Các Bộ, ngành, địa phương bảo đảm hoàn thành Đề án vị trí việc làm trước ngày 31/3/2024
Tại Thông báo trên, Phó Thủ tướng đánh giá cao sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là vai trò điều phối, theo dõi, đôn đốc của Bộ Nội vụ để đạt được những chuyển biến tích cực trong thời gian qua, nhất là việc hoàn thành ban hành khung pháp lý cho việc xây dựng và phê duyệt Đề án vị trí việc làm. Theo đó, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp và Thông tư hướng dẫn xác định cơ cấu ngạch công chức; 20/20 bộ, ngành đã ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành và 15/15 bộ, ngành đã ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý, chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Xây dựng, quản lý vị trí việc làm là việc khó khăn, nhạy cảm, phức tạp nhưng là nhiệm vụ chính trị phải thực hiện, góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, là cơ sở để thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, tạo động lực và phát huy tính sáng tạo, tâm huyết của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi công vụ.
Các Bộ, ngành, địa phương bảo đảm hoàn thành Đề án vị trí việc làm trước ngày 31/3/2024
Để triển khai đồng bộ việc xây dựng, quản lý vị trí việc làm ở các bộ, ngành và địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng Đề án và phê duyệt vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị mình, chủ động lựa chọn phương thức triển khai phù hợp, đẩy mạnh phân cấp trong khuôn khổ quy định của pháp luật, bảo đảm tuân thủ các chủ trương, nguyên tắc của Trung ương, đồng thời, bảo đảm tính linh hoạt, tinh thần là khó tới đâu gỡ tới đó, không cầu toàn nhưng không được chủ quan, hời hợt, mục tiêu là đạt chất lượng cao nhất, bảo đảm hoàn thành trước ngày 31 tháng 3 năm 2024.
Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện việc xây dựng Đề án vị trí việc làm. Trường hợp có vướng mắc thì khẩn trương tổng hợp, gửi đến Bộ Nội vụ, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực trước ngày 18 tháng 12 năm 2023 để giải đáp, hướng dẫn.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tăng cường công tác phối hợp đa chiều, dọc - ngang, trên - dưới, giữa Trung ương với địa phương, giữa các bộ, ngành và giữa các địa phương với nhau trong triển khai thực hiện, đặc biệt là trao đổi về kinh nghiệm, về khó khăn, vướng mắc và giải pháp xử lý.
Đối với những nội dung chưa rõ, chưa thống nhất, đồng bộ trong các Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, Bộ Nội vụ, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ động, tích cực phối hợp để có giải pháp tháo gỡ ngay trong khi chưa sửa đổi, bổ sung các Thông tư này, bảo đảm việc thực hiện được thông suốt.
Kịp thời giải đáp vướng mắc trong xây dựng Đề án vị trí việc làm
Bộ Nội vụ - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo thiết lập "đường dây nóng" (hotline), sử dụng ứng dụng mạng xã hội (nếu cần) để kịp thời hướng dẫn, tiếp nhận, giải đáp vướng mắc của các bộ, ngành và địa phương; tiếp tục tăng cường trách nhiệm điều phối, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện, chủ động lựa chọn phương thức triển khai phù hợp, bảo đảm hiệu quả, kịp thời.
Đồng thời, tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành và địa phương tại Hội nghị; phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Trung ương và Cơ quan có liên quan, hoàn thiện dự thảo Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ gửi Bộ Chính trị về triển khai xây dựng, quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó lưu ý nêu rõ những việc đã làm được, những khó khăn, vướng mắc phát sinh và đề xuất kiến nghị, giải pháp cụ thể.