Tập trung xây dựng lộ trình cải cách chính sách tiền lương

Năm 2023, Bộ Nội vụ sẽ tập trung thực hiện "Ba đột phá" và "Bốn trọng tâm". Đồng thời phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương sớm hoàn thành việc xác định vị trí việc làm và mô tả khung năng lực vị trí việc làm. Tiến hành xây dựng lộ trình cho cải cách chính sách tiền lương từ năm 2024 trở đi.

Bộ Nội vụ tập trung thực hiện "Ba đột phá" và "Bốn trọng tâm"

Phát biểu tại buổi gặp mặt đầu xuân 2023 với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khối cơ quan Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ Nội vụ bắt tay triển khai công việc ngay từ những ngày đầu năm mới, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Chính phủ giao.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, trong năm 2023, khối lượng công việc và nhiệm vụ của Bộ Nội vụ và ngành Nội vụ được giao là lớn và nặng nề. 

Vì vậy, toàn thể lãnh đạo Bộ, lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ ngoài các nhiệm vụ thường xuyên cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao với yêu cầu đạt hiệu quả cao nhất.

Theo đó, Bộ Nội vụ cần tập trung vào "Ba đột phá" và "Bốn trọng tâm". Trong đó "Ba đột phá" là: Tập trung hoàn thiện thể chế; Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy, nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế; Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

"Bốn trọng tâm" là: Công vụ, công chức; Cải cách hành chính; Thanh tra, pháp chế; Thực hiện cho bằng được và hiệu quả công tác chuyển đổi số của Bộ Nội vụ để đem lại thành công chung cho Bộ, ngành Nội vụ.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Tập trung thực hiện "Ba đột phá" và "Bốn trọng tâm". Tiến hành xây dựng lộ trình cho cải cách chính sách tiền lương từ năm 2024 trở đi.

Khẩn trương sửa đổi quy định về cán bộ cấp xã

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ cần chú ý, tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện sớm, hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng được giao.

Thứ nhất, công việc ưu tiên hàng đầu là trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội bộ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này, đồng thời báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết để triển khai thực hiện.

Cùng với việc này, Bộ Nội vụ khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi một cách toàn diện thay thế Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

Đồng thời, khẩn trương ban hành bộ cơ chế, chính sách cho việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư khi thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính nhằm khuyến khích, thúc đẩy phát triển chuyển đổi số theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số quốc gia.

Xây dựng lộ trình cải cách tiền lương

Thứ hai, tập trung thúc đẩy cải cách hành chính, trong đó có nhiều nhiệm vụ cần triển khai, đồng thời sớm tổ chức công bố Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước vào cuối Quý I/2023.

Thứ ba, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương sớm hoàn thành việc xác định vị trí việc làm và mô tả khung năng lực vị trí việc làm. 

Thứ tư, xây dựng lộ trình cải cách chính sách tiền lương từ năm 2024 trở đi.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà mong muốn, trong năm 2023, với nhiệm vụ, trọng trách được giao trước Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự nỗ lực của toàn ngành Nội vụ phát huy truyền thống tốt đẹp của Bộ Nội vụ trong 78 năm xây dựng và trưởng thành, với những thành tựu đã đạt được trong năm 2022 và tinh thần của năm mới, khí thế mới, thắng lợi mới, Bộ Nội vụ và toàn ngành Nội vụ sẽ đạt nhiều thành công và đem đến vinh dự mới, thắng lợi mới, hi vọng mới, dấu ấn ý nghĩa trong năm Quý Mão 2023./.

PV Theo Cổng TTĐT Chính Phủ
  • Tags: