Tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa trên mạng xã hội hiện nay

Quản lý văn hóa trên không gian mạng nói chung, mạng xã hội nói riêng là việc làm cần thiết, cấp bách, vừa khai thác được những ưu thế vượt trội của mạng xã hội, vừa xây dựng được không gian văn hóa mạng an toàn, lành mạnh, thúc đẩy quá trình xây dựng và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam với tư cách là sức mạnh mềm của đất nước trong quá trình hội nhập.

Trên cơ sở phân tích tính hai mặt của mạng xã hội, bài viết luận giải sự cần thiết và đề xuất giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa trên mạng xã hội ở nước ta hiện nay.

Ảnh minh họa - Internet

1. Tính hai mặt của mạng xã hội dưới góc độ văn hóa

Mạng xã hội là một không gian mở, được hình thành trên các nền tảng trực tuyến. Ở đó, người dùng trên khắp thế giới có thể nhanh chóng kết nối, tương tác, sáng tạo và chia sẻ thông tin, bày tỏ quan điểm cá nhân nhằm thỏa mãn một nhu cầu nào đó hoặc hiện thực hóa những mục đích đã đề ra.

Với những tính năng nổi bật như chat, phim ảnh, chia sẻ dữ liệu và bình luận, mạng xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống, làm thay đổi hoàn toàn cách con người liên kết với nhau và trở thành thói quen hàng ngày cho hàng tỷ người dùng trên khắp thế giới. Theo Báo cáo kỹ thuật số toàn cầu năm 2021 của We Are Social và Hootsuite, số lượng người dùng mạng xã hội trên toàn thế giới đang có chiều hướng gia tăng, năm 2020 tăng 13,2%; đầu năm 2021 đạt gần 4,2 tỷ(1).

Năm 2021, Việt Nam có khoảng 72 triệu tài khoản mạng xã hội đang hoạt động (tăng 11% so với cùng kỳ 2020), tương đương với mức độ thâm nhập là 73,7%. Độ tuổi của người dùng từ 16 đến 64 tuổi là 65,9 triệu người. Mỗi ngày, người Việt dành trung bình 6 giờ 47 phút để sử dụng internet, trong đó thời gian dùng mạng xã hội để nhắn tin, kết nối, tương tác, làm việc là 2 giờ 21 phút. Các mạng xã hội trực tuyến phổ biến là YouTube (92%), Facebook (91,7%), Zalo, Messenger, Instagram và TikTok(2).

Thông tin trên mạng xã hội rất phong phú, đa dạng, từ nhiều nguồn, có tính mở rất cao và được cập nhật thường xuyên. Với lượng người dùng đông đảo, các thông tin được truyền tải rất nhanh, dễ tạo hiệu ứng xã hội theo chiều rộng, làm gia tăng đáng kể tốc độ truyền thông, hỗ trợ liên lạc giữa con người trên khắp thế giới mà không cần lo ngại về khoảng cách địa lý, chi phí di chuyển. Trên nền tảng các mạng xã hội, người dùng có thể thông báo, nhận thông báo về các hoạt động, sự kiện, từ đó tăng cơ hội giao lưu, học tập và kết nối giữa những nhóm người có chung mối quan tâm hoặc cùng lĩnh vực hoạt động.

Thông qua mạng xã hội, người dùng có thể học tập, rèn luyện, phát triển các kỹ năng của bản thân nhờ tiếp cận được các dịch vụ như giảng dạy, huấn luyện kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp, tâm lý, thể dục thể thao... với mức học phí rẻ, thậm chí miễn phí. Nhờ mạng xã hội, người dùng có nhiều lựa chọn hơn cho bản thân, cá nhân hóa hoạt động học tập, góp phần hình thành kỹ năng học tập suốt đời.

Chỉ với một trong các thiết bị có kết nối internet, mọi người có thể “hòa quyện” vào thế giới thông tin trên các nền tảng mạng xã hội, mỗi người có thể trở thành “phóng viên”, “biên tập viên” đưa tin về các sự kiện xảy ra xung quanh mình hoặc bất kỳ nơi nào, có thể trở thành một chủ thể, một mắt xích của mạng xã hội, góp phần chuyển tải thông tin kịp thời đến nhiều người dùng(3).

Thông qua việc đăng tải, bình luận, chia sẻ các bài viết, hình ảnh... trên mạng xã hội mà người dùng trực tiếp hoặc gián tiếp thể hiện quan điểm, xu hướng của bản thân. Người dùng bày tỏ ý kiến của mình về các vấn đề của xã hội như đồng tình, phản biện, góp ý, bày tỏ cảm xúc, tâm trạng, ý kiến của bản thân...

Hành vi của người dùng trên mạng xã hội cho thấy xu hướng tình cảm, thói quen, phong tục, tập quán, nguyện vọng của các cộng đồng dân cư. Điều này giúp các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được tâm lý người dân, là nguồn thông tin cho việc xây dựng, điều chỉnh, ban hành, thực thi chính sách liên quan.

Cùng với cập nhật tin tức, khai thác, lan tỏa thông tin, mạng xã hội giúp người dùng kết nối, giao lưu, mở rộng các mối quan hệ xã hội và xây dựng hình ảnh cá nhân, phát triển kinh doanh. Số liệu từ Báo cáo Digital 2021: Việt Nam cũng cho thấy, cùng với thương mại điện tử, mạng xã hội là một trong hai lĩnh vực có nhiều chuyển biến tích cực nhất(4).

Mặt khác, mạng xã hội cho phép người dùng đăng ký ẩn danh, các thông tin cá nhân không cần xác thực. Nó tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân có động cơ xấu lợi dụng môi trường mạng xã hội để xuyên tạc, vu khống, phát tán những thông tin xấu, độc, dẫn dắt dư luận cổ xuý cho những hành vi lệch lạc với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, và thực hiện hành vi tội phạm. Trong khi đó, việc xác định chủ thể thực hiện các hành vi sai trái trên mạng xã hội là rất khó khăn bởi mạng xã hội là môi trường mang tính toàn cầu, cần sự hỗ trợ, hợp tác giữa các quốc gia. Tuy nhiên, hành lang pháp lý, thể chế giữa các nước lại không giống nhau.

Dưới góc độ truyền thông, mạng xã hội cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Với lượng thông tin khổng lồ, cập nhật thường xuyên, việc xác định thông tin “sạch” là điều không dễ dàng. Bên cạnh những thông tin hay, bổ ích, đúng sự thật thì nạn tin giả (fake news) cũng rất nhiều và được người dùng mạng xã hội - với động cơ, mục đích, mức độ hiểu biết khác nhau - phát tán, gây nguy hại cho nhiều người. Trong một số trường hợp, người tiếp nhận loại thông tin này nếu không thẩm định rõ ràng, không thận trọng, có thể bị ảnh hưởng dẫn đến hoang mang, dao động về nhận thức, tư tưởng. Xa hơn, có thể dẫn đến bị lợi dụng, lôi kéo, gây ra những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội. Bằng các chiêu trò khác nhau, các đối tượng còn đánh cắp thông tin và chiếm quyền sử dụng tài khoản của người khác. Từ đó, thực hiện hành vi phạm pháp, như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tiết lộ bí mật và thông tin cá nhân của người khác.

Thực tế cho thấy, nhiều cá nhân lợi dụng sự ảnh hưởng, sự “nổi tiếng” của mình trên mạng xã hội để dẫn dắt số đông, hình thành xu hướng sống “ảo”, cổ xúy những giá trị “ảo” mà bỏ qua các giá trị thực tế như kiến thức, kỹ năng, các mối quan hệ ngoài đời thực, các giá trị mang tính chuẩn mực trong xã hội... Ngoài ra, vì có thể ẩn danh tính, nên người dùng mạng xã hội cũng có thói quen xấu là a dua, thích thóa mạ, sỉ nhục người khác trên mạng xã hội. Những ý kiến trái chiều, thay vì phản biện, thì người dùng mạng xã hội lại quay sang công kích cá nhân bằng cách lập ra hàng loạt hội nhóm để chống đối, “đánh hội đồng” trên mạng xã hội. Những suy nghĩ, hành vi lệch lạc đó nếu không được chấn chỉnh sẽ trở thành thói quen trong tư duy và hành động của một bộ phận cư dân, nhóm xã hội, đặc biệt là thanh thiếu niên, dẫn tới những hệ lụy khó lường.

2. Sự cần thiết tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa trên mạng xã hội

Ở nước ta hiện nay, tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa trên mạng xã hội là vấn đề cần thiết, xuất phát từ những yêu cầu sau đây:

Thứ nhất, xuất phát từ mục tiêu xây dựng con người Việt Nam “phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”(5). Về bản chất, văn hóa là những hoạt động sáng tạo của con người hướng tới những giá trị nhân văn, nhân bản, là khát vọng hướng tới chân, thiện, mỹ nhằm hoàn thiện con người, hoàn thiện xã hội. Nói tới văn hóa là nói tới con người, phát huy vai trò của văn hóa trong phát triển chính là phát huy những năng lực, bản chất của con người. “Phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới”(6). Văn hóa bộc lộ sức mạnh bản chất của con người. Con người sáng tạo ra văn hóa, cũng chính là sáng tạo ra thế giới tự nhiên thứ hai, là nhân đôi mình lên. Đến lượt nó, văn hóa góp phần “sáng tạo ra con người” với nghĩa là làm phong phú tính người, phát triển và hoàn thiện nhân cách. Trong bối cảnh hiện nay, sẽ không thể nào đạt được mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam nếu sự phát triển trên phương diện văn hóa có những khiếm khuyết, lệch chuẩn của con người khi ứng xử trên mạng xã hội. Vì vậy, tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa trên mạng xã hội sẽ góp phần định hướng hành vi của người dùng mạng xã hội theo hướng tích cực, đúng mục tiêu phát triển con người đã đề ra.

Thứ hai, xuất phát từ vị trí và vai trò của văn hóa. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã chứng minh vai trò, sức mạnh của văn hóa “soi đường cho quốc dân đi”, soi đường cho sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Vì vậy, để phát huy vai trò nền tảng, sức mạnh nội sinh của văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế, bên cạnh việc mở rộng không gian văn hóa phục vụ cho sự phát triển con người, cần phải tăng cường sự quản lý của Nhà nước ở tất cả các không gian đó, để định hướng hành vi của các chủ thể sáng tạo văn hóa vào quỹ đạo chân - thiện - mỹ. Quản lý nhà nước về văn hóa trên mạng xã hội là một hợp phần không thể thiếu trong công tác quản lý nhà nước về văn hóa nói chung.

Trong thế giới “phẳng”, văn hóa là sức mạnh mềm của dân tộc, “là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(7). Sức mạnh mềm văn hóa là một thành tố quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp của quốc gia, nó đặc biệt có ý nghĩa trong quan hệ quốc tế. Sức mạnh mềm của văn hóa thể hiện ở bản sắc dân tộc, chủ quyền văn hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia trên trường quốc tế.

Giá trị văn hóa bền vững nhất, tạo nên sức mạnh tinh thần tuyệt đối của dân tộc Việt Nam là “yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”(8). Nó vừa thể hiện trình độ người trong phát triển, vừa là tấm căn cước của người Việt Nam trên con đường hội nhập. Những hành vi vu khống, bịa đặt, bóp méo sự thật, tôn sùng những giá trị ảo, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, công kích, vi phạm pháp luật, cổ xúy lối sống hưởng thụ, thực dụng... trên không gian mạng xã hội là những hành vi hoàn toàn xa lạ với những giá trị văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam.

Vì vậy, coi mạng xã hội là không gian sinh hoạt văn hóa, là thành tựu của khoa học công nghệ, cần phải thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ, tăng cường sự quản lý của Nhà nước để các hoạt động văn hóa trên mạng xã hội đi vào khuôn khổ, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, mang lại những lợi ích cho đất nước, cũng là để mạng xã hội trở thành không gian sáng tạo văn hóa lành mạnh.

Thứ ba, xuất phát từ yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa nói chung, văn hóa trên không gian mạng xã hội nói riêng. Thời gian qua, công tác quản lý văn hóa trên mạng xã hội đã đạt được những thành tựu nhất định, các cơ quan có thẩm quyền đã nghiên cứu, xây dựng, ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, các văn bản quy phạm pháp luật quy định hành vi ứng xử trên mạng xã hội đối với các bên liên quan... Nó là chiếc “áo giáp” để phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi sử dụng mạng xã hội vô văn hóa, đưa họ trở về với “con người” đúng nghĩa, tạo ra sự bình đẳng cho số đông.

Tuy nhiên, việc triển khai Bộ Quy tắc đòi hỏi phải có thời gian và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có thẩm quyền, ý thức tự giác chấp hành của người sử dụng mạng xã hội,... để thật sự hiệu quả. Báo cáo chỉ số văn minh trên không gian mạng (Digital Civility Index) đã xếp Việt Nam trong nhóm những quốc gia có mức độ văn minh trên không gian mạng thấp (78%)(9). Năm 2021, chỉ số này có sự cải thiện đáng kể (72%) trong bối cảnh đại dịch Covid-19(10), nhưng vẫn còn kém hơn nhiều so với trung bình khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Người dùng hàng ngày vẫn đang phải đối mặt với những rủi ro và những hành vi thiếu văn minh, an toàn trên môi trường mạng nói chung, mạng xã hội nói riêng. Những hạn chế này là một trong những nguyên nhân khiến “Môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh”(11).

3. Giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa trên mạng xã hội ở nước ta hiện nay

Sự phát triển bền vững của đất nước gồm các trụ cột cơ bản: bền vững về kinh tế; bền vững về chính trị - xã hội; bền vững về môi trường và bền vững về văn hóa. Để tiếp tục đưa văn hóa thấm sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội, phát huy tối đa vai trò nền tảng tinh thần, trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước, đồng thời, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, công tác quản lý văn hóa cần có những giải pháp quyết liệt, mang tính đổi mới căn bản và toàn diện. Đó là:

Thứ nhất, quán triệt tư tưởng chỉ đạo, thể chế hóa nội dung của Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện pháp luật về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam cũng như các văn bản về quản lý văn hóa nói chung, trên không gian mạng nói riêng. Tăng cường giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về văn hóa và quản lý văn hóa.

Thứ hai, trong nhà nước pháp quyền, mọi hành vi trong xã hội, bao gồm cả hành vi trên mạng xã hội, đều phải được điều chỉnh bởi pháp luật. Do đó, phải thực thi hiệu quả hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành, như Luật Công nghệ thông tin năm 2006; Luật An toàn thông tin mạng năm 2016; Luật An ninh mạng năm 2018 và các luật về giáo dục, báo chí, xuất bản... cũng như hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành. Xây dựng chế tài đối với mạng xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ cho người sử dụng tại Việt Nam. Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển các mạng xã hội do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp, có khả năng thay thế hoặc cạnh tranh được với các mạng xã hội nước ngoài.

Thứ ba, nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền về văn hóa khi sử dụng mạng xã hội. Các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cần quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ, giám sát các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Tích cực tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống gắn với giáo dục các kỹ năng xã hội, đặc biệt là kỹ năng ứng xử, tư duy phản biện trên không gian mạng xã hội cho các tầng lớp nhân dân nói chung, thanh thiếu niên nói riêng. Xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật, xây dựng môi trường và đời sống văn hóa dân chủ, lành mạnh, phong phú.

Thứ tư, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, trong đó chú trọng các kỹ năng nghiên cứu, nắm bắt, phân tích, dự báo xu hướng vận động của dư luận xã hội để có giải pháp định hướng dư luận phù hợp và kịp thời.

Thứ năm, phát huy vai trò của cộng đồng người dùng mạng xã hội trong việc phát hiện, báo cáo, phản biện các thông tin lệch chuẩn, hành vi sai trái trên mạng xã hội. Mỗi người phải ý thức sâu sắc về trách nhiệm, quyền hạn của mình khi tham gia mạng xã hội. Đó là, cần nghiên cứu, thẩm định thông tin kỹ lưỡng trước khi bày tỏ quan điểm cá nhân trên mạng xã hội; tích cực lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội, gương người tốt việc tốt trong đời sống thực lên mạng xã hội.

Để xây dựng một không gian mạng xã hội có văn hóa, người sử dụng mạng xã hội phải là người có văn hóa. Do đó, cần phải có sự chung tay của gia đình, nhà trường và các đoàn thể trong công tác giáo dục thanh thiếu niên, không chỉ là cung cấp tri thức, mà còn trang bị kỹ năng, hình thành nhân cách, định hướng các giá trị sống cho giới trẻ, giúp họ có “bộ lọc” văn hóa khi tham gia môi trường mạng xã hội. Đây là giải pháp căn cơ, cần được thực hiện thường xuyên, đồng bộ, và phải qua quá trình lâu dài mới có thể thấy hiệu quả.

Thứ sáu, tăng cường các biện pháp kỹ thuật. Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật ở nước ta đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, các chế tài hiện có chưa thực sự đủ sức răn đe, điều chỉnh những vấn đề đã và đang phát sinh, việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế, lọc bỏ, ngăn chặn những thông tin độc hại, những hành vi thiếu văn hóa, vi phạm pháp luật, trái với đạo đức xã hội là cần thiết.

Như vậy, tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa trên mạng xã hội cần có một hệ thống các giải pháp đồng bộ, vừa phát huy vai trò của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sức mạnh và sự nghiêm minh của luật pháp, vừa huy động sự chung tay của toàn xã hội và ý thức tự giác của mỗi người dùng.

TS. NGÔ THỊ HUYỀN

Trường Đại học Lạc Hồng

__________________

(1) We Are Social & Hootsuite: Digital 2021 Global Overview Report, https://datareportal.com/reports/digital-2021-global-overview-report, truy cập tháng 6-2021.

(2), (4) We Are Social & Hootsuite: Digital 2021: Vietnam,  https://datareportal.com/reports/digital-2021-vietnam, 2021, truy cập tháng 6-2021.

(3) Xem Lê Quang Tự Do: Công tác quản lý mạng xã hội trong tình hình mới, http://tapchimattran.vn, 2017, truy cập tháng 6-2021.

(5), (8) Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn, truy cập tháng 6-2021.

(6) Tổng Bí thư Nguyễn phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, https://vtv.vn, truy cập tháng 6-2021.

(7), (11) Xem Kết luận số 76/KL/TW ngày 4-6-2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

(9) Microsoft: “Civility, Safety & Interaction Online 2020: The rising tide of incivility”, https://www.microsoft.com/en-us/online-safety/digital-civility?activetab=dci_reports:primaryr4, truy cập tháng 6-2021.

(10) Microsoft: “Civility, safety & interaction online: Vietnam”, https://www.microsoft.com/en-us/online-safety/digital-civility?activetab=dci_reports:primaryr3, truy cập tháng 6-2021. 

...
  • Tags: