Tại Khánh Hòa, Tổng cục Hải quan vừa phối hợp với Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc tế (INCB) của Liên Hợp Quốc tổ chức khóa đào tạo hướng dẫn sử dụng Hệ thống trao đổi thông tin về các vụ việc liên quan đến các chất nguy hiểm (IONICS) và Hệ thống trao đổi thông tin về các vụ việc liên quan đến tiền chất (PICS).
Các học viên tham dự khóa đào tạo hướng dẫn sử dụng Hệ thống IONICS và Hệ thống PICS
Chương trình nằm trong khuôn khổ hợp tác của cơ quan Hải quan Việt Nam với INCB, có sự tham gia của lực lượng kiểm soát, phòng chống ma túy thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và Cục Hải quan các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đắk Lắk, Tây Ninh và Đồng Tháp.
Hệ thống IONICS và PICS là 2 hệ thống do INCB xây dựng nhằm mục đích hỗ trợ cơ quan liên quan của các quốc gia tham gia trao đổi, tiếp nhận và chia sẻ thông tin nghiệp vụ cảnh báo về các loại chất gây nghiện mới và tiền chất nhằm hỗ trợ công tác kiểm soát các chất nguy hiểm này ở phạm vi toàn cầu.
Mục đích của khóa tập huấn là nhằm hướng dẫn lực lượng hải quan chuyên trách kiểm soát, phòng, chống ma túy tiếp cận và khai thác hệ thống như một công cụ hỗ trợ kiểm soát các chất gây nghiện và các chất nguy hiểm mới nổi.
Phát biểu tại khóa đào tạo, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Văn Hoàn nhấn mạnh, việc tích cực sử dụng, khai thác các công cụ, nền tảng liên lạc trực tuyến, tham gia các khóa đào tạo, các buổi hội thảo và trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong khuôn khổ hoạt động của các dự án nói trên đã giúp Cục tăng cường công tác thu thập, nắm bắt, trao đổi nhiều thông tin nghiệp vụ hữu ích, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tham mưu cho lãnh đạo các cấp, công tác cảnh báo, hướng dẫn và hỗ trợ xác minh, điều tra trong lĩnh vực phòng, chống ma túy của ngành hải quan.
Thời gian qua, Cục Điều tra chống buôn lậu là đầu mối của Hải quan Việt Nam đã chủ trì điều phối về mặt nghiệp vụ và tham gia tích cực vào một số dự án của INCB như dự án ION, OPIOIDS, GRIDS nhằm tăng cường hợp tác, trao đổi giữa cơ quan chức năng của các quốc gia trên toàn cầu thông qua chia sẻ, trao đổi thông tin; hỗ trợ, trao đổi kỹ thuật; đào tạo về kỹ năng phát hiện, ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép các chất ma túy, tiền chất, các chất hướng thần mới.
Theo Tổng cục Hải quan, công tác kiểm soát tiền chất ở khâu xuất, nhập khẩu luôn được ngành hải quan chú trọng và quản lý chặt chẽ. Tổng cục Hải quan đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan tăng cường thực hiện việc kiểm soát nguồn tiền chất sau khi nhập khẩu, sử dụng trên thị trường hoặc xuất khẩu đi các nước khác, từ đó đã góp phần ngăn chặn được việc sử dụng bất hợp pháp tiền chất vào sản xuất ma túy tại Việt Nam.
Tổng cục Hải quan cũng chủ động trong công tác thống kê, rà soát, kiểm tra và phối hợp trao đổi thông tin nhằm kiểm soát hiệu quả các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
Đào tạo là một trong những công tác được Tổng cục Hải quan chú ý tăng cường. Đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng, chống ma túy được quan tâm, chú trọng tập huấn, đào tạo nâng cao nghiệp vụ về tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần. Vì vậy, hiệu quả công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trong toàn ngành cũng được khẳng định rõ rệt qua các kế hoạch kiểm tra, số vụ xử phạt hành chính và số tiền phạt nộp ngân sách Nhà nước về kiểm soát tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần.
Tính từ năm 2011 đến năm 2020, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Y tế tổ chức 35 lớp tập huấn về công tác kiểm soát tiền chất cho các đối tượng là lực lượng chuyên trách kiểm soát ma túy, lãnh đạo các Chi cục Hải quan, lãnh đạo các tổ, đội và công chức thực hiện thủ tục hải quan tại các Chi cục Hải quan trong cả nước. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng đã chọn cử nhiều lượt cán bộ tham gia giảng dạy, trao đổi nghiệp vụ hải quan trong lĩnh vực kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy tại các lớp tập huấn do các bộ, ngành tổ chức.