Việc thực hiện Quyết định số 238-QĐ/TW của Ban Bí thư ban hành “Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm”(Quy chế 238) sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
KHẲNG ĐỊNH ĐƯỢC VAI TRÒ CỦA BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG
Sau 10 năm thực hiện Quyết định số 221-QĐ/TW ngày 27/4/2009 của Ban Bí thư khóa X về “Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân” (Quy chế 221), Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ngành đã triển khai chương trình phối hợp bằng các hình thức đa dạng, như biên soạn sách, tài liệu phục vụ kịp thời, hiệu quả cho công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn cung cấp kiến thức cho cán bộ tuyên giáo các cấp. Khi có sự việc quan trọng cần phối hợp giải quyết, Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ngành đã chủ động gửi văn bản đề xuất, trao đổi. Khi có những vấn đề cấp bách, “điểm nóng” xảy ra, đã thành lập tổ công tác liên ngành để triển khai nhiệm vụ; mỗi thành viên là đầu mối phối hợp xử lý những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của ngành mình.
Quang cảnh Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định 238-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ở cấp Trung ương diễn ra ngày 15/4
Trong triển khai các nội dung phối hợp, Ban Tuyên giáo Trung ương định hướng tư tưởng và chỉ đạo hướng dẫn tuyên truyền trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, Chính phủ thường xuyên quan tâm phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương trong tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều chủ trương lớn, dự án lớn về phát triển kinh tế - xã hội trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư được gửi xin ý kiến của các ban đảng Trung ương. Các cuộc họp thường kỳ hoặc chuyên đề của Chính phủ triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội đều có thành phần các ban đảng liên quan tham dự, tham gia ý kiến và phối hợp chỉ đạo, triển khai. Đồng thời phân công lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương với lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương tham gia các hoạt động chỉ đạo thông tin tuyên truyền. Một số bộ, ngành đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương trong việc xây dựng hay triển khai các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ lớn của ngành như sơ kết Nghị quyết 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” ; Nghị quyết số 41-NQ/TW về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Chỉ thị số 38-CT/TWvề “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”... Đối với những sự việc “nóng” có yếu tố nước ngoài, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Ngoại giao; Ban Đối ngoại Trung ương đã chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương cung cấp thông tin cho các cơ quan đại diện nước ngoài ở Việt Nam và phóng viên báo chí quốc tế nhằm giúp họ hiểu rõ quan điểm, chủ trương, chính sách, giải pháp của Việt Nam; từ đó chia sẻ và ủng hộ Việt Nam.
Hằng năm, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Chính phủ, bộ, ngành liên quan ban hành hướng dẫn tuyên truyền về kinh tế - xã hội; ban hành đề cương, tài liệu tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại như: Các hướng dẫn tuyên truyền về kết quả phát triển kinh tế - xã hội; Tài liệu tuyên truyền Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế, về APEC, ASEAN, các hiệp định thương mại của Việt Nam với một số nước; tài liệu tuyên truyền chuyên sâu về phát triển kinh tế xã hội; các đề cương tuyên truyền về kết quả các kỳ họp Quốc hội, phòng, chống thiên tai, bảo hiểm xã hội, y tế, an sinh xã hội, chính sách người có công với cách mạng...
Tại các cuộc giao ban báo chí hằng tuần, Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng về các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội. Khi phát sinh những vấn đề quan trọng, “phức tạp”, “nhạy cảm” dễ bị các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị lợi dụng xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ động chỉ đạo các đơn vị chuyên môn bám sát diễn biến tình hình, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng tài liệu tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống cho nhân dân; đồng thời chỉ đạo đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, thông tin sai trái, thù địch.
Cùngvới đó, hiệu quả công tác phối hợp theo Quy chế 221 đã thể hiện rất rõ trong quá trình xây dựng, triển khai nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các dự án, đề án lớn, nhạy cảm: Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng một số đề án và tham gia tổng kết, xây dựng các nghị quyết, chỉ thị mới của Đảng; tham gia nghiên cứu, đề xuất cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ của bộ, ngành theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng và các hội nghị Trung ương qua các nhiệm kỳ. Một số bộ, ngành đã chủ động chia sẻ, cung cấp nội dung chính sách, dự án, đề án lớn có tác động trực tiếp đến tư tưởng, đời sống của đông đảo nhân dân để Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, định hướng tuyên truyền; đồng thời cử chuyên gia của bộ, ngành đến báo cáo chuyên đề tại các hội nghị giao ban công tác báo chí, hội nghị báo cáo viên, hội nghị tập huấn của Ban Tuyên giáo Trung ương về những vụ việc, vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội…
Nhiều bộ, ngành đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức các hội nghị, tọa đàm tôn vinh nhân tố điển hình vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, ngày truyền thống của ngành. Các hoạt động tuyên truyền đã góp phần tôn vinh các điển hình tiên tiến, tạo sự lan tỏa trong xã hội, là động lực thúc đẩy các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua, vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Khi có vấn đề bức xúc nảy sinh trong nhân dân, Chính phủ, các bộ, ngành đã phối hợp trao đổi với Ban Tuyên giáo Trung ương cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội, thống nhất định hướng tuyên truyền; đồng thời phối hợp tìm các biện pháp bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội góp phần ngăn chặn và giải quyết những vụ việc tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát, gây rối an ninh trật tự, phá hoại kinh tế xảy ra như: vấn đề liên quan đến quản lý đất đai ở Tiên Lãng, Hải Phòng; dự án Bô xít Tân Rai và Nhân Cơ; vụ việc phức tạp tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội; việc tụ tập đông người phản đối việc ban hành Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng xảy ra vào tháng 6/2018 tại một số địa phương...
Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ngành đã chủ động phối hợp trong giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân; nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp phù hợp trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Ban Tuyên giáo Trung ương và nhiều bộ, ngành đã phối hợp xây dựng và triển khai các đề án truyền thông nhằm tăng cường thông tin, nâng cao nhận thức, giáo dục ý thức công dân và cung cấp kiến thức pháp luật cho cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như biên soạn đề cương tuyên truyền, tài liệu hỏi - đáp, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm những vấn đề liên quan đến pháp luật và trách nhiệm công dân; phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng, qua các trang mạng xã hội, cổng thông tin điện tử; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật; tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Hiến pháp 1992 (sửa đổi), đăng tải các dự thảo luật trên các trang website để lấy ý kiến góp ý của nhân dân.
QUY CHẾ 238 VỚI NHỮNG ĐIỂM NHẤN QUAN TRỌNG
Phát huy những kết quả tích cực đạt được khi thực hiện Quy chế 221, ngày 30/9/2020, Ban Bí thư ký Quyết định số 238-QĐ/TW ban hành “Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm”. Quy chế 238 là sự cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tư tưởng trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm.
Với những điểm mới, mở rộng phạm vi, đối tượng, nội dung, Quy chế 238 thể hiện sâu sắc vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, của người đứng đầu cấp ủy; vai trò tổ chức thực hiện của cơ quan nhà nước và người đứng đầu cơ quan nhà nước; tăng cường trách nhiệm và tính chủ động từ các cơ quan nhà nước trong thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm. Quy chế 238 đã khắc phục những hạn chế của Quy chế 221, đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi triển khai, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả hơn công tác phối hợp, rất cần được người đứng đầu cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan nhà nước quan tâm chỉ đạo triển khai sớm, góp phần làm cho chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đạt kết quả cao trên thực tiễn.
Ngày 26/1/2021, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 170-HD/BTGTW về việc quán triệt và tổ chức thực hiện Quy chế 238. Trên cơ sở tinh thần của Quy chế 238, một số bộ, ngành Trung ương đã phổ biến, quán triệt quy chế để thống nhất nhận thức, hành động; đồng thời chỉ đạo cụ thể hóa việc áp dụng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Một số bộ, ngành đã chủ động dự thảo chương trình, kế hoạch, đề xuất nội dung chương trình phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và đang tiến hành nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy chế, quy định nội bộ cho phù hợp với yêu cầu chỉ đạo của Ban Bí thư và tình hình thực tế.
Tính đến thời điểm hiện tại, ở cấp Trung ương có 17/48 cơ quan nhà nước quán triệt, nghiên cứu nội dung Quy chế 238 (trong khi đó ở cấp địa phương, đã có 47/63 cấp ủy, chính quyền tổ chức quán triệt và ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện quy chế 238). Ở cấp tỉnh, nhiều cơ quan nhà nước đã chủ động đề xuất chương trình, kế hoạch phối hợp với ban tuyên giáo cùng cấp. Nhiều địa phương đã tổ chức lễ ký kết và đang triển khai chương trình, kế hoạch phối hợp năm 2021, giai đoạn 2021 - 2025 và các chương trình phối hợp chuyên đề khác.
QUYẾT TÂM TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ QUY CHẾ 238
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề mục tiêu: “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 đã xác định: Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD. Trong 5 năm tới (2021 - 2025), Việt Nam xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân đạt khoảng 6,5-7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD.
Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo báo cáo tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định 238-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ở cấp Trung ương.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, các cấp, ngành từ Trung ương tới địa phương phải triển khai thực hiện nhiều chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước được cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch, dự án, đề án lớn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại... Trong quá trình đó, có nhiều vấn đề mới đặt ra, tác động nhiều mặt đến tư tưởng, tình cảm, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đòi hỏi phải được giải đáp và giải quyết ngay từ khâu đề xuất chủ trương, chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án cho đến khi xây dựng, triển khai và sau khi kết thúc kế hoạch, chương trình, dự án… Do vậy, việc phối hợp chặt chẽ giữa ban tuyên giáo các cấp với các cơ quan nhà nước cùng cấp trong thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là thực sự cần thiết nhằm tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện tốt chủ trương, đường lối phát triển đất nước; phòng ngừa và giải quyết kịp thời các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm.
Việc ban hành và triển khai thực hiện Quy chế 238 nhằm góp phần hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đồng thời sẽ hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng qua các nhiệm kỳ về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng trong tình hình mới, giúp các cơ quan phối hợp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được phân công. Để triển khai thực hiện hiệu quả Quy chế 238, Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan nhà nước cấp Trung ương tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục tổ chức quán triệt thực hiện nghiêm túc Quy chế 238, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan nhà nước, nhất là người đứng đầu các cơ quan đơn vị. Theo đó, Đảng đoàn Quốc hội, ban cán sự đảng Chính phủ, ban cán sự đảng các bộ, cơ quan ngang bộ, Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân Tối cao, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt Quy chế 238 tới cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên trực thuộc.
Thứ hai, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước, đặc biệt là người đứng đầu, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị về kết quả công tác phối hợp thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, Nhân dân quan tâm.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên giáo trong quá trình phối hợp triển khai Quy chế 238; chỉ đạo đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, bịa đặt, xuyên tạc, kích động gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, kịp thời tham mưu, đề xuất với Ban Bí thư Trung ương Đảng giải pháp phòng ngừa xảy ra “điểm nóng”, giải quyết những vấn đề bức xúc của Nhân dân. Trong đó, các cơ quan Nhà nước cần cung cấp sớm, đầy đủ, trung thực các thông tin “nóng”, nhạy cảm, chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, sẵn sàng có phương án xử lý các tình huống xảy ra.
Thứ tư, nâng cao tinh thần trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan nhà nước nêu trong Quy chế 238. Phát huy cao độ vai trò của các cơ quan giữ vai trò đầu mối phối hợp, thường xuyên trao đổi, tổ chức triển khai thực hiện tốt các nội dung và trách nhiệm theo Quy chế 238 để thống nhất chỉ đạo, định hướng tuyên truyền, trước khi công bố thông tin về vụ việc theo quy định của pháp luật trên báo chí, trang thông tin điện tử, các ấn phẩm sách, báo, tài liệu và phổ biến trong hội nghị…
Thứ năm, đẩy mạnh công tác phối hợp trong xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội; khi triển khai các chương trình, dự án, đề án lớn, nhạy cảm có tác động đến đông đảo người dân; khi xây dựng và tổng kết các nghị quyết, chỉ thị liên quan phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp trong dự báo, nắm bắt dư luận xã hội, các vấn đề bức xúc của nhân dân; phối hợp giải quyết có hiệu quả những vướng mắc trong triển khai thực hiện chủ trương, chính sách; phối hợp trong công tác khen thưởng, biểu dương, tuyên truyền nhân rộng điển hình tiên tiến; khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện Quy chế 238.
Thứ sáu, chú trọng công tác đôn đốc sơ kết, tổng kết việc thực hiện công tác phối hợp giữa 2 bên. Theo đó các cơ quan nhà nước ở Trung ương thực hiện nghiêm chế độ báo cáo kết quả thực hiện Quy chế 238; kết quả công tác phối hợp phải được coi là một tiêu chí khi xem xét thành tích chuyên môn của tập thể, cá nhân; xử lý nghiêm tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm túc các nội dung của Quy chế 238; khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân thực hiện có hiệu quả./.
Phan Xuân Thuỷ
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương