Thách thức và giải pháp bảo đảm an ninh môi trường ở Việt Nam

Môi trường đóng là nền tảng bảo đảm sự sống của con người và mọi giống loài khác trên trái đất, đồng thời, mang đến cho con người những tài nguyên để phát triển.
Ảnh minh họa - Internet

Những thách thức nổi bật về an ninh môi trường ở Việt Nam

C.Mác đã khẳng định: “Con người sống bằng giới tự nhiên. Như thế nghĩa là giới tự nhiên là thân thể của con người,... con người là một bộ phận của tự nhiên” và “Công nhân không thể tạo ra cái gì khác nếu không có giới tự nhiên, nếu không có thế giới hữu hình bên ngoài. Đó là vật liệu, trong đó lao động của anh ta triển khai, từ đó và nhờ đó, lao động của anh ta sản xuất ra sản phẩm”.

Vấn đề an ninh môi trường lần đầu tiên được nêu ra tại Hội nghị Liên hiệp quốc về môi trường và con người năm 1972. Năm 1991, Tổng thống Bush thừa nhận an ninh môi trường là một bộ phận cấu thành của an ninh quốc gia. Năm 1992, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã dẫn giải cụ thẻ hơn về an ninh môi trường “Sự khan hiếm các tài nguyên thiên nhiên, suy thoái và ô nhiễm môi trường và những hiểm họa có thể gây suy yếu nền kinh tế, gia tăng đói nghèo, gia tăng bất ổn chính trị, thậm chí trở thành ngòi nổ cho các cuộc xung đột và chiến tranh”. Báo cáo Thiên niên kỷ do Hội đồng châu Mỹ của Liên Hợp quốc xác định: an ninh môi trường là việc đảm bảo an toàn trước các mối nguy hiểm môi trường sinh ra do sự yếu kém trong quản lý hoặc thiết kế và có nguyên nhân trong nước hay xuyên quốc gia. Xâm phạm an ninh môi trường được coi là một kiểu diễn biến hòa bình.

Theo báo cáo “Phát triển con người” năm 1994 của Liên hợp quốc, an ninh phi truyền thống bao gồm 7 lĩnh vực là: kinh tế, lương thực, sức khỏe, môi trường, con người, cộng đồng và chính trị. Biểu hiện của môi trường bị mất an ninh là: cạn kiệt tài nguyên, thiên tai thường xuyên, thiên nhiên suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, suy giảm tầng ôzôn, biến đổi các chu trình sinh -địa, suy giảm đa dạng sinh học... Mất an ninh môi trường sẽ gây suy yếu nền kinh tế, gia tăng đói nghèo, bất ổn xã hội và chính trị, trở thành ngòi nổ cho các cuộc xung đột, chiến tranh và thậm chí hủy diệt loài người.

Như vậy, có thể hiểu an ninh môi trường thuộc lĩnh vực an ninh phi truyền thống và là trạng thái hệ thống các yếu tố cấu thành môi trường cân bằng để bảo đảm điều kiện sống và phát triển của con người và các loài sinh vật trong hệ thống đó, bảo đảm không có tác động lớn của môi trường đến sự ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế của quốc gia..

An ninh môi trường của Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục bị đe dọa nghiêm trọng do đối diện với hầu hết các thách thức an ninh môi trường từ ô nhiễm đất, nước, không khí, các khu dân cư, khu công nghiệp, làng nghề, từ thành thị đến nông thôn, gia tăng ngập úng, lở đất, sụt lún nền và suy giảm đa dạng sinh học…

Cả ba loại ô nhiễm đất, nước và không khí đều đang vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép ở các đô thị lớn, khu công nghiệp và làng nghề.

Theo khảo sát mới đây của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam xếp thứ 79/132 quốc gia được khảo sát về Chỉ số hiệu quả môi trường (EPI), xếp thứ 123 về ảnh hưởng của chất lượng không khí, xếp thứ 80 về chất lượng nước và xếp thứ 77 về ảnh hưởng của môi trường đến sức khỏe. Theo ước tính của “Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường”, tổng thiệt hại kinh tế của nước ta do ô nhiễm môi trường gây ra trong thời gian qua chiếm từ 1,5 - 3% GDP.

Theo Báo cáo tổng kết của Cục Cảnh sát môi trường năm 2020, cả nước hiện có hơn 370 khu công nghiệp, hàng trăm cụm công nghiệp nhỏ và khoảng hơn 2.000 làng nghề rải rác ở nhiều địa phương. Tuy nhiên có đến 70% khu công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn; hơn 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không xử lý nước thải; hơn 4.500 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; khoảng 55 - 70% số doanh nghiệp không chấp hành quy định về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường; 98% doanh nghiệp có hành vi vi phạm về xả nước thải không đạt chuẩn môi trường; 100% doanh nghiệp thải khí không có thiết bị xử lý chất độc hại. Ngoài ra, các vi phạm thuộc các lĩnh vực khác như vi phạm các quy định về phòng ngừa sự cố môi trường, hủy hoại môi trường, hủy hoại nguồn lợi thủy sản, vi phạm các quy định về bảo vệ động vật danh mục loài nguy cấp quý hiếm cần bảo vệ... cũng diễn ra phức tạp và không có xu hướng giảm.

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt trung bình ở khu vực nội đô giai đoạn vừa qua đạt khoảng 84% - 85%; khu vực nông thôn đạt khoảng 40% - 55%; vùng sâu, vùng xa chỉ đạt khoảng 10%. Tổng lượng chất thải nguy hại phát sinh trên toàn quốc hiện nay khoảng 800.000 tấn/năm, lượng chất thải nguy hại phát sinh trong sản xuất công nghiệp được thu gom, xử lý mới chỉ đạt con số 40%, chất thải nguy hại do y tế đạt 80% gây nguy cơ tiềm ẩn đối với môi trường ở nước ta.

Báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, nguồn chất thải vào môi trường từ trồng trọt và chăn nuôi đang có xu hướng gia tăng. Hiện cả nước có 16.700 trang trại chăn nuôi, tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng (45%) và Đông Nam bộ (13%), với tổng đàn gia súc 37,8 triệu con và trên 214 triệu con gia cầm.. Sô rác thải này cộng với lượng chất thải từ sản xuất nông nghiệp đã khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn ngày càng trở nên đáng lo ngại.

Theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam, tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề đang ở mức báo động, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân. Cụ thể, có tới 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm nặng, 27% làng nghề ô nhiễm vừa. Trong đó, hàm lượng các chất ô nhiễm theo các chỉ số COD, BOD5 hay tổng số vi khuẩn coliform trong nước thải làng nghề đều vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần, một số nơi lên đến hàng nghìn lần. Không những thế, hầu hết các làng nghề đều có hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép, nồng độ khí SO2 tại các làng nghề cao hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn.

Một khảo sát mới đây của Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) và Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, 100% mẫu nước thải ở các làng nghề đều cho thông số ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép. Riêng Hà Nội, khảo sát tại 40 xã cho kết quả khoảng 60% số xã bị ô nhiễm nặng từ các hoạt động sản xuất. Ở các làng tái chế kim loại, khí độc không qua xử lý đã thải trực tiếp vào không khí như ở làng nghề tái chế chì Đông Mai (Hưng Yên), nồng độ chì vượt quá 2.600 lần tiêu chuẩn cho phép. Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động gần đây cho biết, trong các làng nghề, những bệnh mắc nhiều nhất là bệnh liên quan đến hô hấp như viêm họng chiếm 30,56%, viêm phế quản 25% hay đau dây thần kinh chiếm 9,72%.

Tại làng nghề tái chế chì Đông Mai, tỷ lệ người dân mắc bệnh về thần kinh chiếm khoảng 71%, bệnh về đường hô hấp chiếm khoảng 65,6% và bị chứng hồng cầu giảm chiếm 19,4%. Còn tại làng nghề sản xuất rượu Vân Hà (Bắc Giang) tỷ lệ người mắc bệnh ngoài da là 68,5% và các bệnh về đường ruột là 58,8%. Bầu khí quyển của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có mức benzen và sunfua đioxit đáng báo động..

Ngoài ra, việc nhập khẩu chất thải dưới danh nghĩa phế liệu vào Việt Nam ngày càng gia tăng; Các dòng sông đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nặng nề (nhất là sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy, sông Đồng Nai và hệ thống sông Tiền và sông Hậu, Tây Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long) làm hủy hoại nguồn thủy sản và ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sống, sức khỏe của cộng đồng.Nhiều dự án luyện, cán thép lớn cũng có nguy cơ biến Việt Nam thành nơi tập trung “rác” công nghệ và chất thải.

Việc khai thác quá mức nguồn nước, đặc biệt là xây dựng các công trình hồ chứa thủy lợi, hồ chứa thủy điện chặn hoàn toàn dòng chảy sông là nguyên nhân làm suy giảm rõ rệt số lượng và chất lượng nước trên lưu vực các sông lớn như: sông Hồng, Đồng Nai, Sài Gòn, Gia Vu, Thu Bồn, Ba, Sêrêpok ... Do tập quán, thói quen sản xuất, canh tác nông nghiệp sử dụng nhiều nước của nhân dân nhưng lại thiếu các biện pháp hợp lý giữ, trữ nước trong mùa mưa lũ để dùng dần trong mùa khô nên thường xuyên phải đối phó với tình trạng thiếu nước vào mùa khô ở nhiều nơi. Việt Nam hiện thuộc nhóm quốc gia “thiếu nước” do lượng nước mặt bình quân đầu người mỗi năm chỉ đạt 3.840m3, thấp hơn chỉ tiêu 4.000m3 một người mỗi năm của Hội Tài nguyên Nước quốc tế (IWRA). Đây được xem là một nghịch lý đối với một quốc gia có mạng lưới sông ngòi dày đặc như nước ta.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, độ che phủ của rừng nước ta đã giảm sút đến mức báo động: Trước năm 1945, nước ta có 14 triệu ha rừng, chiếm hơn 42% diện tích tự nhiên của cả nước. Năm 1975 diện tích rừng chỉ còn 9,5 triệu ha (chiếm 29%), đến nay chỉ còn khoảng 6,5 triệu ha (tương đương 19,7%). Chất lượng rừng ở các vùng còn rừng bị hạ xuống mức quá thấp. Trên thực tế chỉ còn khoảng 10% là rừng nguyên sinh. Chỉ trong 5 năm, 2006 - 2011, 124.000 ha rừng ngập mặn ven biển đã biến mất để nhường chỗ cho các ao tôm, ao cá - tương đương diện tích bị mất trong 63 năm trước đó.

Đặc biệt, Việt Nam là một trong 5 quốc gia ở khu vực châu Á phải chịu nhiều hậu quả nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng chịu tác động nặng nề nhất của đồng bằng sông Hồng, theo tính toán kịch bản đồng bằng sông Hồng, đến cuối thế kỷ 21 nhiệt độ tăng khoảng 3,4 độ C, mực nước biển tăng thêm 1m sẽ có khoảng 40% diện tích đất bị ngập vĩnh viễn, khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp do mất đất, thêm vào đó đồng bằng sông Hồng diễn ra ở đồng bằng sông Cửu Long kéo theo hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở và nhiều hệ lụy đi kèm như đã từng diễn ra những năm gần đây. Đối với đồng bằng sông Hồng, với kịch bản nước biển dâng cao 1m vào cuối thế kỷ 21, đồng bằng sông Hồng sẽ có 240.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của vùng bị ảnh hưởng, dự báo năng suất lúa giảm 8%-15% vào năm 2030 và lên tới 30% vào năm 2050. Nếu tính tỷ lệ diện tích đất bị ngập nước khi nước biển dâng cao 1m vào cuối thế kỷ 21 có khoảng 3% diện tích bị ngập, trong đó 1,4% diện tích trồng lúa, 0,6% khu dân cư bị ảnh hưởng.

Những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Thái Bình, diện tích đất bị mất khoảng 31,2%, Nam Định 24% và thành phố Hải phòng 17,4%. So với đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng ngập lụt ít hơn và ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn thấp hơn, tuy nhiên tính chất cực đoan và tính dị thường của đồng bằng sông Hồng và rủi ro cao hơn, nhất là gió bão sẽ tác động mạnh hơn so với đồng bằng sông Cửu Long. Đối với vùng ven biển, nhất là khu vực ven biển Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Đông Nam bộ, ảnh hưởng của đồng bằng sông Hồng lớn nhất là bão, áp thấp nhiệt đới. Đối với khu vực ven biển miền Trung hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất, thoái hóa đất diễn ra mạnh mẽ hơn. Những vùng ven biểu còn chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Theo tính toán nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m, một số khu vực trũng đồng bằng ven biển miền trung sẽ bị ngập như ở Thanh Hóa. Ảnh hưởng của đồng bằng sông Hồng gây ra lũ quét, sạt lở đất, lốc xoáy, mưa đá là những hiện tượng khá phổ biến. Khu vực miền núi Bắc Trung bộ với nền nhiệt tăng, cùng với khô hạn dễ dẫn đến cháy rừng, suy giảm đa dạng sinh học tác động tới đời sống nhân dân. Chu kỳ khí hậu nông nghiệp trở nên bất thường, thời tiết cực đoan và nhiệt độ trung bình tăng, tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn đang và sẽ làm mất đi nhiều diện tích trồng cây lương thực, làm tăng dịch bệnh, dịch hại, giảm sút năng suất mùa màng và gây ra các rủi ro nghiêm trọng khác.

Việt Nam là một trong những nước có tính đa dạng sinh học vào nhóm cao nhất thế giới, với trên 21.000 loài động vật, 16.000 loài thực vật, bao gồm nhiều loài đặc hữu, quý hiếm. Tổ chức vi sinh vật học châu Á thừa nhận Việt Nam có không ít loài vi sinh vật mới đối với thế giới. Thế nhưng trong 4 thập kỷ qua, theo ước tính sơ bộ đã có 200 loài chim bị tuyệt chủng và 120 loài thú bị diệt vong. Hơn 100 loài sinh vật ngoại lai đang hiện diện tại nước ta cũng là mối nguy lớn cho môi trường sinh thái, như: ốc bươu vàng, cây mai dương, bọ cánh cứng hại da, đặc biệt là việc nhập khẩu 40 tấn rùa tai đỏ - một loài đã được quốc tế cảnh báo là một trong những loài xâm hại nguy hiểm.

Ngoài ra, an ninh sinh thái do sự nhiễu loạn của nhiều hệ sinh thái, sự xâm lấn của các sinh vật lạ và sinh vật biến đổi gen đang diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam, gây ảnh hưởng tới an ninh môi trường quốc gia. Đằng sau việc đưa công nghệ lạc hậu, đưa sinh vật độc hại biến đổi gen vào Việt Nam những năm gần đây gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái còn thể hiện âm mưu chiến tranh sinh thái, đe dọa an ninh môi trường ở nước ta.

Chủ trương và những giải pháp bảo đảm an ninh môi trường

Vấn đề bảo đảm an ninh môi trường đã sớm được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và thể chế hóa trong các chủ trương, đường lối, chính sách,pháp luật, như: Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 25/6/1998, của Bộ Chính trị “Về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 15/11/2004, “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 3-6-2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”... Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước có nêu “Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại; là nhân tố bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta”.

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nhấn mạnh: “Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững theo hướng bảo đảm tính tổng thể, liên ngành, liên vùng, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, trong đó lợi ích lâu dài và cơ bản, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng giai đoạn” và yêu cầu phải “sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập toàn diện và cụ thể hơn, chi tiết hơn về vấn đề bảo vệ môi trường; theo đó: tiếp tục khẳng định quyền được sống trong môi trường trong lành là quyền lợi chính đáng của người dân. Do đó phải “lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân là mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái”(3). Nâng cao chất lượng môi trường không khí, có biện pháp hạn chế ô nhiễm tiếng ồn, xử lý rác thải ở các đô thị, khu vực đông dân cư; Đồng thời, nhấn mạnh an ninh môi trường là bộ phận của an ninh quốc gia; coi bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của toàn xã hội tuy nhiên nhà nước đóng vai trò chủ đạo.

Từ những quan điểm, nhận định của Đảng về bảo vệ môi trường và an ninh môi trường Nhà nước ta đã cụ thể hóa và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về môi trường, như Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004; Luật Đa dạng sinh học 2008; Luật Tài nguyên nước 2012; Luật Phòng chống thiên tai 2013; Luật Biển Việt Nam năm 2012; Luật Bảo vệ môi trường 2014; Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015; Luật Lâm nghiệp năm 2017; các Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu;… Ngoài ra, một số luật như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự cũng đều có quy định xử lý các sai phạm trong bảo vệ môi trường.

Đến nay, Việt Nam đã ký kết tham gia 23 công ước quốc tế về môi trường. Việt Nam đã cùng148 quốc gia khác trên thế giới phê chuẩn việc thực hiện Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu. Mới đây nhất, những cam kết của Việt Nam tại Corp 26 đã được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, thể hiện Việt Nam là một quốc gia thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ môi trường.

Khái niệm an ninh môi trường đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam năm 2014. Bảo đảm an ninh môi trường là một trong 3 yêu cầu phát triển bền vững mà Chương trình nghị sự 21 của Chính phủ đặt ra theo Quyết định 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 và Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020.

Thực tế cho thấy, để bảo đảm an ninh môi trường cần sự triển khai đồng bộ và thống nhất, thường xuyên và lâu dài các giải pháp thích đáng, nổi bật là:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức xã hội, nhất là cho người dân và doanh nghiệp, về môi trường và an ninh môi trường và các quy định về bảo vệ môi trường trong các trường học, lớp bồi dưỡng kiến thức tập trung và trên các phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội, nhằm sớm hình thành và thường xuyên củng cố ý thức bảo vệ môi trường cho mọi công dân và doanh nghiệp. Thống nhất nhận thức xã hội, coi nhiệm vụ bảo vệ an ninh môi trường phải trở thành ý thức và hành động tự giác trong nếp sống văn hóa của mỗi người, gắn kết chặt chẽ an ninh môi trường với các hoạt động kinh tế, xã hội.

Thứ hai, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường, trọng tâm là: Hoàn thiện và duy trì nghiêm hiệu lực thực tế của hệ thống pháp luật về môi trường, bổ sung những quy định mới nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh trong quản lý nhà nước về an ninh môi trường. Sớm bổ sung các văn bản hướng dẫn cụ thể, khắc phục sự chồng chéo giữa các luật với nhau như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ rừng, Luật Khoáng sản,... Bổ sung các cơ chế về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra, giải quyết tranh chấp, xung đột về môi trường và khuyến khích xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường. Hoàn thiện hệ thống công cụ kinh tế môi trường nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách và tăng điều tiết vĩ mô, hạn chế gây ô nhiễm môi trường; Đặc biệt, cần sớm xây dựng Bộ Tiêu chí và xác định Bộ Chỉ số an ninh môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam, nhằm phục vụ công tác quản lý và hoạch định chính sách. Tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức và năng lực của tổ chức chuyên môn về bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu quản lý.; xây dựng cơ chế phối hợp và phân công trách nhiệm cụ thể giữa cơ quan bảo vệ môi trường và cơ quan phòng chống tội phạm về môi trường; đổi mới cơ chế quản lý tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo an ninh môi trườn . Nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo kịp thời, chính xác các hiện tượng khí tượng thủy văn, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện tốt chương trình trồng rừng, ngăn chặn nạn phá rừng, cháy rừng, tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên; Nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo, khắc phục hậu quả thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời, chủ động xây dựng, tổ chức diễn tập các kịch bản, phương án ứng phó với các tình huống thời tiết cực đoan, bão, lũ, động đất, sóng thần và thảm họa thiên nhiên. Tăng cường đánh giá tác động môi trường đối với các dự án phát triển kinh tế xã hội; chủ động ngăn chặn các xung đột về môi trường giữa nước ta với các nước láng giềng, đặc biệt là các nước có chung lợi ích. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát và phòng ngừa và xử lý nghiêm tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, với các chế định trách nhiệm tài chính, hành chính và hình sự đủ sức ngăn đe các cá nhân và tổ chức, pháp nhân vi phạm quy định pháp luật về môi trường.

Thứ ba, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo yêu cầu phát triển, sản xuất và tiêu dùng bền vững, xanh, sạch hơn và thân thiện với môi trường. Khuyến khích và hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong sản xuất, kinh doanh nhằm tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải ô nhiễm môi trường; xử lý rác thải, nước thải, khí thải gây ô nhiễm; nuôi trồng các cây giống, vật nuôi thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học về an ninh môi trường và đảm bảo an ninh môi trường , xác định rõ các nguy cơ đe dọa đến an ninh môi trường và các giải pháp thích ứng. Đẩy mạnh công tác quản lý về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển rừng; nghiêm cấm, kiểm soát chặt chẽ du nhập các sinh vật ngoại lai xâm hại vào Việt Nam; kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch, cấp phép trong hoạt động khai thác, chế biến tài nguyên thiên nhiên…

Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường. Môi trường có tính toàn cầu. Bảo vệ môi trường cần có sự hợp tác quốc tế rộng rãi với các nước trên thế giới nhằm xây dựng các cơ chế, nguyên tắc chung trong xử lý các vấn đề môi trường và huy động nguồn lực tài chính, khoa học kỹ thuật bảo vệ môi trường. Thời gian tới, cần tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác với các tổ chức môi trường quốc tế, như: Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức hòa bình xanh (Greenpeace), Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF)…và tăng cường hợp tác với chính phủ các nước, nhất là các nước có chung đường biên giới với Việt Nam, các nước có lợi ích chung trong bảo đảm an ninh môi trường.

Thế giới ngày nay đang đứng trước nhiều vấn đề về an ninh môi trường mang tính quy mô toàn cầu. Những tổn thất về con người, vật chất do môi trường gây ra vượt quá những tổn thất về người và của do các biến động xã hội, bệnh tật và chiến tranh.

Ở Việt Nam, an ninh môi trường đang bị đe dọa nghiêm trọng, với hàng loạt thách thức, như ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn; ô nhiễm đất, nguồn nước tại các khu vực sản xuất công nghiệp; vấn đề biến đổi khí hậu và sự suy thoái về tài nguyên, đa dạng sinh học.v.v…. Thiên tai, bệnh dịch, tình hình vi phạm và tội phạm về môi trường đang diễn ra phổ biến và hết sức phức tạp, đe dọa trực tiếp đến sự phát triển bền vững của nước ta.

Bảo đảm an ninh môi trường là nội dung quan trọng của bảo đảm an ninh quốc gia) và phát triển bền vững. Với quan điểm nhất quán “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, nhiều chính sách, quy định đã và sẽ tiếp tục được ban hành nhằm bảm đảm an ninh môi trường, hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững.

TS.Nguyễn Minh Phong; Ths.Nguyễn Trần Minh Trí.

...
  • Tags: