Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng giai đoạn 1, tỉnh Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 26/10/2023; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư tại Quyết định số 532/QÐ-BNN-XD ngày 07/02/2024. Trong đó, bổ sung các nội dung công việc và kinh phí thực hiện Hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa với tổng kinh phí dự kiến gần 517 tỷ đồng, Sở NN&PTNT Thanh Hóa được giao làm chủ đầu tư Hợp phần.
Tính đến ngày 10/7/2024, Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa đã giải ngân toàn bộ kinh phí trồng rừng thay thế với giá trị là 184.636 triệu đồng, đạt 80,27% kế hoạch vốn được giao năm 2024 (230.000 triệu đồng). Kết quả giải ngân đáp ứng yêu cầu theo kế hoạch dự kiến. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn một số vướng mắc liên quan đến chỉ tiêu đất thủy lợi cũng như việc thẩm định, phê duyệt các nội dung Hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Mặt khác, dự án vốn đầu tư công thì thẩm quyền phê duyệt dự án là của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT (không thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch UBND huyện Như Xuân).
Sau khi nghe ý kiến của các sở, ngành và huyện Như Xuân, để thực hiện các phần việc theo đúng tiến độ và hoàn thành toàn bộ dự án chậm nhất vào ngày 31/12/2025 theo Quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chịu trách nhiệm toàn diện tiến độ của dự án, hàng tuần báo cáo tiến độ về UBND tỉnh. Phối hợp với Cục Quản lý xây dựng công trình-Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khẩn trương tham mưu cho Bộ thay đổi Quyết định số 532 ngày 7/2/2024, trong đó có hợp phần trồng rừng thay thế, hỗ trợ đền bù, xây dựng khu tái định cư, nhất là các chỉ tiêu về thông số kỹ thuật, đất đai, làm cơ sở để thực hiện đền bù.
Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương báo cáo tham mưu cho UBND tỉnh bố trí đất thủy lợi đảm bảo diện tích 298,64 ha, điều chuyển từ các địa phương, đơn vị nhưng không làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và báo cáo trước 22/7/2024. Đồng thời, phối hợp với UBND huyện Như Xuân thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo người dân nhường đất cho dự án có cuộc sống tái định cư ổn định, tốt hơn nơi ở cũ. UBND huyện Như Xuân thành lập Ban Chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, hàng tuần báo cáo tiến độ về UBND tỉnh thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng trân trọng cảm ơn Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam đã tích cực phối hợp với tỉnh Thanh Hóa, tạo điều kiện nhường đất của Tập đoàn để tỉnh bố trí khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án./.
Hải Nam