PLQL - Sau khi nhận được 100 tấn xi măng từ phía Công ty cổ phần xi măng Bỉm Sơn hỗ trợ, UBND xã Xuân Cao đã cùng với một số thôn trên địa bàn đem hơn 20 tấn vào gửi tại cửa hàng VLXD của cháu ruột Chủ tịch UBND xã, khiến dư luận đặt ra hàng loạt câu hỏi nghi vấn?
Qua thông tin phản ánh của người dân trên trên địa bàn xã Xuân Cao, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá về nghi vấn một số lượng lớn xi măng sau khi UBND xã nhận hỗ trợ từ Công ty cổ phần xi măng Bỉm Sơn, đã đem vào cửa hàng VLXD của cháu ruột Chủ tịch UBND xã cất giữ rồi đem đi bán, chúng tôi đã vào cuộc xác minh vụ việc.
Tìm hiểu cho thấy: Thực hiện kết luận số 590-KL/TU ngày 08/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá về việc sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đai tại các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2021-2025 và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Huyện uỷ Thường Xuân tại Hội nghị Ban Thường vụ ngày 23/9/2021; UBND huyện Thường Xuân đã xây dựng Kế hoạch tiếp nhận và phân bổ xi măng do Công ty cổ phần xi măng Bỉm Sơn hỗ trợ.
Kế hoạch tiếp nhận và phân bổ xi măng của UBND huyện Thường Xuân về các xã
Tổng số lượng xi măng được hỗ trợ trên địa bàn huyện là 500 tấn, trong đó: Xã Yên Nhân 250 tấn; xã Bát Mọt 150 tấn; xã Xuân Cao 100 tấn. Số xi măng được hỗ trợ này sẽ dùng vào việc sửa chữa, nâng cấp đường giao thông, kênh mương, kè chống sạt lở góp phần đầu tư hạ tầng các khu tái định cư tập trung, liền kề, phòng chống thiên tai và lồng ghép xây dựng nông thôn mới.
Sau khi nhận đủ 100 tấn xi măng nói trên, UBND xã Xuân Cao đã cấp phát cho 9 thôn trên địa bàn và một phần xã để lại để đổ sân phía trước Trạm y tế. Tuy nhiên, trong số đó có một số thôn đã không đem xi măng về hoặc chỉ đem về một phần, phần còn lại gửi lại tại cửa hàng VLXD của cháu ruột Chủ tịch UBND xã Xuân Cao cùng với số xi măng của xã (?).
Trao đổi với chúng tôi vào sáng ngày 7/1/2022, ông Lê Bá Tiến – Chủ tịch UBND xã Xuân Cao cho biết: Bọn em vẫn đang còn gửi trong kho, các thôn do dịch nên vẫn chưa làm, trong đó: Thôn Quyết Thắng gửi 10 tấn, thôn Quyết Tiến gửi 5 tấn và UBND xã gửi hơn 10 tấn. Ông cũng thừa nhận kho đó là của cháu ruột mình tên Tuấn, hiện đang kinh doanh VLXD. Đồng thời lý giải: Người dân thấy gửi ở đó là không khách quan, nhưng không có kho nên tạm gửi ở đó, họ cứ tưởng thằng cháu em làm thế nọ, thế kia? Rồi mang xi măng đi bán? Còn anh nào chưa làm đến thì cho vay (?).
Lượng xi măng nói trên đang được gửi tại kho của cháu ruột Chủ tịch UBND xã Xuân Cao
Ở một tình huống khác, ông Tiến khẳng định: Nếu anh nào cho vay vài tạ mà cửa hàng đã bán đi thì sau cũng trả bằng đúng mác xi ấy thôi! Chứ thực ra bọn em không chỉ đạo việc này và cũng không có tư lợi ở đây!
Liên quan đến vụ việc, chúng tôi cũng có buổi làm việc với ông Nguyễn Ngọc Biên – Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân (người được giao phụ trách chương trình, kế hoạch nói trên). Qua trao đổi, ông Biên nhận định việc làm này của xã là không đúng và việc gửi xi măng ở cửa hàng VLXD là cách biện hộ. Ông cũng khẳng định ngày mai sẽ cho anh em xuống kiểm tra ngay và lập biên bản sự việc.
Ở một diễn biến khác, ghi nhận tại kho VLXD của cháu ruột Chủ tịch UBND xã Xuân Cao hiện có khoảng hơn 10 tấn xi măng, tính cả một phần xi măng Hoàng Long (loại không có trong danh mục hỗ trợ). Trong khi đó theo số liệu ông Tiến cung cấp thì số lượng xi măng đang gửi tại kho này phải là hơn 25 tấn (?). Vậy có hay không một số lượng xi măng đang gửi đã được bán đi?
Thiết nghĩ các đơn vị chức năng, đặc biệt là UBND huyệnThường Xuân cần sớm vào cuộc kiểm tra vấn đề nêu trên và xử lý sai phạm nếu có. Qua đó đảm bảo tính minh bạch và tạo niềm tin cho người dân về sự việc nêu trên đối với chính quyền xã. Đặc biệt là nâng cao hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện Kết luận số 590-KL/TU ngày 8/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Huyện uỷ Thường Xuân tại Hội nghị Ban Thường vụ ngày 23/9/2021./.