Tăng cường kiểm soát các quy định thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật

Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) là công việc cần thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện thủ tục hành chính; đồng thời xem xét, đánh giá, theo dõi bảo đảm tính khả thi của quy định về TTHC, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện TTHC.

Kết quả đạt được

Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về Kiểm soát TTHC đã đưa ra khái niệm: “Kiểm soát thủ tục hành chính là việc xem xét, đánh giá, theo dõi nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định về thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện thủ tục hành chính".

Quá trình thực hiện kiểm soát TTHC được thực hiện theo các nguyên tắc quy định tại Điều 4 Nghị định 63/2010/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ (về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính). Các nguyên tắc đó bao gồm:

+ Kiểm soát TTHC phải bảo đảm thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, cải cách hành chính; bảo đảm điều phối, huy động sự tham gia tích cực, rộng rãi của tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào quá trình kiểm soát TTHC.

+ Kịp thời phát hiện để loại bỏ hoặc chỉnh sửa các TTHC không phù hợp, phức tạp, phiền hà; bổ sung TTHC cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tế; bảo đảm quy định thủ tục hành chính đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đối tượng và cơ quan thực hiện TTHC.

+ Kiểm soát TTHC được thực hiện ngay từ khi đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và được tiến hành thường xuyên, liên tục trong quá trình tổ chức thực hiện TTHC.

Thời gian qua, công tác kiểm soát TTHC đã được quan tâm và sâu sát hơn trong tổ chức thực hiện nên nhìn chung công tác này đã dần đi vào nền nếp, gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ cải cách hành chính, góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước của chính quyền các cấp trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức và cá nhân. Các cấp quản lý đã định hướng, cung cấp thông tin cơ bản về nghiệp vụ kiểm soát TTHC, về cách thức xử lý kiến nghị của cá nhân, tổ chức quy định về TTHC. Cùng với đó, đã từng bước loại bỏ những bất cập về TTHC cũng như tăng cường giám sát việc thực thi giải quyết TTHC, tạo sự chuyển biến tích cực nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước và cán bộ, công chức đối với công tác này; ngăn ngừa vi phạm đạo đức công vụ và thi hành công vụ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động thực thi công vụ. Những kết quả đạt được đã góp phần tích cực vào việc xây dựng mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với nhân dân, từng bước tuyên truyền và huy động sự tham gia có hiệu quả của nhân dân và xã hội vào hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước.

Khắc phục hạn chế

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, công tác kiểm soát TTHC vẫn còn những hạn chế và nhiều khi TTHC trên một số lĩnh vực vẫn còn là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Việc giải quyết thủ TTHC còn qua nhiều tầng nấc trung gian, gây chậm trễ, ách tắc trong thực hiện; công tác công khai, minh bạch thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng còn hạn chế. Công tác phát hiện, kiến nghị đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ những quy định, thủ tục hành chính không thật sự cần thiết, chưa hợp lý, gây cản trở hoạt động của tổ chức, công dân còn chậm. Việc tổ chức thực hiện thủ tục hành chính một số nơi chưa nghiêm, còn có hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, đặt thêm thủ tục ngoài quy định làm tăng thời gian, chi phí xã hội, giảm hiệu lực quản lý. Việc thực hiện kế hoạch rà soát TTHC, kiểm soát chất lượng hồ sơ TTHC đôi lúc chưa đúng tiến độ, chất lượng nội dung, thể thức hồ sơ TTHC của một số đơn vị chưa đạt yêu cầu…  

Nhằm tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác kiểm tra và cải cách TTHC, ngày 01 tháng 6 năm 2023 Thủ tướng Chính phủ đã ký Văn bản số 493/TTg-KSTT V/v cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, hiệu quả. Để phát huy những ưu điểm đạt được và khắc phục những hạn chế trong công tác kiểm soát TTHC, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hoạt động kiểm soát TTHC nhằm nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia tích cực của cán bộ, công chức; niêm yết công khai TTHC bằng các hình thức phù hợp để người dân và doanh nghiệp nắm bắt được quy trình khi thực hiện TTHC theo quy định. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng đối với công tác kiểm soát TTHC nhằm huy động đông đảo người dân và doanh nghiệp tham gia kiểm soát thủ tục hành chính. Nâng cao hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về sử dụng các ứng dụng để thực hiện các TTHC. Thực hiện nghiêm túc việc rà soát TTHC định kỳ đánh giá các quy định hành chính trên lĩnh vực mình đang thực hiện, qua đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung những vấn đề không còn phù hợp, đơn giản hóa hoặc loại bỏ những TTHC rườm rà, không cần thiết; giảm chi phí, rút ngắn thời gian giải quyết, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách TTHC; trong đó, tập trung vào trách nhiệm công khai TTHC, giải quyết TTHC cho người dân và tổ chức việc xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, tổ chức về TTHC. Các cấp, ngành tiếp tục xây dựng và hoàn thiện phần mềm đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, hướng tới sự tiện dụng cho người dân và doanh nghiệp. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử và xử lý công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhất là công chức trực tiếp làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả…

Kiểm soát TTHC và kiểm soát quyền lực có mối liên hệ khá chặt chẽ với nhau và nhằm ngăn chặn sự lạm quyền, tùy tiện trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong cơ quan hành chính nhà nước nói riêng và hệ thống chính trị nói chung. Chính vì vậy, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc; trên những căn cứ pháp lý và tình hình thực tiễn, đưa ra hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát TTHC, đẩy mạnh cải cách hành chính.  

Kiểm soát TTHC là nhiệm vụ quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu cải cách hành chính, cải cách TTHC; góp phần đem đến những tác động tích cực đối với người dân và doanh nghiệp cũng như góp phần gỡ bỏ những rào cản về thủ tục hành chính đối với đời sống người dân, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính./.

                                                                                  TS. Đỗ Nguyên Chương

 

...
  • Tags: