Doanh nghiệp vốn được xem là “hạt nhân” để thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập hiện nay, vai trò ấy lại càng được thể hiện rõ nét. Tuy nhiên, để thu hút lực lượng doanh nghiệp vào lĩnh vực này không phải là điều dễ dàng khi nông nghiệp vốn là ngành tồn tại nhiều rủi ro bởi tác động của thiên tai, dịch bệnh.
Nhìn lại bức tranh doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp những năm gần đây có thể thấy, lực lượng doanh nghiệp ngày càng tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đồng thời, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Tuy nhiên, so với tiềm năng hiện nay, ngành nông nghiệp vẫn cần nhiều hơn nữa sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.
Doanh nghiệp đang thể hiện vai trò ngày càng lớn đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam (Ảnh: BT)
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong năm 2020, số doanh nghiệp nông nghiệp được thành lập mới 1.055 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên trên 13.280 doanh nghiệp. Nếu so sánh với con số 134,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của cả nước trong năm 2020 thì đây vẫn là con số rất khiêm tốn, cho thấy, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp hiện vẫn đang rất thấp.
Trong bối cảnh hiện nay, để thực hiện mục tiêu của ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới: “Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nông thôn mới phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có” càng đòi hỏi nhiều hơn sự tham gia và thể hiện vai trò của các doanh nghiệp. Chính các doanh nghiệp sẽ là những người mở đường để ngành nông nghiệp Việt Nam từng bước tiến lên, khẳng định vị thế trên thế giới và từ đây, mang lại hiệu quả sản xuất, gia tăng thu nhập cho người nông dân.
Thực tế vai trò của doanh nghiệp thể hiện rất rõ trong những năm gần đây khi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào ngành nông nghiệp đã mang lại những hiệu quả rõ nét, đưa giá trị và thương hiệu của sản phẩm Việt Nam không chỉ đáp ứng cho người tiêu dùng mà còn “chinh phục” thị trường thế giới. Tiêu biểu, như Vinamilk với hệ thống 12 trang trại đạt chuẩn quốc tế trải dài trên cả nước và 1 tổ hợp trang trại bò sữa tại Lào quản lý xấp xỉ 150.000 con bò sữa, giúp cung ứng cho thị trường trên 1 triệu lít sữa tươi nguyên liệu/ngày. Sản phẩm của Vinamilk không chỉ được người tiêu dùng trong nước đón nhận mà còn được xuất khẩu khắp các nước như: Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Canada,…Đồng thời, Vinamilk đang không ngừng mở rộng tiềm năng, mới đây đã nhập thêm hơn 2.100 con bò thuần chủng từ Mỹ, gia nhập vào đàn bò tại trang trại mới ở Quảng Ngãi.
Hoặc Tập đoàn TH, đơn vị đi sau Vinamilk về sản xuất sữa nhưng đã cho ra nhiều sản phẩm sữa thuyết phục khẩu vị của người tiêu dùng, đặc biệt, trong tháng 10/2020 vừa qua, lô sữa TH đầu tiên đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Với sự kiện này đánh dấu bước phát triển của Tập đoàn và của ngành sữa Việt Nam, tiếp tục chinh phục thị trường lớn của thế giới.
Tập đoàn TH đã đầu tư trồng rau củ quả sạch với công ty FVF tại Nghĩa Đàn, Nghệ An.
Những kết quả trên thể hiện rõ vai trò đi đầu, dẫn đường của doanh nghiệp để cho ra đời những sản phẩm nông nghiệp mang lại giá trị cao. Về vấn đề này, chính một vị nguyên lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) từng khẳng định, chỉ cần 10 doanh nghiệp thực sự lớn đầu tư vào thì chắc chắn bộ mặt của ngành chăn nuôi của nước ta sẽ rất khác.
Trước bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, dĩ nhiên, ngành nông nghiệp cũng nằm trong bối cảnh chung chịu sự tác động, cùng với việc những khó khăn nội tại khi chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, dịch bệnh thì để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp, đòi hỏi Chính phủ, ngành NN&PTNT cần có những cơ chế, chính sách đột phá, thực sự hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Để doanh nghiệp thấy rõ, đầu tư vào nông nghiệp sẽ tạo ra lợi nhuận, được Nhà nước cùng chia sẻ khó khăn khi chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi rủi ro do thiên tai, mất mùa, dịch bệnh trong trồng trọt, nuôi trồng,…
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, với vai trò quan trọng của doanh nghiệp, đặc biệt trong việc phát triển, gắn kết chặt chẽ với hợp tác xã đã trở thành hạt nhân trụ cột trong liên kết với bà con nông dân, do đó, tới đây, sẽ rất cần đến các giải pháp tổng thể để khuyến khích nhiều hơn nữa doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Với vai trò quản lý của ngành, Bộ NN&PTN sẽ tham mưu với Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, đặc biệt là thủ tục hành chính. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương tạo điều kiện thông thoáng nhất, thuận lợi nhất để các doanh nghiệp được đầu tư vào khu vực nông nghiệp. Thực tế, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó, có thể kể đến Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, nêu rõ các giải pháp nổi bật như: Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư thuê, thuê lại đất, mặt nước của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư thì được Nhà nước hỗ trợ kinh phí tương đương với 20% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho 5 năm đầu tiên kể từ khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động. Hoặc hỗ trợ cơ sở chế biến nông sản, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm 60% kinh phí đầu tư và không quá 15 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án,…
Đồng thời, với Nghị quyết 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững đã nhấn mạnh: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm mạnh các rào cản về điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp, tạo sức hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Những chính sách trên cho thấy Nhà nước đang từng ngày càng quan tâm hơn tới vai trò của doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn vẫn là đưa chính sách đi vào thực tiễn để đến với những người đang có nhu cầu và tiềm năng muốn đầu tư vào ngành nông nghiệp. Đây là vấn đề rất cần được Chính phủ và đặc biệt là sự quan tâm của các địa phương để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nông nghiệp. Bởi một thực tế cho thấy, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết vẫn còn rất nhiều bất cập khi ở cấp địa phương, ngoài việc tuyên truyền thực hiện Nghị định, cấp tỉnh phải ban hành 5 chính sách, hướng dẫn theo đặc thù của địa phương mình.
Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản này đang rất chậm so với yêu cầu của Chính phủ bởi thời điểm đó chỉ có 20/63 tỉnh, thành phố ban hành chính sách đặc thù của địa phương về hỗ trợ doanh nghiệp; chưa tỉnh nào ban hành cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai (không tính các cơ chế thí điểm cũ); 3/63 tỉnh ban hành quyết định chủ trương đầu tư về danh mục dự án khuyến khích đầu tư; 5/63 tỉnh ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh; 4/63 tỉnh ban hành định mức hỗ trợ chi tiết. Ngoài ra, việc thiếu nguồn vốn để hiện thực hiện cũng làm giảm hiệu quả chính sách của Nghị định 57/2018/NĐ-CP. Do vậy, đưa chính sách vào thực tiễn là vấn đề rất cần được Nhà nước quan tâm để có các giải pháp để tháo gỡ.
Và để tạo niềm tin hơn cho các doanh nghiệp vào nông nghiệp, Nhà nước cần lắng nghe, nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh để từng bước giải quyết khó khăn, tạo niềm tin của doanh nghiệp vào Nhà nước. Đây cũng chính là một trong những giải pháp rất quan trọng để tháo gỡ cho vấn đề thu hút đầu tư vào nông nghiệp bởi doanh nghiệp sẽ là những người nắm rất rõ những vấn đề đang bất cập cần được các cấp, các ngành quan tâm tháo gỡ để từ đó thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp.
Cùng với các giải pháp trên, ngành NN&PNTT cũng cần có những định hướng về những mặt hàng nông sản Việt Nam có thế mạnh, tiềm năng, những công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm mà ngành nông nghiệp có thể tham gia hỗ trợ cùng doanh nghiệp, để từ đó có những bước tham khảo cho các doanh nghiệp khi có ý tưởng tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Một điễm nghẽn hiện nay cần giải quyết để thu hút doanh nghiệp nông nghiệp, đó là bản chất đặc thù phải chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh (trong trồng trọt và chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản) có khả năng sẽ ập tới bất kỳ lúc nào, ảnh hưởng đến sản xuất và lợi nhuận của doanh nghiệp. Chính vì vậy, Chính phủ và ngành NN&PTNT cần có những cơ chế thiết thực để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lúc gặp khó khăn, có thể lâm vào tình trạng “trắng tay”. Để từ đó, doanh nghiệp có thể yên tâm tham gia đầu tư hơn vào ngành.
Dẫu biết, đầu tư vào ngành nông nghiệp là ngành nghề gặp nhiều rủi ro và khó khăn, lợi nhuận nếu so với nhiều ngành nghề khác có thể là chưa bằng, nhưng việc đầu tư vào nông nghiệp cũng chính đang phát huy thế mạnh nổi bật của nước ta khi là nước nông nghiệp và đặc biệt hơn, tạo điều kiện sinh kế, tăng thu nhập cho người nông dân – lực lượng lớn ở khu vực nông thôn chính là những việc làm ý nghĩa mà doanh nghiệp làm được cho đất nước. Do vậy, ngành nông nghiệp càng cần hơn những cơ chế để thu hút doanh nghiệp đầu tư, đưa cơ chế, chính sách đến được với các doanh nghiệp, đi vào thực tiễn cuộc sống để không những đưa ngành nông nghiệp ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, mang lại giá trị cao mà còn mang lại những vùng quê ấm no, có thu nhập thường xuyên cho chính người nông dân lao động cần cù, “một nắng hai sương”.
Và Nhà nước cần đồng hành với doanh nghiệp, đi cùng với doanh nghiệp sẽ là giải pháp hiệu quả để thu hút tiềm lực từ khối khu vực kinh doanh đầy tiềm năng và “táo bạo” này.