Thần tốc trong chiến lược vaccine “made in Viet Nam”

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định quyết tâm cao nhất trong chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất vaccine COVID-19 càng sớm càng tốt, chậm nhất tới tháng 6/2022 phải có vaccine sản xuất trong nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định quyết tâm cao nhất trong chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất vaccine COVID-19 càng sớm càng tốt, chậm nhất tới tháng 6/2022 phải có vaccine sản xuất trong nước.

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặc biệt quan tâm thúc đẩy các hoạt động chuyển giao, nghiên cứu và sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước. Đồng thời, Viện Hóa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu thành công phương pháp mới trong việc tổng hợp thuốc Favipiravir trong phòng thí nghiệm dùng để kháng virus SARS-CoV-2. Đây là tin vui và tự hào với chúng ta trong bối cảnh dịch bệnh Covid đang hoành hành và diễn biến phức tạp…

Nguyên tắc của Việt Nam là tiêm vaccine miễn phí cho người dân (Ảnh minh họa)

Nghiên cứu thành công thuốc điều trị COVID-19

Việc nghiên cứu, cấp phép, sản xuất và tiêm chủng một số loại vaccine như: Astrazeneca, Pfizer, Moderna, Johnson and Johnson đã góp phần ngăn ngừa đại dịch COVID-19 hiệu quả. Tuy nhiên, do xuất hiện nhiều loại biến thể mới có khả năng kháng vaccine, nên thuốc chống virus là yếu tố bổ sung quan trọng cho các loại vaccine hiện có trong phòng và chống đại dịch COVID-19.

Thuốc Favipiravir là loại có cơ chế hoạt động tương tự như Remdesivir, nhưng được sử dụng ở đường uống và lần đầu tiên được sử dụng chống Sar-Cov-2 ở Vũ Hán. Loại thuốc này cũng được chấp thuận sử dụng ở Ý, Nhật, Nga và một số nước khác.

Hiện Viện Hóa học đã nghiên cứu thành công phương pháp mới, hiệu quả tổng hợp thuốc Favipiravir trong phòng thí nghiệm. Kết quả đó góp phần vào nỗ lực chung của các nhà khoa học Việt Nam trong nghiên cứu thuốc, vaccine và sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID -19.

Theo GS.TS. Nguyễn Văn Tuyến - Viện trưởng Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), trong thời gian tới, các nhà khoa học của Viện sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng quy mô quy trình tổng hợp thuốc này và đăng kí bằng sáng chế.

Theo các nhà khao học, việc tổng hợp loại thuốc này cần qua 7-8 bước phản ứng. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Viện đã bước đầu cải tiến phương pháp bằng cách rút ngắn quy trình tổng hợp thuốc, chỉ qua ba bước phản ứng đơn giản và hiệu quả, từ nguyên liệu có sẵn trong nước. Nhờ vậy, giá thành hợp lý hơn, phù hợp với điều kiện sản xuất ở Việt Nam. Hoạt động nghiên cứu này được thực hiện từ tháng 8 năm 2020 với mong muốn hạn chế phụ thuộc nguồn thuốc nhập khẩu.

Favipiravir trên thế giới hiện được thử nghiệm lâm sàng trong điều trị COVID-19 đến pha 3, hiệu quả tới 97%. Loại thuốc này được sử dụng trong các trường hợp nhẹ hoặc trung bình, ngăn ngừa bệnh tiến triển đến mức độ nghiêm trọng hơn, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh hơn và giảm gánh nặng điều trị bằng cách rút ngắn thời gian nằm viện. Thuốc giúp loại bỏ virus sớm để hạn chế lây nhiễm bệnh trong cộng đồng...

Sẽ có nhà máy sản xuất vaccin nội

Vừa qua, tới thăm, làm việc với một số cơ sở sản xuất vaccine, sinh phẩm, vật tư y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định quyết tâm cao nhất trong chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất vaccine COVID-19 càng sớm càng tốt, chậm nhất tới tháng 6/2022 phải có vaccine sản xuất trong nước. Chúng ta có những tiền đề quan trọng để có thể sớm đạt được mục tiêu này.

Theo Thủ tướng, việc thực hiện thành công chiến lược vaccine có vai trò hết sức quan trọng, là công cụ số 1 để ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch, trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế rất lớn, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài là không thể tránh khỏi...

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, chậm nhất đầu năm 2022 sẽ có 1 nhà máy sản xuất vaccine quy mô lớn đi vào hoạt động. Bộ Y tế đang thúc đẩy Công ty Vabiotech tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V của Nga theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 sẽ nhập bán thành phẩm, tận dụng hạ tầng của Vabiotech để đóng ống, đóng gói vaccine Sputnik V, test thử tại Việt Nam từ tháng 6 và dự kiến sẽ nhập chính thức đóng ống, đóng gói từ tháng 7 năm nay; Giai đoạn 2 sẽ lên kế hoạch xây dựng nhà máy mới để mở rộng công suất đóng gói lên 100 đến 150 triệu liều/năm. Đồng thời, tiếp tục đàm phán với đối tác cho việc chuyển giao công nghệ và xây dựng nhà máy sản xuất gia công toàn phần vaccine Sputnik V tại Việt Nam.

Công ty Medicon - chuyên sản xuất test thử (xét nghiệm nhanh) phục vụ các nhu cầu y học, ngay từ khi dịch bắt đầu bùng phát đã tập trung phát triển test nhanh COVID-19 phục vụ chống dịch với công suất khoảng 120.000 test thử mỗi ngày. Với giá chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm nhập khẩu của các nước phát triển, sản phẩm test nhanh của Công ty là một trong những sản phẩm rất hữu hiệu trong chống dịch.

Lập tổ hành động để sản xuất vaccine phòng COVID-19

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng chính phủ, Tổng Giám đốc WHO đã chia sẻ về tình trạng khan hiếm vaccine trên toàn cầu có thể kéo dài đến tháng 9. Lý do là việc tiếp cận các nguồn vaccine chưa bình đẳng, các nước sản xuất được vaccine và có thể cung ứng đang ưu tiên cho nước họ, hoặc ưu tiên cho các nước khẩn cấp hơn, còn Việt Nam nhìn trên bình diện toàn quốc vẫn cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chiến lược vaccine của Việt Nam bao gồm việc mua vaccine nhiều nhất, nhanh nhất có thể; đẩy nhanh chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và tổ chức tiêm vaccine thần tốc, hiệu quả nhất. Theo đề nghị của Thủ tướng, WHO đã đồng ý cử đoàn chuyên gia hỗ trợ Việt Nam sản xuất vaccine phòng chống COVID-19.

Ông Hồ Nhân - Tổng giám đốc Công ty Nanogen, cho biết, Công ty đang thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax giai đoạn 3 (gồm 3a và 3b) trên 13.000 tình nguyện viên và sắp tới sẽ tiêm thử nghiệm giai đoạn 3c trên 1 triệu người. Đây là một trong những nghiên cứu có quy mô lớn nhất trên thế giới về vaccine. Công suất sản xuất hiện tại của Công ty đạt khoảng 8 đến 12 triệu liều mỗi tháng và tới tháng 9 có thể lên tới 30 đến 50 triệu liều mỗi tháng. Công ty cho biết đang hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và thời gian tới, tổ chức này sẽ xem xét đưa Nanocovax vào chương trình COVAX nếu đủ tiêu chuẩn. Ngoài ra, hàng chục quốc gia đã ký biên bản ghi nhớ đề nghị hợp tác, chuyển giao công nghệ, phân phối vaccine của Công ty.

Lãnh đạo công ty khẳng định, quan trọng nhất với vaccine Nanocovax là phải an toàn, sinh miễn dịch tốt. Vaccine này có giá thành khoảng 120.000 đồng mỗi liều và giá này không thay đổi.

Chuẩn bị dài hơi “sống chung” với dịch

Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát có diễn biến phức tạp do chủng virus Delta của Ấn Độ lây lan nhanh qua đường không khí. Đó là thực tế phải chấp nhận, không thể triệt tiêu hoàn toàn như mục tiêu đặt ra trước đây. Đó là lý do bây giờ phải xác định “sống chung với dịch”. Tuy nhiên, với 100 triệu dân cùng hạ tầng, trang thiết bị, vật tư y tế và con người như hiện nay, chúng ta chưa đủ điều kiện để sống chung với Covid-19, nên phải xây dựng một lộ trình cụ thể.

Theo đó, ngay từ bây giờ phải đầu tư cho ngành Y tế để đảm bảo năng lực điều trị và năng lực dự phòng; đẩy nhanh nghiên cứu vaccine và thuốc điều trị Covid-19. Có thực hiện được như vậy thì đến hết quý I/2022 ta mới có thể đủ điều kiện để sống chung với dịch. Giải pháp ngắn hạn là tiếp tục truy vết F0, khoanh vùng, điều trị và cách ly. Song song với đó là nhập khẩu, sản xuất vaccine để thực hiện tiêm vaccine cho người dân. Giải pháp tiếp theo là phải đầu tư cho y tế. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Người dân cũng chỉ mong dập dịch nhanh nhất để sớm gỡ bỏ giãn cách; nên việc tấn công dập dịch Covid-19 phải được thực hiện nhanh, kể cả có phải nghiêm khắc nhất.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam đặt mục tiêu cuối năm 2021, đầu năm 2022 sẽ đạt miễn dịch cộng đồng. Muốn có miễn dịch cộng đồng thì phải tiêm cho ít nhất khoảng 70% dân số. Chính vì thế, Bộ Y tế đã xây dựng và báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ về việc mua 150 triệu liều vaccine và triển khai chiến dịch tiêm chủng này trên quy mô toàn quốc để đảm bảo khoảng 70 triệu người dân được tiếp cận vaccine.

Vì vậy, phải cố gắng sản xuất vaccine trong nước nhanh nhất, sớm nhất có thể. Tóm lại là phải thần tốc, thần tốc hơn nữa, kể cả về nghiên cứu, kể cả chuyển giao công nghệ, sản xuất và thủ tục hành chính kèm theo miễn dịch cộng đồng là yêu cầu rất lớn. Nguyên tắc của Việt Nam là tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân. Bên cạnh đó, tuổi đời của vaccine cũng còn là dấu hỏi, vaccine có chu kỳ nhất định chứ không thể miễn dịch cả đời.

Có thể nói, người Việt Nam càng trong gian khó càng đồng lòng, đoàn kết và bứt phá. Khi chúng ta với 100 triệu dân, phòng chống dịch song song với chủ động nghiên cứu sản xuất theo hướng “made in Viet Nam”, sẽ hạn chế được nguồn thuốc và vaccin nhập khẩu. Bởi thế, dù cuộc chiến chưa phải ngày một ngày hai kết thúc, nhưng chúng ta có thể đặt niềm tin thành công với những mục tiêu đề ra và hơn thế trong cuộc chạy đua thần tốc với biến thể vô hình này.

  • Tags: