngoài ra, Chủ tịch Hội Vô tuyến-điện tử Việt Nam cũng băn khoăn, để xây dựng, phát triển, quản lý các hoạt động về giao dịch điện tử, liên quan khá nhiều vấn đề. Tuy nhiên, ông thấy chưa đề cập hoặc có nêu nhưng không rõ như các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của cơ sở dữ liệu, trách nhiện của các doanh nghiệp trong xây dựng, quản lý, cung cấp cơ sở hạ tầng phục vụ giao dịch điện tử…

Chia sẻ quan điểm của mình tại hội thảo, Nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Tùng Mậu cho rằng, ngày nay, khi kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, xã hội đang ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin, thì việc ban hành Luật Giao dịch điện tử là rất cần thiết.

Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cần khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Đó là, cần hạn chế những bất cập trong quá trình sử dụng Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Xây dựng quy định cụ thể, tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi từ văn bản giấy sang bản điện tử và ngược lại, là vấn đề quan trọng mà xã hội có nhu cầu về hành lang pháp lý cụ thể.

Ban hành các chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử, thúc đẩy giao dịch điện tử trong cơ quan Nhà nước. Quy định về việc tạo lập, thu thập, kết nối, chia sẻ dữ liệu của cơ quan Nhà nước...

Do vậy, ông Phan Tùng Mậu cho rằng, để sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử 2005, trước hết cần tổng kết đánh giá kết quả 17 năm qua từ khi luật ra đời và đi vào cuộc sống, xem xét những gì đạt được, vấn đề chưa được cần sửa đổi.

Cùng với đó, xem xét tác động cụ thể của luật trong 17 năm qua diễn ra như thế nào, đặc biệt việc chuyển giao dịch thực sang giao dich ảo trong 17 năm qua đã đảm an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý trên không gian mạng chưa, độ tin cậy đến đâu? Trình độ của người dân về ứng dụng công nghệ thông tin đến mức độ nào? Có thể mở rộng khả năng ứng dụng giao dịch điện tử đến mức độ nào?

"Đây là vấn đề mấu chốt, quan trọng, cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể để hoàn thiện, bổ sung cho Luật mới. Vấn đề này được nêu trong tờ trình, nhưng chưa thật đầy đủ, đặc biệt là khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, độ tin cậy của người sử dụng giao dịch điển tử", ông Phan Tùng Mậu nói.

Dó đó, theo ông Phan Tùng Mậu, cần xem xét, đánh giá quá trình thực hiện luật có những nội dung trùng lắp với các văn bản luật khác, hoặc cản trở việc thực hiện các luật khác cần nghiên cứu để khắc phục và hoàn thiện trong luật mới.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu nhất trí cho rằng, về tổng thể, dự án Luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tương đối thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành và đặc biệt khá tương thích với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, dự án Luật tác động rất nhiều đến người dân và doanh nghiệp, vì vậy cần làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh, về đối tượng áp dụng là có quy định đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài không; tổ chức, cá nhân từ bên ngoài thực hiện giao dịch điện tử với cá nhân, tổ chức trong nước có phải theo luật này không?

tm-img-alt

Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới tham luận tại hội thảo

Về kết nối, chia sẻ dữ liệu tại Điều 43, các đại biểu cho rằng quy định còn chung chung mà chưa có sự rõ ràng, cụ thể trong áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ chế kết nối chia sẻ dữ liệu của các nền tảng số; sự thừa nhận lẫn nhau để thực hiện giao dịch điện tử. Quy định “dữ liệu chia sẻ giữa các cơ quan nhà nước là không thu phí, trừ trường hợp khai thác, sử dụng dữ liệu thuộc danh mục được quy định trong Luật phí và lệ phí” cũng cần có những quy định và chế tài để bảo đảm cơ quan có dữ liệu phải cấp mà không được thu phí.

Kết thúc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng bày tỏ hoan nghênh các ý kiến đóng góp ý kiến thẳng thắn, khách quan với tinh thần trách nhiệm đầy trí tuệ vào Dự thảo. Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ tổng hợp đề gửi tới Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào Kỳ họp tới.

L.H

...
  • Tags: