Thái Nguyên chủ động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận trong sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính

Tỉnh Thái Nguyên tập trung cao độ, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, quyết liệt thực hiện các mục tiêu sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có tác động sâu rộng đến tổ chức bộ máy, hoạt động của hệ thống chính trị và đời sống nhân dân.

Mục tiêu sắp xếp ĐVHC cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là hướng tới người dân, đặt người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và là động lực cho sự phát triển.

Chủ trương đúng đắn, phù hợp thực tiễn

Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính không chỉ nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, mà còn là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ, bền vững, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Cùng với đó, để đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của đất nước thì việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã là hết sức cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẽ tổ chức sắp xếp, tổ chức lại từ 172 ĐVHC cấp xã thành 55 ĐVHC cấp xã đạt tỷ lệ giảm 68,02% số ĐVHC cấp xã, cụ thể: Thành phố thái nguyên giảm 06 phường và 02 xã; Huyện Đại Từ giảm còn 09 xã; Thành phố Phổ Yên giảm còn 05 xã; Huyện Phú Bình giảm còn 05 xã; Huyện Đồng Hỷ giảm còn 06 xã; Thành phố Sông Công còn 03 phường; Huyện Phú Lương còn 04 xã; Huyện Định Hóa còn 08 xã; Huyện Võ Nhai còn 05 xã.

Tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh gồm có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân. HDND cấp tỉnh tổ chức 3-4 ban chuyên môn giúp việc; UBND cấp tỉnh tổ chức 14 sở và tương đương. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp tỉnh sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức của cấp tỉnh trước sắp xếp và thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo trong thời hạn 5 năm cơ bản bố trí theo quy định.

Trong đó, HĐND cấp cơ sở thành lập 02 ban chuyên môn giúp việc gồm Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội. UBND cấp cơ sở: UBND cấp cơ sở tổ chức 04 phòng chuyên môn và tương đương, với chức năng, nhiệm vụ cụ thể: Văn phòng HĐND và UBND; Phòng Kinh tế (đối với xã) hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường); Phòng Văn hóa, xã hội, Trung tâm phục vụ Hành chính công

Giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế và thực hiện chuyển giao cho chính quyền cấp xã quản lý các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non, trạm y tế của đơn vị cơ sở mới để bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân và bảo đảm đủ trường, lớp cho học sinh trên địa bàn cơ sở.

Sắp xếp tổ chức lại bộ máy của Công an, Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã theo hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và tình hình thực tế ở từng địa phương, đảm bảo theo đúng quy định.

Đẩy mạnh tuyên truyền – tạo sự thống nhất, đồng thuận

Xác định rõ công tác tuyên truyền là “chìa khóa” quyết định sự thành công của quá trình sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương hai cấp. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các ban Đảng của tỉnh, các thành ủy, huyện ủy, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân đối với việc thực hiện sáp nhập tỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Công tác tuyên truyền không chỉ tập trung vào việc thông tin về chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh, mà còn đi sâu phân tích những kết quả tích cực sau sắp xếp ở giai đoạn trước, giải đáp kịp thời các thắc mắc, băn khoăn của cán bộ, nhân dân; đồng thời phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, gây hoang mang dư luận.

Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị

Việc sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền hai cấp là nhiệm vụ có tính tổng thể, tác động nhiều mặt đến công tác tổ chức cán bộ, hoạt động quản lý nhà nước, đời sống kinh tế - xã hội, an ninh trật tự và tâm lý nhân dân. Vì vậy, Thái Nguyên đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện.

Đảng ủy UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh khẩn trương hoàn thiện phương án sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm tiến độ, tiêu chí theo quy định, đồng thời tính toán kỹ yếu tố lịch sử, văn hóa, địa hình, tên gọi, địa điểm đặt trụ sở, bảo đảm chính quyền cấp xã tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ kịp thời lợi ích thiết thực của nhân dân, tiết giảm chi phí.

Ủy ban MTTQ tiếp tục tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức, hành động trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; tăng cường công tác giám sát, phản biện, lắng nghe ý kiến người dân.

Nền tảng cho sự phát triển bền vững

Việc sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp là yêu cầu khách quan trong tiến trình cải cách hành chính, đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước. Thực hiện thành công nhiệm vụ này sẽ giúp Thái Nguyên tinh gọn bộ máy, giảm chi ngân sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, đồng thời tạo nền tảng vững chắc để phát triển nhanh và bền vững.

Với quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, tỉnh Thái Nguyên đang từng bước triển khai bài bản, khoa học, hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm phát triển năng động của vùng trung du miền núi phía Bắc.

Vũ Bình
  • Tags: