Thực trạng và giải pháp về chính sách tài chính phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với xu thế chung của thế giới, quan điểm phát triển bền vững nói chung, phát triển nông nghiệp bền vững nói riêng, ngày càng nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, được cụ thể hóa trong các nghị quyết và

Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội và có vai trò quan trọng trong nền kinh tế của nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với xu thế chung của thế giới, quan điểm phát triển bền vững nói chung, phát triển nông nghiệp bền vững nói riêng, ngày càng nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, được cụ thể hóa trong các nghị quyết và chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh minh họa

Để phát triển nông nghiệp bền vững cần có hệ thống các giải pháp tổng thể, từ xây dựng chính sách điều hành vĩ mô, đến các biện pháp về kinh tế, xã hội, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ để tăng năng suất, tạo ra nhiều sản phẩm xanh đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế..., trong đó, các chính sách tài chính luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Vì vậy, bài viết tập trung phân tích đánh giá thực trạng hệ thống chính sách tài chính phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững trong thời gian tới.

1. Một số vấn đề chung về chính sách tài chính phát triển nông nghiệp bền vững

1.1. Phát triển nông nghiệp bền vững

Khái niệm về phát triển bền vững xuất hiện từ những năm 1980 trong bản “Chiến lược bảo tồn thế giới” do Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) đưa ra. Năm 1987, trong Báo cáo Brundland, Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới (WCED) của Liên hợp quốc đưa ra định nghĩa: “Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng các nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn thương đến khả năng của các thế hệ tương lai đáp ứng các nhu cầu của họ”. Đây cũng là định nghĩa về phát triển bền vững được sử dụng phổ biến. Tại Hội nghị về môi trường toàn cầu RIO 92 và RIO 92+5, quan niệm về phát triển bền vững được các nhà khoa học bổ sung như sau: “Phát triển bền vững được hình thành trong sự hòa nhập, đan xen và thỏa hiệp của 3 hệ thống tương tác là hệ kinh tế, hệ xã hội và hệ môi trường”. Theo quan điểm này, phát triển bền vững là sự tương tác qua lại và phụ thuộc lẫn nhau của ba hệ thống nói trên.

Như vậy, phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường (BVMT). Phát triển bền vững bao gồm 4 nội dung chính: Tăng trưởng kinh tế; bảo đảm công bằng xã hội; BVMT và tôn trọng các quyền con người. Khái niệm phát triển bền vững được xây dựng trên một nguyên tắc chung của sự tiến bộ loài người - nguyên tắc bảo đảm sự bình đẳng giữa các thế hệ.

Một cấu phần của phát triển bền vững là phát triển nông nghiệp bền vững - đang là mối quan tâm toàn cầu khi thế giới đối mặt với thách thức về an ninh lương thực trong bối cảnh dân số được dự báo vượt 9,8 tỷ người vào năm 20501, trong khi tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng thể hiện rõ rệt. Theo xu hướng chung trên thế giới, các chủ trương và biện pháp nhằm phát triển nông nghiệp bền vững cần hướng đến ba mục tiêu chính: (i) Phát triển bền vững về kinh tế; (ii) Phát triển bền vững về xã hội; (iii) Phát triển bền vững về tài nguyên và môi trường. Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho rằng, để tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững (SARD), chính sách nông nghiệp, chính sách môi trường và chính sách kinh tế vĩ mô cần có sự điều chỉnh căn bản ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế.

1.2. Vai trò của chính sách tài chính đối với sự phát triển của nông nghiệp bền vững

Trong các biện pháp điều tiết vĩ mô nền kinh tế nói chung và khuyến khích sự phát triển của nông nghiệp sạch nói riêng thì chính sách tài chính (chính sách thuế, phí; chính sách chi ngân sách; chính sách tín dụng…) là một trong những công cụ rất hữu hiệu, có vai trò định hướng và điều tiết sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với yêu cầu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước trong từng giai đoạn.

Chính sách thuế đóng vai trò quan trọng trong việc huy động số thu cho ngân sách nhà nước (NSNN) và điều chỉnh kinh tế vĩ mô. Đối với phát triển nông nghiệp bền vững, thuế tác động đến mối quan hệ cung - cầu các mặt hàng nông nghiệp sạch; góp phần thúc đẩy tích tụ đất, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại; khuyến khích việc ứng dụng khoa học và công nghệ, thu hút vốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chính sách chi ngân sách góp phần phát triển cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp; đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ nhằm phát triển nông nghiệp bền vững; hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp và khắc phục khó khăn cho nông nghiệp.

Chính sách tín dụng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn cho phát triển nông nghiệp, đồng thời thúc đẩy cơ sở sản xuất nông nghiệp bền vững sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả.

2. Thực trạng chính sách tài chính phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam

2.1. Những kết quả đạt được

Mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt được những kết quả nổi bật, tiếp tục phát triển khá toàn diện trên cả ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. Hệ thống thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục được đổi mới, phù hợp và hiệu quả hơn, kịp thời bổ sung nguồn lực cho phát triển các lĩnh vực then chốt của ngành nông nghiệp. Chính sách tín dụng, thuế hướng tới đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao với nhiều ưu đãi cho nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ phát triển thủy sản; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; bảo vệ và phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp… Đây chính là đòn bẩy quan trọng tạo ra những chuyển biến cho toàn ngành nông nghiệp nói chung và là tiền đề cho sự phát triển nông nghiệp bền vững trong thời gian tới.

Hiện nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thu hút hơn 32% số lao động trong cả nước, tạo ra hơn 14,8% GDP và kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 41 tỷ USD2. Đặc biệt, tính bền vững của nông nghiệp Việt Nam được thể hiện rõ qua kết quả về môi trường nông nghiệp, nông thôn, từng bước được cải thiện. Việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt có xu hướng giảm những tác động xấu tới môi trường. Tỷ lệ thuốc bảo vệ thực vật sinh học được sử dụng có xu hướng tăng, từ khoảng 10% năm 2012 lên 20% năm 2020. Tỷ lệ phân bón hữu cơ được sử dụng cũng có xu hướng tăng, năm 2020 đạt khoảng 26,3%. Trong chăn nuôi, chất lượng thức ăn chăn nuôi và thủy sản được kiểm soát khá tốt. Việc sử dụng chất cấm được xử lý nghiêm. Các cơ sở chăn nuôi ngày càng quan tâm tới hoạt động xử lý môi trường. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, hằng năm cả nước trồng mới trên 200 ngàn hécta rừng và khoảng 50 triệu cây phân tán, diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt; tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 40,7% (năm 2012) lên 41,85% (năm 2019) và 42% (năm 2020), đạt mục tiêu của kế hoạch 5 năm đề ra (42%).

[1] Chính sách thuế, phí

Trong thời gian qua, pháp luật về thuế đã được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với điều kiện thực tế, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, trong đó chú trọng thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư, địa bàn khuyến khích đầu tư (địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao). Đặc biệt, pháp luật về thuế đã quy định ưu đãi ở mức cao nhất đối với lĩnh vực nông nghiệp nhằm khuyến khích và tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh nông nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người nông dân. Trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, chính sách thuế có vai trò quan trọng, tác động đến hầu hết các khâu, từ quá trình sản xuất các nguyên liệu, giống cây trồng và yếu tố đầu vào, đến sản xuất và tổ chức khâu phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng trong và ngoài nước, cũng như đào tạo nguồn nhân lực. Các chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế sử dụng đất, thuế xuất - nhập khẩu, thuế BVMT, thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã và đang tác động đến việc phát triển nông nghiệp bền vững.

Đặc biệt, Luật BVMT hiện hành quy định việc đánh thuế vào một số sản phẩm mà quá trình sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, lưu trữ và tiêu dùng có những tác hại nhất định đến môi trường sinh thái. Trong đó, có một số sản phẩm liên quan đến sản xuất nông nghiệp như thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng; thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng; thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng; thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng. Việc đánh thuế BVMT vào một số sản phẩm này đã thể hiện mục tiêu nhằm BVMT sinh thái, góp phần thay đổi nhận thức của con người trong việc sử dụng các loại hóa chất vào sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp sang phát triển nông nghiệp sạch trong phát triển kinh tế bền vững theo xu hướng của thế giới.

[2] Chính sách chi NSNN Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đầu tư từ vốn NSNN cũng như ưu đãi thu hút đầu tư xã hội vào khu vực nông nghiệp. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành khá đầy đủ nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, bao gồm các chính sách khuyến khích phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Vốn đầu tư cho nông nghiệp3 gồm: (i) Ngân sách trung ương dành khoản ngân sách tương đương tối thiểu 5% vốn đầu tư phát triển hằng năm4; (ii) Ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dành tối thiểu 5% vốn chi ngân sách địa phương hằng năm5; (iii) Các bộ ngành và địa phương được sử dụng nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và các quỹ hợp pháp để thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp. Về nguồn lực đầu tư, Chính phủ đã ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ NSNN, trái phiếu chính phủ và tăng cường huy động các nguồn vốn xã hội đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

[3] Chính sách tín dụng

Đảng và Chính phủ luôn xác định nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn, do đó đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này, như: (i) Chính sách hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất nông nghiệp6. Theo đó, Ngân sách Nhà nước (NHNN) hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn, ngắn hạn bằng VND để mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; (ii) Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp7. Đây là chương trình cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; (iii) Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn8.

Đặc biệt, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tạo sự hấp dẫn về cơ chế, chính sách, thu hút nguồn lực xã hội, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chính phủ đã yêu cầu NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ lực là các ngân hàng thương mại nhà nước, dành ít nhất 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng để thực hiện chương trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp (thấp hơn lãi suất thị trường)9.

2.2. Một số khó khăn và hạn chế

Mặc dù các chính sách tài chính hiện nay đã hướng tới việc tạo điều kiện phát triển nông nghiệp bền vững, tuy nhiên vẫn tồn tại một số hạn chế.

[1] Vốn đầu tư của NSNN cho nông nghiệp còn hạn chế, phát huy hiệu quả chưa cao

Trong thời gian qua, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, mới đáp ứng 55 - 60% nhu cầu. Bên cạnh đó, do thiếu vốn đầu tư nên cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn còn lạc hậu. Để đạt được nền nông nghiệp hiện đại, bền vững thì nông nghiệp phải được phát triển dựa trên cơ sở thủy lợi hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa, hóa học hóa, tự động hóa và sinh học hóa. Sản xuất nông nghiệp của nước ta về cơ bản vẫn dựa trên lao động thủ công là chính, tự động hóa về cơ bản chưa được ứng dụng. Cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp lạc hậu dẫn đến năng suất lao động của khu vực này thấp. Ngoài ra, do hạn chế của việc thiếu vốn đầu tư nên việc mở rộng các ngành, các lĩnh vực sản xuất trong nông nghiệp đều gặp khó khăn và diễn ra chậm.

[2] Tác động đối với việc phân bổ nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững còn hạn chế

Xét trên bản đồ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam thì dòng vốn chảy vào lĩnh vực nông nghiệp còn khiêm tốn. Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI chủ yếu tập trung vào những ngành có tỷ suất lợi nhuận cao như công nghiệp chế biến, chế tạo10; bất động sản; sản xuất phân phối điện; bán buôn, bán lẻ…; còn các lĩnh vực khác cần khuyến khích phát triển nhưng có tỷ suất lợi nhuận thấp, rủi ro cao như lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản... thì số lượng dự án đầu tư còn khá hạn chế. Số dự án đăng ký trong ngành nông, lâm, thủy sản vẫn ít và chiếm tỷ trọng vốn rất thấp trong tổng vốn đăng ký theo các năm. Tính đến hết năm 2020, vốn FDI vào nông nghiệp đạt khoảng 0,97% tổng vốn FDI vào Việt Nam, trong khi mức trung bình toàn cầu là 3% của tổng vốn FDI11.

[3] Chưa thu hút được nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp

Để có thể chuyển đổi từ nền nông nghiệp dựa vào tài nguyên, lao động thủ công, sản xuất nhỏ lẻ sang nền nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị sản phẩm thì việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nắm bắt được công nghệ, kỹ thuật tiên tiến là rất cần thiết. Tuy nhiên, các chính sách thuế, đặc biệt là thuế TNCN chưa có những ưu đãi đặc biệt cho các nhân lực làm trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch nói riêng.

[4] Việc tiếp cận tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp nhỏ và hộ dân còn khó khăn

Đối tượng được vay vốn ưu đãi nông nghiệp còn hạn chế. Cụ thể, các đối tượng muốn tiếp cận vốn ưu đãi đối với nông nghiệp công nghệ cao phải thỏa mãn các tiêu chí của Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017, trong khi Quyết định này chỉ đưa ra tiêu chí đối với các đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trong khi đó, để phát triển được nông nghiệp công nghệ cao thì thị trường tiêu thụ sản phẩm (sản xuất và cung ứng theo chuỗi) cũng có ý nghĩa quyết định. Do đó, việc chỉ đưa ra các ưu đãi về vốn vay đối với người trực tiếp sản xuất mà bỏ qua các khâu còn lại trong trong chuỗi cung ứng cũng gây khó khăn cho quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Các mô hình liên kết số lượng còn ít, chưa hiệu quả nên cũng khó tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi. Bên cạnh đó, các dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp liên kết chưa có phương án sản xuất - kinh doanh khả thi, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định để ngân hàng thẩm định và cho vay. Nông nghiệp là một trong các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng các cơ chế xử lý, phòng ngừa rủi ro như bảo hiểm trong nông nghiệp chưa được triển khai mạnh mẽ. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ; sản xuất theo chuỗi giá trị chưa được tổ chức và phát triển hợp lý; trình độ chế biến sâu còn hạn chế nên giá trị gia tăng thấp… Do đó, mặc dù nguồn vốn của ngân hàng luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đầu tư cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp, nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn này.

3. Một số kiến nghị về chính sách tài chính phát triển nông nghiệp bền vững

[1] Hoàn thiện các chính sách thuế hướng đến mục tiêu khuyến khích, hỗ trợ sự phát triển nông nghiệp bền vững

Đối với chính sách thuế GTGT, chuyển một số mặt hàng đang là đối tượng không chịu thuế GTGT như phân bón, tàu đánh bắt xa bờ và một số loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp (bao gồm máy cày, máy bừa, máy cấy, máy gieo hạt, máy tuốt lúa, máy gặt, máy gặt đập liên hợp, máy thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, máy hoặc bình bơm thuốc trừ sâu) sang đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%; chuyển các loại máy móc, thiết bị khác sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất thông thường 10%. Việc chuyển đổi này giúp các doanh nghiệp sản xuất phân bón, đóng tàu và những máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào, làm giảm chi phí, từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón, sản xuất - kinh doanh máy móc thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ. Bổ sung ưu đãi miễn, giảm thuế TNCN đối với một số đối tượng nhằm thu hút nguồn lực tri thức và tài chính của cá nhân tham gia vào quá trình phát triển nông nghiệp. Theo đó, giảm 50% thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân là nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản thuộc dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Việc bổ sung quy định này sẽ đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, đồng thời góp phần thu hút nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông sản. Để tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất nông nghiệp sạch tiếp cận thuận lợi các yếu tố đầu vào, trong đó đất đai là yếu tố quan trọng, có thể thực hiện các ưu đãi như kéo dài thời gian cho thuê đất đối với khu vực kinh tế tư nhân; ưu đãi trong chuyển nhượng, thế chấp quyền về sử dụng đất; giá thuê đất ở mức thấp nhất và miễn tiền thuê đất cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, đặc biệt là cơ sở sản xuất nông nghiệp sạch. Sử dụng công cụ chính sách thuế để hạn chế việc sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp sạch, bền vững.

Cụ thể, cần đánh thuế nhập khẩu với mức thuế suất cao, đánh thuế GTGT với mức thuế suất phổ thông, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế BVMT, đồng thời không áp dụng các trường hợp ưu đãi, miễn giảm về thuế TNDN, thuế TNCN đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các sản phẩm hóa chất gây tác động không tốt đối với con người và môi trường (theo một danh mục được quy định).

[2] Ngân sách nhà nước tiếp tục ưu tiên phát triển nông nghiệp nông thôn, thu hút các nguồn lực trong nền kinh tế đầu tư cho nông nghiệp

Chính sách đầu tư công cho phát triển nông nghiệp, nông thôn thời gian qua còn một số vấn đề đặt ra. Do đó, hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn cần tiếp tục được điều chỉnh, hoàn thiện trong thời gian tới, như tăng chi đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phân bổ NSNN bảo đảm hài hòa lợi ích của các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp với các địa phương thuần nông. Ngoài ra, để thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là thông qua hình thức PPP, cần có giải pháp đột phá nhằm tận dụng lợi thế về vốn, trình độ, năng lực quản trị và cả thế mạnh về chuỗi cung ứng của các tập đoàn hàng đầu thế giới, cũng như của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.

[3] Hoàn thiện cơ sở pháp lý và tháo gỡ các khó khăn, vuớng mắc trong các thủ tục tiếp cận vốn vay nông nghiệp

Nhà nước cần có cơ chế định giá đất nông nghiệp đối với một số địa phương theo giá thị trường để tạo điều kiện cho khách hàng có cơ sở thế chấp cho khoản vay, bảo đảm đầu tư đủ vốn cho doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp.

Các tổ chức tín dụng cần đơn giản hóa, nghiên cứu điều chỉnh linh hoạt điều kiện cho vay phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp; cải thiện điều kiện tiếp cận vốn, bao gồm cả điều kiện về tài sản thế chấp như: mở rộng cho vay đối với hộ nông dân không phải thế chấp tài sản; bổ sung đối tượng khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; xem xét nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm và kéo dài thời hạn cho vay. Trong thời gian qua, chính sách tín dụng đối với nông nghiệp ở Việt Nam hầu hết ưu ái cho khu vực chính thức và hướng vào các ngân hàng thương mại lớn. Nhà nước chưa hình thành hệ thống tín dụng quy mô nhỏ chuyên nghiệp cung ứng cho lĩnh vực nông nghiệp.

Các sản phẩm tín dụng cung ứng của các tổ chức tín dụng còn đơn điệu, chủ yếu cho vay theo nhóm, cho vay hạn mức... Bên cạnh các chính sách, ưu đãi tạo điều kiện cho khu vực tín dụng chính thức phát triển, Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi khuyến khích cho khu vực tín dụng phi chính thức.

Phát triển nông nghiệp bền vững là một hợp phần quan trọng không thể thiếu của phát triển bền vững nền kinh tế, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đồng thời là xu hướng tất yếu của thời đại. Do đó, các chính sách tài chính cần được nghiên cứu, rà soát và sửa đổi để phù hợp với bối cảnh mới của nền kinh tế - xã hội, đồng thời có thể góp phần khuyến khích lĩnh vực nông nghiệp phát triển theo các mục tiêu đã đề ra.

Tô Kim Huệ - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính

--------------------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

1. Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ (2019), Tổng luận số 7/2019 - Chính sách phát triển nông nghiệp bền vững của một số quốc gia và một số khuyến nghị cho Việt Nam trong bối cảnh mới. 2. Đàm Thị Thanh Thủy, Phí Thị Nguyệt (2018), Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng số 21/2018. 3. Đào Lan Phương (2012), Chính sách tài chính đối với sự phát triển của nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam: Thực trạng và giải pháp. 4. Đoàn Xuân Thủy (2011), Chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay. 5. Hà Linh (2020), Mở rộng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. 6. Hương Nguyễn (2020), Tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp cao nhất trong các lĩnh vực. 7. Nguyễn Đức Quỳnh (2019), Chính sách tín dụng cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2019. 8. Nguyễn Quang Thái, Bùi Trinh (2016), Thực trạng ngành nông nghiệp Việt Nam. 9. Phạm Thị Thanh Bình (2016), Phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiêu chí đánh giá và định hướng phát triển. 10. Thu Hòa (2019), Chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn - Thực trạng và định hướng. *1 Theo báo cáo của Liên hợp quốc (tháng 6/2019) *2 Theo số liệu ước tính năm 2020 của Tổng cục Thống kê và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. *3 Theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. *4 Ngân sách trung ương đầu tư phát triển hằng năm cho ngành nông nghiệp để cân đối thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, gồm: Vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; các chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư; phát triển lâm nghiệp bền vững; phát triển kinh tế thủy sản bền vững; vốn đầu tư cho ngành nông nghiệp thuộc các chương trình, dự án khác. *5 Ngân sách địa phương chi hằng năm cho ngành nông nghiệp để cân đối thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, gồm: Khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản cho các chương trình, dự án do địa phương quản lý và chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị ở địa phương được phân cấp trực tiếp quản lý trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi và phát triển nông thôn, bao gồm hoạt động phát triển nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi; xây dựng nông thôn mới và hoạt động phát triển nông thôn khác. *6 Theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ. *7 Theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 05/3/2014 của Chính phủ được NHNN ban hành tại Quyết định số 1050/QĐ-NHNN ngày 28/5/2014. *8 Theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP. *9 Theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2017. *10 Trong giai đoạn 2011 - 2019, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm từ 44 - 69,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đây cũng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong vốn đăng ký cả về đăng ký vào các dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng và góp vốn, mua cổ phần. Năm 2020, nguồn vốn FDI đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 13,6 tỷ USD, chiếm 47,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, nâng tổng số vốn đầu tư lũy kế vào lĩnh vực này là khoảng 223 tỷ USD, chiếm 58,5% tổng vốn đầu tư. *11 Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn.

  • Tags: