Sửa Luật Giá, rà soát 285 văn bản pháp luật liên quan

Theo Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, trong quá trình nghiên cứu sửa đổi tại Luật Giá đã có 285 văn bản liên quan được rà soát.

Theo Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, trong quá trình nghiên cứu sửa đổi tại Luật Giá đã có 285 văn bản liên quan được rà soát.

Ảnh minh họa

Cụ thể, Cục Quản lý giá cho biết, trong số 285 văn bản liên quan đến Luật Giá được rà soát vừa qua có 77 luật, 63 Nghị định, 11 Thông tư liên tịch, 128 Thông tư và 6 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Qua rà soát cho thấy có 51 văn bản quy định mâu thuẫn, chồng chéo với quy định tại Luật giá và trong đó có tới 20 Luật, Nghị định đang có các quy định trùng lặp với Luật giá.

Những quy định trùng lặp này chủ yếu là quy định về hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, đó là cùng một mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước định giá đã được quy định tại Luật giá, nhưng vẫn được quy định tại Luật chuyên ngành.

Cụ thể như dịch vụ cất cánh, hạ cánh; điều hành bay đi, đến; hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay; soi chiếu an ninh cùng được quy định tại Luật giá và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam năm 2014.

Hay quy định về các mặt hàng dự trữ quốc gia cũng được quy định tại Luật giá và Luật dự trữ quốc gia.

Mặt hàng điện cũng được quy định tại Luật giá và Luật điện lực…

Theo thông tin của Cục Quản lý giá, hiện hồ sơ sửa đổi Luật Giá đã được trình Chính phủ. Theo đó nhiều vấn đề về quy chế quản lý, điều hành giá sẽ được sửa đổi toàn diện để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn, khắc phục hạn chế vướng mắc.

Cụ thể là có 9 nhóm chính sách được nghiên cứu sửa đổi trong Luật Giá gồm:

Hoàn thiện các nguyên tắc xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá tại Luật.

Củng cố, kiện toàn công tác xây dựng phương pháp định giá nhà nước, thống nhất trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc quy định phương pháp định giá hàng hóa dịch vụ cũng như quy trình xây dựng phương pháp định giá trên cơ sở phương án, hồ sơ từ các bộ, ngành.

Điều chỉnh thẩm quyền quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá từ Quốc hội cho Chính phủ.

Điều chỉnh các quy định hiện hành về phạm vi áp dụng đối với biện pháp hiệp thương giá.

Kê khai giá để tăng cường hiệu lực thực hiện của biện pháp kê khai giá, đáp ứng yêu cầu quản lý giá trong thực tiễn cũng như giảm bớt các thủ tục hành chính đối với biện pháp đăng ký giá.

Củng cố cơ sở pháp lý để triển khai toàn diện công tác tổng hợp, phân tích, dự báo.

Đặc biệt trong đó có 3 nhóm chính sách liên quan đến hoạt động thẩm định giá gồm:

Tiếp tục hoàn thiện các quy định về điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá;

Tăng cường các giải pháp quản lý đối với hoạt động thẩm định viên về giá;

Quy định về thẩm định giá Nhà nước.

  • Tags: