Thắng lợi và bài học về đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền của Việt Nam

69 năm đã trôi qua kể từ ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương được ký kết, quan hệ quốc tế đã chuyển sang một trang mới. Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 là thắng lợi của nhân dân ta và cũng để lại những bài học lịch sử về đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền của Việt Nam trong giai đoạn mới

Bối cảnh lịch sử và thắng lợi của Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954

Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được ký kết. Đây là bản hiệp định thứ hai giữa ta và Cộng hòa Pháp kể từ sau Hiệp định sơ bộ năm 1946. Trong khoảng thời gian 9 năm giữa hai hiệp định đã diễn ra bao sự đổi thay. Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đã giành được nhiều thắng lợi vang dội mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Trong thời gian ấy, Chính phủ Pháp đã thay đổi tới 20 nội các, cử 13 chính khách và danh tướng sang Đông Dương cùng hàng vạn quân viễn chinh. Cùng với sự can thiệp của Mỹ, cung cấp cho Pháp tới 73% chi phí chiến tranh bằng tiền bạc, bom đạn, máy bay và các loại vũ khí hiện đại nhất lúc bấy giờ nhưng vẫn không cứu vãn nổi tình hình.

Cuối cùng, sau hai tháng rưỡi đàm phán, Hội nghị Giơ-ne-vơ đã kết thúc thành công, nhân dân ta đã giành được những thắng lợi có ý nghĩa quan trọng là: Nếu như năm 1946, trong Hiệp định sơ bộ, đại biểu của Cộng hòa Pháp cố tránh né cụm từ “độc lập, chủ quyền” mà chỉ công nhận Việt Nam là một “quốc gia tự do” với nội hàm khá mơ hồ thì sau 9 năm kháng chiến, tại Giơ-ne-vơ, “Hội nghị tuyên bố đối với Việt Nam việc giải quyết các vấn đề chính trị, thực hiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam” và “Hội nghị chứng nhận tuyên bố của Chính phủ Pháp sẽ tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Cam-pu-chia, Lào và Việt Nam”. Cũng năm 1946, ta phải nhân nhượng, chấp nhận cho 15 nghìn quân Pháp vào miền Bắc Vĩ tuyến 16 để thay thế 20 vạn quân Tưởng rút về nước, thì Hiệp định Giơ-ne-vơ quy định quân Pháp phải tập kết ở phía Nam Vĩ tuyến 17 để sau đó rút khỏi Đông Dương: “Hội nghị chứng nhận tuyên bố của Chính phủ Pháp nói rằng sẵn sàng rút quân đội Pháp khỏi Cam-pu-chia, Lào và Việt Nam”.

Như vậy, Chính phủ Pháp đã chính thức tuyên bố với sự chứng nhận quốc tế về hai điều cơ bản là công nhận nền độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và sẽ rút quân khỏi Việt Nam, điều mà trong Hiệp định sơ bộ ta chưa đạt được. Đó chính là kết quả của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, của những chiến thắng vang dội trên chiến trường. Đây là thắng lợi của sự lãnh đạo sáng suốt, tài thao lược của Đảng ta và Chính phủ nước Việt Nam thời đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Hội nghị Giơ-ne-vơ đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to”. Trong Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng có viết: “Đạt được Hiệp định nói trên là một thắng lợi vĩ đại của nhân dân và quân đội ta đoàn kết, nhất trí, anh dũng chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch và của Đảng”. Tuy vậy, trong thời gian đó cũng còn có những vấn đề chưa được giải quyết: Đất nước chưa hoàn toàn thống nhất, hai miền Nam-Bắc tạm thời bị chia cắt bởi Vĩ tuyến 17 với thời hạn hai năm sẽ tiến hành tổng tuyển cử. Trong tương quan lực lượng ta-địch và trong bối cảnh quốc tế lúc đó, khi mà các nước lớn có xu hướng hòa hoãn thì đây là một điểm dừng cần thiết, một quyết định sáng suốt. Ngay sau đó, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã phá hoại việc thi hành hiệp định, cuộc tổng tuyển cử đã không diễn ra, nhân dân ta bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy gian khổ.

69 năm sau nhìn lại, những ý nghĩa lịch sử của bản Hiệp định Giơ-ne-vơ vẫn nguyên giá trị. Hiệp định đánh dấu thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà quan trọng nhất là nền độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam được các nước, kể cả nước Pháp, cam kết tôn trọng. Đó chính là cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh tiếp theo chống đế quốc Mỹ xâm lược nước ta. Đó cũng là kết quả của một đường lối đúng đắn-đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến, đường lối đối ngoại dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời đó là thành quả của sự kết hợp chặt chẽ giữa ba mặt trận: Mặt trận chính trị, mặt trận quân sự, mặt trận ngoại giao trong cuộc đấu tranh chống thực dân, là minh chứng hùng hồn của chính sách đoàn kết-đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế.

Thắng lợi vẻ vang đó, một lần nữa được lặp lại trên một tầm cao hơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Những chiến công to lớn của quân, dân ta trên chiến trường, đặc biệt cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã buộc đế quốc Mỹ phải đàm phán với ta trong suốt thời gian dài 5 năm đầy trắc trở, để cuối cùng đi đến việc ký kết Hiệp định Pa-ri vào tháng 1-1973.  Theo đó, Mỹ phải công nhận độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam “như Hiệp định Giơ-ne-vơ đã công nhận”. Quân đội Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam trong vòng 60 ngày, điều mà gần 20 năm trước, Mỹ tự cho mình cái quyền xâm lược Việt Nam với sự thành lập SEATO.  Mỹ phải công nhận ở miền Nam có hai vùng, hai chính phủ, hai quân đội và ba lực lượng chính trị. Có nghĩa là Mỹ phải công nhận địa vị hợp pháp của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Mặt trận Giải phóng, điều mà khi mới bước vào đàm phán, Mỹ cố tình lẩn tránh.

Sau đó hai năm, bằng chiến thắng vang dội của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc-Nam sum họp một nhà. Hiệp định sơ bộ 1946, Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, Hiệp định Pa-ri 1973 có thể coi như 3 nấc thang trên cuộc hành trình 30 năm, đã đưa toàn dân tộc Việt Nam lên đỉnh vinh quang năm 1975-độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.

Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 vừa là bằng chứng pháp lý vừa là một giải pháp chiến lược của cách mạng Việt Nam. Trong một tình thế cấp bách, đấu tranh cho một nền hòa bình, độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và chấp nhận một giải pháp như thế là một sự lựa chọn khôn khéo, đúng đắn và sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh… Sự lựa chọn đó trước mắt giúp cho dân tộc Việt Nam tạm đẩy lùi hiểm họa của một cuộc chiến tranh đang lên cơn nóng từ phía Mỹ… Đối với Việt Nam, trong bối cảnh quốc tế lúc đó, việc giữ quan hệ với các nước dân chủ, nhất là Liên Xô, Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia là một vấn đề chiến lược.

Hiệp định Giơ-ne-vơ mới chỉ là một mốc đánh dấu sự kết thúc một chặng đường trong quá trình đấu tranh lâu dài và gian khổ để đi tới độc lập tự do. Thực tiễn lịch sử đó để lại nhiều bài học để giải quyết các vấn đề về bảo vệ độc lập chủ quyền, lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, đảo trong quan hệ giữa Việt Nam và các nước trong khu vực và thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu

Bài học kinh nghiệm về đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia

Thực tiễn cho thấy, chiến tranh và vũ lực không thể chấm dứt được mọi tranh chấp quốc tế. Việc sử dụng chiến tranh và vũ lực trong thế giới ngày nay là hành động không văn minh và không thông minh. Đàm phán hòa bình và hợp tác là con đường phù hợp với lợi ích của mỗi quốc gia dân tộc và toàn nhân loại.

Kể từ ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương được ký kết, quan hệ quốc tế đã chuyển sang một trang mới, nhưng với tinh thần tôn trọng lịch sử, đánh giá đúng thành công và hạn chế của Hội nghị Giơ-ne-vơ trong bối cảnh chiến trường Đông Dương và tình hình quốc tế nửa sau những năm 50 của thế kỷ XX để rút ra những bài học vẫn còn là vấn đề có ý nghĩa lịch sử sâu sắc đối với Việt Nam trong bảo vệ nền độc lập, chủ quyền lãnh thổ quốc gia trong giai đoạn cách mạng mới.

Từ Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương đến Hội nghị á-âu (xuất hiện cuối những năm 90 của thế kỷ XX), quan hệ Đông-Tây đã chuyển từ đối đầu sang đối thoại, từ quan hệ đối tượng sang quan hệ đối tác. Hòa bình, đối thoại và hợp tác là một trào lưu quốc tế, một xu thế chủ yếu của thế giới sau “Chiến tranh lạnh”. Việt Nam đã và đang hợp tác với các nước trong các tổ chức và các diễn đàn quốc tế để phát triển, đồng thời để bảo vệ hòa bình thế giới. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị á-âu (ASEM), Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) là những tổ chức khu vực và thế giới với thể chế quan hệ đối tác. Việt Nam là thành viên của các tổ chức này.

Điều bộc lộ rõ rệt trong quan hệ quốc tế hiện nay là: Không quốc gia nào muốn chuốc lấy gánh nặng cho mình, mà đều chú trọng đến lợi ích của chính mình, thậm chí có trường hợp còn áp đặt những “luật chơi” không phù hợp, làm tổn hại đến lợi ích của nước khác. Một số nước lớn có trình độ phát triển cao đang khống chế các tổ chức toàn cầu, áp đặt những quy chế và phương thức hoạt động không bình đẳng, gây thiệt hại cho những nước chậm phát triển. Nhiều nước lớn vẫn luôn thi hành chính sách áp đặt và cường quyền. Lợi dụng việc cho vay vốn, các nước lớn có khả năng gây sức ép về chính trị. Trên thế giới vẫn còn khá phổ biến chính sách dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để can thiệp vào công việc nội bộ của những nước khác. Để giải quyết các quan hệ quốc tế trong quá trình hội nhập “phải đảm bảo các nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực; bình đẳng và cùng có lợi; giải quyết các bất đồng và tranh chấp bằng thương lượng hòa bình; làm thất bại mọi âm mưu và hành động gây sức ép, áp đặt và cường quyền”. Để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, các nước chậm phát triển đang tập hợp lực lượng, đấu tranh chống sức ép của các nước phát triển, nhằm thiết lập một trật tự kinh tế thế giới công bằng. Đó chính là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh trong cùng tồn tại hòa bình.

Hội nhập quốc tế là hiện thực khách quan làm tăng tính tùy thuộc vào nhau giữa các quốc gia dân tộc. Sự hợp tác đa phương hóa, đa dạng hóa trở thành tất yếu trong việc giải quyết những vấn đề thuộc về chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Sự hợp tác ngày càng gia tăng, đi đôi với cạnh tranh ngày càng gay gắt. Trong khi điểm xuất phát của Việt Nam còn ở mức thấp về trình độ kinh tế và công nghệ, tham gia vào các tổ chức quốc tế là tham gia những “sân chơi” với những “luật chơi” đã được định sẵn, và không bao giờ lợi ích được chia đều cho các bên tham gia. Hội nhập quốc tế vừa là quá trình hợp tác, vừa đấu tranh và cạnh tranh, vừa có nhiều cơ hội, vừa không ít thách thức.

Tình hình hiện nay, trên cơ sở thắng lợi và bài học lịch sử về Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954, tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; xuất phát từ tình hình, nhiệm vụ cách mạng, yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Đảng ta chỉ rõ: Mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là: “Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển, đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”(*).

Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực hiện nay, không cho phép chúng ta tách mình biệt lập với cộng đồng thế giới, mà phải chủ động tham gia hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, chủ động khai thác những thuận lợi từ bên ngoài, dựa vào những tập hợp lực lượng có lợi, hạn chế những tác động tiêu cực. Quá trình đó được kết hợp chặt chẽ với yêu cầu tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Thông qua hội nhập quốc tế, khu vực các nước ASEAN để tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Như vậy, cả lý luận và thực tiễn có thể khẳng định: Thắng lợi ở Hội nghị Giơ-ne-vơ là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam; bằng đường lối đối thoại độc lập, tự chủ, và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh; bằng nội lực của dân tộc và sự khôn khéo tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận tiến bộ trên thế giới để có bước đột phá chiến lược có kết quả thuận lợi, tạo cục diện quốc tế có lợi cho nước ta trong một bối cảnh phức tạp về bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đây là bài học kinh nghiệm về đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền còn mang tính thời sự nóng hổi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong giai đoạn mới.

Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu

...
  • Tags: