Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng đa dạng sinh học Đông Dương - Myanma của Đông Nam Á. Đây cũng được xem là trung tâm buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trên toàn cầu. Các hành vi buôn bán trái pháp luật ĐVHD ngày càng đáng báo động, đe dọa đến đa dạng sinh học và sự bảo tồn giống loài. Bên cạnh đó, vấn nạn tham nhũng cũng đã phát sinh trong quá trình thực thi các biện pháp phòng, chống vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD, trong đó có buôn bán trái pháp luật ĐVHD, gây hệ lụy không nhỏ đến kinh tế. Vậy, tham nhũng có mối liên hệ như thế nào với buôn bán ĐVHD, có những hình thức nào và làm cách nào để ngăn ngừa tham nhũng trong buôn bán ĐVHD đang dần trở nên phổ biến hiện nay? Đó là những vấn đề đặt ra cần phải giải quyết, nhất là trong bối cảnh Đảng và Nhà nước quyết tâm thực hiện và nâng cao hiệu quả của hoạt động phòng chống tham nhũng đáp ứng nhu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
1. Các hình thức tham nhũng trong buôn bán trái phép động vật hoang dã
Tham nhũng trong buôn bán trái pháp luật ĐVHD được hiểu là hành vi lợi dụng quyền lực của những người có chức vụ, quyền hạn trong hoạt động quản lý, kiểm soát và bảo vệ ĐVHD để trục lợi và tạo điều kiện cho hành vi trao đổi, buôn bán không qua kiểm soát các loài động vật mà pháp luật quốc tế và quốc gia cấm buôn bán, trao đổi. Tham nhũng hỗ trợ và tạo điều kiện cho buôn bán trái pháp luật ĐVHD được thực hiện một cách dễ dàng và ngược lại, buôn bán trái pháp luật ĐVHD mang lại lợi nhuận khổng lồ cho những đối tượng này. Cũng như một số loại tội phạm khác (buôn người, buôn bán ma túy, buôn bán vũ khí), tham nhũng là một loại hành vi của tội phạm có tổ chức.
Trên thế giới, tham nhũng trong buôn bán trái phép ĐVHD có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, như:
- Hối lộ: Được thể hiện thông qua hai hình thức là hối lộ thụ động và hối lộ chủ động. Đối với trường hợp hối lộ thụ động, cán bộ thực thi pháp luật được đối tượng phạm tội đưa hối lộ để họ “bỏ qua” các giấy tờ giả mạo, quá hạn, giấy phép xuất khẩu ĐVHD - đây là loại hình tham nhũng phổ biến, diễn ra khi công chức, viên chức trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật đã làm trái các quy định của pháp luật nhằm trục lợi.
Đối với trường hợp hối lộ chủ động, như hành vi đưa hối lộ cho cán bộ cửa khẩu để hàng hóa của các đối tượng buôn bán ĐVHD được thông quan. Chính hành vi nhận hối lộ, tiếp tay của lực lượng chức năng đã khiến việc săn bắt, buôn bán ĐVHD không bị phát hiện, xử lý. Trường hợp bị phát hiện, xử lý thì khi đưa hối lộ cho người có thẩm quyền xử lý, tính chất và mức độ của hành vi phạm tội cũng được giảm nhẹ qua việc thay đổi số lượng cá thể, sản phẩm ĐVHD.
Tham nhũng có thể ở mức độ thấp như việc các cơ quan thực thi pháp luật “phớt lờ” hoặc thậm chí tạo điều kiện cho các hoạt động tội phạm về ĐVHD. Còn tham nhũng ở mức độ cao thể hiện qua việc các nhà hoạch định chính sách hoặc nhà lập pháp ban hành chính sách thuận lợi cho hoạt động tội phạm. Đây có thể được coi là tham nhũng chính sách vì thường gắn liền với nhóm lợi ích. Bằng cách cấu kết với cá nhân và các cơ quan có trách nhiệm soạn thảo chính sách, pháp luật, các nhóm lợi ích định hướng chính sách, pháp luật nhằm mục tiêu trục lợi. Đó là cách đối tượng tham nhũng duy trì một hệ thống mà từ đó họ nhận được những lợi ích lớn.
- Tiếp tay, tạo điều kiện cho buôn bán ĐVHD: Đối tượng buôn bán và đối tượng tham nhũng có mối quan hệ xã hội hoặc quan hệ gia đình nên đã tiếp tay hoặc tạo điều kiện cho hoạt động buôn bán trái pháp luật ĐVHD, thậm chí còn đóng vai trò chủ chốt trong các đường dây buôn bán trái pháp luật ĐVHD, đồng thời duy trì mối quan hệ chặt chẽ và hối lộ cho cơ quan thực thi pháp luật để tránh bị bắt giữ, truy tố và trừng phạt. Đây chính là mối quan hệ cộng sinh giữa những người có chức vụ, quyền hạn trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ ĐVHD với tội phạm, bởi lẽ các mối quan hệ là khởi nguồn cho việc tiếp tay, tạo điều kiện thực hiện hành vi phạm tội và cũng bởi chính mối quan hệ này mang lại lợi ích cho đôi bên từ những dịch vụ thương mại hàng hóa.
- Làm giấy tờ giả mạo: Đối tượng tham nhũng lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để hợp thức hóa hành vi buôn bán trái pháp luật ĐVHD cho các đối tượng buôn lậu. Chẳng hạn, khai báo sai khối lượng và giá trị để tránh bị phát hiện hoặc bị xử lý vi phạm; xác định sai loài (từ loài thuộc danh mục cấm sang loài có thể được phép vận chuyển, buôn bán); làm giấy phép gian lận để cấp phép cho các đối tượng được thông quan hàng hóa sản phẩm ĐVHD hoặc cá thể ĐVHD.
2. Khuôn khổ pháp lý về phòng, chống tham nhũng trong buôn bán trái phép động vật hoang dã
Nhận thấy mức độ nghiêm trọng của hoạt động buôn bán trái pháp luật ĐVHD cũng như vấn nạn tham nhũng xảy ra trong quá trình này, các nước trên thế giới đã kêu gọi và nỗ lực cùng nhau giải quyết các vấn đề tham nhũng liên quan đến ĐVHD thông qua các quyết định quốc tế không mang tính ràng buộc. Trước hết phải kể đến Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức (UNCAC và UNTOC) về chống buôn bán ĐVHD.
Trong các quyết định của Hội nghị các bên của CITES, G20 đã bổ sung các nguyên tắc cấp cao về chống tham nhũng liên quan đến buôn bán trái phép ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD vào Tuyên bố Hamburg năm 2017. Trên trường quốc tế, UNCAC đã và đang tạo cơ hội giải quyết vấn đề tham nhũng trên diện rộng và đối với tội phạm môi trường nói riêng, kể từ khi Công ước có hiệu lực vào năm 2005 bằng việc đưa ra các biện pháp ngăn ngừa tham nhũng. Công ước này hình sự hóa một số hành vi nhất định bao gồm: Tham ô và biển thủ công quỹ, lợi dụng ảnh hưởng, lạm dụng chức vụ, làm giàu bất hợp pháp, hối lộ, rửa tiền, che giấu và cản trở công lý.
Ngoài ra, công ước cũng quy ước các nội dung gồm: Tiến độ thực thi pháp luật và hợp tác quốc tế; thiết lập cơ chế pháp lý để thu hồi tài sản; yêu cầu các thành viên áp dụng các biện pháp chống tham nhũng dưới hình thức luật pháp, chính sách và chiến lược; thu hút sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự; kêu gọi hợp tác và phối hợp; xử lý những “lỗ hổng” liên quan đến tham nhũng và áp dụng các biện pháp trừng phạt thích hợp.
Việt Nam đã ban hành những quy định thể hiện nỗ lực của Chính phủ trong việc phòng, chống vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD: Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 (trên cơ sở của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2007 và năm 2012) để quy định về các hành vi tham nhũng và các nội dung về phòng ngừa tham nhũng; Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định về tội phạm và hình phạt liên quan đến hành vi tham nhũng trong buôn bán trái pháp luật ĐVHD; Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 234 và Điều 244 BLHS năm 2015 (Nghị quyết số 05/2018), trong đó có hướng dẫn tình tiết lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội là tình tiết định khung tăng nặng của hai tội này.
Bộ luật Hình sự năm 2015 đã dành một chương - Chương XXIII quy định về các tội phạm về chức vụ, trong đó, có các tội phạm tham nhũng từ Điều 353 đến Điều 359 và 02 tội danh liên quan đến hành vi buôn bán trái pháp luật ĐVHD bao gồm: Tội vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD (Điều 234), Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244). Từ các quy định này có thể hiểu rằng, hoạt động buôn bán các loài ĐVHD thuộc Danh mục IB, IIB đều là những loài được bảo vệ đặc biệt, vì vậy, mọi hành vi buôn bán các loài này đều bị coi là trái pháp luật và có thể trở thành tội phạm. Trong trường hợp này, biểu hiện của tham nhũng có thể được thể hiện dưới các dạng hành vi như: Nhận hối lộ để cấp phép bất hợp pháp cho việc buôn bán ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm; nhận hối lộ để cho phép xuất nhập khẩu bất hợp pháp ĐVHD từ nước này sang nước khác trót lọt để buôn bán; tham nhũng dẫn đến thiếu trách nhiệm trong công tác thanh tra, kiểm tra nguồn gốc cá thể ĐVHD hoặc sản phẩm, bộ phận của ĐVHD được đem bán ra thị trường…
Do đó, đối tượng phạm tội có thể bị xử lý hình sự về nhóm tội phạm tham nhũng thuộc Chương XXIII hoặc xử lý với vai trò đồng phạm về tội phạm buôn bán trái phép ĐVHD ở Điều 234 và Điều 244 với tình tiết lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi phạm tội như hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2018.
3. Một số thách thức trong phòng, chống tham nhũng gắn với buôn bán trái phép động vật hoang dã ở Việt Nam
Trước hết, tham nhũng xuất hiện và gắn với các tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD ở mọi giai đoạn, từ hoạt động săn bắt, nuôi nhốt, giết, mổ, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán đến gây nuôi các loài ĐVHD và sản phẩm ĐVHD. Trên phạm vi quốc gia và quốc tế, vô hình trung, tội phạm đang được hưởng lợi do các nghị định và quy định pháp luật không thống nhất. Mặt khác, do cách thức giải quyết các vi phạm hành chính về quản lý, bảo tồn và thu giữ ĐVHD được nêu trong nhiều văn bản pháp luật, trong đó, các mức tiền phạt thường quá thấp, trong khi ĐVHD thu giữ được (dù là động vật còn sống hay đã chết) lại được bán ra thị trường và được mua lại bởi chính đối tượng phạm tội sở hữu chúng đầu tiên, do đó không có nhiều tác dụng trong ngăn ngừa tội phạm. Đây chính là cơ hội phát sinh tham nhũng, bao gồm cả hình thức đưa và nhận hối lộ.
Thứ hai, yếu tố địa bàn cũng đặt ra những nguy cơ khách quan dẫn đến tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực này. Các khu vực diễn ra hoạt động liên quan đến ĐVHD thường ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Vì lĩnh vực này hứa hẹn khả năng thu lợi nhuận cao, đối tượng tham gia có quy mô tổ chức và nguồn lực lớn, sẵn sàng làm tha hóa bộ máy chính quyền. Trong khi đó, tại các địa phương, cơ chế kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động phòng, chống buôn bán trái pháp luật ĐVHD chưa được siết chặt.
Thứ ba, có nhiều phạm vi và lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro về tham nhũng và hối lộ. Việc phải chi trả nhiều tiền mặt để hàng hóa buôn lậu trái phép vượt qua các trạm kiểm soát làm tăng nguy cơ tham nhũng. Nguồn thu nhập thấp và không đồng đều giữa các cán bộ thực thi pháp luật dễ dẫn đến việc nhận hối lộ để bỏ qua vi phạm hoặc đồng lõa với đối tượng buôn bán trái pháp luật ĐVHD.
Thứ tư, năng lực điều tra, nhận dạng, áp dụng công nghệ, chia sẻ thông tin ở nhiều cán bộ thực thi pháp luật bảo vệ ĐVHD còn hạn chế dẫn đến những khó khăn nhất định trong việc điều tra phát hiện tội phạm tham nhũng trong buôn bán trái pháp luật ĐVHD.
Thứ năm, các mối đe dọa tiềm ẩn đối với việc buôn bán trái pháp luật ĐVHD bắt nguồn từ yếu tố lịch sử và sự phục hồi, phát triển kinh tế của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đã ban hành một số chế tài nghiêm khắc và áp dụng rộng rãi trong khu vực châu Á đối với hành vi buôn bán trái pháp luật ĐVHD, tuy nhiên, việc thực hiện những quy định này còn bị hạn chế bởi những “kẽ hở” và mâu thuẫn trong các văn bản pháp luật. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng lợi dụng tiếp tay cho tội phạm buôn bán trái pháp luật ĐVHD.
Thứ sáu, việc cấp giấy phép săn bắn của CITES dễ dàng, trong khi đó, năng lực quản lý việc cấp phép của cán bộ còn chưa tốt hoặc có sự tiêu cực trong việc quản lý cấp phép dẫn đến việc nhập khẩu các sản phẩm ĐVHD vào Việt Nam diễn ra suôn sẻ. Biện pháp ứng phó mà các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam thực hiện đối với cuộc khủng hoảng săn bắn ĐVHD chủ yếu do Cục hải quan tiến hành bằng việc bắt giữ những đối tượng vận chuyển qua cửa khẩu hàng không quốc tế. Tuy vậy, ở Việt Nam chưa tiến hành áp dụng biện pháp vận chuyển có kiểm soát đối với bất kỳ sản phẩm từ ĐVHD nào. Điều này vô hình trung cũng tạo môi trường thuận lợi, tiếp tay cho hoạt động vận chuyển sản phẩm ĐVHD để bán và tiêu thụ ra thị trường.
Thứ bảy, các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế về cả phương tiện, trang thiết bị và nhân lực. Bên cạnh đó, khó khăn còn phát sinh trong trường hợp phát hiện, lập hồ sơ và xử lý vi phạm, như cần tiến hành giám định, định giá ĐVHD theo quy định của pháp luật kết hợp việc nuôi, chăm sóc, bảo quản tang vật, trong khi lực lượng Kiểm lâm không được đào tạo về thú y, không có cơ sở chuồng trại nuôi, giữ ĐVHD, thủ tục giám định lại khá phức tạp.
4. Một số đề xuất, kiến nghị
Thứ nhất, cần nghiên cứu đề ra một chiến lược quốc gia toàn diện hơn gồm tài nguyên và các công cụ, luật pháp và thể chế giải quyết các vấn đề tham nhũng trong buôn bán trái pháp luật ĐVHD. Bên cạnh đó, tăng cường tính liêm chính của cơ quan tư pháp và các bộ phận của chuỗi thực thi pháp luật về bảo vệ ĐVHD, cùng với việc thu hút các tổ chức phi chính phủ, phương tiện truyền thông, khu vực tư nhân và xã hội vào cuộc chiến chống lại tham nhũng.
Thứ hai, các cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa bằng cách thúc đẩy tính minh bạch và tiến hành đánh giá “lỗ hổng” tham nhũng để xác định và khắc phục. Chẳng hạn, sửa đổi, bổ sung một số quy định về số lượng loài, số lượng cá thể ĐVHD được coi là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt, xem xét việc sắp xếp Điều 234 và Điều 244 vào cùng một chương để đảm bảo hơn nữa sự thống nhất về thẩm quyền phát hiện, xử lý tội phạm. Bên cạnh đó, thúc đẩy cơ chế thu hồi sớm và hiệu quả tài sản tham nhũng từ hoạt động buôn bán trái pháp luật ĐVHD thông qua việc sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng thay vì chỉ quy định thu hồi sau khi có bản án như hiện nay.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân, của xã hội trong việc thực hiện không săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại ĐVHD; cần có sự tác động đến thói quen, lối sống, ý thức của cá nhân, tổ chức, chủ thể thực thi pháp luật trong việc bảo vệ ĐVHD.
Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế và tiến hành các cuộc điều tra chung chống tham nhũng trong buôn bán trái pháp luật ĐVHD để Chính phủ các nước cũng như các tổ chức quốc tế cùng chung tay chống tham nhũng, chống buôn bán trái pháp luật ĐVHD.
TS. Hà Lệ Thủy - Trần Thị Len