Thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ở Việt Nam

Bảo đảm quyền con người (QCN) là nghĩa vụ quan trọng của mỗi quốc gia, dân tộc trong cộng đồng nhân loại. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm thực hiện.

Bảo đảm quyền con người (QCN) là nghĩa vụ quan trọng của mỗi quốc gia, dân tộc trong cộng đồng nhân loại. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm thực hiện. Ưu tiên quyền được chăm sóc sức khỏe trong bối cảnh này đòi hỏi phải bảo đảm lương thực, thực phẩm, quyền được khám chữa bệnh... song có thể phải hạn chế một số quyền khác như quyền tự do đi lại, quyền riêng tư, quyền tự do hội họp... Điều đó cho thấy, việc bảo đảm QCN đòi hỏi mỗi cá nhân phải tôn trọng quyền của người khác, bảo đảm QCN phải gắn liền với việc thực hiện trách nhiệm của công dân với đất nước và trách nhiệm của con người với cộng động xã hội.

Từ khóa: quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền con người, bối cảnh đại dịch COVID-19.

Ảnh minh họa

1. Ưu tiên thực hiện quyền chăm sóc sức khỏe - sự lựa chọn của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Công ước Viên và Chương trình hành động 1992 đã nêu rõ: “Tất cả các quyền con người đều mang tính phổ biến, không thể chia cắt, phụ thuộc và liên quan đến nhau. Cộng đồng quốc tế phải đối xử với các QCN trên phạm vi toàn cầu một cách công bằng, với cùng một nền tảng và coi trọng như nhau”(1). Mặc dù vậy, trong những bối cảnh đặc biệt, có những quyền con người  cần được ưu tiên thực hiện và theo đó có một số quyền con người  khác bị hạn chế thực hiện(2).

Quyền con người được chăm sóc sức khỏe được nêu trong Điều 25 Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người (UDHR, 1948) “mọi người có quyền được hưởng một mức sống thích đáng, đủ để bảo đảm sức khỏe và phúc lợi của bản thân và gia đình, về các khía cạnh ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết...” sau đó quyền này  được cụ thể hóa trong nhiều Công ước quốc tế và Tuyên bố khác.

Quyền chăm sóc sức khỏe là một QCN quan trọng, là cơ sở để thực hiện nhiều QCN khác và việc thực hiện nó cũng gắn liền với các quyền con người khác như quyền sống, quyền về lương thực, nhà ở, việc làm, giáo dục, bảo vệ đời tư, tiếp cận thông tin... Nghĩa vụ quốc gia trong việc bảo đảm các QCN mà cụ thể là quyền được chăm sóc sức khỏe đã được cộng đồng quốc tế khẳng định trong một số văn bản pháp lý quan trọng.  Tại Điều 2 và Điều 3 trong “Tuyên bố về quyền và trách nhiệm của các cá nhân, nhóm và tổ chức xã hội nhằm thúc đẩy và bảo vệ các QCN và các quyền tự do cơ bản được công nhận trên toàn thế giới”(3) có nêu nội dung Nhà nước cần phải tạo ra tất cả các điều kiện cần thiết trong các lĩnh vực xã hội, kinh tế, chính trị và các lĩnh vực khác, cũng như các bảo đảm pháp lý cần thiết để có thể thực hiện được các quyền con người.

Quyền về chăm sóc sức khỏe được quy định cụ thể tại Điều 38 Hiến pháp Việt Nam năm 2013:

“1. Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.

Nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng”.

Nhà nước Việt Nam đã có một hệ thống các văn bản pháp luật phù hợp với pháp luật quốc tế về quyền được chăm sóc sức khỏe của con người, cụ thể là Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989, Luật Khám chữa bệnh năm 2009, Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi bổ sung năm 2014, Luật Dược năm 2016. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm thực hiện quyền chăm sóc sức khỏe trên thực tế ở nước ta.

Bên cạnh đó, việc đầu tư nguồn lực cho y tế vẫn luôn được quan tâm, người dân 63 tỉnh, thành cả nước cũng tương đối hài lòng với các dịch vụ công căn bản trong đó có y tế, và với 87% người dân có bảo hiểm y tế(4). Mặc dù vậy, khó khăn lớn nhất của y tế Việt Nam vẫn là nguồn lực đầu tư cho y tế.

Trên thế giới đang phải đối mặt với những con số đầy thách thức về số người chết, số người nhiễm bệnh tăng lên từng ngày. Đến nay không còn quốc gia nào có thể chủ quan trước đại dịch này. Bối cảnh đại dịch COVID-19 đã đặt ra câu hỏi cho các quốc gia trên thế giới ưu tiên quyền nào: tự do cá nhân, sức khỏe hay kinh tế?

Việt Nam, một quốc gia vẫn còn rất nhiều khó khăn về kinh tế, ngay từ khi bắt đầu có thông tin chính thức về dịch bệnh đã có lựa chọn nhất quán của mình. Khi nhiều quốc gia khác vẫn chưa thực sự chú ý tới sự tác động của dịch bệnh, Đảng và Nhà nước với quan điểm rất rõ ràng đó là bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân là nhiệm vụ quan trọng nhất thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra khẩu hiệu: “Chống dịch như chống giặc”, huy động sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Quyết định đúng đắn đó cho đến nay vẫn luôn được nhân dân trong nước ủng hộ và tin tưởng.

Các văn bản về dịch bệnh đã liên tục được Đảng và Nhà nước ban hành để chỉ đạo đối phó với dịch bệnh(5). Trên cơ sở những văn bản này, nhằm bảo vệ quyền về sức khỏe của người dân, những biện pháp mạnh mẽ đã được Chính phủ triển khai như: nhanh chóng tìm ra nguồn bệnh, chăm sóc người bệnh, tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân về dịch bệnh nhưng đồng thời là hạn chế một số quyền cơ bản khác như quyền tự do đi lại, quyền riêng tư. 

Hạn chế quyền tự do đi lại, quyền tự do hội họp, quyền riêng tư thể hiện cụ thể ở những hành động như yêu cầu cách ly tại cơ sở y tế, cách ly tại nhà, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, “giãn cách xã hội” với một số nhóm đối tượng và toàn xã hội đã được thực hiện. Việc hạn chế quyền này hoàn toàn phù hợp với pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp Việt Nam năm 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”.

Sự lựa chọn ưu tiên thực hiện “quyền được chăm sóc sức khỏe” của Đảng, Nhà nước lúc này được người dân nhiệt tình ủng hộ, điều đó có nghĩa rằng việc hạn chế một số quyền con người để ưu tiên thực hiện quyền về sức khỏe là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện tại, đúng với mục tiêu mà Đảng và Nhà nước của một quốc gia xã hội chủ nghĩa luôn hướng tới là “con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”(6).

2. Bảo đảm quyền chăm sóc sức khỏe trong hoàn cảnh nguồn lực kinh tế còn hạn chế trước đại dịch COVID-19

Bạn bè quốc tế  luôn đặt ra câu hỏi là tại sao một quốc gia còn nhiều khó khăn về kinh tế, trình độ y tế cũng chưa thực sự cao như Việt Nam, song số ca nhiễm bệnh tăng chậm, nhiều ca được chữa khỏi hoàn toàn. Câu trả lời là: Việt Nam đã có những giải pháp phù hợp và mạnh mẽ trong bối cảnh này và là quốc gia có trách nhiệm với việc thực hiện QCN.

Một  là, thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe cụ thể với các biện pháp đối phó thích hợp với đại dịch COVID-19.

Quyền được chăm sóc sức khỏe được thực hiện cụ thể bằng việc người dân được hướng dẫn chăm sóc sức khỏe ở nhà, được cung cấp số điện thoại khi cần liên lạc về sức khỏe của mình, được xét nghiệm miễn phí từ thời điểm rất sớm, trong khu cách ly người dân cũng được ăn ở miễn phí, bảo hiểm xã hội chi trả toàn bộ quá trình điều trị của người dân(7). Trong khi ở rất nhiều quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh, có hệ thống y tế tốt và phúc lợi xã hội cao hơn Việt Nam, người dân vẫn vô cùng lo lắng về những khoản có thể phải chi trả sau khi điều trị dịch bệnh thì những quyết định kịp thời của Chính phủ Việt Nam như vậy có ý nghĩa vô cùng to lớn, thiết thực trong việc bảo đảm quyền về chăm sóc sức khỏe của người dân. Điều này đã được cộng đồng thế giới ghi nhận với những nhận định tích cực: “Việt Nam cho thấy cách bạn có thể phòng chống COVID-19 với nguồn lực hạn chế”(8), “truyền thông Australia ca ngợi nỗ lực ứng phó dịch COVID-19 của Việt Nam”(9), “truyền thông Đức đánh giá cao Việt Nam hỗ trợ các nước châu Âu chống dịch COVID-19”(10).

Hai là, huy động nguồn mọi nguồn lực trong nước cho việc phòng chống dịch COVID-19.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi: “Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19”. Ngay khi có thông tin về dịch bệnh, nguồn lực dành cho y tế được ưu tiên. Các chiến sĩ, bác sĩ, tình nguyện viên tuyến đầu được quan tâm và có chế độ bảo đảm. Nguồn lực kinh tế được kêu gọi từ các nhà hảo tâm, từ cộng đồng thông qua tổng đài tin nhắn và nhiều hình thức thiết thực khác.

Nguồn gốc lịch sử của QCN gắn liền với tính nhân đạo, nhân văn và giá trị cốt lõi của QCN chính là mang đến tình yêu thương giữa con người với con người, tác động đến suy nghĩ của nhân loại về sự tôn trọng và yêu thương lẫn nhau. Tính nhân đạo và lòng yêu nước, thương nòi của người Việt Nam một lần nữa lại được thắp lửa, với rất nhiều hình ảnh đẹp của những bà mẹ Việt Nam anh hùng quyên góp gạo, tiền, may khẩu trang; những cậu bé, cô bé đang ở độ tuổi tiểu học cũng gửi tiền tiết kiệm của mình tặng chiến tuyến chống dịch; doanh nghiệp, doanh nhân sẵn sàng hy sinh lợi ích để giúp mọi người; các bác sĩ đã nghỉ hưu sẵn sàng ra chiến tuyến chống dịch dù biết rằng độ tuổi của mình nhạy cảm với COVID-19... Khắp các địa phương trên cả nước xuất hiện những bữa cơm, phần quà, khẩu trang miễn phí, ATM gạo tự động(11), những siêu thị 0 đồng(12). Đó biểu hiện tinh tuý của tình người, là giá trị người, là tính nhân đạo cao cả vốn có của con người Việt Nam.

Bốn là, thực hiện đồng bộ quyền được chăm sóc sức khỏe với quyền về lương thực, thực phẩm, bảo đảm an sinh xã hội và quyền tiếp cận thông tin và thực hiện một số giải pháp cân bằng với quyền về kinh tế.

Việc nâng cao nhận thức của người dân về kiến thức y tế, quyền và trách nhiệm công dân và quyền tiếp cận thông tin về dịch bệnh được bảo đảm. Ngay từ khi dịch bệnh xuất hiện, các phương tiện truyền thông của nhà nước đã liên tục cập nhật thông tin dưới các hình thức khác nhau. Ngày 19-2-2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 468/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona 2019 (COVID-19) trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Nhiều bài bài báo có tính khoa học cao đến các bài hát có tính tuyên truyền hấp dẫn và dễ hiểu với người dân, với “Vũ điệu rửa tay” đến thông điệp “Việt Nam không bỏ lại ai phía sau”, đã trở thành trào lưu của thế giới(13). Các mạng xã hội quen thuộc, ứng dụng trên điện thoại thông minh như NCOVI, Hà Nội Smart City... đã được sử dụng để kịp thời thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Giải pháp về bảo đảm an sinh xã hội cho người dân được thực hiện. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu xây dựng nhanh nghị quyết về gói hỗ trợ về an sinh xã hội với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” tại Nghị quyết 42 ngày 9-4-2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã được đặt ra ngay trong dịch bệnh chứ không phải đợi đến sau khi dịch bệnh kết thúc cũng được Chính phủ đặt ra(14) tại Chỉ thị 11 ngày 4-3-2020.

Năm là, tinh thần trách nhiệm cao của Chính phủ với việc thực hiện quyền chăm sóc sức khỏe trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ở trong nước và quốc tế.

Những quyết định sáng suốt, tính chịu trách nhiệm cá nhân cao của các nhà lãnh đạo được thể hiện, các cuộc họp khẩn trong đêm, các cuộc họp trực tuyến ở nhiều địa phương được thực hiện nhanh và hiệu quả. Tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được vận dụng sáng tạo, việc ngăn chặn, phát hiện, truy vết cách ly, khoanh vùng, dập dịch là chiến lược được kiên định thực hiện.

Những hình ảnh những chiến sĩ bộ đội ngủ lán, nằm rừng nhường chỗ cho đồng bào bị cách ly nhiều tháng, các chiến sĩ công an vất vả phục vụ bà con trong vùng dịch, những thanh niên tình nguyện ngủ bên vỉa hè, bờ tường; những bác sĩ, nhân viên y tế làm việc 12-15 tiếng là những hình ảnh quen thuộc trong thời gian qua ở Việt Nam, tạo nên sự ngạc nhiên và khâm phục với bạn bè quốc tế. Trách nhiệm với việc bảo vệ QCN mà cụ thể ở đây là quyền về sức khỏe của người dân được thể hiện cụ thể và nhiệt huyết như vậy trong toàn bộ hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, Việt Nam luôn xác định, chống đại dịch COVID-19 đòi hỏi tính cộng đồng nhân loại. Thông điệp đó đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi đến Hội nghị trực tuyến các Bộ trưởng Y tế khu vực Tây Thái Bình Dương với chủ đề “Đoàn kết chống COVID-19”. Việt Nam đã chia sẻ bằng tất cả những gì mình có từ nguồn lực còn hạn chế: trao thiết bị y tế giúp Lào, Campuchia chống dịch COVID-19(15), tặng 550 nghìn khẩu trang y tế cho các nước Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh(16), trao quà trị giá 50.000 USD hỗ trợ Myanmar(17)... đó là những hành động nhỏ, song chính là sự chia sẻ thiết thực với việc đảm bảo quyền chăm sóc sức khỏe trong cộng đồng nhân loại.

3. Một số bài học kinh nghiệm từ việc thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe trong đại dịch COVID-19 ở Việt Nam

Một là, nâng cao ý thức của người dân trong đại dịch

Chính quyền chỉ có thể hoạt động hiệu quả khi có sự hợp tác của người dân. Mặc dù vậy, không phải bất cứ người dân nào cũng có ý thức trong việc thực hiện quyền của mình và tôn trọng quyền của người khác.

Yêu cầu của việc phòng chống dịch bệnh đòi hỏi việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của mọi người, trong đó có những thông tin về dịch bệnh cần được chính phủ cung cấp thường xuyên, liên tục và minh bạch, bên cạnh đó những người có thể là bệnh nhân hoặc người có nguy cơ cao nhiễm COVID-19 cần phải cung cấp thông tin cá nhân và lịch trình di chuyển của bản thân cho nhà chức trách. Về phía Chính phủ, việc cung cấp thông tin về dịch bệnh đã được thực hiện một cách minh bạch, công khai, cập nhật theo ngày, thậm chí theo giờ. Đại đa số công dân đều thực hiện tốt nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, trong thời gian chống dịch tiếp theo cần yêu cầu người dân nâng cao ý thức công dân và trách nhiệm cộng đồng hơn nữa. Rất nhiều người trong cộng đồng đã lên án những cá nhân khai báo gian dối, không trung thực về lịch trình đi lại của người đã biết mình nhiễm bệnh. Điều đó có nghĩa là mọi người hiểu được việc hạn chế quyền riêng tư, quyền tự do đi lại là cần thiết trong bối cảnh này.

Song, trong một góc nhìn khác, nhiều người lại lạm dụng quyền tiếp cận thông tin, lạm dụng quyền tự do ngôn luận của con người để mổ xẻ thông tin cá nhân của người khác làm ảnh hưởng tới tự do và các giá trị nhân quyền khác. Trong khi các ca nhiễm COVID-19 được đặt tên theo số thì Bản danh sách của các bệnh nhân bệnh viện Bạch Mai bị cộng đồng mạng chia sẻ với các thông tin cá nhân như tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại và tình trạng bệnh tật của họ. Đó chính là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quyền riêng tư với một trong những thông tin nhạy cảm nhất là tình trạng bệnh tật. Tình trạng các thông tin sai lệch được đưa lên mạng xã hội gây ra sự hoang mang trong cộng đồng với hàng trăm trường hợp đã bị xử phạt(18). Việc xử phạt nghiêm minh trong thời điểm này là hết sức cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Điều đó không hề mâu thuẫn với việc bảo vệ quyền riêng tư và tự do ngôn luận của công dân, bởi lẽ trong những trường hợp vì sức khỏe của cộng đồng- lúc này là đại dịch nguy hiểm cấp độ toàn cầu thì quyền riêng tư và tự do ngôn luận là những quyền có thể bị hạn chế, và được quy định rõ trong pháp luật.

Hai là, tiếp tục tháo gỡ áp lực kinh tế và quan tâm thực hiện an sinh xã hội

Đại dịch COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng to lớn về kinh tế không cho riêng quốc gia nào. Với những quốc gia có nền kinh tế mở như Việt Nam, việc đóng cửa khẩu, dừng các chuyến bay đã mang đến những khó khăn không hề nhỏ. Sự đánh đổi giữa tính mạng, sức khỏe và tiền bạc; giữa quyền sống, quyền “được hưởng một tiêu chuẩn sức khỏe về thể chất và tinh thần ở mức cao nhất có thể được” và các quyền về kinh tế hơn lúc nào hết đã trở nên thật sự rõ rệt, nó đòi hỏi Nhà nước phải có những quyết định đúng đắn về chiến lược phát triển kinh tế, về chiến lược xuất nhập khẩu, về thời điểm kết thúc cách ly xã hội để có thể cân bằng lợi ích của người dân.

Những việc làm thiết thực đối với đời sống của nhóm người lao động nghèo như những người bán vé số đã được triển khai rất sớm, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký quyết định để thực hiện gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng đối với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong đại dịch(19). Để đáp ứng hiệu quả gói hỗ trợ này đòi hỏi sự nghiêm minh và nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, tránh tình trạng những cán bộ không chấp hành nghiêm túc quy định gây ảnh hưởng tới tâm lý cộng đồng.

Bên cạnh đó cần nâng cao tính trách nhiệm và ứng phó linh hoạt trong phòng chống dịch của người lãnh đạo và các cán bộ, công chức. Trong thời gian chống dịch vừa qua, đã xuất hiện những hình ảnh cán bộ thực hiện không nghiêm minh quy định của pháp luật, trong việc phòng chống dịch bệnh(20), mặc dù những hành vi này chưa xuất hiện nhiều song có thể ảnh hưởng tới quá trình phòng, chống dịch bệnh mà cả nước đã dày công cố gắng. Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức cần thực hiện tốt trách nhiệm của mình và tuân thủ pháp luật về phòng, chống dịch.

__________________

(1) Vienna Declaration and Programme of Action: Report of the World Conference on Human Rights, Vienna, 14-25 June 1993, UN Doc A/CONF.157/23 (1993); 32 ILM 1661 (1993), I.5.

(2) Điều 4 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị 1966.

(3) https://www.ohchr.org:   Declaration on the Right and Responsibility of Individuals, Groups and Organs of Society to Promote and Protect Universally Recognized Human Rights and Fundamental Freedoms, Adopted by General Assembly resolution 53/144 of 9 December1998.

(4) PAPI 2018.

(5) Chỉ thị Số 05/CT-TTg ngày 28-1-2020; Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 31-1-2020; Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 30-1-2020; Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4-3-2020; Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3-2020; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020.

(6) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ (năm 1991; bổ sung, phát triển năm 2011).

(7) Công văn số 505/BYT-BH ngày 6-2-2020 của Bộ Y tế.

(8) https://www.weforum.org: Viet Nam shows how you can contain COVID-19 with limited resources

(9) http://dangcongsan.vn: “Thế giới truyền thông Austrailia ca ngợi nỗ lực ứng phó dịch COVID-19 của Việt Nam”.

(10) http://dangcongsan.vn: “Truyền thông Đức đánh giá cao Việt Nam hỗ trợ các nước châu Âu chống dịch COVID-19”.

(11) https://nld.com.vn: “Truyền thông quốc tế đánh giá ATM gạo là điều khó tin có thật”.

(12) https://tuoitre.vn: “Siêu thị giá 0 đồng cho người nghèo”.

(13) https://www.msn.com: “Bài hát phòng chống COVID-19 của Việt Nam được khen trên sóng truyền hình Mỹ”.

(14) http://baochinhphu.vn: “Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trước tác động của COVID-19”.

(15)https://congthuong.vn: “Việt Nam trao thiết bị y tế giúp Lào, Campuchia chống COVID-19”.

(16) https://tuoitre.vn: “Khẩu trang Việt Nam tỏa ra thế giới”.

(17)https://baoquocte.vn: “Việt Nam trao quà trị giá 5.000 USD hỗ trợ Myamar phòng chống COVID-19”.

(18) https://tuoitre.vn:  “Hơn 654 người bị xử lý vì đăng tin thất thiệt về COVID-19”.

(19) http://quochoi.vn:  Thông cáo báo chí về phiên họp bất thường của ủy ban thường vụ quốc hội cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch covid-19.

(20) https://tuoitre.vn: “Tạm đình chỉ công tác Phó Giám đốc bệnh viện cưới vợ cho con trong mùa dịch”.

TS Trần Thị Hồng Hạnh

Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

  • Tags: