PLQL - Không chỉ bị các anh học lớp trên nhiều lần hành hung đến thâm tím mặt mày mà còn bị đối đãi bằng những hành động theo kiểu “đàn anh, đàn chị”, “ma cũ bắt nạt ma mới”, khiến nhiều em học sinh lớp 10 luôn sống trong tâm trạng lo sợ, đó là những gì mà phụ huynh học sinh Trường PTTH Dân tộc Nội trú tỉnh Thanh Hoá phản ánh tới chúng tôi.
Trong những ngày qua, Toà soạn Việt Nam Hội Nhập - Cơ quan đại diện Thanh Hoá đã nhận được phản ánh từ phía anh Thiều Ngọc Anh, trú tại thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá, là bố đẻ của em Thiều Sỹ Việt Dũng, học sinh lớp 10G, Trường PTTH Dân tộc Nội trú tỉnh về việc vào lúc 12 giờ đêm ngày 27/11/2021, con trai anh bị các anh học lớp 11 cùng trường, gõ cửa phòng ngủ rồi lôi ra ngoài đánh đến thâm tím mặt và tụ máu ở mắt. Điều đáng nói là em Thiều Sỹ Việt Dũng chỉ mới nhập học được một thời gian ngắn nhưng đã bị đánh tới 3 lần. Và anh cũng đã có 2 lần lên báo cáo sự việc với Ban Giám hiệu nhà trường, nhưng vấn đề vẫn không được ngăn chặn. Ngoài việc con trai mình bị đánh, anh Thiều Ngọc Anh còn phản ánh hàng loạt những sự việc bất thường hiện đang tồn tại ở ngôi trường này, như: Các anh lớp trên bắt các em lớp 10 phải giặt quần áo cho mình, nếu không giặt sẽ bị đánh; bán đồ uống cho các em lớp 10 với giá cắt cổ, nếu không mua sẽ bị đánh; chào hỏi các anh không đến nơi đến chốn cũng bị đánh; khi đi xuống căng tin ăn cơm, các em lớp 10 không được đi phía trong sân mà bắt phải đi vòng ra phía sau; không cho các em lớp 10 chơi thể thao, nếu chơi thì phải mặc quần áo dài, không được mặc quần đùi, áo cộc, nếu không nghe lời là sẽ đánh…
Trường PTTH Dân tộc Nội trú tỉnh Thanh Hoá, nơi xảy ra vụ việc.
Anh Thiều Ngọc Anh giọng nghẹn ngào cho biết thêm: Lớp 10G con trai anh đang học hiện có 16 học sinh nam nhưng đã có tới 12 em bị các anh học lớp trên đánh và mỗi lần bị đánh các em đều không dám báo cho gia đình biết, vì nếu báo sẽ bị đánh tiếp.
Để làm rõ vấn đề, chúng tôi có buổi làm việc với thầy Phạm Văn Toàn – Hiệu trưởng Trường PTTH Dân tộc Nội trú tỉnh Thanh Hoá. Thầy Toàn thừa nhận việc em Thiều Sỹ Việt Dũng, học sinh lớp 10G vừa bị đánh như phóng viên trao đổi là đúng sự thật và hôm qua đã mời các em tham gia đánh em Dũng lên để làm việc. Theo thầy Toàn thì em Dũng đã bị các em lớp 11 đánh và sau khi xảy ra sự việc, nhà trường đã đưa em Dũng đi bệnh viện để kiểm tra sức khoẻ. Thầy cũng cho hay: Đây là lần thứ 2 em Dũng bị đánh mà nhà trường được biết và hôm nay nhà trường sẽ gửi giấy mời, mời phụ huynh của các em liên quan đến để làm việc, sau đó sẽ đưa ra các hình thức kỷ luật thích đáng. Riêng đối với việc các em học sinh lớp trên bắt các em lớp 10 giặt quần áo, bán đồ uống giá cắt cổ, không cho các em mặc quần đùi, áo cộc chơi thể thao… thầy Toàn hứa sẽ chấn chỉnh ngay. Thầy Toàn cũng cho rằng, việc quản lý học sinh trong thời gian qua của nhà trường có những lúc, những chỗ chưa sát sao và tới đây sẽ siết chặt việc quản lý học sinh thông qua đoàn thanh niên, bộ phận quản lý học sinh, giáo viên chủ nhiệm..
Trước thắc mắc của chúng tôi về việc đây là lần thứ 2 em Thiều Sỹ Việt Dũng bị đánh mà nhà trường nắm được, phải chăng lần đầu nhà trường xử lý kỷ luật các em đánh em Dũng chưa đủ sức răn đe? Thầy Toàn cho biết: Hiện đang có cái khó là theo Thông tư 32 của Bộ Giáo dục & Đào tạo quy định về tổ chức kỷ luật học sinh thì mức cao nhất chỉ là tạm dừng hoạt động học tập trên lớp nên các em cảm nhận thấy rằng là nhẹ.
Cần sớm xử lý bạo lực học đường tại trường PTTH Dân tộc Nội trú tỉnh Thanh Hoá. (Ảnh minh hoạ)
Xót xa cho con mình bao nhiêu, anh Thiều Ngọc Anh lại cảm thấy bức xúc bấy nhiêu trước sự quản lý lỏng lẻo của nhà trường, dẫn đến con anh mới chỉ nhập học trong một khoảng thời gian ngắn đã bị đánh tới 3 lần. Bên cạnh đó, dư luận cũng đang đặt ra hàng loạt câu hỏi về trách nhiệm của Ban Giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và nhà trường ở đâu trước những sự việc nêu trên? Đặc biệt là có hay không việc trường PTTH Dân tộc Nội trú tỉnh Thanh Hoá đang buông lỏng quản lý đến mức "không thể chấp nhận" như vậy?
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá cần sớm vào cuộc làm rõ những bất thường trên và xử lý trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật. Qua đó giúp các bậc phụ huynh yên tâm tư tưởng khi hàng ngày không có mặt bên cạnh con em mình, đồng thời giúp các em học sinh ổn định tinh thần cho việc học tập, rèn luyện khi phải sống xa gia đình trong suốt những năm theo học tại trường./.