Thời gian qua, tình hình cháy nổ trên toàn quốc và địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, nhất là cháy, nổ tại các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, nhà cao tầng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà xưởng sản xuất trong các khu công nghiệp, phương tiện giao thông... gây thiệt hại lớn về người, tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, môi trường đầu tư và an sinh xã hội. Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH trong năm 2023, toàn quốc xảy ra 3.440 vụ cháy, làm chết 146 người, bị thương 109 người, thiệt hại về tài sản sơ bộ ước tính khoảng 878 tỷ đồng, 236 ha rừng và xảy ra 16 vụ nổ, làm 11 người chết, bị thương 27 người. Tại tỉnh Thanh Hóa xảy ra 106 vụ cháy, làm 05 người chết, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 6,7 tỷ đồng, 03 ha rừng trồng, 3,5 ha mía. Qua tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC và CNCH cho thấy việc chấp hành các quy định về PCCC của người đứng đầu cơ sở chưa đảm bảo theo quy định, người dân còn chủ quan, lơ là chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCCC,...Bên cạnh đó, có tình trạng cơ quan quản lý chưa làm hết trách nhiệm trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCCC trên địa bàn.
Những ngày giáp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng cường sản xuất để hoàn thành kế hoạch; nguyên vật liệu, hàng hóa tập kết lớn, việc tiêu thụ điện, nhiên liệu tăng cao. Thêm vào đó, đây là thời điểm miền Bắc đang là mùa khô, nhiệt độ trong không khí giảm mạnh, vật liệu khô nên rất dễ bắt cháy càng làm tăng nguy cơ cháy, nổ, dễ xảy ra những vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng. Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế các nguy cơ dẫn đến cháy, nổ trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh Thanh Hóa ban hành Công văn số 222/CAT-PC07 ngày 19/01/2024, đề nghị Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo và tổ chức thực hiện một số nội dung sau:
Tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về tăng cường công tác PCCC và CNCH, trọng tâm là Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới; Công điện số 220/CĐ-TTg ngày 05/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác PCCC. Bảo vệ các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; các mục tiêu, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Luật PCCC; Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy”; Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy và các văn bản chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác PCCC và CNCH.
Tăng cường công tác kiểm tra, duy trì việc bảo đảm an toàn PCCC tại trụ sở đơn vị; chỉ đạo tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC theo địa bàn, lĩnh vực. Chỉ đạo tăng cường kiểm tra công tác thường trực PCCC của lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở và các điều kiện phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ. Ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn tăng cường công tác PCCC và CNCH, tổ chức ký cam kết, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC, phòng ngừa từ xa không để xảy ra cháy, nổ lớn. Yêu cầu các cơ sở, cụm dân cư tăng cường lực lượng bảo vệ, tuần tra đảm bảo an toàn PCCC trong mùa hanh khô, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các lễ hội Xuân năm 2024.
Tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả, nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn người dân và cơ sở cài đặt, đăng ký sử dụng ứng dụng “Báo cháy 114”. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cơ bản về PCCC và CNCH trên địa bàn toàn tỉnh, trên các phương tiện thông tin đại chúng và cổng thông tin điện tử Công an tỉnh, Cục C07. Tổ chức các tuyên truyền, trải nghiệm thực hành chữa cháy và CNCH cho người dân.
Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân PCCC giai đoạn 2021 - 2025”, đẩy mạnh phát động sâu rộng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy theo phương châm bốn tại chỗ, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC, CNCH, kỹ năng thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ, tai nạn, sự cố trên các phương tiện thông tin đại chúng, trực tiếp tại cơ sở.
Chủ động hoàn thiện các tình huống, phương án chữa cháy, CNCH bảo đảm phù hợp với đặc điểm, tính chất nguy hiểm cháy, nổ của từng loại hình cơ sở. Tăng cường công tác thực tập phương án chữa cháy phối hợp với lực lượng cơ sở; bảo đảm công tác thường trực chiến đấu, sẵn sàng về lực lượng, phương tiện ứng phó, xử lý tốt các tình huống, vụ việc đột xuất, phức tạp xảy ra.
Chủ động phối hợp trong công tác triển khai phương án PCCC rừng, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát về PCCC rừng. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ và PCCC rừng; đặc biệt hướng dẫn người dân khi xử lý đốt thực bì làm nương rẫy, trồng rừng, các hoạt động sử dụng lửa để đốt ong trong và ven rừng phải đảm bảo an toàn PCCC.
Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác PCCC và CNCH tại các đơn vị, địa phương, tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác PCCC và CNCH tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ cao. Duy trì công tác tự kiểm tra an toàn PCCC và CNCH nhằm phát hiện và khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy, nổ, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà./.
Hải Nam