Thạch Thành: Coi việc đầu tư xử lí rác thải là vấn đề cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới

Những năm qua, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đã tập trung nhiều nguồn lực, tìm kiếm nhiều giải pháp nhằm hiện thực hóa chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng đầu tư cho việc xử lí rác thải sinh hoạt nhằm xây dựng nông thôn mới một cách bền vững.
Công đoạn phun ủ men vi sinh xử lí mùi và nước rỉ.

Việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại cho công tác xử lí rác thải sinh hoạt là vấn đề tốn kém, gian nan và phải làm thường xuyên, liên tục tại các địa phương. Từ năm 2014 huyện Thạch Thành đầu tư 2 lò đốt mi ni theo công nghệ Nhật Bản. Quy trình của lò đốt là rác thải được thu gom tập kết tại bãi, sau khi phơi khô thì cho vào lò đốt. Theo thời gian lò đốt dần xuống cấp, mái che hỏng, quá trình vận hành không đạt được khối lượng rác thải lớn như mong muốn. Trong suốt thời gian dài, 2 lò đốt chỉ phục vụ cho Thị trấn Kim Tân cũng đã quá tải, nay thị trấn được sáp nhập thêm xã Thành Kim nên lượng rác nhiều lên theo tỉ lệ dân cư, 2 lò đốt càng không thể xử lí khối lượng rác ngày một khổng lồ.

Trước thực trạng trên, huyện Thạch Thành đã xây dựng kế hoạch và định hướng để Công ty cổ phần giao thông Thạch Thành và Công ty cổ phần xây dựng và môi trường DSM phối hợp thực hành thí điểm ứng dụng xử lý rác thải bằng công nghệ sinh học cải tiến công đoạn ủ và phân loại tự động tại bãi rác Đồi Cà, xã Thành Thọ. Thời gian xử lí thí điểm 05 tháng từ tháng 7/2023 đến hết tháng 12/2023.

Theo đó, Công ty cổ phần xây dựng và môi trường DSM đã tiến hành ủ rác tươi tại bãi rác Đồi Cà, xã Thành Thọ từ ngày 04/8/2023 đến ngày 15/10/2023 với tổng khối lượng tại bãi vào khoảng 2.160 m3. Mỗi ngày công ty tiến hành phun ủ 30m3 và sau 72 ngày, toàn bộ khối lượng (2.160 m3) được ủ đúng theo quy trình kỹ thuật đơn vị cam kết, rác không còn mùi hôi, thối, rác trong đống ủ không có côn trùng gây hại, ruồi, muỗi, không có nước rỉ rác ứ đọng. Công ty cũng đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ và hơp tác đầu tư với Công ty TNHH Khoa học Công nghệ môi trường Việt Nam chế tạo và cung cấp một tổ hợp thiết bị phân loại rác thải điều khiển từ xa, để tách lọc mùn hữu cơ cùng các thành phần có thể thu hồi tái chế và làm nhiên liệu đốt. Tổ hợp thiết bị phân loại rác thải điều khiển từ xa là một tổ thiết bị tự động có công suất từ 100 đến 150 tấn ngày, được chế tạo theo sáng chế độc quyền duy nhất tại Việt Nam. Sáng chế này đã được tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới định giá 12,24 triệu USD.

Dây chuyền công nghệ phân tách rác thải.

Với công nghệ này, rác thải được phân loại thành 3 nhóm rác chủ yếu: nhóm rác vô cơ là loại rác khó phân hủy, không thể tái sử dụng (đồ thủy tinh, sành sứ, cao su, gạch đá, túi nilon, băng keo…), nhóm rác hữu cơ là loại rác thải dễ phân hủy (thức ăn thừa, rau, củ, quả thối bỏ đi, lá cây, thân cây, hoa, xác động vật…), và nhóm rác thải tái chế là rác khó phân hủy nhưng vẫn có thể đưa vào sản xuất, tái chế để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt (giấy thải, vỏ hộp, vỏ lon, vỏ chai nhựa, ghế nhựa, quần áo chăn gối cũ…). Thông qua quy trình phân tách rác thải sẽ được xử lí theo tính năng mỗi nhóm. Đối với rác thải vô cơ sẽ tiến hành đốt hoặc chôn lấp. Đối với rác thải hữu cơ sẽ tiến hành nghiền thành mùn phục vụ cho sản xuất phân bón. Đỗi với rác tái chế sẽ tiến hành tái chế ra các sản phẩm khác phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Với dây chuyền công nghệ phân tách rác thải cùng với men vi sinh phun ủ tăng nhiệt sẽ giúp giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường tại các bãi tập kết rác đồng thời tạo được lợi ích kép khi tái chế rác thải đem lại giá trị kinh tế cao. 

Trên cơ sở kết quả thu được qua thời gian thí điểm, từ đầu năm 2024 nhà máy xử lí rác thải do Công ty Cổ phần Xây Dựng và Môi trường DSM hợp tác với huyện Thạch Thành sẽ được cụ thể hóa đi vào hoạt động. Theo lộ trình, giai đoạn đầu sẽ xử lí cho 03 đơn vị gồm Thị trấn Kim Tân, xã Thành Hưng và xã Thành Thọ. Sau đó mở rộng thu gom ra toàn huyện. Phấn đấu đến hết 31/12/2024 sẽ thu gom toàn bộ huyện Thạch Thành.

Mọi kế hoạch nếu đạt được như kịch bản thì Thạch Thành sẽ là huyện tiên phong cùng với huyện Thường Xuân trong công tác đầu tư cho việc xử lí rác thải sinh hoạt một cách bài bản, hiệu quả theo công nghệ mới và sẽ là tấm gương cho các đơn vị khác tham khảo, học hỏi và đầu tư nhằm đưa giá trị đích thực của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất./.

Ngọc Thể 

...
  • Tags: