Thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững nhằm tăng cường đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây (từ 4 đến 6/7/2024) đã tổ chức Hội thảo kỹ thuật “Thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững nhằm tăng cường đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam” tại Nghệ An.

Ngày 28/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 300/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030, với mục tiêu chung là Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm từ sản xuất, chế biến, phân phối đến tiêu dùng theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững, dựa trên lợi thế địa phương; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và dinh dưỡng quốc gia; nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam và toàn cầu.

Từ ngày 4-6/7/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội thảo kỹ thuật “Thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững nhằm tăng cường Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam” tại Nghệ An, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo và các đơn vị chuyên môn thuộc các Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, các địa phương (Nghệ An, Hà Tĩnh, Sơn La và Đồng Tháp) và đại diện các Tổ chức đối tác (WWF, GIZ, FAO, CIAT, CIRAD, IPSARD). Hội thảo tập trung thảo luận 03 nội dung: i) Chia sẻ các kết quả và thách thức trong quá trình triển khai Đóng góp do quốc gia tự quyết (NDC cập nhật 2022) trong lĩnh vực nông nghiệp và lương thực thực phẩm; ii) Giới thiệu và xem xét khả năng áp dụng Bộ công cụ đánh giá việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm nhằm đưa ra các mục tiêu và hành động cụ thể, đảm bảo tính thống nhất với các chính sách đã ban hành; iii) Thúc đẩy khả năng áp dụng và lồng ghép mục tiêu nông nghiệp trong NDC tại các cấp, cũng như thúc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm ở Việt Nam.

                            Lãnh đạo Vụ HTQT phát biểu tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị, bà Imelda Bacudo, thành viên Ban Chủ tịch COP28, Điều phối viên Chương trình Nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) khối ASEAN đã có tham luận Tổng quan về các mục tiêu NDCs và cập nhật tiến trình thực hiện NDCs trong lĩnh vực nông nghiệp và lương thực thực phẩm trên thế giới. Trong đó, đã chia sẻ về bối cảnh toàn cầu và khu vực cho hành động khí hậu trong nông nghiệp, với việc đánh giá về an ninh lương thực, nguyên nhân gây mất an ninh lương thực do ảnh hưởng của BĐKH; chia sẻ về Đóng góp do quốc gia tự quyết (NDCs), nhấn mạnh Thỏa thuận Paris đã thiết lập NDCs như một cơ chế quan trọng để cùng nhau đặt mục tiêu đầy tham vọng, Quy tắc Katowice đã cung cấp hướng dẫn về kế toán và khung thời gian cho NDC, với các hướng dẫn bổ sung về các tính năng của NDC đang được triển khai và 168 NDC đã được đệ trình để đại diện cho 195 bên tham gia, trong đó 153 NDC là bản mới hoặc cập nhật (NDC2.0) (tháng 11 năm 2023; tổng hợp đóng góp của NDC toàn cầu và khu vực trong lĩnh vực nông nghiệp dựa trên các phân tích của FAO về Đóng góp do Quốc gia tự quyết (NDCs), như tác động, tính dễ bị tổn thương và thích ứng trong hệ thống nông sản thực phẩm trong NDC, các biện pháp giảm nhẹ - AFOLU,…

 Chia sẻ của Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh

Hội nghị cũng được nghe chia sẻ của ông Lương Huy Quang (Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường) về Tiến trình cập nhật NDC và việc sửa đổi các chính sách liên quan (Nghị định 06) tại Việt Nam; chia sẻ của ông Trần Đại Nghĩa, trưởng phòng và bà Trương Thị Thu Trang, Phó Viện trưởng (Viện Chính sách và CLPTNNNT, Bộ Nông nghiệp và PTNT) về Mục tiêu của lĩnh vực Nông nghiệp trong NDC của Việt Nam và quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm và về Dự thảo Bộ Chỉ số Giám sát đánh giá Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống LTTP của Việt Nam; chia sẻ của bà Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng (Viện Dinh Dưỡng, Bộ Y tế) về Chế độ ăn lành mạnh để mang lại kết quả về dịnh dưỡng, sức khoẻ và ít tác động đến môi trường. Về phía các địa phương, Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh cũng có bài chia sẻ về các mô hình “Nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH” có sự tham gia của các nông hộ tại Hà Tĩnh. Nội dung các bài chia sẻ nêu trên đã làm rõ hơn về thực trạng sản xuất nông nghiệp, các ảnh hưởng do BĐKH gây ra và chế độ dinh dưỡng cho người Việt trong tương lai, từng bước định hình cho việc tăng cường Đóng góp do quốc gia tự quyết định tại Việt Nam.

      Chia sẻ của đại diện Tổ chức FAO tại Việt Nam

Bên cạnh đó, đại diện của các Tổ chức quốc tế cũng đã có những chia sẻ rất cụ thể, như chia sẻ của các đại diện tổ chức WWF Giới thiệu về Hệ thống Quản lý canh tác bền vững của Tổ chức WWF, Giới thiệu tổng quan về Bộ công cụ Food Forward NDC Tool; chia sẻ của đại diện tổ chức CIAT về Hỗ trợ triển khai kế hoạch hành động chuyển đổi hệ thống LTTP (FST-NAP); chia sẻ của đại diện tổ chức FAO về Trình theo dõi NDC của FAO SCALA; chia sẻ của bà Sarah Hertel, chuyên gia cấp cao, Nhóm Đối tác NDC,…

Sau các bài chia sẻ về các nội dung liên quan đến chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, Vụ Hợp tác quốc tế và Tổ chức WWF đã chủ trì các phiên thảo luận nhóm về các lĩnh vực can thiệp của các Bộ công cụ liên quan đến Quản lý và môi trường của hệ thống lương thực thực phẩm, sản xuất lương thực thực phẩm, chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm và tiêu thụ lương thực thực phẩm; Xác định một phương án đề xuất/khuyến nghị chính sách và phân tích các thách thức và cơ hội thúc đẩy và đóng góp cho NDC của Việt Nam; Đánh giá tác động của các thách thức, khoảng trống đã được xác định, cũng như các cơ hội trong hoạt động thúc đẩy các đề xuất - khuyến nghị trong lĩnh vực nông nghiệp và lương thực thực phẩm của Việt Nam; Thảo luận về cơ hội hợp tác,... Từ đó, đã đi đến thống nhất được một số đề xuất quan trọng trong việc tăng cường Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam trong thời gian tới.

 Các đại biểu thảo luận nhóm

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu được bố trí đi tham quan thực địa tại Trang trại sữa TH True Milk và thăm mô hình nông nghiệp thuận thiên, mô hình nông - lâm kết hợp phát thải thấp và tạo sinh kế bền vững (TBC) tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Ở đây, đoàn đã được chứng kiến các khâu trong quá trình sản xuất các sản phẩm từ sữa của Tập đoàn TH, cũng như xem các vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ cho chế biến các sản phẩm dược liệu, như cao xạ đen, bách niên kiện, cao an xoa,… của HTX Dược liệu Nghĩa Đàn.

 Đại biểu tham quan HTX Dược liệu Nghĩa Đàn

Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững nhằm tăng cường Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam” thành công góp phần không nhỏ trong việc thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với an ninh lương thực trong khu vực và thế giới; Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm là nhiệm vụ liên ngành với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội và mọi tác nhân trong toàn hệ thống lương thực thực phẩm; Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm gắn liền với phát triển nông nghiệp sinh thái, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc, góp phần nâng cao uy tín và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên toàn cầu; Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm hướng tới nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, đảm bảo khả năng tiếp cận và thụ hưởng lương thực thực phẩm lành mạnh cho mọi đối tượng và trong mọi tình huống, đặc biệt đối với khu vực khó khăn, nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương; Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm cần được thực hiện theo hướng lồng ghép các nguồn lực và thông qua các cơ chế, chính sách tạo động lực để huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước.

ThS Khuyến nông Hữu Ngọc 

...
  • Tags: