Trong thời gian qua các bộ, ngành, địa phương đã tích cực đẩy mạnh việc tổ chức THPL và đã đạt được những bước tiến nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức THPL vẫn còn những hạn chế, bất cập cần được khắc phục để pháp luật thực sự đi vào đời sống xã hội.
Tổ chức THPL là quá trình đưa pháp luật vào đời sống, gắn với việc thực thi các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Vì vậy, có thể hiểu, cơ chế tổ chức THPL là tổng thể các yếu tố có quan hệ mật thiết với nhau, bao gồm các thiết chế và các điều kiện bảo đảm để Nhà nước đưa pháp luật vào thực tiễn đời sống bằng những phương thức nhất định.
Những bước tiến được ghi nhận
Trong thời gian qua các bộ, ngành, địa phương đã tích cực đẩy mạnh việc tổ chức THPL. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về theo dõi thi hành pháp luật cũng ngày càng được hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức THPL vẫn còn có những khó khăn, bất cập, xuất phát từ thể chế và thực tiễn triển khai thực hiện; công tác phối hợp, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động THPL chưa hiệu quả, còn thiếu sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan…
Về cơ chế tổ chức THPL gồm có ba yếu tố: (1) Hệ thống các cơ quan nhà nước, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được pháp luật quy định, là chủ thể chịu trách nhiệm tổ chức THPL. (2) Cơ sở pháp lý và các điều kiện bảo đảm cho tổ chức THPL như điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trình độ nhận thức của nhân dân. (3) Nội dung tổ chức và phương thức vận hành của quá trình tổ chức THPL. Các yếu tố này có mối quan hệ chặt chẽ, tác động hữu cơ, vận hành trên cơ sở các nguyên tắc nhất định được pháp luật quy định.
Việc thực hiện cơ chế đã có những tiến bộ giúp cho quá trình THPL được tổ chức hiệu quả hơn; thể hiện ở một số khía cạnh sau:
- Hoạt động của các cơ quan nhà nước và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong tổ chức THPL ngày càng hiệu quả hơn, nhờ tổ chức của các cơ quan trong bộ máy nhà nước đã được đổi mới, sắp xếp, tinh gọn, chức năng, nhiệm vụ được phân định rõ ràng, cụ thể; cơ chế phân cấp, phân quyền giữa các cơ quan nhà nước từ trung ương tới địa phương… được xác định và hoạt động trên cơ sở pháp luật.
- Việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết được quan tâm hơn. Chất lượng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật cũng bảo đảm, đáp ứng yêu cầu triển khai đồng bộ, hiệu quả việc thi hành luật, pháp lệnh.
- Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được nâng lên và có sự phối kết hợp tốt hơn. Nhờ vậy, ý thức pháp luật của nhân dân được nâng lên, công nghệ hiện mới từng bước được áp dụng giúp cho việc đưa pháp luật vào cuộc sống nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả hơn.
- Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp luật được nâng cao. Ý thức tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân được nâng lên; thủ tục hành chính được cải cách theo hướng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Các vi phạm pháp luật được xử lý nghiêm minh.
- Nguồn lực vật chất đầu tư cho tổ chức THPL được Nhà nước quan tâm; là nhân tố quan trọng bảo đảm thực thi pháp luật.
Giải pháp nhằm tăng cường tổ chức thực hiện pháp luật
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của BCH Trung ương (khóa XIII) về Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, đã khẳng định: “Bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật”. Điều đó đòi hỏi cơ chế tổ chức THPL phải được đặc biệt quan tâm và hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
Theo tinh thần đó và để nâng cao hiệu quả THPL, cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:
+ Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tổ chức thực hiện pháp luật: Bao gồm việc đổi mới hoạt động của Quốc hội; Tinh gọn bộ máy và kiện toàn tổ chức của Chính phủ; Đổi mới, tổ chức hợp lý mô hình chính quyền địa phương phù hợp thực tế…Tiếp tục kiện toàn và đổi mới về tổ chức, bộ máy, biên chế làm công tác tổ chức thi hành pháp luật.
+ Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật: Bao gồm việc hoàn thiện các quy định pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, gắn với quy định chặt chẽ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và mọi công dân trong việc thi hành pháp luật và theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình tổ chức THPL; khắc phục tình trạng chồng chéo giữa các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác tổ chức thi hành pháp luật gắn với xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về vị trí, vai trò của công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, từ đó tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của đội ngũ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực thi luật pháp.
+ Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, phát triển hệ thống thông tin pháp luật, trợ giúp pháp lý, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đối với hệ thống pháp luật. Nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, đánh giá tình hình THPL; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật…
+ Thông qua đào tạo, bồi dưỡng, học tập kinh nghiệm, cần nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác tổ chức thực hiện pháp luật có chuyên môn nghiệp vụ, có kỹ năng, bản lĩnh chính trị vững vàng và phẩm chất đạo đức tốt. Cần xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, xây dựng chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và dài hạn, nâng cao trình độ chuyên môn cho lực lượng cán bộ công chức làm công tác tổ chức thi hành pháp luật tại các bộ, ngành, địa phương. Nhà nước cần có những chính sách thỏa đáng về cơ chế, chế độ ưu tiên, thu hút đối với những người làm công tác tổ chức thi hành pháp luật, đồng thời, cần có sự đầu tư đầy đủ, toàn diện về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, tức là điều kiện cần và đủ trong tổ chức thi hành pháp luật, tạo ra môi trường thuận lợi trong việc triển khai hoạt động tổ chức thi hành pháp luật trong thực tiễn.
Ths. Nguyễn Văn Năm
(Đại học Kiên Giang)